Linh sơn thánh mẫu bồ tát

Bà Đen, còn có tên là Linh Sơn Thánh Mẫu (靈山聖母), là một vị nữ thần của núi Bà Đen, một ngọn núi nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Bà Đen, và là ngọn núi cao nhất nam bộ, được biết đến bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại tại Tây Ninh, xứng danh Đệ nhất thiên sơn. Theo Gia Định thành thông chí, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Những bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng tên gốc là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đênh, sau gọi trại dần thành núi Bà Đen. Cũng có người gọi là núi Điện Bà. Có một thuyết bảo rằng Bà Đen bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Khơ Me, và họ gọi bà là Baden.

Cứ Tết cho tới hết tháng Giêng, ngày nào cũng có hàng vạn người dân thập phương tới vãn cảnh và cúng tài khấn lộc ở chùa núi Bà Đen.

Thần tích

Thần tích 1

Truyền thuyết thứ nhất cho rằng, ngày xưa, chủ vùng núi này là người phụ nữ Phù Nam có tên là Rê Đeng. Do người đời sau đọc trại thành Đen.

Thần tích 2

Truyền thuyết thứ hai cho rằng, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên. Mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp. Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, văn hay võ giỏi. Lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn. Trong một lần lên núi cúng thì Lý Thị Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt, toan hãm hiếp. Để giữ lòng trung trinh, nàng Hương nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi chết, Lý Thị Thiên Hương hiển thánh báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết.

Ba hôm sau, Thiên Hương báo mộng cho vị sư Trí Tân, trong hình dáng một người phụ nữ đen đúa kể lại sự tình:

– Đệ tử là Thiên Hương 18 tuổi, chẳng may bị gia nô của quan huyện Trảng Bàng vây bắt, phải nhảy xuống khe núi quyên sinh tử tiết. Nhờ căn tu kiếp trước nên xác 3 ngày vẫn còn nguyên, kính xin sư phụ xuống triền núi đông nam tìm thi hài đệ tử về mai táng giùm.

Vị hòa thượng theo lời báo mộng lên núi tìm thấy xác Thiên Hương, đem về chôn cất đàng hoàng. Vì người phụ nữ báo mộng rất đen đúa nên vị sư gọi là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính.

Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi phải chạy đến Trảng Mang Chà vùng bùng binh hiện nay. Nghe tin đồn sự tích núi Bà Đen linh thiêng, Nguyễn Ánh liền sai quan phi ngựa lên cầu nàng mách giùm cách thoát nạn. Thiên Hương báo mộng mách Nguyễn Ánh qua Xiêm tá binh để chờ sau khôi phục cơ nghiệp, đồng thời chỉ đường chạy thoát thân cho.

Câu chuyện sự tích núi Bà Đen được đồn đại đến tai Thượng Quốc công Lê Văn Duyệt. Vị quan quyết chí tìm hiểu sự thực và hứa sẽ dâng sớ với vua phong chức cho cô gái họ Lý này nếu cô hiển linh.
Một hôm, nàng Thiên Hương nhập vào xác một cô gái để trò chuyện với Quốc công:

– Hồn của thượng quan sau này sẽ được hóa thần nhờ tài đức, tuy nhiên phần xác sẽ bị hành hạ không vẹn toàn.

Vị quan thanh liêm đáp lời:

– Bổn chức không hỏi tương lai của mình, mà chỉ muốn biết căn nguyên nỗi oan của nàng.

Cô gái rưng rưng nước mắt kể lại cái chết oan khiên, theo đó do chưa chung sống với chồng, nàng đã được trở thành tiên thánh và được cử xuống phàm trần để cứu nhân độ thế. Dứt lời cô gái bất tỉnh, mãi lâu sau mới dậy.
Lê Văn Duyệt đã thay mặt vua phong cho nàng Thiên Hương làm “Linh Sơn Thánh Mẫu”, ngụ ở núi Một Cột. Từ đó núi thay tên là núi Bà Đen.

Thần tích 3

Truyền thuyết thứ ba có ghi trong quyển "Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh" rằng: Thuở mới khai hoang vùng đất, một viên quan trấn thủ vùng chân núi Một có hai người con. Người con trai tên là Thạch Biên. Người con gái là Thạch Nương, tên thường gọi là Đênh. Khi nàng Đênh 13 tuổi, có một nhà sư tên là Trung Vân Danh, đạo hiệu Trừng Thanh tìm đến lưng chừng núi Một dựng chùa thờ Phật. Mộ đạo, nàng Đênh đã xin theo nhà sư Trừng Thanh học đạo. Thấy nàng Đênh xinh đẹp, quan trấn thủ Trảng Bàng cho người mai mối xin cưới cho con trai. Khi hai gia đình chuẩn bị lễ vật cho lễ cưới thì bất ngờ nàng mất tích. Gia đình hai bên cho người tìm kiếm khắp nơi thì phát hiện một khúc chân nghi là của nàng Đênh. Mọi người đồn đoán rằng nàng Đênh đã bị cọp vồ. Gia đình mai táng khúc chân và lập mộ cho nàng dưới chân núi.