Làm thế nào để giới trẻ đam mê đọc sách năm 2024

Với nhiều hoạt động được tổ chức trong Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4) do các cấp, các ngành triển khai trong nhiều năm qua đã góp phần tạo nguồn động lực giúp giới trẻ, học sinh, sinh viên dấy lên phong trào đọc sách. Tuy nhiên, trong bối cảnh văn hóa nghe nhìn lên ngôi, chưa có nhiều yếu tố để hình thành thói quen đọc sách thì việc khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong học sinh vẫn còn những khó khăn.

Theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm (trong đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn còn lại là các thể loại khác); có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Trong khi đó, các em học sinh ở các cấp học, nếu xét trong phạm vi phát triển văn hóa đọc, họ chính là những độc giả của hiện tại và là các nhân vật của tương lai nhưng vì nhiều lý do phần lớn các em lại thiếu đi niềm đam mê đọc sách và ít đọc sách.

Làm thế nào để giới trẻ đam mê đọc sách năm 2024
Nhiều hoạt động phong phú được tổ chức trong Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Ảnh: NP

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong quỹ thời gian 24 giờ mỗi ngày thì phần lớn tập trung cho việc học, lịch học dày đặc, từ học chính khóa đến học thêm trong nhà trường, học thêm ngoài nhà trường, và học thêm ngoài nhà trường không chỉ một môn mà có em tới 4-5 môn, thậm chí có môn học tới 2-3 chỗ, rồi thời gian ngủ nghỉ, thời gian tự học làm bài tập các loại nên các em ít có thời gian cho đọc sách. Hơn nữa, sự bùng nổ của các phương tiện giải trí hiện đại như: game, phim ảnh, mạng xã hội… và sự lên ngôi của văn hóa nghe nhìn đã khiến cho nhiều em không có thói quen đọc sách, không có không gian đọc sách từ nhỏ.

Nói về thói quen đọc sách phải là một quá trình được hình thành từ khi còn nhỏ. Ở gia đình, ít bậc phụ huynh có thói quen đọc sách nên con cái cũng ít chịu ảnh hưởng và được vun đắp niềm say mê này. Còn ở trường học, phần lớn thời gian học sinh tập trung học kiến thức trong sách giáo khoa mà ít được khuyến khích thói quen đọc sách hay hướng dẫn cách lựa chọn sách, cách đọc sách hiệu quả. Không có thói quen đọc sách, các em ít quan tâm và ít ham mê đọc sách. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói đại ý rằng, giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14,15 tuổi trước nay chỉ quen cắm mắt vào game ở máy tính ép đọc vì những lý do như nâng cao văn hóa đọc mà người lớn vẫn hay nói là quá muộn màng.

Xác định trường học là nơi thể hiện rất rõ chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc cho thế hệ trẻ, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh ta đều được đầu tư xây dựng thư viện, nhiều trường còn có thư viện đạt chuẩn và được trang bị nhiều đầu sách. Như vậy, tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh đều được tiếp cận với thư viện và điều này đồng nghĩa với việc gần 100% học sinh được tiếp cận với sách. Thế nhưng, các em có đến đọc sách, mượn sách ở thư viện trường học và thư viện trường học có phát huy được hiệu quả, có được sử dụng hết công suất hay không lại là chuyện khác. Vì nhiều lý do như đã nêu, đặc biệt là thiếu thói quen đọc sách dẫn đến thiếu ý thức sử dụng thư viện, thiếu ý thức tra cứu tài liệu từ sách nên số học sinh đến đọc sách, mượn sách ở các thư viện trường học còn ít.

Làm thế nào để giới trẻ đam mê đọc sách năm 2024
Xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh là hết sức quan trọng. Ảnh: N.P

Ít đọc sách cũng đồng nghĩa với việc học sinh ít tích lũy được tri thức, ít tìm tòi, sáng tạo. Trong khi hàng nghìn cuốn sách “chôn chân”, “phủ bụi” trong các thư viện, qua thời gian đã tích lũy và tạo ra vòng luẩn quẩn giữa thiếu hụt tri thức, tư duy và nghèo đói, lạc hậu, bảo thủ. Thậm chí có người còn cho rằng, việc ít đọc sách có mối liên hệ mật thiết với tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực học đường gia tăng thời gian gần đây. Bởi chính sự thiếu hụt tri thức về cuộc sống, thế giới thông qua sách vở, nhận thức lệch chuẩn sẽ dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn, yếu trong việc chắt lọc và sức đề kháng với những cái xấu, việc ác.

Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đề ra một trong những mục tiêu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển năng lực tự học, biết thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau để có năng lực học tập suốt đời. Như vậy, việc phát triển hệ thống thư viện trường học và nâng cao hiệu quả sử dụng thư viện trường học, phát triển văn hóa đọc sẽ góp phần đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đó.

Làm thế nào để các em thấy thích sách rồi đam mê đọc sách, đó là điều không hề dễ dàng và cũng không thể là chuyện ngày một, ngày hai. Chỉ mong rằng, từ các hoạt động phong phú trong Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam được các cấp, các ngành tổ chức; từ sự quan tâm của phụ huynh qua việc mua sách, tặng sách, đọc sách cho con ngay từ nhỏ; từ sự khuyến khích các em mượn sách, đọc sách ở thư viện nhà trường, từ sự định hướng ngay trong phương pháp giảng dạy ở các tiết học các bộ môn xã hội, thậm chí cả môn tự nhiên của giáo viên… sẽ dần thay đổi suy nghĩ, thói quen và cho các em thấy có một thế giới sách - thế giới tri thức, chân - thiện - mỹ luôn ở bên.