Finnone là gì

Các ngân hàng hiện đại sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo nhiều cách khác nhau để cải thiện sự hài lòng của khách hàng. Đáng chú ý, trong số các ứng dụng công nghệ dành cho ngân hàng là việc sử dụng hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking Systems - CBS). Với CBS, ngân hàng điện tử thời gian thực trực tuyến tập trung là dịch vụ của các chi nhánh được kết nối mạng, cho phép khách hàng truy cập tài khoản của họ và thực hiện các giao dịch ở bất kỳ đâu, ở mọi thời điểm. Giải pháp CBS cho phép kết nối các chi nhánh ngân hàng với nhau, do đó, người sử dụng có thể quản lý tài sản của mình độc lập với chi nhánh ngân hàng mà họ được mở. Sự kết nối này đã giúp thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng như Mobile Banking, E-banking cũng như việc sử dụng máy rút tiền tự động (ATM). Mục tiêu của bài viết là làm sáng tỏ một khía cạnh của công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, cụ thể là khái niệm về CBS, lợi ích của nó đem lại cho ngành tài chính, ngân hàng, các cơ hội phát triển và thách thức, rào cản ảnh hưởng đến CBS.

1. CBS

Ngày nay, ngân hàng với tư cách là một ngành kinh doanh đã phát triển vượt bậc và chuyển mình chỉ từ một hệ thống nhận tiền gửi và cho vay thành một tổ chức cung cấp toàn bộ sản phẩm và dịch vụ trên phạm vi lớn. Tất cả các hoạt động như vậy trong lĩnh vực ngân hàng được gọi là Core Banking. Theo định nghĩa thuần túy, Core Banking đề cập đến một hệ thống tập trung được thiết lập bởi một ngân hàng, cho phép khách hàng của họ tiến hành hoạt động kinh doanh độc lập với chi nhánh của ngân hàng, loại bỏ những trở ngại của các giao dịch theo địa lý cụ thể. CBS cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào các tiện ích ngân hàng từ bất kỳ chi nhánh ngân hàng nào trên toàn quốc và hỗ trợ thông tin trên các kênh phân phối. Core có thể hiểu theo hướng khác, viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Centralized Online Real time Exchange - Sàn giao dịch thời gian thực trực tuyến tập trung”, các chi nhánh có thể truy cập các ứng dụng từ các trung tâm dữ liệu tập trung. Ngoài khách hàng bán lẻ, ngân hàng lõi hiện cũng đang được mở rộng để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng doanh nghiệp và cung cấp giải pháp ngân hàng toàn diện.

Cần phân biệt CBS với ứng dụng ngân hàng, CBS là một hệ thống phần mềm tích hợp được nhiều ứng dụng CNTT. CBS có thể được gọi là một hệ thống back-end, liên quan đến việc xử lý các giao dịch ngân hàng qua các chi nhánh khác nhau của một ngân hàng trên một nền tảng duy nhất. Các giải pháp CBS chịu trách nhiệm đảm bảo quy trình làm việc liền mạch bằng cách tự động hóa các quy trình giao diện người dùng và phụ trợ trong ngân hàng.

CBS là một hệ thống các phân hệ có liên quan đến các nghiệp vụ cơ bản của các ngân hàng như các khoản tiền gửi, tiền vay, tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, chuyển tiền, thẩm định, nguồn vốn, ngân quỹ liên quan đến khách hàng... Thông qua CBS, các ngân hàng có thể phát triển được thêm rất nhiều các dịch vụ, sản phẩm khác nhau và quản lý vấn đề nội bộ một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn. Về bản chất, CBS chính là một hệ thống phần mềm tích hợp được nhiều ứng dụng tin học trong suốt quá trình quản lý các thông tin, tài sản, thực hiện các giao dịch, vấn đề quản trị rủi ro... trong toàn bộ hệ thống hoạt động của các ngân hàng. CBS được xem như là trái tim của hệ thống thông tin trong ngân hàng. Nó bao gồm các vấn đề liên quan đến tiền, tài sản thế chấp, việc giao dịch, sổ sách, các dữ liệu máy tính và hệ thống thông tin tại ngân hàng. Toàn bộ các giao dịch đều được chuyển qua CBS trong khoảng thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo được việc duy trì các hoạt động cũng như xử lý các thông tin trong suốt thời gian hệ thống hoạt động. Hầu hết, các CBS hiện đại đều hoạt động không ngừng (24/7) để đảm bảo hoạt động Internet Banking, những hoạt động giao dịch toàn cầu thông qua ATM, Internet, điện thoại và Debit Card, tạo bước đệm cần thiết cho nhiều dự án quan trọng khác như kinh doanh thẻ, phát triển các kênh ngân hàng điện tử E-banking, quản lý quan hệ khách hàng, xây dựng kho dữ liệu Datawarehouse.

Một CBS tốt là nền tảng CNTT để khách hàng có thể thao tác mọi dịch vụ một cách chính xác, thuận tiện và nhanh chóng. CBS tốt cũng giúp cho ngân hàng, nhân viên, đối tác có thể phát triển các sản phẩm, dịch vụ và các tiện ích tốt nhất cũng như hướng đến mục tiêu quản trị hiệu quả. Dựa trên CBS hiện đại, ngân hàng cần phát triển các tiện ích về công nghệ để nhằm gia tăng sự thuận tiện cho khách hàng, đặc biệt là các ứng dụng sử dụng trên điện thoại thông minh.

Các thị trường của CBS được phân đoạn trên cơ sở thành phần, mô hình triển khai, quy mô doanh nghiệp, chủng loại, người dùng cuối và khu vực. Ở cơ sở thành phần, thị trường được phân chia thành giải pháp và dịch vụ. Về mô hình triển khai gồm hạ tầng và đám mây. Dựa trên quy mô doanh nghiệp, phân thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo loại hình, có các giải pháp khách hàng doanh nghiệp, các khoản cho vay, tiền gửi và các giải pháp khác. Trên cơ sở người dùng cuối, thị trường được phân đoạn thành các ngân hàng, hiệp hội tín dụng và các ngân hàng khác. Khu vực thị trường ở khắp Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương...

CBS đề cập đến một giải pháp CNTT tiêu chuẩn, trong đó cơ sở dữ liệu được chia sẻ, trung tâm hỗ trợ toàn bộ ứng dụng ngân hàng. Các đặc điểm của CBS là: Có một cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn trong một máy chủ trung tâm cung cấp các hoạt động của ngân hàng; các chi nhánh hoạt động như các kênh phân phối cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình; CBS có cấu trúc module được thiết kế theo từng giai đoạn để đáp ứng nhu cầu của hệ thống ngân hàng; CBS được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến và có các tiêu chuẩn cao về kinh doanh, tài chính; giải pháp CBS mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho khách hàng chứ không chỉ của chi nhánh; CBS cũng cho phép tích hợp tất cả các ứng dụng của bên thứ ba, bao gồm cả phần mềm nội bộ ngân hàng, để hỗ trợ các quy trình kinh doanh.

Một số giải pháp minh họa về CBS có thể kể đến như:

Một là, Finacle: Bộ phần mềm cốt lõi do Infosys phát triển cung cấp các dịch vụ phân hệ dành cho ngân hàng.

Hai là, FinnOne: Sản phẩm ngân hàng toàn cầu trên nền web được thiết kế để hỗ trợ các ngân hàng và công ty tài chính trong việc xử lý tài sản, vay nợ, kế toán... và các dịch vụ khách hàng.

Ba là, Flexcube: Giải pháp toàn diện, tích hợp, tương thích với các module CBS cho phép các ngân hàng quản lý các kỳ vọng phát triển của khách hàng.

Bốn là, BaNCS: Một mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp các hoạt động bao gồm các khoản cho vay, tiền gửi, quản lý tài sản, các kênh số, phân tích rủi ro...

Năm là, BankMate: Một hệ thống ngân hàng điện tử tích hợp, có thể mở rộng, đáp ứng các yêu cầu triển khai trong môi trường ngân hàng truyền thống và phi truyền thống để cung cấp đầy đủ các dịch vụ với mô hình mọi lúc, mọi nơi.

Giải pháp CBS đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để cung cấp một loạt các dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng và môi trường ngân hàng cạnh tranh. Điều này đòi hỏi hầu hết các chi nhánh của ngân hàng phải truy cập các ứng dụng từ các trung tâm dữ liệu tập trung. CBS cho một ngân hàng không chỉ hoạt động như hệ tuần hoàn mà còn như một hệ thần kinh. Tất cả các giao dịch đều chạy qua các hệ thống cốt lõi này, ở mức tối thiểu tuyệt đối, phải duy trì hoạt động và đáp ứng trong giờ làm việc.

Một CBS gồm các thành phần cơ bản:

- Văn phòng hỗ trợ: Back Office bao gồm các nhân viên, quản trị và hỗ trợ, những người này không gặp mặt khách hàng, để thực hiện chức năng thanh toán, duy trì hồ sơ, tuân thủ quy định, kế toán và các dịch vụ CNTT... Các chuyên gia Back Office cũng có thể làm việc trong lĩnh vực giám sát các trao đổi của nhân viên và đảm bảo rằng họ không giao dịch chứng khoán bị cấm trên tài khoản của mình.

- Kho dữ liệu: Các chuyên gia ngân hàng sử dụng chúng để đơn giản hóa và chuẩn hóa cách thu thập dữ liệu. Kho dữ liệu chứa lượng lớn thông tin và cần đảm bảo độ chính xác.

- Hệ thống thẻ tín dụng: Cung cấp các chức năng quản lý khách hàng, thẻ tín dụng, tài khoản, thông tin khách hàng, sổ cái tổng hợp, dịch vụ ủy quyền và giao dịch trực tuyến trên từng kênh của ngân hàng, hỗ trợ trong ứng dụng thanh toán. Hệ thống có thông số linh hoạt để đẩy nhanh thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

- Hệ thống ATM: Cho phép khách hàng hoàn tất các giao dịch điện tử cơ bản nhanh chóng mà không cần sự trợ giúp của nhân viên chi nhánh.

- Máy chủ trung tâm: Hầu hết các ngân hàng sử dụng các ứng dụng CBS để hỗ trợ hoạt động của họ, tạo ra một sàn giao dịch (hoặc môi trường) trực tuyến tập trung theo thời gian thực. Điều này có nghĩa là, tất cả các chi nhánh của ngân hàng đều truy cập ứng dụng từ các máy chủ trung tâm, do đó, bất kỳ khoản giao dịch nào được thực hiện tại bất kỳ đâu đều được phản ánh ngay lập tức.

- Ngân hàng trực tuyến: Là một hệ thống thanh toán điện tử cho phép khách hàng của một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác thực hiện nhiều giao dịch tiền tệ khác nhau thông qua trang web của tổ chức tài chính. Hệ thống ngân hàng trực tuyến cung cấp hơn 250 dịch vụ và tiện ích cho phép khách hàng truy cập theo thời gian thực vào tài khoản ngân hàng của mình. Khách hàng có thể thực hiện và nhận các khoản thanh toán vào tài khoản ngân hàng của mình, mở các khoản tiền gửi định kỳ, xem chi tiết tài khoản và các yêu cầu khác khi họ đang trực tuyến.

- Mobile Banking: Là dịch vụ được cung cấp bởi một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tại bất kỳ đâu và ở mọi thời điểm bằng thiết bị di động như điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.

- Phone Banking: Khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch thông qua tổng đài của ngân hàng qua điện thoại mà không cần đến chi nhánh ngân hàng hoặc máy ATM. Đăng ký số di động trong tài khoản là một trong những điều kiện cơ bản để sử dụng Phone Banking.

- Ngân hàng chi nhánh (Branch Banking): CBS là hệ thống tập trung của ngân hàng chịu trách nhiệm đảm bảo quy trình làm việc liền mạch bằng cách tự động hóa trong giao diện người dùng và phụ trợ ngân hàng. CBS giúp tạo tài liệu thủ công ghi lại dữ liệu cần thiết để nhập vào phần mềm; ủy quyền nội bộ; bắt đầu hoạt động đầu ngày và cuối ngày; rà soát các báo cáo để quản lý và sửa lỗi.

Việc triển khai CBS giúp tiết kiệm thời gian, đồng thời giải quyết các vấn đề khác nhau và nâng cao tính hữu ích. CBS là nền tảng mà CNTT và truyền thông được hợp nhất để phù hợp với nhu cầu cốt lõi của ngân hàng.

CBS được xem là xu hướng hiện đại hóa công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và sự hội nhập quốc tế hiện nay. Các giải pháp CBS rất đa dạng về bản chất và phụ thuộc vào loại cơ sở dữ liệu khách hàng mà ngân hàng đang phục vụ. Các mục tiêu cơ bản của CBS là mang lại sự thuận tiện hơn cho khách hàng và cắt giảm chi phí hoạt động. Do đó, trong khi khách hàng được hưởng lợi do có nhiều quyền tự do hơn trong giao dịch, thì các ngân hàng thu được lợi nhuận từ tiết kiệm thời gian và nguồn lực dành cho các hoạt động lặp đi, lặp lại.

Các dịch vụ được xử lý nhanh hơn các giao dịch truyền thống như gửi tiền mặt, rút tiền, sổ tiết kiệm, sao kê tài khoản, hối phiếu không kỳ hạn...; có thể giao dịch ở mọi nơi và bất kỳ lúc nào. Trước đây, khi các ngân hàng chưa có CBS hiện đại, việc quản lý khách hàng rất rải rác và bất tiện cho khách hàng. Tiền gửi ở đâu, phải đến đó, không thể rút ở điểm giao dịch khác, mặc dù các điểm này đều trong cùng hệ thống một ngân hàng. Thậm chí, khách hàng muốn giao dịch ở bao nhiêu điểm thì phải mở bấy nhiêu tài khoản. Với sự ra đời của CBS hiện đại, khách hàng chỉ cần có một mã duy nhất ở ngân hàng là có thể giao dịch với rất nhiều sản phẩm, ở bất cứ điểm giao dịch trong cùng hoặc không trong cùng một hệ thống. Điều này thuận tiện cho những người sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh khi có thể giao dịch điện tử với sự đa dạng của các gói sản phẩm được cung cấp bởi CBS.

CBS cung cấp khả năng xử lý giao dịch trực tuyến, toàn diện và thời gian thực, hỗ trợ những yêu cầu kinh doanh quốc tế đa ngôn ngữ, đa tiền tệ; khả năng truy cập thông qua nhiều kênh trực tuyến. Khách hàng có thể nhận được thông tin chính xác, kịp thời và hữu ích về các gói sản phẩm của ngân hàng.

Lợi ích cho các tổ chức tài chính, ngân hàng

CBS giúp chuẩn hóa quy trình trong ngân hàng và các chi nhánh, quản lý nội bộ chặt chẽ, hiệu quả hơn; giữ chân khách hàng thông qua dịch vụ đa dạng; thực hiện chính xác trong giao dịch và giảm thiểu sai sót; cải thiện quản lý tài liệu, hồ sơ, có cơ sở dữ liệu tập trung dẫn đến việc thu thập dữ liệu và báo cáo nhanh chóng; thuận tiện trong việc mở tài khoản, xử lý tiền mặt, phục vụ các khoản vay, tính lãi, thực hiện các thay đổi trong chính sách như thay đổi lãi suất... Khi đầu tư vào CBS, thông tin của ngân hàng được bảo mật cao hơn, hạch toán sổ sách chứng từ kế toán thuận tiện hơn.

CBS hiện được xem là hạt nhân, là trung tâm của hệ thống thông tin trong ngân hàng và nhiều lĩnh vực tài chính khác. Nền tảng công nghệ của CBS tạo ra những bước chuyển biến rất lớn trong hoạt động, thể hiện sức mạnh công nghệ của ngân hàng, quyết định tính đa dạng của sản phẩm, khả năng mở rộng mạng lưới kinh doanh, đa dạng hóa kênh dịch vụ. Giải pháp CBS dựa trên những công nghệ hiện đại với nhiều tính năng linh hoạt, đáp ứng đầy đủ yêu cầu từ những ngân hàng thương mại hiện nay.

Với kiến trúc hiện đại và cập nhật, tính module hóa và tham số hóa cao giúp ngân hàng dễ dàng phát triển, mở rộng linh hoạt các dịch vụ, dễ dàng giới thiệu các sản phẩm tài chính mới và quản lý các thay đổi trong sản phẩm hiện có, hỗ trợ việc mở rộng mạng lưới chi nhánh trong tương lai; rút ngắn tối đa thời gian xử lý công việc, dễ dàng làm chủ quá trình vận hành hệ thống và phát triển sản phẩm, dịch vụ, triển khai trên toàn ngân hàng, giúp tiết kiệm nguồn lực triển khai; hợp nhất liền mạch dữ liệu văn phòng và các hoạt động tự phục vụ; CBS sẽ hỗ trợ ngân hàng đẩy mạnh công tác quản lý thông tin khách hàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nâng cao công tác quản trị rủi ro, cải thiện năng suất làm việc của nhân viên, tiết kiệm chi phí hoạt động và chi phí quản lý phù hợp với định hướng chiến lược kinh doanh của ngân hàng hướng đến khai thác sản phẩm, dịch vụ cả về số lượng và chất lượng.

3. Cơ hội và thách thức

Cơ hội

Sự xuất hiện của điện toán đám mây đã khiến các tổ chức tài chính nhìn nhận tài nguyên CNTT khi triển khai. Ngày càng có nhiều nhu cầu từ các ngân hàng nhỏ tiếp cận giải pháp CBS dựa trên mô hình Phần mềm như một dịch vụ (Software as a Service - SaaS) cho phép họ đưa ra các sản phẩm mới sáng tạo, cạnh tranh, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Ngân hàng với tư cách là một ngành kinh doanh hiện đã phát triển vượt bậc và chuyển mình từ việc chỉ nhận tiền gửi và cung cấp giải pháp cho vay trở thành một tổ chức cung cấp toàn bộ sản phẩm và dịch vụ trên phạm vi rộng. 

Các giải pháp CBS giúp các ngân hàng giảm chi phí hoạt động và hỗ trợ, cung cấp quá trình xử lý giao dịch theo thời gian thực và quản lý tài khoản ngân hàng bằng cách sử dụng các chi nhánh được kết nối với nhau trên toàn cầu. Do đó, đây đã trở thành yếu tố tăng trưởng quan trọng nhất cho thị trường. Ngoài ra, việc tăng cường áp dụng các công nghệ CBS để hiện đại hóa chức năng ngân hàng và tập trung vào việc cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn là những yếu tố chính thúc đẩy thị trường giải pháp CBS tăng trưởng.

Quy mô thị trường giải pháp CBS toàn cầu được định giá là 9.856,45 triệu USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 28.785,85 triệu USD vào năm 2027, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (Compounded Annual Growth rate - CAGR) là 14,6% từ năm 2020 đến năm 2027. Hơn nữa, các nền kinh tế đang phát triển mang lại cơ hội đáng kể cho các nhà cung cấp giải pháp CBS để mở rộng và phát triển các dịch vụ của họ. Ngoài ra, sự gia tăng trong hoạt động mua bán, sáp nhập và mở mới các ngân hàng đã đẩy nhanh quy trình phát triển sản phẩm tài chính bằng cách triển khai các giải pháp CBS, được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội sinh lời lớn.

Các ngân hàng và tổ chức tài chính đang áp dụng các phương pháp tiếp cận mới cho các hoạt động kinh doanh đang diễn ra thay vì xây dựng lại từ đầu. Do đó, để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và nâng cao dịch vụ ngân hàng tự động trên một nền tảng duy nhất, các ngân hàng và tổ chức tài chính yêu cầu hiện đại hóa hệ thống CBS. Do đó, những yếu tố này được dự đoán sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho thị trường giải pháp CBS trong những năm tới.

Đại dịch Covid-19 có tác động đáng kể đến thị trường giải pháp CBS, do sự gia tăng sử dụng và áp dụng các dịch vụ tài chính trực tuyến và số hóa trên toàn cầu để hạn chế sự lây lan của virus. Các nhà cung cấp giải pháp CBS giúp các ngân hàng duy trì hoạt động và trụ vững trên thị trường trong tình hình hiện tại. Điều này trở thành một trong những yếu tố tăng trưởng chính cho CBS trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng đã trở thành nơi áp dụng nhanh nhất các công nghệ như điện toán đám mây, giao diện lập trình ứng dụng (API), phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa quy trình bằng Robot (RPA), Chatbot, học máy, chuỗi khối (Blockchain) cùng nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, với việc triển khai các giải pháp CBS, các ngân hàng có thể thực hiện phân tích khách hàng hiệu quả; đồng thời, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch hiệu quả, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng thị trường CBS.

Mặc dù CBS mang lại rất nhiều lợi ích cho hoạt động của ngân hàng, tuy nhiên, hệ thống này gặp phải nhiều rào cản, thách thức trong quá trình thực hiện và triển khai các công đoạn quan trọng về hệ thống CNTT hiện đại trong các ngân hàng, có thể kể đến như:

- CBS mới có quy trình nghiệp vụ nhiều lúc không tương thích với CBS của các ngân hàng hiện tại.

- Nhiều người có thói quen sử dụng tiền mặt, cộng với hệ thống hạ tầng chưa tốt nên đã gây khó khăn cho phát triển mạnh sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng CBS.

- Khi sử dụng hệ thống thông tin mới luôn gắn với việc làm mới, phải cải tổ toàn bộ hoạt động từ tổ chức, đào tạo nhân lực, xây dựng quy trình, lề lối làm việc, tầm nhìn chiến lược, sản phẩm, dịch vụ...

- Chi phí xây dựng, phát triển, bảo trì, nâng cấp lớn và thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề cao là một số yếu tố hạn chế sự tăng trưởng của thị trường.

- Thách thức khi hội nhập quốc tế, với CBS là chất lượng dịch vụ, phần lớn hệ thống tại ngân hàng mới chỉ dừng ở mức có sự cố thì khắc phục. Trong khi, yêu cầu quan trọng đối với quản trị hệ thống là phải cảnh báo trước sự cố, khi đó ngân hàng cần có các công cụ đánh giá, thống kê thường xuyên.

- Việc triển khai CBS phụ thuộc rất lớn vào vốn và kinh nghiệm, cũng như đội ngũ nhân lực của mỗi ngân hàng, ngân hàng ứng dụng CNTT ở mức thấp, chi phí rẻ chủ yếu để giải quyết các nghiệp vụ và giao dịch bình thường, còn các ngân hàng ứng dụng công nghệ hiện đại, chi phí đắt nhưng chưa sử dụng hết các tính năng. Sự chưa đồng đều còn thể hiện ở việc quản lý dữ liệu và trực tuyến toàn hệ thống vẫn chưa được phát triển mạnh.

Việc thiết kế một CBS rất quan trọng và phải là một quá trình được lên kế hoạch cẩn thận. Với một số CBS có sẵn để lựa chọn, các nhà quản lý và người ra quyết định phải xem xét các đặc điểm chính và các yếu tố phổ biến quan trọng như chi phí, khuyến mại, khả năng tương tác, bảo mật, phát hiện gian lận, bảo trì, tỷ lệ hoàn vốn ROI (Return On Investment) và khả năng tương tác với bên thứ ba.

Trong thời đại bùng nổ Internet và hội nhập quốc tế như hiện nay, để không bị đi sau cuộc đua về công nghệ, các ngân hàng không ngừng hiện đại hóa hệ thống. Mở ra khả năng xử lý đa dịch vụ với cơ sở dữ liệu tập trung. Trong một hệ sinh thái ngân hàng đang thay đổi nhanh chóng, mục tiêu của thời đại là cung cấp các giải pháp phù hợp không chỉ mang lại sự thuận tiện cho khách hàng mà còn là phát triển bền vững. Với rất nhiều lợi ích và ưu điểm của mình, công nghệ phần mềm lõi là điều kiện cần để hiện đại hóa hoạt động ngân hàng.

1. Z. Ebadi, “Advance Banking System Features with emphasis on Core banking,” The 9th International Conference on Advanced Communication Technology, 2007, pp. 573-576.

2. R. Gadge, ““The prior and after adoption of CBS (Core banking solution) system and its influence on KPIs (key performance indicators) in urban co-operative banks: An empirical study”,” 2017 International Conference on Data Management, Analytics and Innovation (ICDMAI), 2017, pp. 102-110.

3. A. Premchand and A. Choudhry, “Open Banking & APIs for Transformation in Banking,” 2018 International Conference on Communication, Computing and Internet of Things (IC3IoT), 2018, pp. 25-29.

4. O. Larbi-Siaw, I. Hanson and G. Ameyaw-Peprah, “A Fuzzy Analytic Network Process (FANP) Approach for the Selection of Core Banking Solutions,” 2019 International Conference on Communications, Signal Processing and Networks (ICCSPN), 2019, pp. 1-6.

5. I. Song and J. Vong, “Mobile Core-Banking Server: Cashless, Branchless and Wireless Retail Banking for the Mass Market,” 2013 International Conference on IT Convergence and Security (ICITCS), 2013, pp. 1-4.