Tại sao thịt mỡ lại ăn với dưa hành

Tết Nguyên Đán nhìn từ một câu đối xưa

TẾT NGUYÊN ĐÁN
NHÌN TỪ MỘT CÂU ĐỐI XƯA

TRẦN HOÀNG


Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Câu đối trên không rõ có từ bao giờ và do ai viết, hoặc ứng khẩu đọc ra. Nhưng cứ mỗi lần Tết đến, xuân sang người Việt Nam không mấy ai là không nhớ đến, nhắc đến 2 vế đối hay và độc đáo này. Bởi xưa cũng như nay việc làm câu đối, viết và treo câu đối đã trở thành một mỹ tục của nhân dân ta, cả ở thành thị lẫn ở nông thôn. Hơn thế nữa câu đối Thịt mỡ, dưa hành cây nêu, tràng pháo dù chỉ gồm có 2 câu song thất với 14 chữ, 6 danh từ mà đã gói gọn và phản ánh được rất nhiều phương diện, rất nhiều nét đẹp của cái Tết cổ truyền Việt Nam.

Quả đúng như vậy. Trước hết câu đối trên cho ta biết những món ăn rất đặc trưng của người Việt trong dịp Tết, ấy là ba món thịt, dưa hành, bánh chưng xanh. Thực ra ba món này không phải chỉ đến khi Xuân về, Tết tới mới có. Song ngày thường, thuở xưa, trong bữa cơm của đại bộ phận người bình dân ở thôn quê và phường phố, mâm cơm 2 bữa sớm chiều chủ yếu chỉ gồm cơm, canh, rau quả, tương cà, cá mắm là chính mà thôi. Tục ngữ, ca dao đã nói rất nhiều về điều này. Xin được dẫn đôi câu làm ví dụ:

- Cơm không rau như đau không thuốc.

- Tương cà là gia bản

- Cơm tẻ là mẹ ruột.

- Ta đi ta nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương...

Các loại thịt và bánh chưng, bánh dày được xem là những món ăn sang trọng. Làm cơm đãi khách, mở yến tiệc, giỗ cúng tổ tiên, thần thánh người ta mới làm thịt gia cầm, gia súc và các loại bánh. Ba món thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh này là những loại món quí và cũng rất dân dã. Nó được tạo nên từ những sản vật nơi đồng ruộng và làng quê Việt Nam. Xét trên phương diện văn hoá ẩm thực, nó lại rất cân bằng, hài hoà về khẩu vị, về màu sắc, về âm dương. Nấu được món thịt ngon, muối được hũ dưa hành đúng cách, làm được cặp bánh chưng dẻo mềm phải là những người rất giỏi giang, rất tài hoa trong công việc bếp núc. Ba món ăn này vừa thể hiện tài nghệ; vừa nói lên thị hiếu thẩm mỹ rất cao của người Việt Nam từ bao đời nay. Vì vậy, thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng được các gia đình bày dọn trên bàn thờ đã làm cho mâm cổ Tết trở nên sang trọng. Việc làm này nói lên lòng biết ơn sâu sắc và lòng thành kính của cháu con đối với tổ tiên, ông bà. Đặc biệt cặp bánh chưng xanh lại càng giàu ý nghĩa. Bánh được làm bằng gạo nếp thơm, trong có nhân đỗ, thịt, hành và gói bằng lá dong, lá chuối. Câu đối xưa đã nói rất đúng, rất hay về loại bánh này:

Cây xanh xanh, lá xanh xanh

Trồng đỗ, trồng hành mà thả lợn vô.

Các loại lương thực và thực phẩm trên đều do bàn tay của người nông dân làm ra. Nó gợi cho chúng ta nhớ tới hình ảnh, tới đời sống sản xuất nơi đồng ruộng, vườn tược, núi rừng của quê hương ta. Cùng với bánh dày, bánh chưng, theo quan niệm của tổ tiên ta thuở xưa là biểu trưng của trời đất, của vũ trụ. Chẳng vậy mà vị Nữ thần trong sự tích Bánh chưng, bánh dày khi bày cho hoàng tử Lang Liêu cách làm bánh chưng đã nói với chàng rằng: To lớn trong thiên hạ không gì bằng trời đất. Của báu nhất trần gian không gì bằng lúa gạo Bánh này tượng đất. Đất có cỏ cây, đồng ruộng, núi rừng thì màu phải xanh, hình phải vuông vắn Còn Vua Hùng khi được con trai dâng bánh chưng, bánh dày lại tâm tắc ngợi khen: Nó chẳng những ngon và quý mà còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt: Nó bày tỏ lòng hiếu thảo của người con tôn cha mẹ như trời, đất; Nó chứa đầy một tấm tình quê hương, đồng ruộng. (Theo Nguyễn Đổng Chi Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam tập 1-NXB Sử học. 1960-1963)

Tết cổ truyền Việt Nam không chỉ có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh mà còn có tràng pháo, cây nêu, câu đối đỏ. Tiếng pháo nổ giòn đêm 30, sáng mồng một tết làm cho ngày xuân thêm rộn ràng, vui vẻ, ấm cúng. Người xưa tin rằng tiếng pháo sẽ xua được tà ma, ám khí. Tiếng pháo còn tượng trưng cho tiếng sấm gọi mùa xuân về, giúp cho lúa khoai, cây cối thêm xanh, thêm tốt.

Lúa chiêm lấp ló đầu bờ

Nghe ba tiếng sấm mở cờ mà lên.

Tục trồng cây nêu vốn có nguồn gốc từ một huyền thoại trong Phật giáo. Cây nêu với nhiều vật trang trí trên đầu ngọn như cờ đỏ, lá xanh cắm trước sân nhà xem như một biểu tượng báo hiệu mùa xuân mới đã về. Đồng thời nó cũng là một tín hiệu ngăn chặn và nhắc nhủ lũ quỷ ngoài biển khơi không được tới quấy phá những nơi có con người cư trú, sinh sống, làm ăn

Ngoài sân có cây nêu, thì trong nhà lại có câu đối đỏ. Viết câu đối, treo câu đối là một việc làm mang tính văn hóa cao. Màu đỏ của câu đối nơi cánh cửa, trên vách nhà làm cho nhà cửa ngày tết trở nên rực rỡ hơn, lộng lẫy và sáng sủa hơn. Nội dung các câu đối thường là lời cầu chúc cho cuộc sống, cho con người được mọi điều tốt đẹp khi mùa xuân đến gõ cửa mỗi nhà.

* Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ

Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường.

(Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ

Xuân khắp đất trời, phúc đầy nhà)

*Tất niên, hạnh phúc bình an tiến

Xuân nhật, vinh hoa phú quý lại.

(Năm mới, hạnh phúc bình an đến

Ngày xuân, vinh hoa phú quý về)

Ngày Xuân, đọc lại một câu đối quen thuộc, chúng ta nhận ra bao vẻ đẹp của Tết Nguyên đán cổ truyền. Đằng sau những bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối, tràng pháo, cây nêu là bóng dáng của cả một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước- một nền văn hóa có bề dày hàng ngàn năm lịch sử trên dải đất Việt Nam. Dĩ nhiên Tết cổ truyền nước ta không chỉ có những thứ ấy. Nhưng cũng chỉ cần nói tới mấy thứ sản vật và phong tục ấy thôi, chúng ta đã thấy được bao nét đặc sắc, độc đáo của sinh hoạt lễ tết ở nước ta.

T.H

Tải file
Các tin khác