Vai trò của thị trường ngoại hối ở Việt Nam

Thị trường ngoại hối là thị trường thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi các loại ngoại tệ và các hoạt động kinh doanh có liên quan đến ngoại tệ.

Sự ra đời và phát triển của thị trường ngoại hối gắn liền với nhu cầu giao dịch và trao đổi ngoại tệ giữa các quốc gia nhằm phục vụ cho các hoạt động kinh tế và xã hội, đặc biệt là phục vụ cho sự phát triển của ngoại thương.

Khác với nội thương, các giao dịch trong ngoại thương liên quan đến nhiều loại đồng tiền của nhiều quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, trong quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Mỹ liên quan đến ít nhất hai đồng tiền là đồng dollar Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VND). Khi xuất khẩu hàng sang Việt Nam, mục tiêu của các công ty Mỹ là thu về USD, trong khi các công ty nhập khẩu Việt Nam có đồng (VND).

Do đó, thực tiễn hoạt động xuất nhập khẩu đòi hỏi một cơ chế nào đó nhằm giúp các công ty Việt Nam đổi VND lấy USD để thanh toán cho các công ty xuất khẩu ở Mỹ. Ngược lại, khi các công ty Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ hoặc bất kỳ nước nào khác thường thu về USD, nhưng công ty không thể sử dụng USD mà phải dùng VND để chi trả lương hoặc thu mua nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu. Khi ấy công ty cần bán USD thu được từ xuất khẩu để lấy VND.

Từ thực tiễn hoạt động kinh doanh xuất khẩu như mô tả trên đây đòi hỏi phải có một cơ chế nào đó giúp cho các công ty chuyển từ đồng tiền mình đang có sang đồng tiền khác mình đang cần. Cơ chế đó chính là thị trường ngoại hối (the foreign exchange market).

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước, khái niệm ngoại hối bao gồm ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế, các giấy tờ có giá và các công cụ thanh toán bằng ngoại tệ. Tuy nhiên trong phạm vi tài liệu này, ngoại hối được xem xét theo nghĩa hẹp, chỉ gồm có các loại ngoại tệ mà thôi.

Theo nghĩa hẹp, thị trường ngoại hối là thị trường thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi các loại ngoại tệ và các hoạt động kinh doanh có liên quan đến ngoại tệ. Như đã trình bày, sự ra đời của thị trường này bắt nguồn từ sự hình thành và phát triển của ngoại thương, do đó, sự phát triển của nó cũng gắn liền với sự phát triển của ngoại thương. Bởi vậy chúng ta thấy các trung tâm giao dịch ngoại hối tầm cỡ thế giới như London, New York và Tokyo hoặc tầm cỡ khu vực như Frankfurt, Zurich ở châu Âu hay Hong Kong, Singapore ở châu Á, hoặc giả tầm cỡ quốc gia như Sydney, Bangkok, Shanghai, Manila… đều hình thành và phát triển gắn liền với sự phát triển thịnh vượng của các trung tâm thương mại sầm uất với đầy đủ các giao dịch buôn bán trong và ngoài nước.

Vì là thị trường mua bán các loại hàng hóa đặc biệt – đồng tiền của các nước – nên thị trường ngoại hối có những đặc điểm riêng biệt mà các thị trường khác không có được.

Thứ nhất, thị trường ngoại hối là thị trường giao dịch mang tính chất quốc tế. Phạm vi hoạt động của nó không đóng khung trong một quốc gia mà lan rộng khắp toàn cầu, nhằm phục vụ cho các nhu cầu mua bán, giao dịch về ngoại tệ.

Thứ hai, thị trường ngoại hối là thị trường hoạt động liên tục 24 trên 24. Đặc điểm này trước hết xuất phát từ sự chênh lệch múi giờ giữa các khu vực địa lý khác nhau. Kế đến, các giao dịch ngoại tệ sở dĩ có thể thực hiện liên tục là nhờ vào các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như điện thoại, fax, telex, mạng vi tính khiến cho các giao dịch có thể thực hiện tức thời và bất cứ lúc nào nhà giao dịch cũng có thể mua bán ngoại tệ với các thị trường ngoại hối trên thế giới. Kết quả là thị trường ngoại hối quốc tế nói chung có thể giao dịch liên tục. Ví dụ một nhà giao dịch ở thị trường Singapore buổi sáng có thể giao dịch với thị trường phía Đông như Hong Kong, Tokyo. Đến khi hai thị trường này đóng cửa cũng là lúc các thị trường phía Tây như London, Frankfurt, Paris mở cửa và, như vậy, nhà giao dịch này có thể hoạt động liên tục.

Dựa vào động lực thúc đẩy sự tham gia vào thị trường hay mục đích tham gia mua bán ngoại tệ, người ta có thể chia các thành phần tham gia giao dịch trên thị trường ngoại hối thành các nhóm sau:

Các nhà thương mại và đầu tư – Nhóm này bao gồm các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và các nhà đầu tư ra nước ngoài, những người có nhu cầu mua bán, chuyển đổi từ ngoại tệ ra nội tệ và ngược lại.

Các ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư – Nhóm này bao gồm tất cả các ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư tham gia mua bán ngoại tệ cho chính họ khi thực hiện mục tiêu kinh doanh hay mua bán thay cho khách hàng khi thực hiện vai trò môi giới.

Các cá nhân hay hộ gia đình – Nhóm này bao gồm những người có nhu cầu mua ngoại tệ khi đi công tác hay du lịch nước ngoài; hoặc có nhu cầu bán ngoại tệ khi nhận được các khoản ngoại tệ từ lợi tức đầu tư hay nhận chuyển tiền từ nước ngoài.

Ngân hàng Trung ương (Central bank) – ở hầu hết các nước, ngân hàng Trung ương là người đóng vai trò tổ chức và kiểm soát, điều hành và tham gia mua bán ngoại tệ nhằm ổn định sự hoạt động của thị trường ngoại hối, ổn định giá cả và tỷ giá hối đoái.

Nếu căn cứ vào chức năng hoạt động trên thị trường, các thành phần tham gia vừa kể trên, ngoại trừ ngân hàng Trung ương, có thể phân chia thành bốn nhóm dưới đây:

Các nhà kinh doanh (dealers) – Là những người tham gia mua bán thường xuyên trên thị trường nhằm kiếm lời từ chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua vào ngoại tệ. Mục tiêu của nhà kinh doanh là kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giữa giá bán và giá mua. Khác với nhà môi giới, nhà kinh doanh có tham gia mua bán nên chấp nhận rủi ro trong trường hợp mua ngoại tệ vào nhưng sau đó ngoại tệ ấy xuống giá hoặc bán ngoại tệ ra nhưng sau đó ngoại tệ ấy lên giá.

Các nhà môi giới (brokers) – Là những người tham gia trên thị trường với tư cách là trung gian trong các giao dịch mua bán hoặc mua bán thay cho người khác nhằm thu hoa hồng trong từng giao dịch. Mục tiêu của nhà môi giới là hoa hồng thu được qua từng giao dịch. Khác với nhà kinh doanh, nhà môi giới chỉ là trung gian chứ không có tham gia mua bán nên không phải chấp nhận rủi ro.

Các nhà đầu cơ (speculators) – Là những người tham gia thị trường với hy vọng kiếm lời nếu sự thay đổi tỷ giá theo đúng dự đoán đồng thời sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu như tỷ giá biến động trái ngược với dự đoán của họ. Nhà đầu cơ giống nhà kinh doanh ở chỗ có tham gia mua bán ngoại tệ và kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá lúc mua so với lúc bán hoặc lúc bán so với lúc mua. Tuy nhiên, nhà đầu cơ khác nhà kinh doanh ở chỗ họ rủi ro hơn do thời gian giữa lúc tán và lúc mưa trong trường hợp đầu cơ thường dài hơn trong trường hợp kinh doanh. Chẳng hạn, nhà đầu cơ dự báo trong tương lai USD sẽ lên giá so với VND, khi ấy họ sẽ mua USD chờ đến khi USD lên giá bán lại để kiếm lời. Hoạt động này được xem như là đầu cơ giá lên. Ngược lại, nếu nhà đầu cơ dự báo tương lai đồng Euro (EUR) sẽ xuống giá so với USD, khi ấy họ sẽ bán EUR ngày hiện tại và chờ đến khi EUR xuống giá sẽ mua lại. Hoạt động này được xem như là đầu cơ giá xuống.

Các nhà kinh doanh chênh lệch giá (arbitrageurs) – Là những người tìm kiếm lợi nhuận từ các cơ hội kinh doanh thuận lợi với phương châm là mua ở nơi nào, lúc nào rẻ và bán ở nơi nào, lúc nào đắt nhằm kiếm lợi nhuận phi rủi ro trong một thời gian rất ngắn. Các nhà kinh doanh chênh lệch giá là những người chuyên khai thác sự mất cân bằng tỷ giá giữa các khu vực để ra quyết định mua bán nhằm kiếm lợi nhuận phi rủi ro. Chẳng hạn, nếu USD có giá cao ở Thành phố Hồ Chí Minh trong khi rẻ ở Sydney. Nhà kinh doanh chênh lệch giá sẽ bỏ VND ở Thành phố Hồ Chí Minh để mua dollar úc (AUD), sau đó sử dụng AUD để mua USD ở Sydney và bán USD lại ở Thành phố Hồ Chí Minh để thu về số VND lớn hơn so với lúc bỏ ra. Tuy nhiên, cơ hội kinh doanh chênh lệch giá thường ít khi xuất hiện, nếu có cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn trước khi nhà kinh doanh khai thác. Sau khi khai thác, thị trường sẽ trở về trạng thái cân bằng và cơ hội kinh doanh chênh lệch giá cũng qua đi.

Về mặt cấu trúc, thị trường ngoại hối không phức tạp lắm. Nếu căn cứ vào hình thức tổ chức, có thể chia thị trường thành hai loại: thị trường có tổ chức (organized market) và thị trường không có tổ chức (unorganized market). Chẳng hạn ở Việt Nam, Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là loại thị trường có tổ chức trong khi thị trường chợ đen giao dịch trên đường phố như đường Nguyễn Trung Trực hay trong cốc tiệm vàng ở Thành phố Hồ Chí Minh là loại thị trường không có tổ chức.

Nếu căn cứ vào nghiệp vụ kinh doanh, thị trường ngoại hối có thể bao gồm nhiều loại thị trường khác nhau như thị trường giao ngay, thị trường kỳ hạn (forward market), thị trường hoán đổi tiền tệ (swaps market), thị trường giao sau (future market), và thị trường quyền chọn (options market). Tất cả các loại thị trường này mua bán những gì và hoạt động ra sao sẽ được lần lượt mô tả chi tiết hơn trong các chương sau.

Cùng với hai bộ phận khác của thị trường tài chính là thị trường vốn và thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.

Trước hết, thị trường ngoại hối là cơ chế hữu hiệu đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi ngoại tệ nhằm bôi trơn cho các hoạt động xuất nhập khẩu và các hoạt động dịch vụ có liên quan đến ngoại tệ. Thử tưởng tượng, nếu không có thị trường ngoại hối thì các nhà xuất khẩu sẽ không biết làm gì với số ngoại tệ mà họ thu nhận được từ xuất khẩu, trong khi các nhà nhập khẩu sẽ không biết làm thế nào để có ngoại tệ chi trả cho các hợp đồng nhập khẩu. Và rồi họ, nhà xuất khấu và nhà nhập khẩu, tất yếu sẽ tìm đến nhau tự nhiên như những cặp tình nhân nhưng không phải để thỏa mãn nhu cầu yêu đương mà để thỏa mãn nhu cầu mua bán và trao đổi ngoại tệ.

Kế đến, thị trường ngoại hối là phương tiện giúp cho các nhà đầu tư chuyển đổi ngoại tệ phục vụ cho khát vọng kiếm tiền và làm giàu của họ thông qua các hình thức đầu tư vào tài sản hữu hình hay tài sản tài chính. Chẳng hạn, một nhà đầu tư Nhật Bản nhận thấy rằng lãi suất trên thị trường New York cao hơn thị trường Tokyo rất có thể ông ta sẽ rút vốn từ các hoạt động đầu tư vào tài sản tài chính ở Nhật để chuyển sang đầu tư ở Mỹ. Khi đó, ông ta có nhu cầu bán đồng Yên Nhật (JPY) và mua dollar Mỹ. Làm sao ông ta có thể thỏa mãn nhu cầu đầu tư và khát vọng kiếm tiền của mình được nếu thiếu thị trường ngoại hối hoạt động như một cơ chế hữu hiệu cho phép ông ta có thể chuyển đổi JPY thành USD.

Cuối cùng, thị trường ngoại hối là công cụ để ngân hàng Trung ương có thể thực hiện chính sách tiền tệ nhằm điều tiết nền kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ. Chẳng hạn, Chính phủ muốn khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu nhằm giảm thiểu sự thâm hụt cán cân thương mại và cán cân thanh toán Chính phủ có thể yêu cầu ngân hàng Trung ương can thiệp thông qua thị trường ngoại hối bằng cách mua ngoại tệ vào. Ngược lại, nếu ngoại tệ lên giá quá cao so với nội tệ đến nỗi có thể tạo áp lực mạnh gây ra lạm phát, Chính phủ có thể yêu cầu ngân hàng Trung ương can thiệp bằng cách bán ngoại tệ ra để nâng giá nội tệ lên. Có thể nói tỷ giá hối đoái là một công cụ để ngân hàng Trung ương có thể can thiệp nhằm thực hiện chính sách tiền tệ của mình.

Phần này sẽ điểm qua sơ lược những mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển thị trường ngoại hối ở Việt Nam. Qua đó có thể thấy rằng sự hình thành và phát triển thị trường ngoại hối ở Việt Nam gắn liền với công cuộc đổi mới kinh tế từ cuối thập niên 80 đầu thập niên 90.

Với Quyết định 207/NH-QĐ ngày 16/8/1991 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định thành lập Trung tâm giao dịch ngoại tệ hoạt động như một thị trường ngoại hối chính thức với mục tiêu là:

• Thiết lập thị trường ngoại tệ chính thức giao dịch giữa ngân hàng và các đơn vị kinh tế. • Đánh giá và đo lường cung cầu ngoại tệ trên thị trường. • Quyết định tỷ giá chính thức hợp lý giữa dollar Mỹ và đồng Việt Nam.

• Chuẩn bị những điều kiện ban đầu cho việc hình thành thị trường tài chính trong tương lai.