Vai trò của phương pháp nghiên cứu điền dã trong dân tộc học

một phương pháp mang tính đặc trưng của ngành dân tộc học. Đó là việc sống chung một thời gian với các tộc người mà mình định tìm hiểu, nghiên cứu. Quan sát, phỏng vấn và ghi chép về những gì đang diễn ra trong đời sống của họ. PPĐDDTH bao gồm: 1) Quan sát, phỏng vấn và ghi chép về những điều các nhà dân tộc học quan tâm trên thực địa; 2) Chụp ảnh, ghi hình, ghi âm, vẽ các sự vật và hiện tượng đang tồn tại trong đời sống các dân tộc; 3) Khai thác các nguồn tư liệu thống kê về các dân tộc đó; 4) Lập phiếu điều tra (enquête; cg. phương pháp ăngket) trên thực địa.

Do vai trò đặc biệt quan trọng của phương pháp điền dã này nên ngành dân tộc học một thời được thịnh hành với tên gọi: “Etnôgraphy” (A. Ethnography), có nghĩa là miêu tả các tộc người.

Câu 1: Phân tích vai trò của phương pháp nghiên cứu điền dã trong Dân tộc học? Thiết kế một chủ đề nghiên cứu về văn hóa của một tộc người bất kỳ và viết nhật ký điền dã thu thập thông tin để phục vụ nghiên cứu?

Câu 2: Anh chị hiểu thế nào về câu nói của Ănghen: “sự tồn tại của thị tộc mẫu hệ là tất yếu, phổ biến; sự tồn tại của thị tộc phụ hệ là phổ biến”. Hãy giải thích tại sao thị tộc mẫu hệ lại ra đời trước thị tộc phụ hệ? Vì sao thị tộc mẫu hệ lại phải nhường chỗ cho thị tộc phụ hệ?

Trong tip 10 này chúng tôi giới thiệu đến các bạn những kinh nghiệm về nghiên cứu tại thực địa của PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc.

Vai trò của phương pháp nghiên cứu điền dã trong dân tộc học

Nghiên cứu thực địa/ điền dã là gì?

Một cuộc nghiên cứu thực địa (hay còn gọi là nghiên cứu điền dã) là cuộc nghiên cứu bên ngoài trường lớp, phòng thí nghiệm.v.v. thường là cuộc nghiên cứu ở môi trường đời sống tự nhiên hoặc môi trường đời sống xã hội (tùy thuộc vào chuyên ngành và lĩnh vực nghiên cứu). Người nghiên cứu thực địa có thể sử dụng vốn hiểu biết, các lý thuyết hay các câu hỏi, giả thuyết nghiên cứu để kiểm định lại, phát hiện những điều mới mẻ từ những quan sát thực tế đời sống tự nhiên và xã hội mà trên trường, lớp và phòng thí nghiệm không thể thực hiện được. Hay nói cách khác đời sống tự nhiên, đời sống xã hội là quyển sách khổng lồ để chúng ta đọc và khám phá ra những ý tưởng khoa học. Điểm khác biệt của môi trường thực địa với trường lớp, phòng thí nghiệm đó là môi trường thực địa gắn với bối cảnh của đối tượng nghiên cứu. Người nghiên cứu liên tục khám phá ra nhiều điều thú vị, mới mẻ mà sách vở, các thí nghiệm sinh – hóa không thể truyền tải được.

Trong nghiên cứu nhân học, dân tộc học, người nghiên cứu phải tuân thủ nguyên tắc 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân, trong quá trình nghiên cứu thực địa của mình, thông qua đó người nghiên cứu tham dự vào cuộc sống của người dân để quan sát, ghi chép về đời sống của cộng đồng dân cư mà mình nghiên cứu.

Các nhà nhân học văn hóa từ lâu đã sử dụng nghiên cứu thực địa hay còn gọi là điền dã dân tộc học để nghiên cứu các nền văn hóa khác nhau. Họ tới các cộng đồng tộc người cụ thể để sinh sống, trải nghiệm và ghi chép lại những gì họ quan sát được thành những tập ghi chép điền dã dân tộc học mà những người trong chuyên ngành này thường gọi là nhật ký điền dã dân tộc học. Các nhà nhân học Alfred Radcliffe-Brown (1881-1955) và Bronislaw Malinowski (1884-1942) được xem là những nhà nhà nhân học văn hóa đầu tiên thiết lập các mô hình, lối làm việc này cho bộ môn nhân học, dân tộc học sau này. Ngày nay, nghiên cứu thực địa không chỉ giới hạn trong phạm vi của ngành nhân học, dân tộc học mà nhiều ngành khoa học khác như: xã hội học, chính trị học, giáo dục học,… đã sử dụng cách thức nghiên cứu thực địa này bên cạnh các phương pháp riêng của từng chuyên ngành.

Tâm thế của nhà nghiên cứu thực địa: Biết kinh ngạc

Để hiểu được, để trải nghiệm được chúng ta cần phải có tâm thế. Tâm thế thứ nhất là chúng ta phải muốn biết, phải luôn có một tư duy tò mò, thắc mắc muốn biết, muốn hiểu. Chúng ta được học kiến thức rất nhiều, hiểu biết rất nhiều, và đi xuống cộng đồng chúng ta thường đưa ra những phán đoán giá trị đúng sai, tốt xấu, văn minh, lạc hậu. Nhưng đối với nghiên cứu nhân học, chúng ta phải là người muốn biết, muốn trải nghiệm, muốn tìm hiểu, chứ không phải là người rao giảng, truyền bá tri thức. Muốn nghiên cứu, phải biết tò mò kinh ngạc, phải ham học hỏi, đi la cà, tám từ chuyện này sang chuyện kia và phải biết trải nghiệm cuộc sống với cộng đồng nơi chúng ta muốn nghiên cứu.

Khi tôi nghiên cứu tại Phú Yên, không chỉ tôi quan sát người dân địa phương mà họ còn quan sát tôi. Một người địa phương quan sát các công việc của tôi, anh ta cũng thắc mắc tò mò nhưng không tiện nói. Đến buổi cơm rượu tối, anh ta mời tôi, sau khi uống vài ly, anh ta nhận xét công việc của tôi như sau: “Tôi thấy công việc của anh, không biết nó làm sao, mà nói anh đừng có giận chứ tôi thấy công việc của anh nó không có đầu óc”. Tôi đang cầm ly rượu mà nghe nói như vậy cảm thấy như muốn rớt ly xuống luôn, lúc đấy tôi hỏi anh ta “sao anh nói công việc của tôi không có đầu óc”. Anh bạn này nói rằng “Tôi thấy anh cứ suốt ngày đi từ nhà này sang nhà khác, anh ngồi, tám chuyện, hỏi cái này cái kia, chứ có làm gì đâu. Như tôi nè, nhà trồng mía, lúc nào thu hoạch được mía thì phải tính bao nhiêu tiền phân, bao nhiêu tiền mía giống, bao nhiêu tiền nhân công, thu hoạch lúc nào thì lượng đường cho đúng nếu không là lượng đường thấp, mất giá”. Như vậy, dưới con mắt của mọi người, họ đánh giá công việc của chúng ta rất là tầm thường, nhưng đừng buồn hay phải tỏ thái độ không hài lòng vì chúng ta càng bình thường, càng gần gũi thì người ta càng yêu mến, càng nói thật với chúng ta.

Như anh bạn người địa phương nhận xét, liệu công việc của chúng ta “không có đầu óc” tính toán, lo toan như anh ấy thì chúng ta thấy công việc nghiên cứu này có nhàm chám quá không. Nhiều người không biết rằng việc đi la cà, hỏi thăm, tám chuyện chính là công việc của nhà nhân học. Các bạn hình dung rằng, mọi chi tiết mà chúng ta nhìn thấy đều là một mắt xích, là đầu mối của những câu chuyện dài. Nếu như chúng ta cảm thấy đó là một câu chuyện bình thường thì không bao giờ chúng ta khám phá ra thế giới hiện tượng. Lúc nhỏ chúng ta luôn tò mò tìm hiểu mọi thứ chúng ta nhìn thấy, nhưng khi lớn lên, chúng ta lại thường hành xử theo những thói quen kinh điển. Chúng ta nhìn thấy thằng bé chọi kính vào nhà người khác, chúng ta liền phán đoán thằng bé này nghịch ngợm hoặc nặng hơn là mất dạy, nếu chúng ta tìm hiểu thêm, gặp gỡ, tiếp xúc với thằng bé hỏi nó tại sao lại có hành động như vậy, thì có thể đó là một câu chuyện hoàn toàn khác với phán đoán của chúng ta. Thằng bé có thể cho chúng ta biết đây là nghề, là công việc của nó vì ông cắt kiếng ở đầu làng thuê nó làm và trả tiền cho nó.Vậy các bạn phải tò mò, thắc mắc về mọi thứ, không phải mọi thứ đều là mặc nhiên như những gì mình nhìn thấy, nghe thấy.

Một lần tôi đưa một nhóm sinh viên nhân học về Trà Vinh thực tập. Ở Trà Vinh có ba dân tộc cùng sinh sống, người Việt, Khmer và Hoa. Chúng tôi nhìn thấy một cái miếu người Khmer gọi là miếu Ông Tài, trong miếu có đặt một hòn đá, trên hòn đá đặt ông Địa, trên bức tường đề chữ Thần. Các bạn sinh viên bắt đầu gặp người dân đi ngang qua đều hỏi, hỏi đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện hòn đá cho đến ông này kia, không có chỗ nào là không hỏi. Trong đó, có một bạn sinh viên quê ở Vĩnh Long, sát bên Trà Vinh đứng cười vì bạn thấy những cái miếu này hoài, với bạn đó là chuyện thường ngày có gì đâu mà hỏi. Đến tối về, mọi người đều có những phát hiện mới về tư liệu, còn bạn này thì không có phát hiện thêm gì mới, bởi vì bạn cảm thấy đã quen thuộc hết.
Nếu chúng ta cứ theo thói quen chỉ hỏi những câu hỏi chính yếu đã được soạn sẵn, thì cuộc nói chuyện sẽ mất đi bối cảnh của nó và chúng ta sẽ không thấy được những sự thú vị của những câu chuyện đó. Khi đi nghiên cứu về Vốn xã hội và dòng quà tặng ở Long An, tôi xuống dưới bếp của người dân thấy người ta hay lấy than, phấn ghi lịch trên những bức tường gạch, gỗ. Đây là cách họ ghi nhớ ngày heo đẻ, ngày mua bò, ngày thả giống tôm cá,… Một lần, tôi vào trong một nhà dân thấy có ghi chữ xóa nghèo bằng phấn trên bức tường gỗ ở góc nhà, và thời gian là 22 giờ ngày. Tôi thấy rất tò mò, thắc mắc và đưa ra phán đoán, nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở phán đoán thì dễ mắc sai lầm. Tôi đợi bà chủ nhà rảnh rỗi tôi hỏi thắc mắc của tôi. Bà chủ nhà giải thích đó là do ông chủ nhà ghi lại, đánh dấu sự kiện nhà ông với nhà bên cạnh cãi nhau. Nhà ông nuôi vịt, nhà hàng xóm trồng lúa. Ban đêm sáng trăng, vịt nhà ông không ngủ mà lại xuống phá hết ruộng lúa nhà hàng xóm, hàng xóm chửi ông là đã nghèo mà còn nuôi vịt. Từ đó là hai bên gia đình cắt đứt mối quan hệ không còn qua lại, giúp đỡ nhau nữa. Ông chủ nhà ghi chuyện đó lên vách tường để nhớ.

Mặc dù không phải tất cả các đầu mối câu chuyện đều mang một ý nghĩa xã hội, nhưng nếu chúng ta không tò mò, không tìm hiểu, không khám phá sẽ dễ rơi vào trạng thái tư duy phán đoán theo kinh nghiệm, theo định kiến thông thường, và như vậy chúng ta sẽ không phát hiện thêm được điều gì mới. Như vậy cái tâm thế thứ nhất mà tôi muốn trao đổi với bạn khi nghiên cứu tại thực địa đó là tâm thế luôn luôn muốn biết, muốn học hỏi, muốn tìm tòi, muốn khám phá. Từ đó, các bạn sẽ tìm được rất nhiều câu chuyện hay, rất nhiều tư liệu tốt cho nghiên cứu của mình.

Vẫn còn những tâm thế khác cần phải có đối với nhà nghiên cứu tại thực địa mà PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc đã đúc kết được trong quá trình nghiên cứu của ông, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn trong những Tips tiếp theo.