Nguyên nhân sốt về chiều

Sốt là một triệu chứng đặc trưng bởi sự gia tăng nhiệt độ cơ thể cao hơn khoảng dao động bình thường của nhiệt độ cơ thể người (36.5–37.5 °C). Mặc dù sốt không phải là triệu chứng đặc hiệu cho một bệnh cụ thể nào. Nhưng những cơn sốt chủ yếu vào buổi chiều và đêm có thể gợi ý những bất thường nghiêm trọng của cơ thể. Hãy cùng đọc bài dưới đây để hiểu thêm về dấu hiệu này.

Video: Khó thở, choán, mệt mỏi về chiều và đêm là bệnh gì?

Sốt về chiều và đêm tình trạng người bệnh gặp hiện tượng sốt vào thời điểm từ buổi chiều cho tới đêm. Người bệnh có thể sốt nhẹ, không sốt, đôi khi là khỏe mạnh bình thường vào ban ngày nhưng khi về đêm, chiều thì lại có biểu hiện sốt tăng lên, thậm chí sốt rất cao gây ra nhiều lo lắng. 

Ngoài sốt, các triệu chứng khác gợi ý nguyên nhân gây sốt mà người bệnh gặp phải, như:

  • Hắt hơi, đau họng, chảy nước mũi
  • Ho, ho nhiều, ho dữ dội và ho ra máu, hắt hơi, đau họng
  • Đau buốt khi đi tiểu, tiểu rắt, nước tiểu đục hoặc có mủ.
  • Vàng mắt, vàng da, đau bụng
  • Da xanh xao, nhợt nhạt, chảy máu khó cầm
  • Gầy sút cân không rõ nguyên nhân

Nguyên nhân sốt về chiều và đêm

Sốt là do trung tâm điều nhiệt trong cơ thể bị rối loạn do ảnh hưởng của một số yếu tố có hại, điển hình là do nhiễm khuẩn. Khi trung tâm điều nhiệt bị mất cân bằng, cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng giảm thải nhiệt và đồng thời kích thích tăng sinh nhiệt. Nếu hiện tượng này xảy ra chủ yếu về chiều và đêm, điều đó đồng nghĩa với người bệnh sẽ chủ yếu sốt về chiều và đêm.

Nguyên nhân sốt về chiều và đêm ở người lớn

Người lớn thường ít bị sốt về chiều và đêm hơn so với trẻ nhỏ. Một số nguyên nhân hay gặp ở người lớn, bao gồm:

Bệnh nhiễm trùng

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Đây là nguyên nhân thường thấy gây sốt cao về đêm. Bệnh có thể là nhiễm trùng cao như thận, bể thận hay vùng thấp như viêm bàng quang, viêm niệu đạo. 
  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sốt và cũng có khi gây sốt về đêm. Bệnh có thể là viêm mũi họng thông thường, nhưng cũng có trường hợp nặng nề viêm phế quản, viêm phổi gây ra sốt
  • Sốt virus phổ biến nhất là do virus đường hô hấp, thường gây bệnh khi thời tiết chuyển mùa. Sốt virus khiến thân nhiệt người bệnh tăng cả ngày song sốt nặng nhất chủ yếu vào buổi chiều

Nguyên nhân sốt về chiều
Nhiễm trùng đường hô hấp là một trong những nguyên nhân gây sốt về chiều, đêm. Nguồn: medicalnewstoday.com.

Bệnh lý về gan

Các bệnh lý ở gan gây rối loạn hoạt động thải độc của cơ quan này thường gây ra tình trạng sốt nhẹ đến sốt vừa về chiều và tối. Các bệnh lý thường gặp như viêm gan, ung thư gan, xơ gan, tổn thương gan do virus hoặc chất độc.

Khi chức năng gan suy giảm, khả năng thải độc tố bị rối loạn hoặc suy giảm khiến độc tố tích tụ trong cơ thể và là nguyên nhân gây tăng thân nhiệt vào tầm thời gian chiều tối mỗi ngày. Ban đầu, tình trạng sốt có thể không nghiêm trọng nhưng theo mức độ tổn thương gan, tần suất và thời gian sốt về chiều sẽ tăng lên. 

Bệnh lý ung thư

Sốt về chiều cũng có khả năng là dấu hiệu sớm của ung thư, đặc biệt là ung thư gan gây rối loạn hệ miễn dịch. Cần cẩn thận nếu do nguyên nhân này, người bệnh thường chỉ bị sốt nhẹ về chiều tối nhưng kéo dài dai dẳng.

Bệnh lao

Bệnh lao do vi khuẩn gây ra cũng là nguyên nhân gây sốt thường xuyên về chiều, song người bệnh thường không bị sốt cao. 

Bệnh về miễn dịch và mô liên kết

Các bệnh về mô liên kết đặc trưng bởi hiện tượng tự cơ thể tấn công các mô của bản thân mà hay gặp nhất là các mô liên kết. Trong số đó, có các bệnh như viêm khớp dạng thấp rất, lupus hoặc vảy nến có thể gây sốt về đêm.

Bệnh máu ác tính

Bệnh máu ác tính gây ảnh hưởng đến hoạt động miễn dịch của cơ thể, nếu cơn sốt về chiều thường xuyên xuất hiện thì cẩn thận với nguyên nhân bệnh lý này.

Nguyên nhân sốt về chiều và đêm ở trẻ em

Trẻ sốt về chiều và đêm, bao gồm một số bệnh:

Bệnh nhiễm trùng

Viêm đường hô hấp, viêm ruột, nhiễm trùng đường niệu, nhiễm trùng da, sốt do nhiễm lao… hoặc nhiễm virus. Đây là nguyên nhân gây ra hầu hết các cơn sốt về đêm và chiều ở trẻ. Khi mắc những bệnh này, cơ thể sẽ chống lại chúng bằng cách kích thích các cơ chế bảo vệ tự nhiên, và sốt là biểu hiện của cơ chế này.

Tiêm phòng

Cơ chế gây sốt trong trường hợp này tương tự như khi trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng. 

Nguyên nhân sốt về chiều
Tiêm vaccin gây ra tác dụng phụ sốt về chiều, đêm trong một số trường hợp. Theo nguồn: www.self.com.

Mặc quần áo quá mức

Trẻ sơ sinh dễ bị sốt nếu mặc quần áo quá nóng hoặc ở trong môi trường nóng vì bản thân các bé không điều chỉnh được thân nhiệt tốt như trẻ lớn. 

Các nguyên nhân khác

Trúng nắng, trúng nóng, mọc răng, sử dụng kháng sinh kéo dài … cũng có khả năng gây sốt về chiều và đêm ở trẻ

Chẩn đoán sốt về chiều và đêm

Việc chẩn đoán sốt về chiều và đêm không khó. Bạn dễ dàng xác định chính xác tình trạng này dựa vào việc kiểm tra nhiệt độ cơ thể bằng nhiệt kế. Mọi con số nhiệt kế ghi lại mà trên mức nhiệt độ cơ thể bình thường (36,5oC – 37oC) đều được gọi là sốt. Điều quan trọng là cần đánh giá đúng mức độ sốt, nguyên nhân gây sốt và khi nào cần khám bác sĩ.

Điều trị sốt về đêm và chiều

Trong thời gian ngắn, khi chưa có những triệu chứng đặc biệt, một số biện pháp chăm sóc và xử trí tại nhà, bao gồm:

  • Hạ sốt bằng các thuốc hạ sốt không kê đơn như paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kết hợp với việc dùng khăn chườm nước ấm lau các vùng trán, bẹn, nách để cơ thể được làm mát. Thuốc hạ sốt nên được uống khi nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C. Nếu thuốc sử dụng khi cơ thể đã toát mồ hôi, đang cảm thấy lạnh hoặc nóng thì tức là nhiệt độ cơ thể đã hạ, việc dùng thuốc sẽ không còn tác dụng nữa.
  • Tăng cường bổ sung vitamin C, nước, rau xanh, trái cây cho cơ thể.
  • Ăn uống nhiều chất dinh dưỡng, vận động hợp lý.
  • Mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt để giúp cơ thể được giải phóng bớt nhiệt.

Khi nào cần khám bác sĩ?

Hãy liên hệ với bác sĩ ngay nếu:

  • Sốt về chiều kéo dài trên 2 ngày hoặc sốt tái đi tái lại kéo dài hơn 1 tuần.
  • Sốt cao 39-40 độ, sốt khó hạ dù đã thực hiện các biện pháp như lau mát, uống thuốc hạ nhiệt, bổ sung nước….
  • Xuất hiện triệu chứng nguy hiểm khác như nôn ói, thở khò khè, thở mệt, giật mình hoảng hốt, lạnh tay lạnh chân…
  • Với trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi khi bị sốt về chiều và đêm, dù chưa xuất hiện các biểu hiện trên thì bố mẹ vẫn cần đi khám để tìm nguyên nhân, nhất là trẻ còn trong tháng mà bị sốt.

Xem thêm:

  • Những điều cần biết về vắc xin phòng uốn ván
  • Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu: Những điều cần biết
  • Sốt nhẹ kéo dài: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
  • Phát ban sau khi sốt ở trẻ nhỏ và những điều cần biết
  • 15 thực phẩm hàng đầu nên ăn khi bạn bị ốm