Sự khác nhau giữa đám cưới truyền thống và đám cưới hiện đại

Có lẽ chúng ta đã nói quá nhiều về những khác biệt giữa đám cưới truyền thống và hiện đại. Nhưng may mắn là giữa tất cả, vẫn còn đó những nối kết tinh tế…

Khác biệt trong đám cưới truyền thống và đám cưới hiện đại là điều ai cũng thấy. Có những lúc tôi nghĩ, rồi hiện đại sẽ thay thế hoàn toàn truyền thống. Nhưng một lần về dự đám cưới người chị họ – một đám cưới “không truyền thống” và chỉ “cực hiện đại”: không có cổng hoa quấn lá đủng đỉnh, cô dâu diện váy cưới voan trắng vừa chạm gót chân và đến thiệp cưới cũng mang hơi hướng phương Tây… – tôi bỗng nhận ra, những chi tiết như thế chẳng đủ nói lên rằng chúng ta đang xa rời quá khứ! Dù là đám cưới truyền thống và hiện đại, thật ra vẫn còn đó hồn cốt văn hóa Việt Nam.

Sự khác nhau giữa đám cưới truyền thống và đám cưới hiện đại

Những chiếc thiệp cưới hiện đại mang hơi hướng nghệ thuật phương Tây. Nếu thiệp cưới truyền thống nghiêng về ước lệ với những hình ảnh và họa tiết được quy ước sẵn, thì thiệp cưới hiện đại chuộng những mẫu hoa lá tả thực, sinh động mà không kém phần trang nhã và tinh tế.

Khi cầm trên tay tấm thiệp mời đám cưới “rất Tây”, tôi đã nghĩ, chắc chị mình cũng theo xu hướng đám đông rồi. (Chị tôi từng có thời gian học ở châu Âu.) Nhưng buổi tối đó, khi chứng kiến lễ chịu lạy của cô dâu thì suy nghĩ trong tôi đã khác.

Đám cưới truyền thống và hiện đại thật ra đều gồm hai phần, “lễ” và “hội”. Tiệc tùng, đãi ăn… là hội, còn đến nhà thờ hay chịu lạy trước bàn thờ gia tiên là “lễ”. Dù hiện đại thế nào đi nữa, người Việt vẫn không quên phong tục cổ truyền, và phần thiêng liêng nhất của hôn lễ hẳn luôn là lúc cô dâu lạy tạ mẹ cha trước khi về nhà chồng – không khí thiêng liêng đến nỗi rất nhiều cô gái đã không cầm được nước mắt. Một chi tiết nữa mà ít người chú ý, đó là lời phát biểu của đôi bạn trẻ trong ngày cưới thường dành một phần rất lớn cho những đấng sinh thành, dù là đám cưới truyền thống và cả đám cưới hiện đại – trong khi người phương Tây hay nói nhiều hơn về tình yêu. Lòng biết ơn dành đến mẹ cha như một sợi chỉ đỏ kết nối chúng ta với truyền thống ngàn đời…

Sự khác nhau giữa đám cưới truyền thống và đám cưới hiện đại

Dù là hôn lễ tổ chức ngoài trời…

Sự khác nhau giữa đám cưới truyền thống và đám cưới hiện đại

Ở bất kỳ nơi đâu, đám cưới cũng là dịp trọng đại của đời người. Tại Việt Nam, lễ cưới đã có từ lâu đời, đến nay, nghi lễ này cũng được biến đổi nhiều, nhưng văn hóa truyền thống vẫn là nét đẹp cần lưu giữ. Vanhoatamlinh.com chia sẻ với độc giả một số sự khác biệt giữa lễ cưới truyền thống và hiện đại, để cô dâu chú rể hiểu rõ tầm quan trọng của lễ cưới, cũng như lựa chọn cách thức tổ chức đám cưới văn minh, phù hợp.

1. Quan niệm về lễ cưới

Đám cưới truyền thống

Cô dâu chú rể phải được sự đồng ý của gia đình hai bên, đôi khi phải căn cứ theo hoàn cảnh hai nhà, cả hai gia đình đều phải phù hợp, “môn đăng hộ đối” thì đôi uyên ương mới được chúc phúc.

Trong ý thức của người Việt Nam, lễ cưới giống như lời tuyên bố với tất cả mọi người về hôn ước của đôi uyên ương. Đây là dịp báo hỷ, là dịp để mọi người tiệc tùng, liên hoan, chia vui cùng cô dâu chú rể và hai nhà. Thậm chí, nhiều vị cao tuổi còn coi lễ thành hôn có giá trị lớn hơn cả giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Vì vậy lễ cưới có ý nghĩa rất thiêng liêng.

Sự khác nhau giữa đám cưới truyền thống và đám cưới hiện đại
Đám cưới truyền thống với trang phục áo dài

Đám cưới hiện đại

Quan niệm về tầm quan trọng của lễ cưới trong xã hội hiện đại vẫn được bảo tồn và gìn giữ. Nhưng hiện nay, đôi uyên ương đã có nhiều quyền quyết định hạnh phúc của mình hơn, họ có quyền tìm hiểu và quyết định đến với nhau bằng đám cưới.. Lễ cưới không còn phụ thuộc nhiều vào việc gia đình hai bên có “môn đăng hộ đối” hay không nữa.

Ngoài việc tổ chức lễ cưới, đôi uyên ương cũng cần đăng ký kết hôn và đây là điều không thể thiếu, đảm bảo cho cuộc sống vợ chồng. Tuy nhiên quan niệm của các đôi uyên ương vẫn là phải được gia đình hai nhà đồng ý và được bạn bè, người thân chúc phúc.

2. Nghi thức cưới hỏi

Đám cưới truyền thống

Nghi lễ cưới hỏi trong xã hội truyền thống có phần rườm rà, nhiều thủ tục hơn.

Các thủ tục xưa thường bao gồm:

– Mai mối để đôi bạn trẻ tìm hiểu nhau

– Lễ cheo: lễ này có thể tiến hành trước nhiều ngày, hoặc sau lễ cưới một ngày. Lễ cheo là nhà trai phải có lễ vật hoặc tiền bạc đem đến cho làng hoặc xóm của cô dâu để cộng đồng làng xóm tiếp nhận thành viên mới.

– Dạm ngõ

– Ăn hỏi

– Báo hỷ, chia trầu cau

– Nạp tài: nhà trai đem sinh lễ gồm trầu cau, gạo nếp, thịt lợn, quần áo, đồ trang sức sang nhà gái. Lễ này có ý nghĩa nhà trai góp chi phí cỗ bàn và cho nhà gái biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho cô dâu mới về nhà chồng.

– Xin dâu

– Đón dâu

– Lại mặt: chú rể đem lễ vật về lễ tổ tiên ở nhà gái.

Đám cưới hiện đại

Một số tục lệ trong đám cưới xưa đã được lược bớt để phù hợp với đời sống hiện đại. Hiện nay chỉ còn giữ lại 5 lễ chính là dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, đón dâu, lại mặt. Lễ cưới sẽ được tổ chức tại nhà của cô dâu, chú rể hoặc tại các nhà hàng. Nếu tổ chức tại nhà hàng, cô dâu chú rể sẽ có các nghi lễ như rót rượu mời bố mẹ, cắt bánh cưới, trao nhẫn và mời khách dùng tiệc.

3. Trang phục

Đám cưới truyền thống

Trước kia cô dâu dâu thường mặc áo mớ ba, bên trong là áo có màu rực rỡ như hồng, xanh, vàng… bên ngoài phủ áo the thâm. Đến thời gian sau này, cô dâu thường mặc áo dài trắng hoặc váy trắng dài đơn giản. Chú rể sẽ mặc trang phục quần âu, áo sơ mi.

Đám cưới hiện đại

Trong lễ ăn hỏi, cô dâu thường mặc áo dài truyền thống, áo thường có màu tươi tắn, cũng có thể thêu hoa văn, họa tiết rồng phượng. Trong đám cưới ngày nay, cô dâu chú rể mặc trang phục theo kiểu phương Tây. Cô dâu diện váy cưới trắng, chú rể mặc vest. Các loại trang phục cưới này cũng đa dạng hơn theo thời gian.

Sự khác nhau giữa đám cưới truyền thống và đám cưới hiện đại
Đám cưới hiện đại tổ chức tại nhà hàng, khách sạn

4. Sự dung hòa nét truyền thống trong đám cưới hiện đại

Đám cưới hiện đại của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi song vẫn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Một số biểu tượng từ xưa vẫn được coi trọng như trầu cau, chữ hỷ và màu đỏ hạnh phúc.Các nghi lễ gia tiên cũng được lưu giữ như việc chuẩn bị mâm ngũ quả bày trên bàn thờ, thắp hương báo cáo tổ tiên, lễ lên đèn (phổ biến trong miền Nam).

Hiện nay, việc tổ chức được một đám cưới vừa gọn nhẹ, phù hợp với cuộc sống hiện đại, vừa giữ được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt là điều mà nhiều đôi uyên ương chú trọng. Bởi khách mời trong đám cưới vẫn có nhiều vị cao tuổi, quen nếp sống cũ, bên cạnh đó cũng có những vị khách trẻ tuổi mang phong cách hiện đại nên việc dung hòa giữa phong tục truyền thống và các nét văn hóa phương Tây sẽ khiến đám cưới thêm vui vẻ, trọn vẹn.

Nhận được đề tài viết về sự khác biệt trong đám cưới truyền thống và đám cưới hiện đại, mình đã nhận ra một điều khá thú vị. Lễ nghi trong đám cưới dường như bị thay đổi theo hệ tư tưởng. Con người sẽ là thứ tạo nên các lễ nghi, chứ không phải các lễ nghi có thể trói buộc được con người. Vì vậy, trước tiên, hãy giải phóng bản thân ra khỏi các lễ nghi để tìm được điều cốt lõi rằng: Bạn mong muốn có một lễ cưới ra sao? Lễ cưới đó sẽ mang lại cho bạn ý nghĩa nào? Và sau hàng chục năm sau, bạn sẽ kể gì cho con cái về lễ cưới này?

 I . Cưới xin thời phong kiến - Những người đàn bà trong tổ kén.

Mình muốn kể cho các bạn nghe về bộ phim Người Vợ Ba của một ê kíp làm phim toàn phụ nữ

Thành thật mà nói lâu rồi mới lại có một bộ phim điện ảnh Việt Nam đem lại cho mình nhiều cảm xúc đến thế. Xem phim xong mà lòng nặng trĩu, ám ảnh cả một đêm.

Câu chuyện xảy ra vào cuối thế kỉ 19, tại một làng quê Bắc Bộ, xoay quanh nhân vật Mây - một thiếu nữ được gả đi làm lẽ trong một gia đình giàu có khi mới chỉ 14 tuổi.

Xuyên suốt bộ phim, không hề có những mâu thuẫn nảy lửa giữa các bà vợ. Không hề lên gân, không chút cao trào, thế nhưng, chính những cơn sóng ngầm dữ dội dưới mặt nước tưởng chừng rất đỗi phẳng lặng ấy mới thực sự khiến người xem sởn tóc gáy. Mỗi nhân vật đều mang trong mình những nỗi đau riêng chẳng thể thốt thành lời. Những tập tục phong kiến hà khắc đã từng bước đẩy những con người nhỏ bé, vô vọng này đến bờ vực thẳm bi kịch cuộc đời.

Là tục tảo hôn khi những bé gái bị gả đi khi còn chưa tới tuổi trưởng thành. Những đứa trẻ bị tước đoạt tuổi thơ.

Là tư tưởng trọng nam khinh nữ, đàn ông năm thê bảy thiếp, gánh nặng có con trai nối dõi tông đường, phụ nữ bị hắt hủi, cô đơn và chẳng là gì nếu không sinh được con trai cho nhà chồng.

Là hủ tục ép duyên khi yêu nhau mà chẳng thể nào đến được với nhau. Cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy, hẳn là chống đối thì bị quy vào tội bất hiếu...

Những tập tục được truyền lại theo vòng đời thế này tạo nên những bi thương trong phim như vòng đời một chú tằm nhả tơ:”Tằm chết mới hết nhả tơ. Nến kia có tắt mới khô lệ sầu”

 Không một ai, kể cả đàn ông lẫn đàn bà trong cái xã hội phong kiến đó có quyền tự chủ.

Đám cưới dành cho một chính thất thời đó diễn ra theo Sáu lễ:

* Lễ nạp tài: sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn" để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy.

* Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái.

* Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi.

* Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn.

* Lễ thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới. Và sau cùng là

* Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về.

   6 lễ này là sự “trao đổi – trả giá” hoàn toàn giữa hai dòng họ thông qua bà mai mà không hề có sự có mặt của hai nhân vật chính: người đàn ông, người phụ nữ.                                

Tiếp sau 6 lễ dạm, ta có thêm một vài lễ sau đó như:

* Ở miền Bắc Việt Nam ngày xưa,ta còn có nghi lễ cô dâu bước qua lửa hồng để đốt đi những điều xui rủi trước khi vào nhà chồng.

* Lễ bái gia tiên nhà chồng xong, ông bà cũng như cha mẹ chồng tặng cho cô dâu món quà, thường là tiền hoặc là đồ nữ trang.

* Lễ tơ hồng được cử hành rất đơn giản. Bàn thờ thiết lập ngoài trời, bày lư hương và nến hay đèn, tế vật dùng xôi, gà, trầu, rượu.

* Trải giường cưới: một người phụ nữ có “phúc” khỏe mạnh, thành đạt đông con nhiều cháu sẽ giúp trải chiếu cho đôi tân lang tân nương

*Lễ hợp cẩn: Hai vợ chồng uống rượu hợp cẩn

* Tiệc cưới: mổ bò mổ lợn, thiết đãi quan khách.

* Đêm động phòng: Húp trứng gà trên bụng cô dâu để mong sớm sinh quý tử

* Lễ lại mặt: Hai ngày sau lễ cưới, vợ chồng đưa nhau về thăm cha mẹ vợ với một số lễ vật, tùy theo tập tục địa phương bên vợ. Xưa lễ này gọi là "Nhị hỷ". Nếu nhà chồng ở cách xa quá, không về được trong hai ngày thì có thể để bốn ngày sau, gọi là "Tứ hỷ".

* Lễ tiền cheo đóng “ phí cưới” cho làng.

Người xưa quan niệm mục đích hôn nhân cốt duy trì gia thống cho nên việc hôn nhân là việc chung của gia tộc chứ không phải việc riêng của con cái. Bởi vậy định vợ gả chồng cho con là quyền quyết định của cha mẹ. Nghĩa vụ của mỗi người đối với tổ tiên, dòng họ là phải truyền giống về sau để "vĩnh truyền tông tộc", do đó luân lý cho người "vô hậu" là phạm điều bất hiếu rất lớn.

Hệ tự tưởng này là hệ tư tưởng của người Hoa đã áp đặt lên người Việt chúng ta suốt hàng ngàn năm đô hộ.

Nói về người vợ lẽ, có lẽ nàng chẳng bao giờ có nổi một lễ cưới, và có thể bị chồng hoặc chính thất đuổi đi bất cứ lúc nào.

Mình đã suy nghĩ rằng: Nếu các nghi lễ được đặt ra chỉ để trói buộc con người, thì những lễ nghi đó có nên được duy trì và gìn giữ?

II. Miếng trầu là đầu câu chuyện...

Sau Cách Mạng tháng 8, khi nhà nước Việt Nam được thành lập, trải qua thời gian dài chiến tranh và đói khổ, lễ cưới của ông bà ta lại diễn ra thật giản dị, đơn sơ, nhưng ấm cúng và đậm tình người.

Những quy định thời phong kiến được thể chế hóa thành luật hôn nhân. Ở phương diện luật định, sau khi đăng ký kết hôn đôi trai gái được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trong tâm thức và văn hóa dân tộc, lễ cưới chứ không phải tờ hôn thú, mới là thời điểm để họ hàng, bè bạn và mọi người chính thức công nhận đôi trai gái là vợ chồng.

Lễ cưới thời đó được thực hiện theo nếp văn hoá mới, các nghi lễ được giản lược đi rất nhiều. "các thủ tục có tính phong tục, tập quán như chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu cần được tổ chức đơn giản và gọn nhẹ" và "việc cưới cần được tổ chức trang trọng vui tươi, lành mạnh phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc".

Quan trọng nhất là người “chủ hôn” người có vai trò đứng ra bắc cầu giữa hai bên phải là người đứng tuổi, có kinh nghiệm và được mọi người kính trọng.

Tình yêu và đám cưới thời chiến, thời văn hoá mới đôi khi phóng khoáng làm sao. Đôi khi chỉ cần sự chứng kiến ấm tình đồng đội ở lán trại đơn sơ giữa đại ngàn là thành vợ thành chồng.

Như Thị Nở và Chí Phèo chỉ cần bát cháo hành mà nên duyên.. Như anh Tràng gặp người vợ nhặt.. rất đỗi dung dị, dân dã mà sao thấy được sưởi ấm trong lòng.

Tôi nhớ về đám cưới ông bà tôi. Thời ấy, ông bà công tác tại một cơ sở thuộc bộ. Đám cưới sẽ được mượn một phòng họp nhỏ tại cơ quan, trang trí phông bạt đơn sơ, mọi người cùng có mặt để chứng kiến hôn lễ với một vị “chủ hôn” trưởng bối đứng ra làm lễ và chúc phúc cho ông bà. Sang sang thì có miếng trầu làm đầu câu chuyện. Quà cưới thường là những vận dụng thiết yếu nhất dành cho đôi vợ chồng trẻ. Rất tự nhiên người vợ “ bưng chiếc thúng hay lồng bàn bằng lạt” để nhận quà và tiền cưới của mọi người, thân thiết mà ấm áp biết bao tình người.

Những con người thời kỳ đó đã viết nên biết bao những thiên tình sử tráng lệ về tình yêu…

“Ông bà anh đưa nhau đi khắp phố xa. Bà ngồi trên gác baga chiếc xe đạp tróc sơn. Ông mua tặng bà anh một đóa hoa. Và đó là món quà đầu tiên

Ôi tình yêu, ngày xưa đẹp lắm con ơi!Những dòng thư tay viết vội, những lời ngây ngô đầu môi. Và thời ấy, bình dị lắm con ơi. Chạm tay nhau một giây thôi, là nhớ nhau cả đời..”

III. Phú Quý Sinh Lễ Nghĩa...

Thời buổi kinh tế thị trường ập đến. Kinh tế phát triển quá nhanh khiến con người quay cuồng trong thời đại kim tiền và hệ luỵ.  Xen trong tình cảm là những sắc màu của tiền bạc, địa vị, danh vọng. Tình yêu và lễ cưới đã trở thành món “mì ăn liền” và “cơm bụi giá cao” với sự phát triển của nền các dịch vụ “cưới hỏi công nghiệp” mang đến biết bao chuyện bi hài “ ma chê cưới trách”.

Họ trông chờ những đám cưới để khoe mẽ sự giàu sang, với đám cưới tiền tỷ xa hoa lố bịch. Người khác lại mong chờ đám cưới để thu tiền, lại vốn. Cưới hỏi linh đình là vậy, nhưng đám cưới diễn ra chóng vánh. Tại thành thị, việc khách mời không nhớ mặt cô dâu chú rể, ngồi cùng những người lạ mặt, bước qua ba mươi phút ầm ã, ra về trong lòng chả kịp nhớ có món gì trên mâm là chuyện thường tình. Tại nông thôn, đám cưới đám hỏi kéo dài, nhậu nhẹt bù khú, sinh ra nhiều tệ nạn ngay trong ngày vui.

Phú quý sinh lễ nghĩa, những lễ nghi truyền thống cũ tưởng rằng đã mai một từ những đám cưới dân dã lại quay trở về và thêm nhiều câu nệ.  Từ dịch vụ cưới hỏi “ công nghiệp” nở rộ khiến phát sinh thêm rất nhiều sự so sánh và phân tầng nhu cầu: Phòng tiệc, Chụp ảnh cưới, Quay phim, Tráp lễ, áo dài, áo cưới, trang điểm cô dâu, trang trí tiệc cưới cao cấp… đã xảy ra nhiều chuyện không vừa ý giữa hai bên gia đình. Sự cãi vã gây gổ mất lòng thường xuyên diễn ra giữa các bên do sự chênh lệch về quan niệm chi phí tiệc cưới, và do các nhu cầu phát sinh quá nhiều mà không có những thông tin định hướng, khiến  cô dâu lẫn chú rể và hai bên gia đình đều thiếu kiến thức, mệt nhoài để lo cho chu đáo.

Bước qua lễ cưới, mải tiếp khách uống rượu và chưng ra những nụ cười công nghiệp méo mó, khiến cô dâu chú rể chỉ biết vùi đầu vào giấc ngủ mệt mỏi. Tỉnh dậy thấy trong lòng thật trống rỗng. Lễ cưới trở thành một thứ hình thức mệt mỏi, không hơn không kém.

IV. Đám cưới hiện đại…

“Anh và em yêu nhau thời xe máy ô tô

Anh và em yêu nhau thời Facebook, zalo

Anh và em yêu nhau thời tay cầm Oppo”

Một thời đại mới đã đến, với thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, thương mại hóa toàn cầu khiến nhiều tư tưởng từ nhiều nên văn hóa khác nhau đã du nhập và khiến giới trẻ có suy nghĩ rất khác về đám cưới.

Những người trẻ được phép tự do chọn lựa bạn đời, tự do vượt qua những quy chuẩn về “ tam tòng tứ đức” , vượt qua những quy chuẩn về tuổi thành hôn : “gái hăm lăm trai hăm bảy”, vượt qua những quan niệm “ta về ta tắm ao ta” để có những vị hôn phu cách nửa vòng trái đất, thách thức những công thức của một người vợ “ công – dung – ngôn – hạnh” , và định nghĩa một cặp đôi tương xứng “ trai phải tài – gái phải sắc”.

Họ xé bỏ mọi rào càn về một lễ cưới cần có trước khi sinh con đẻ cái. Nhiều đôi uyên ương còn từ chối tổ chức lễ cưới, cá biệt còn xuất hiện những “cô dâu” không muốn làm lễ vu quy (rước dâu) về nhà chồng. Vì vậy đám cưới ngày nay thực sự rất khác!

Lối sống được ảnh hưởng từ nhiều hệ tư tưởng mới khiến những bạn trẻ muốn xóa bỏ đi những lễ nghi và tục lệ cũ, tự do thể hiện tình yêu, tự do thể hiện cá tính, để hướng về tinh thần, về những điều chân thật và quý giá nhất. Tôi cho rằng điều đó là hoàn toàn đúng đắn. Các bạn có đủ quyền để tự có một lựa chọn cho riêng mình!

V. Điểm chạm

Bạn mong muốn có một lễ cưới ra sao?

Mình tin rằng các bạn sẽ mong muốn có một đám cưới hướng vào những điều chân thật phù hợp với cá tính của hai bạn nhất, mà tại đám cưới đó, hai bạn sẽ là nhân vật chính giữa những người thân yêu nhất, thực lòng mong muốn những điều tốt đẹp nhất dành cho hai người.

Lễ cưới đó sẽ mang lại cho cha mẹ ý nghĩa nào?

Tuy nhiên, mình thật lòng muốn các bạn hãy lắng nghe suy nghĩ của cha mẹ về đám cưới. Hãy cố gắng dung hòa những mong muốn tối thiểu của cha mẹ với mong muốn thực tế của hai bạn. Cha mẹ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái, và họ sẽ cố gắng để làm điều tốt nhất có thể trong khả năng mình. Nếu hai bạn có những bậc cha mẹ khá truyền thống, hãy cân nhắc về việc sẽ thực hiện đầy đủ một vài nghi thức truyền thống như: Đăng ký kết hôn, lễ ăn hỏi, và lễ vu quy (rước dâu). Nếu cha mẹ bạn trọng các mối quan hệ, hãy cân nhắc đồng ý để cha mẹ mời những vị khách họ mong muốn trong buổi tiệc.

Và sau hàng chục năm sau, bạn sẽ kể gì cho con cái về lễ cưới này?

Cuối cùng, đám cưới vẫn là kỷ niệm đặc biệt nhất của đời của hai bạn. Hai bạn vẫn là những người chủ trong tiệc cưới của chính mình. Vì vậy hãy làm cầu nối và nhẹ nhàng dung hòa mong muốn giữa hai bên gia đình để có một đám cưới vui vẻ và tràn ngập tình yêu. Bạn có thể thuyết phục cha mẹ bỏ bớt những thủ tục rườm rà nếu bạn thực sự mong muốn. Như thay vì lễ ăn hỏi trọng số lượng, hãy lựa chọn những tráp lễ nhỏ nhưng mà chất lượng. Thay vì tổ chức quá linh đình, hãy chắt lọc mời những vị khách thật sự thân thiết. Thay vì kịch bản có sẵn, hay lên một kịch bản độc đáo chỉ có tại tiệc cưới của hai bạn. Thay vì đổ tiền vào những điều phù phiếm để “ trình diễn” cho người khác nhìn, bạn có thể “ đầu tư” vào những vật có giá trị cao về kỷ niệm như: ảnh cưới, clip cưới, nhẫn cưới… để có thể lưu giữ được thời khắc hạnh phúc của hai bạn mãi mãi.

VI. Kết – Những cánh bướm đẹp xinh

Mình đặc biệt thích cảnh quay khép lại bộ phim “ Người vợ ba”, khi cô con gái nhỏ của người vợ hai cầm kéo cắt phăng mái tóc dài mượt mà của mình, thả trôi theo dòng nước để bày tỏ khát vọng được giải phóng…

Trải qua hàng thế kỷ với biết bao nhiêu cuộc chiến có tiếng súng và không có tiếng súng.. để chúng ta đã có ngày hôm nay, để thực sự giải phóng bản thân khỏi mọi lễ nghi phong kiến hà khắc, giải phóng khỏi sự trói buộc của một xã hội kim tiền trọng danh kém văn minh, để có thể tự làm chủ cuộc đời, làm chủ bản thân, và làm chủ lễ thành hôn của chính mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận những nét đẹp trong  văn hóa Á Đông: đó là nhân – lễ - nghĩa – trí – tín, đó là sự trân trọng truyền thống và bản sắc gia đình, trân trọng họ mạc và các mối quan hệ, sự trân trọng vai trò riêng của từng cá nhân trong hôn phối, sự trân trọng trời – đất với mong muốn âm – dương hòa hợp..

Các cô gái không còn là con tằm nhả tơ cho đến chết!

Các cô gái bây giờ là những chú bướm đẹp xinh, mà phải thật khéo mới có thể bắt được nàng để nâng niu gìn giữ. Hãy để lễ cưới trở thành một dấu ấn tươi đẹp “ xanh ngát xanh” nhất trong cuộc đời của hai bạn bằng sự chắt lọc thông thái, với sự trân trọng lẫn nhau, trân trọng gia đình hai bên, trân trọng những lễ nghi truyền thống ở một khía cạnh ý nghĩa tốt đẹp và tích cực nhất bạn nhé!