Các mô hình kế toán trên thế giới năm 2024

Là một trong những nội dung quan trọng quyết định đến hiệu quả và chất lượng của công tác kế toán ở Doanh nghiệp. Tổ chức bộ máy kế toán phải được xây dựng một cách khoa học, hợp lý và hiệu quả. Vậy tổ chức bộ máy kế toán là gì? và có những hình thức tổ chức bộ máy kế toán nào?

  1. Tổ chức bộ máy kế toán là gì?

Bộ máy kế toán của một Doanh nghiệp là tập hợp những người làm kế toán tại doanh nghiệp cùng với các phương tiện trang thiết bị dùng để ghi chép, tính toán xử lý toàn bộ thông tin liên quan đến công tác kế toán tại Doanh nghiệp từ khâu thu nhận, kiểm tra, xử lý đến khâu tổng hợp, cung cấp những thông tin kinh tế về các hoạt động của đơn vị.

  1. Các mô hình tổ chức bộ máy kế toán

Dựa vào quy mô và căn cứ hoạt động thực tiễn của đơn vị, Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các mô hình tổ chức bộ máy kế toán sau:

  • Tổ chức công tác kế toán tập trung

Hình thức tổ chức bộ máy kế toán tập trung là hình thức mà toàn bộ công tác kế toán trong đơn vị được tiến hành tập trung tại phòng kế toán. Áp dụng cho các đơn vị có quy mô vừa và nhỏ, phạm vi sản xuất kinh doanh tương đối tập trung trên một địa bàn nhất định.

Phòng kế toán chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, luân chuyển chứng từ, ghi sổ kế toán, lập báo cáo kế toán theo quy định đều tập trung thực hiện tại phòng kế toán.

Các đơn vị phụ thuộc ( xí nghiệp, phân xưởng, tổ, đội,…) không có bộ máy kế toán riêng, mà chỉ có một số nhân viên làm nhiệm vụ hạch toán ban đầu, thu nhận, kiểm tra và định kỳ gửi các chứng từ về phòng kế toán.

Mô hình tổ chức bộ máy kế toán tập trung bảo đảm được sự tập trung, thống nhất và chặt chẽ trong việc chỉ đạo công tác kế toán giúp đơn vị kiểm tra chỉ đạo sản xuất kịp thời, chuyên môn hoá cán bộ, giảm nhẹ biên chế tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng các phương tiện tính toán tiện ích.

  • Tổ chức công tác kế toán phân tán

Hình thức tổ chức kế toán phân tán là hình thức tổ chức mà công tác kế toán không những được tiến hành ở phòng kế toán mà còn được tiến hành ở những bộ phận khác như phân xưởng hay bộ phận sản xuất của đơn vị.

Phòng kế toán sẽ tiến hành tổng hợp số liệu báo cáo của đơn vị trực thuộc và hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại văn phòng doanh nghiệp, lập báo cáo toàn doanh nghiệp, kiểm tra kế toán toàn doanh nghiệp.

Các đơn vị phụ thuộc được tổ chức bộ máy kế toán riêng. Có nhiệm vụ thu nhận, kiểm tra, xử lý chứng từ kế toán, thực hiện hạch toán tổng hợp và chi tiết các nghiệp vụ kinh tế phát sinh ở đơn vị phụ thuộc theo sự phân cấp của Doanh nghiệp. Định kỳ lập báo cáo kế toán về phòng kế toán của đơn vị chính.

Tuỳ thuộc vào đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh và mức độ phân cấp quản lý cho các đơn vị trực thuộc, để tổ chức bộ máy kế toán và quy định nội dung công tác kế toán cụ thể cho từng bộ phận trong bộ máy kế toán.

  • Tổ chức bộ máy kế toán vừa tập trung vừa phân tán

Đây là hình thức tổ chức bộ máy kế toán kết hợp từ hai hình thức tổ chức trên, theo hình thức này bộ máy tổ chức bao gồm phòng kế toán trung tâm và các bộ phận kế toán hay nhân viên kế toán ở các đơn vị – bộ phận khác. Áp dụng cho các đơn vị có quy mô lớn, địa bàn sản xuất kinh doanh phân tán, các đơn vị thành viên được phân cấp quản lý.

Phòng kế toán chịu trách nhiệm hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại văn phòng Doanh nghiệp, các nghiệp vụ phát sinh tại các đơn vị phụ thuộc không tổ chức kế toán riêng, lập báo cáo kế toán của các đơn vị phụ thuộc có tổ chức kế toán riêng và lập báo cáo kế toán toàn Doanh nghiệp.

Tại các đơn vị phụ thuộc: Ở bộ phận hạch toán phân tán có tổ chức bộ máy riêng sẽ tự hạch toán các nghiệp vụ phát sinh tại đơn vị mình, định kỳ lập báo cáo gửi về phòng kế toán Doanh nghiệp. Tại các đơn vị phụ thuộc không tổ chức kế toán riêng. Kế toán thu thập, xử lý, kiểm tra chứng từ sau đó gửi về phòng kế toán Doanh nghiệp.

Tổ chức công tác kế toán vừa tập trung vừa phân tán sẽ nâng cao tính chính xác, kịp thời của thông tin kế toán, tạo điều kiện cho hạch toán nội bộ.

Quá trình hình thành và phát triển của kế toán quản trị (KTQT) tại các nước gắn với quá trình hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường và đặt trọng tâm vào giải quyết các vấn đề quản trị doanh nghiệp (DN). Đồng thời, KTQT được coi là một trong những nguồn thông tin quan trọng cung cấp thông tin cho nhà quản trị DN điều hành, hoạch định và đưa ra các quyết định kinh doanh.

Mô hình của Mỹ

KTQT trong các DN ở Mỹ được thiết kế tập trung vào chủ đề phân tích thông tin phục vụ cho các quyết định quản lý, đề cao tính hữu ích của thông tin cho các quyết định quản lý hơn là xác lập một hệ thống thông tin toàn diện cho yêu cầu quản lý. Sau đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, KTQT ngày càng đa dạng để đáp ứng nhu cầu thông tin trong mọi loại hình DN.

Đến nay, mặc dù vẫn duy trì khuynh hướng đặc trưng như trước nhưng KTQT trong DN ở Mỹ đã xuất hiện một vài thay đổi về cấu trúc thông tin, nâng cao tính định tính của thông tin, tính kiểm soát để phù hợp với xu thế chung của thế giới. Các DN Mỹ hầu hết đều áp dụng mô hình kết hợp KTQT và kế toán tài chính (KTTC).

Theo đó, kế toán trưởng chịu trách nhiệm chung về toàn bộ công tác kế toán trong DN nhằm cung cấp thông tin cho nhà quản trị. Các bộ phận kế toán có chức năng thu thập và cung cấp thông tin kế toán tổng hợp, chi tiết... đồng thời lập dự toán tổng hợp và chi tiết theo yêu cầu quản lý.

Mô hình của Pháp

Cũng giống Mỹ, KTQT hình thành và phát triển, trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống cung cấp thông tin phục vụ cho việc quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Pháp. Tuy nhiên, khác với quan điểm về ứng dụng mô hình bộ máy kế toán của Mỹ thì đối với các DN tại Pháp, KTQT tách rời với KTTC, sử dụng hệ thống tài khoản riêng, sổ kế toán và báo cáo kế toán riêng.

KTQT đặt trọng tâm xử lý và cung cấp thông tin về chi phí, thu nhập và kết quả của từng loại hoạt động sản xuất kinh doanh của DN theosản phẩm, dịch vụ trong khi KTTC thu thập, xử lý, lập báo cáo tài chính cung cấp cho các đối tượng bên ngoài DN.

KTTC tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, chế độ kế toán, trong khi đó KTQT được coi là công việc riêng của DN, các DN tự xây dựng thông tin một cách chi tiết nhằm cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vấn đề đặt ra đối với mô hình KTQT là sự phức tạp do sử dụng hai hệ thống tài khoản khác nhau, nhiều biểu mẫu sổ sách, chính vì thế mà thông tin cung cấp không đồng nhất giữa KTQT và KTTC.

Mô hình của Nhật Bản

Nếu như khá phổ biến ở các nước phương Tây thì KTQT ít được các DN châu Á quan tâm. Tuy nhiên, với chủ trương mở cửa kinh tế hội nhập sớm, Nhật Bản trở thành quốc gia khu vực châu Á sớm vận dụng KTQT vào hoạt động quản lý điều hành của DN.

Ngay từ những năm 1980, KTQT đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại nước này, dù lúc đầu được hiểu đồng nghĩa với khái niệm kế toán nội bộ. Hệ thống KTQT chi phí trong các DN tại Nhật Bản được xây dựng tách rời với hệ thống KTTC.

Theo mô hình này, hệ thống kế toán chi phí tiêu chuẩn được áp dụng khá rộng rãi nhằm kiểm soát chi phí và cắt giảm chi phí. Hệ thống KTQT chi phí trong các DN Nhật Bản tham gia rất chặt chẽ vào quá trình ước tính chi phí cho các sản phẩm mới.

Việc ước tính chi phí cho các sản phẩm mới được thực hiện ngay từ giai đoạn lập kế hoạch, xác định chi phí mục tiêu của các sản phẩm mới với phương pháp chi phí mục tiêu. Tuy nhiên, việc lập dự toán ở các DN tại Nhật Bản chưa được thực hiện đầy đủ và phương pháp kế toán chi phí trực tiếp không được áp dụng phổ biến, chỉ được áp dụng để hoạch định lợi nhuận và lập dự toán...

Một số khó khăn, hạn chế trong vận dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Hiện nay, việc tổ chức KTQT tại các DN Việt Nam vẫn còn sơ khai hoặc chỉ dừng ở mức độ tự xây dựng, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cho nhà quản trị DN ra quyết định. Cụ thể, việc áp dụng KTQT tại các DN Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế sau:

- Về mặt pháp lý: Thuật ngữ “KTQT” được công nhận trong Luật Kế toán ban hành ngày 17/6/2003 với quy định “KTQT là việc thu thập, xử lý và cung cấp thông tin tài chính theo yêu cầu và quyết định kế toán trong nội bộ đơn vị kế toán”. Tiếp đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN chính thức được ra đời, nhằm hướng dẫn các DN thực hiện KTQT.

Luật Kế toán năm 2015 đã quy định: “KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”. Thực tế cho thấy, hoạt động KTQT chỉ mang tính chất nội bộ của DN. Tuy nhiên, cũng vì không bắt buộc về mặt pháp lý và hầu hết các DN chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận, nên đến nay việc áp dụng vẫn còn ít hoặc mang tính hình thức.

- Về nhận thức việc vận dụng KTQT: Các nhà quản trị DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn chủ yếu tập trung vào công tác quản trị, điều hành hàng ngày thông qua các số liệu của KTTC. Do chỉ chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận nên các DN Việt Nam thường coi trọng KTTC hơn KTQT. Phần lớn DN Việt Nam chưa nhận thức rõ được vai trò của KTQT trong việc hoạch định, đưa ra các quyết định chính xác và tối ưu nhất trong quản lý điều hành.

- Về mức độ áp dụng KTQT: Tại Việt Nam, việc áp dụng KTQT chủ yếu tại các DN lớn, có nền tảng quản trị hiện đại; trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại ít hơn, dù hiện nay, các DNNVV chiếm đến gần 98% các DN trong cả nước. Các DN đã áp dụng KTQT thì chỉ mới áp dụng sơ khai, thậm chí mang tính hình thức khi mà đơn giản chỉ là sự kết hợp giữa KTTC và KTQT, KTQT chỉ là chi tiết hóa số liệu của KTTC.

- Về mô hình tổ chức bộ máy kế toán: Hiện nay, các DNNVV chỉ tổ chức bộ máy KTTC, còn bộ máy KTQT chưa được quan tâm và đầu tư. Một số DN nếu áp dụng thì chủ yếu sử dụng mô hình KTQT kết hợp với KTTC để tận dụng tối đa nguồn nhân lực và giảm thiểu cao nhất chi phí để duy trì và vận hành bộ máy kế toán. Thực tế cũng cho thấy, tại Việt Nam, nhân viên kế toán hầu hết chỉ có kinh nghiệm về KTTC, kiến thức về KTQT còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản nên khó thực hiện các công việc của loại hình kế toán này.

- Về lập báo cáo KTQT: Các DNNVV lập báo cáo hầu hết là các báo cáo phục vụ cho KTTC cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài, chưa chủ trọng đến việc lập báo cáo KTQT phục vụ cho nhà quản trị DN.

- Về công tác lập dự toán: Công tác lập dự toán tại các DN đều do bộ phận KTTC lập và chỉ lập một số dự toán cơ bản phục vụ cho việc lập dự toán tài chính, còn các dự toán tác nghiệp và dự toán báo cáo tài chính... chưa được đề cập đến.

Bên cạnh đó, việc phân loại chi phí theo yếu tố chi phí, theo khoản mục chi phí không phân loại chi phí theo cách ứng xử (tách chi phí ra thành biến phí và định phí), dẫn đến việc lập dự toán sản xuất kinh doanh không khả thi.

- Về ứng dụng công nghệ thông tin vào KTQT: Những năm gần đây, công nghệ thông tin đã được các DN quan tâm, đầu tư trong hoạt động kế toán của DNNVV thông qua việc ứng dụng các phần mềm kế toán. Tuy nhiên, đối với KTQT, do các DNNVV quan tâm chưa nhiều nên việc đầu tư nguồn lực cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KTQT thường được lồng ghép cùng với xây dựng bộ máy kế toán chung.

Một số khuyến nghị

Từ thực tiễn áp dụng KTQT tại một số quốc gia trên thế giới và khảo sát những bất cập, hạn chế trong vận dụng KTQT của các DNVVV tại Việt Nam, để KTQT thực sự trở thành công cụ hữu hiệu nhằm giúp nhà quản trị ra quyết định quản lý điều hành hướng đến mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của DN, tác giả đưa ra một số khuyến nghị sau:

- Về mặt nhận thức: Sự tồn tại của hệ thống KTQT trong mỗi DN xuất phát từ nhu cầu thông tin cùa các nhà quản trị DN. Các nhà quản trị DN cần nhận thức đúng đắn về vai trò của hệ thống thông tin kế toán, đặc hiện là hệ thống thông tin KTQT. Khi đó, các nhà quản trị sẽ có những định hướng đúng đắn và cần thiết cho việc xây dựng KTQT trong hoạt động quản lý, điều hành hàng ngày tại DN.

- Yêu cầu khi áp dụng KTQT: Để việc áp dụng KTQT trong DNNVV đạt hiệu quả, các nhà quản trị DN cần chú trọng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất kinh doanh; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản xuất kinh doanh theo các phương pháp quản trị mới. Tổ chức bộ máy quản lý phải đảm bảo yêu cầu tinh giảm, gọn nhẹ, hiệu quả. Tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân sự kế toán với định hướng đa dạng hóa nghiệp vụ và sử dụng thành thạo các công cụ xử lý thông tin hiện đại. Chú trọng đầu tư nguồn lực tài chính cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KTQT.

- Về xây dựng bộ máy KTQT: Hiện nay có khá nhiều mô hình khi áp dụng KTQT. Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính và con người hạn chế, các DNNVV của Việt Nam có thể áp dụng mô hình kết hợp giữa KTQT và KTTC. Theo đó, tổ chức KTQT kết hợp chặt chẽ với KTTC trong cùng một bộ máy, trên cùng hộ thống tài khoản kế toán, hệ thống sổ kế toán thống nhất.

- Về sắp xếp nhân sự KTQT: Cần phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cá nhân, bộ phận trong thực hiện quy trình thu thập, trao đổi thông tin để đảm bảo thiết lập hệ thống báo cáo KTQT hữu ích. Nhân sự KTQT cần được bố trí đúng người, đúng việc, phù hợp với trình độ và chuyên môn nghiệp vụ.

Cán bộ KTQT cần có năng lực chuyên môn tốt về kế toán, am hiểu về quá trình tố chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong DN. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác kế toán cần thường xuyên được đào tạo nâng cao trình độ, nghiệp vụ một cách chính quy về KTQT và có khả năng sáng tạo, vận dụng linh hoạt những kiến thức mình có vào các tình huống cụ thế của DN.

- Về xây dựng báo cáo KTQT: Các báo cáo cần được lập chi tiết và lập theo cách ứng xử của chi phí từ đó thiết lập các chỉ tiêu thực hiện để so sánh với dự toán đã lập, bao gồm các báo cáo phân tích biến động chi phí và báo cáo thực hiện chi phí.

Các báo cáo cần phải được xây dựng hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và dự toán quá trình sản xuất kinh doanh một cách khoa học, hợp lý để phát hiện mọi vấn đề có thể xảy ra và điều chỉnh kịp thời. Cần nghiên cứu tích hợp các báo cáo cần thiết cho hệ thống quản trị như báo cáo so sánh dữ liệu, báo cáo tình hình thực tế thực hiện trách nhiệm của trung tâm...

- Về ứng dụng công nghệ thông tin: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ hữu hiệu trong việc cung cấp các báo cáo kế toán nói chung và báo cáo quản trị nói riêng nhanh chóng, kịp thời và chính xác.

Thực tế cho thấy, khối lượng dữ liệu mà hệ thống KTQT phải xử lý để chuyển thành thông tin hữu ích là rất lớn, đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều so với hệ thống KTTC. Điều này đòi hỏi các DNNVV cần có những đầu tư thích đáng cho hệ thống KTQT, trong đó tập trung vào phần cứng (hệ thống máy móc) và phần mềm (các phần mềm kế toán, Dữ liệu lớn, Blockchain...).

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán 2015;

2. Phạm Thị Hồng Thắm (2017), Các mô hình kế toán quản trị trên thế giới và thực trạng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, Tạp chí Công Thương tháng 4/2017;

3. Ngô Thị Thu (2019), Vận dụng kế toán quản trị tại các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2019;

4. Ahmed Belkaoui (2017), The Implementation of Management Accounting Practices and its Relationship with Performance in Small and Medium Enterprises, International Review of Management and Marketing, 7(1), 342-353.