Thúy Kiều bán mình năm bao nhiêu tuổi?

Về chuyện tuổi tác ba chị em
Thuý Kiều, Thuý Vân, Vương Quan


Nguyễn Tài Cẩn

1. Trong đa số các bản Kiều hiện có, chúng ta chỉ thấy nói chung chung :

– về niên đại là : “ Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh ”

– và về tuổi tác hai chị em Kiều, Vân là :

“ Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê ”

Nếu hiểu theo Đào Duy Anh, thì tới tuần cập kê xưa có nghĩa là “ đến tuổi 15, tuổi cài trâm ” có thể lấy chồng. Nhưng như vậy người đọc có thể có mấy thắc mắc :

– Về quan hệ, nếu Vân, Kiều 14-15 hay 15-16 tuổi thì Vương Quan mới khoảng 13-14, sao một người tuổi trạc 20 như Kim Trọng lại có thể coi Vương Quan là một bạn đồng song chí thiết, thậm chí ― trong nguyên văn bằng chữ Hán của TTTN ― còn chào bằng tên hiệu là “ Hải Vọng huynh ” và xưng hô đối đãi bằng “ nhân huynh ” – “ tiểu đệ ” ?

– Về tâm lí, sao Kiều mới 15, 16 mà đã có thể giải quyết việc nhà trong cơn gia biến, như tự quyết định bán mình, khuyên bảo Vương Ông, dặn dò em út một cách chững chạc như vậy ?

2. Duy các bản Kiều miền Nam là có nâng tuổi chị em họ Vương lên một bậc :

Xuân xanh xấp xỉ trên tuần cập kê

(Bản Duy Minh Thị không dùng “ tới tuần, đến tuần ” mà dùng “ trên tuần ”, tuy khắc nhầm trên thành lên, nhưng Abel des Michels đã đính ngoa lại thành trên)

Trước đây chúng tôi phỏng đoán việc nâng tuổi này đưa Kiều lên 18-19, đưa Vân lên 17-18 và đưa Vương Quan lên 16-17 : từ khoảng tuổi đó trở lên thì các thắc mắc trên kia đều có thể giải quyết được ổn thoả.

3. Nhưng có cơ sở tư liệu nào cho phép chúng ta phỏng đoán theo hướng tăng tuổi như vậy không ? Xin thưa rằng có !

* Trong Thanh Tâm Tài Nhân, trước khi nói chuyện đi chơi Thanh minh, tác giả đã giới thiệu hai chị em Kiều, Vân “ tuổi đều đang độ thanh xuân ” và Kim Trọng “ tuổi trạc đôi mươi ”.

* Trong bản KIM VÂN KIỀU LỤC in năm Đồng Khánh tam niên (1888), ký hiệu AC.561, cũng như trong bản cùng tên KVKL, kí hiệu là VHv-1898 (mà Bộ DI SẢN HÁN NÔM đều cho là do Hoa Đường Phạm Quí Thích sọan (?)), chúng ta lại thấy thêm mấy chi tiết như sau :
Mở đầu truyện, sọan giả viết :

– Năm Gia Tĩnh TAM NIÊN Triều Minh (1524) thiên hạ thái bình ;
** Vợ Vương Viên ngọai đi cầu đảo, mộng thấy một cụ già cho 3 cành đào : 1 cành đã ra quả , 1 cành mới nở hoa, 1 cành hoa đã chớm héo. Vương Viên ngọai đoán trời sẽ cho 1 trai 2 gái.

** Vì vậy ông thôi lo chuyện sản nghiệp mà chuyển sang lo chuyện học vấn trong gia đình.

– Non 1 năm sau (không rõ sau sự việc nào nêu trên đây, nhưng chắc vẫn là trong năm 1524) quả nhiên bà Viên ngọai bắt đầu lần lượt sinh con : đầu tiên là 2 gái rồi 1 trai.

Rồi về Thúy Kiều, Thúy Vân soạn giả lại viết :

** Khoảng 12 tuổi hai cô đều đã rất đẹp. Ba chị em cùng học với nhau. Riêng cô Kiều đủ tài, nhất là tài về âm nhạc ;

** Và suốt khoảng hơn 20 năm lúc trẻ, tuy có nhiều người nhắm nhe, nhưng Kiều và Vân đều vẫn chưa chịu nhận lời ai ;

** Đến năm Gia Tĩnh 24 (1545) xẩy ra chuyện đi chơi Thanh Minh, chị em Kiều thăm mộ Đạm Tiên rồi gặp Kim Trọng. Và sau đó là bắt đầu nẩy sinh mối tình Kim-Kiều rồi bắt đầu gặp chuyện gia biến.

4. Bản KIM VÂN KIỀU LỤC theo ý chúng tôi, rất quan trọng (1).

Ở đây nó không những ủng hộ dị bản TRÊN TUẦN CẬP KÊ của Duy Minh Thị và Abel des Michels mà nó còn cho những con số rất cụ thể như :

** Kiều sinh khoảng 1524, đi chơi Thanh minh năm 1545, vậy gặp Kim Trọng vào lúc 21 tuổi, chứ không phải vào lúc mới tới tuần cập kê !

** Chuyện để cho “ tường đông ong bướm đi về mặc ai ” rõ ràng là chuyện đã kéo dài HƠN 20 năm (“ nhị thâp niên dư ”) chứ cũng không phải chỉ là chuyện của thời kì mới cài trâm !

5. Chắc sọan giả bản KVKL có nhiều căn cứ Trung Quốc trong tay :

** Những chi tiết như chuyện Vương Bà nằm mộng thấy được cho 3 cành đào, chuyện Kiều sinh năm 1524 (Gia Tĩnh tam niên) đều đã được ghi trong tác phẩm của Từ Văn Trường, một người đời Minh, đã theo Hồ Tôn Hiến đánh đông dẹp Bắc (2) ;

** Chi tiết Từ Hải sau khi thắng trận đã gặp lại Kiều và tôn Kiều lên hàng “ phu nhân ” (vào khoảng năm Gia Tĩnh thứ 35, tức năm 1556) cũng đã có trong Vương Thuý Kiều Truyện của Dư Hoài (3).

6. Nhưng theo Dương Quảng Hàm, nhìn trên đại thể, KVKL lại là một bản dịch lại từ tác phẩm Nôm của Cụ Nguyễn Du (4). Vậy soạn giả KVKL là một người đã có công tra cứu để tìm hiểu Nguyễn Du khi dịch Đoạn trường tân thanh và có phần chắc là ông đã hiểu vấn đề tuổi tác của ba chị em Thúy Kiều chính xác hơn đa số các nhà biên khảo Truyện Kiều về sau này.

** Cụ thể là ông đã tán thành dị bản trên tuần cập kê hơn là dị bản tới/đến tuần cập kê ;

** Vì Ông đã có cứ liệu là khi gặp Kim Trọng Kiều đã 21 tuổi, sau hơn 20 năm chưa nhận lời cầu hôn của ai.

Ông đọc các truyện Tàu nhưng chỉ chọn những cứ liệu nào thật sát tác phẩm của Nguyễn Du ; ông không theo cả các cứ liệu bên sử : như cho Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường năm1560 (chứ không phải năm 1554), và cho Kiều đã lưu lạc đúng 15 năm (chứ không phải chỉ khoảng 10 năm ) !
-----------------------------
CHÚ THÍCH :

(1) Bản KIM VÂN KIỀU LỤC có những đặc điểm đáng chú ý như sau :
– Đây là một bản rút gọn chỉ còn 62 trang, lại viết theo lối Văn Ngôn của Việt Nam;
– Đây là một bản tuy in đời Đồng Khánh nhưng in theo một bản gốc chép tay rất cổ, chưa kị huý theo lệnh 1803 triều Nguyễn.
– Đây là một bản rõ ràng có dụng ý bảo vệ Nguyễn Du :
** Khi Gia Long lên ngôi năm 1802, có lẽ gia đình cụ Nguyễn Du rất sợ, không muốn phổ biến bản Kiều Nôm của mình, nhưng xã hội đã nghe phong thanh lại có đòi hỏi rât cao, rất nhiều người muốn đọc để biết chuyện. Sọan giả KIM VÂN KIỀU LỤC muốn gỡ khó cho Gia đình cụ Nguyễn Du, nên phải viết một bản tóm tắt bằng Văn Ngôn, cho phổ biến, để thoả mãn yêu câu đó ;
** Nếu Gia Long được đọc trực tiếp bản tiểu thuyết Tàu vẫn có thể bắt tội Nguyễn Du sao lại đem một bản như vậy mà diễn Nôm : Tú Bà thì dạy toàn những chuyện tục tĩu của thanh lâu ; Từ Hải thì là một tên giặc chuyên chống triều đình ! Trong KIM VÂN KIỀU LỤC soạn giả đã tóm tắt lại, không còn gì để bắt tội nữa : Những chuyện dạy “ 7 chữ 8 nghề ” trong lầu xanh đều bị xoá bỏ hết. Những câu có tính phản nghịch nói về Từ Hải cũng không còn bóng dáng.

(2) Xin xem bài của Giản Chi (Tạp chí Văn, số 43, Sài Gòn, 1964)

(3) Xin xem Phạm Quỳnh (Nam Phong số tháng 12 năm 1919)

(4) Xin xem Dương Quảng Hàm (Tạp chí Tri Tân, số 4, năm 1941)

Sưu tầm

 

Nàng Kiều nhất định ở tuổi teen !



Đọc bài của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn Về chuyện tuổi tác ba chị em Thuý Kiều, Thuý Vân, Vương Quan (xem số Xuân Kỷ Sửu Diễn Đàn) thật thú vị nhưng.. tức anh ách ! Vì giáo sư suy ra nàng gặp chàng Kim năm 21 tuổi !

Ở tuổi đó, tôi sợ rằng nàng hơi bị già ! Chỉ thế hệ các cụ đầu thế kỷ 20, mười tám lấy chồng cũng đã là trễ ! Tuổi cập kê là 15, đến tuổi trăng tròn 16, giai nhân tài sắc như nàng Kiều thì hẳn vương tôn, công tử đã dập dìu đầy nhà, Vương bà đuổi đi không kịp ! Năm, sáu năm sau nàng vẫn còn kén, thì hẳn các cụ Vương lo quay lo quắt cho cô con gái rượu.. ế chồng !

Không !

Quyết chẳng phải thế ! Hãy thử.. mặc cả với giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về tuổi tác nàng Kiều xem nào !

Này nhé : giáo sư căn cứ trên Kim Vân Kiều Lục « Năm Gia Tĩnh TAM NIÊN Triều Minh (1524) thiên hạ thái bình... Vợ Vương Viên ngọai đi cầu đảo, mộng thấy một cụ già cho 3 cành đào... Vương Viên ngọai đoán trời sẽ cho 1 trai 2 gái... Non 1 năm sau (không rõ sau sự việc nào nêu trên đây, nhưng chắc vẫn là trong năm 1524) quả nhiên bà Viên ngọai bắt đầu lần lượt sinh con : đầu tiên là 2 gái rồi 1 trai. ».

Tôi nghĩ chưa chắc nàng sinh vào năm 1524 ! Nếu Vương bà cầu đảo từ tháng 4 trở đi thì sao ? Cộng chín tháng mười ngày thì nàng Kiều hẳn sinh vào năm sau ! Vả lại, năm Gia Tĩnh thứ ba (1524) là năm Giáp Thân. Làm thế nào có thể chấp nhận người đẹp của chúng ta sinh vào năm.. con khỉ ! Vậy tôi quả quyết rằng nàng sinh ra năm Ất Dậu (1525), năm con gà hẳn dễ thương hơn biết chừng nào. Như thế, chúng ta đã bớt cho nàng được một tuổi. Tức là 20..

Vẫn còn già !

Vậy nàng gặp chàng Kim năm nào ? Cũng căn cứ trên Kim Vân Kiều Lục « Đến năm Gia Tĩnh 24 (1545) xẩy ra chuyện đi chơi Thanh Minh, chị em Kiều thăm mộ Đạm Tiên rồi gặp Kim Trọng. »

Chết thôi ! Viết rõ thế ! « Gia Tĩnh 24 » thì làm thế nào bây giờ ? Tôi chợt nhớ rằng các tiết trong âm lịch du di khoảng chừng 15 ngày. Tiết Thanh Minh có khi là trong tháng hai, có khi trong tháng ba. Lại nhớ câu Kiều :

« Thanh Minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp xuân ».

A ha ! Mấu chốt ở đây rồi ! Tôi lục âm lịch trên internet (mạng Lịch Trung Quốc) xem tiết Thanh Minh ở tháng nào ? Vừa lục vừa khấn như các cụ bói kiều ngày xuân :

Lạy vua Từ Hải,
Lạy vãi Giác Duyên,
Lạy tiên Thúy Kiều...
Cho con một quẻ

A đây rồi ! Quả nhiên ! Linh thế ! Năm Gia Tĩnh 24 tiết Thanh Minh là ngày 24 tháng hai ! Năm này là năm nhuận, có hai tháng giêng ! Muốn « Thanh Minh trong tiết tháng ba », ta phải lùi lại : Năm 1544, Gia Tĩnh 23, ngày 14 tháng ba. Năm 1543, Gia Tĩnh 22, ngày 2 tháng ba. Như thế, chắc hẳn Kim Vân Kiều Lục in lầm ! Thế là, ta bớt cho nàng thêm ít ra được một tuổi.

Như thế : Nàng gặp chàng Kim vào ngày 14 tháng ba, Gia Tĩnh 23, năm Giáp Thìn (1544, năm con rồng !), lúc nàng 19 chín tuổi, đầy mộng mơ ! Mười chín ! Tức tuổi teen !

Và tôi thầm khấn :
Lạy tiên Thúy Kiều,

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn quên câu « Không bao giờ đoán tuổi một người đàn bà » và bảo cô những 21 tuổi.

Con ăn bớt được cho cô những hai tuổi !

Năm mới, cô phù hộ cho con nhé... và đừng giận bác Cẩn !


San Jose, 23.1.2009
Nguyễn Lê​