Cách đo chiều cao của ngọn núi

Đỉnh núi cao nhất thế giới, đỉnh Everest, có sự thay đổi độ cao và trang Vox của Mỹ đã đưa ra lý giải.

Tháng 12.2020, Trung Quốc và Nepal ra thông báo chung: Đỉnh núi cao nhất thế giới dường như đã tăng gần 1 mét.

Tuy nhiên, Vox cho hay, sự thay đổi về độ cao của đỉnh Everest có nghĩa là ngọn núi thực sự cao thêm hay không vẫn còn là vấn đề tranh luận.

Có những bằng chứng chắc chắn cho thấy, dãy Himalaya ngày càng cao, với tốc độ khoảng 5mm mỗi năm. Độ cao tăng vì va chạm kiến tạo giúp hình thành dãy Himalaya cách đây 50 triệu năm vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay.

Về mặt địa chất, đó là một quá trình va chạm ​​đang diễn ra - Daniel Roman, nhà trắc địa chính của cơ quan Khảo sát Trắc địa Mỹ thuộc cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, chia sẻ.

Theo chuyên gia này, việc đo độ cao và quan sát độ cao tăng dần cụ thể của đỉnh Everest là điều nên làm.

Năm 2015, một trận động đất tàn phá Nepal và các khu vực xung quanh cũng có thể làm thay đổi độ cao của dãy Himalaya.

Tuy nhiên, một yếu tố khác có thể tác động tới sự thay đổi độ cao của đỉnh núi cao nhất thế giới là cách đo lường. Phương pháp đo lường được dùng là đo mực nước biển. Mực nước biển là độ cao cơ sở để từ đó đo hầu hết độ cao tự nhiên trên trái đất. Tuy nhiên, đo lường theo mực nước biển cũng không đồng nhất trên toàn cầu và việc tìm mực nước biển địa phương đòi hỏi phải có khảo sát và đo trọng lực chính xác.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia đề xuất một phương pháp khả thi khác để đo độ cao của những ngọn núi, trong đó có Everest, có thể tránh được các vấn đề về mực nước biển, là sử dụng tâm trái đất làm cơ sở. Nếu sử dụng phương pháp đo này, một số ngọn núi sẽ thực sự cao hơn cả đỉnh Everest.