Các sự kiện văn hoá nổi bật ở việt nam năm 2024

1. Tạo đột phá mới cho lĩnh vực văn hóa

Hai hội thảo nhằm triển khai các nhiệm vụ lớn về văn hóa được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021. Hai hội thảo đã thống nhất các quan điểm, chủ trương, giải pháp để các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai mang đến đột phá mới cho lĩnh vực văn hóa; để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

2. Di sản văn hóa Việt Nam được thế giới vinh danh

Tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Maroc, ngày 29-11, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. UNESCO đã ghi nhận giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm liên quan đến sự trao đổi, tương tác giữa các cá nhân trong cộng đồng thông qua lao động và hoạt động xã hội, nâng cao vai trò của phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại; bên cạnh đó là những giá trị gắn với nghệ thuật diễn xướng dân gian, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến tổ tiên nghề gốm Chăm.

Trước đó, hai di sản tư liệu: “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

3. Đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo”

Việc đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa bảo đảm tính toàn vẹn của di sản văn hóa-một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

4. Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh năm 2022, tạo cú huých mới cho điện ảnh Việt Nam

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh năm 2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Luật Điện ảnh năm 2022 được ban hành đã khắc phục được các hạn chế về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, khắc phục bất cập về một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật, như: Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; quản lý phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; giải thưởng điện ảnh Việt Nam, quốc tế trong và ngoài nước, cùng chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

5. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI

Với chủ đề: “Điện ảnh-nhân văn, thích ứng và phát triển”, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI diễn ra từ ngày 8 đến 12-11-2022 tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 800 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 123 bộ phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không chỉ là sự kiện văn hóa, điện ảnh quan trọng, liên hoan còn là hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ, quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách thông qua hình ảnh Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, thanh bình được UNESCO vinh danh là Thành phố sáng tạo, từ đó định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật gắn với tầm nhìn phát triển văn hóa xã hội bền vững.

6. Việt Nam ghi dấu ấn tại SEA Games 31

Quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra từ ngày 12 đến 23-5-2022 gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, song Việt Nam đã tổ chức thành công đại hội trên tinh thần an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu ấn tượng khi đứng thứ nhất toàn đoàn với tổng số 446 huy chương các loại. Đóng góp vào thành công chung tại SEA Games 31, Đoàn thể thao Quân đội đã giành được 26 huy chương vàng, 15 huy chương bạc, 8 huy chương đồng. SEA Games 31 được nhìn nhận thành công trên nhiều phương diện từ tổ chức, điều hành, chuyên môn đến hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước.

7. Cột mốc lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam

Ngoài việc bảo vệ thành công tấm huy chương vàng tại SEA Games 31, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam còn gây tiếng vang khi lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền tham dự Vòng chung kết World Cup nữ 2023. Bất chấp việc sức khỏe của các cầu thủ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung đã đoàn kết, vượt khó để lập nên chiến tích vẻ vang. Sau chiến tích trên, các tuyển thủ nữ Việt Nam đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và gọi với biệt danh: “Những cô gái kim cương”.

8. Du lịch nội địa vượt xa mục tiêu đặt ra

Kết thúc năm 2022, Việt Nam đã đón và phục vụ ước khoảng 104,8 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 3,5 triệu lượt khách quốc tế và 101,3 triệu lượt khách nội địa. Con số này cho thấy du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ và vượt qua tất cả dự báo: Tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách; vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19). Du lịch nội địa phát triển cũng khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành du lịch. Điều đó đòi hỏi ngành du lịch cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường này và phát triển đồng đều giữa du lịch nội địa và du lịch quốc tế trong bối cảnh du lịch toàn cầu còn nhiều khó khăn hiện nay.

9. “Bội thực” tổ chức các cuộc thi nhan sắc

Một trong những hoạt động thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thu hút sự quan tâm của công chúng là “bùng nổ” quá nhiều cuộc thi hoa hậu, khán giả rơi vào tình trạng... không nhớ nổi cô nào đoạt giải thưởng nào, dẫn đến chuyện hoa hậu bỗng trở thành một danh xưng “đại trà” khi có tới 11 người đẹp đăng quang tại các cuộc thi nhan sắc trong nước năm qua. Tại Hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch toàn quốc năm 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng phải thốt lên, rằng “ra ngõ gặp hoa hậu” khiến xã hội ngao ngán. Nhìn lại vấn đề này, cần phải có những quy định nhằm chấn chỉnh, hạn chế cuộc thi để danh xưng hoa hậu giữ được giá trị và tránh gây ra những hiểu lầm với công chúng.

10. Mảng xám trong đời sống nghệ thuật, giải trí

Năm 2022 có khá nhiều ca sĩ, diễn viên vướng bê bối, gây bức xúc trong dư luận. Từ việc nghệ sĩ sử dụng ma túy bị bắt tại chỗ; một số nghệ sĩ vướng lùm xùm khi quan hệ với người đã lập gia đình đến chuyện nghệ sĩ Việt bất chấp pháp luật, quảng cáo không đúng sự thật trên mạng xã hội; thậm chí một số nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật công lập vi phạm quy định, nội dung và quy chế của công chức, viên chức... Những năm trước, nghệ sĩ Việt mắc sai lầm, ứng xử không đúng mực dù bị lên án cỡ nào thì chỉ một thời gian sau đã có thể trở lại và hoạt động nghệ thuật như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, năm nay đã khác, khi một số người có ý định trở lại đã ngay lập tức bị khán giả lên tiếng, phản đối. Biện pháp mạnh hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý những cá nhân vi phạm đạo đức, pháp luật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Theo đó, tới đây, những cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức có thể bị cấm sóng; hạn chế biểu diễn, đăng tải thông tin trên mạng xã hội hoặc xuất hiện trên các đài phát thanh, truyền hình. Qua đó làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa nghệ thuật, giải trí.