Tại sao lại bị cảm lạnh

1. Eccles R. Lancet Infect Dis 2005;5:718–25.

2. Eccles R et al. Open J Resp Dis 2014;4:73–82.

3. Guppy MP, et al. Cochrane Database Syst Rev. 2011(2):CD004419.

4. Mayo Clinic. Common cold. Diagnosis and treatment. Thông tin có sẵn tại: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/diagnosis-treatment/drc-20351611. Lần truy cập cuối vào: 27 tháng Ba 2018.

5. Mayo Clinic. Sore throat. Thông tin có sẵn tại: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/diagnosis-treatment/drc-20351640. Lần truy cập cuối vào: 23 tháng Ba 2018.

6. Mayo Clinic. Cough. Thông tin có sẵn tại: https://www.mayoclinic.org/symptoms/cough/basics/when-to-see-doctor/sym-20050846. Lần truy cập cuối vào: 23 tháng Ba 2018.

7. Mayo Clinic. Nasal congestion. Thông tin có sẵn tại: https://www.mayoclinic.org/symptoms/nasal-congestion/basics/when-to-see-doctor/sym-20050644. Lần truy cập cuối vào: 23 tháng Ba 2018.

8. Sanu A, Eccles R. Rhinology. 2008;46(4):271–5.

9. Singh M, et al. Cochrane Database Syst Rev. 2017(8):CD001728.

10. Centers for Disease Control and Prevention. Handwashing. Thông tin có sẵn tại: https://www.cdc.gov/handwashing/when-how-handwashing.html. Lần truy cập cuối vào: 03 tháng Tư 2018.

11. Mayo Clinic. Common cold. Symptoms and causes. Thông tin có sẵn tại: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/symptoms-causes/syc-20351605. Lần truy cập cuối vào: 03 tháng Tư 2018.

Cảm lạnh thông thường là tình trạng nhiễm virus ở mũi và cổ họng (đường hô hấp trên). Có rất nhiều loại virus có thể gây cảm lạnh.

Trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng có nguy cơ dễ bị cảm lạnh nhất nhưng người lớn khỏe mạnh cũng có khi mắc bệnh từ 2–3 lần mỗi năm.

Hầu hết người bệnh sẽ hồi phục sau khi bị cảm trong khoảng 7–10 ngày. Các triệu chứng có thể kéo dài hơn ở những người hút thuốc.

Nếu lâu ngày mà triệu chứng vẫn không cải thiện, Hapacol khuyên nên đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân. Dưới đây là “1000 câu hỏi” được nhiều người đặt ra

MỤC LỤC NỘI DUNG

  • 1. Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm
  • 2. Vì sao cảm lạnh không có vắc xin?
  • 3. Liệu triệu chứng cảm lạnh có xảy ra do dị ứng?
  • 4. Bị cảm lạnh nên làm gì tốt nhất?
  • 5. Kẽm, echinacea và vitamin C đối phó với cảm lạnh ra sao?
  • 6. Bạn có nên dùng kháng sinh trị cảm lạnh?
  • 7. Phòng ngừa cảm lạnh như thế nào?
  • 8. Cảm lạnh có phải phát sinh do không khí xung quanh hạ nhiệt độ?
  • 9. Vì sao bé bị cảm lạnh thường xuyên?

1. Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Tại sao lại bị cảm lạnh

Biểu hiện của cảm cúm và cảm lạnh khó phân biệt nên khiến nhiều người dễ nhầm lẫn

Cảm lạnh và cảm cúm được gây ra bởi các loại virus khác nhau. Thế nhưng, chúng có những biểu hiện khá tương đồng nên khó có thể phân biệt. Nhìn chung, các triệu chứng cảm lạnh nhẹ hơn nhiều so với các triệu chứng cảm cúm.

Triệu chứng cảm lạnh thường xuất hiện sau 1–3 ngày từ lúc tiếp xúc với virus gây bệnh. Những dấu hiệu và triệu chứng thường rất đa dạng trên mỗi người, có thể là:

  • Viêm họng
  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Ho
  • Hắt xì
  • Đau nhức cơ thể hoặc nhức đầu nhẹ
  • Sốt nhẹ

Đối với cảm cúm, người bệnh thường bị sốt cao hơn, ớn lạnh, đau nhức cơ thể và mệt mỏi.

2. Vì sao cảm lạnh không có vắc xin?

Tại sao lại bị cảm lạnh

Hiện vẫn chưa có vắc xin ngăn ngừa cảm lạnh hoàn toàn

Cảm lạnh có thể do khoảng 250 loại virus khác nhau gây ra. Vì vậy, các nhà nghiên cứu khó có thể tạo ra được một loại vắc-xin để bảo vệ bạn chống lại tất cả các loại virus này.

Hơn thế nữa, từ quan điểm y học cũng cho thấy nhu cầu tạo ra vắc-xin này cũng ít hơn những bệnh khác. Mặc dù bạn có thể cảm thấy khá “kinh khủng” mỗi lần bị bệnh nhưng chúng thường tự khỏi mà không để lại biến chứng nghiêm trọng nào.

3. Liệu triệu chứng cảm lạnh có xảy ra do dị ứng?

Nếu bạn chỉ sụt sịt mũi và không cảm thấy đau nhức hay sốt, có thể bạn đã dị ứng một thứ gì đó. Ngoài ra, khi các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần, kèm theo đỏ và ngứa mắt thì có khả năng là bạn bị dị ứng.

Tuy nhiên, rất khó để nhận biết sự khác biệt bởi vì những người thường xuyên bị dị ứng và hen suyễn có nhiều khả năng mắc cảm lạnh hơn. Khi phổi đã bị viêm và kích thích, cơ thể sẽ khó chống lại được virus.

4. Bị cảm lạnh nên làm gì tốt nhất?

Tại sao lại bị cảm lạnh

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể và nghỉ ngơi hợp lý là những điều người bệnh cảm nên ưu tiên thực hiện

Điều đầu tiên và quan trọng nhất bạn nên làm khi cảm lạnh là uống nhiều nước để tránh cho cơ thể bị mất nước. Việc này cũng giúp ngăn ngừa các nhiễm trùng khác hình thành.

Tránh sử dụng đồ uống có caffeine như cà phê, trà và nước ngọt có ga vì chúng sẽ gây lợi tiểu. Nếu thấy đói, hãy ăn những món bạn muốn, còn không bạn có thể ăn những thứ đơn giản như cháo trắng hoặc súp.

Cháo gà là món ăn khá hữu ích cho người bị cảm lạnh, cộng thêm hơi nước bốc lên từ tô cháo nóng sẽ giúp bạn đỡ nghẹt mũi hơn. Gừng cũng giúp giảm bớt sự khó chịu ở dạ dày.

Các loại thuốc không kê đơn có thể giúp bạn giảm đau, hạ sốt khi cảm lạnh bao gồm:

  • Paracetamol (Hapacol): có tác dụng giảm đau, hạ sốt được sử dụng khá phổ biến. Thuốc có nhiều dạng và hàm lượng để sử dụng trên nhiều đối tượng (trẻ em, người lớn).
  • Aspirin: lưu ý không dùng thuốc này cho trẻ em dưới 18 tuổi vì làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye.
  • Thuốc thông mũi: giúp đường thở thông thoáng hơn. Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc dạng xịt hơn 3 ngày vì có thể gây sung huyết ở mũi và làm cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
  • Nước muối rửa mũi: cũng giúp làm sạch đường thở và có thể dễ dàng mua được tại các nhà thuốc.
  • Các chế phẩm trị ho: thường không mang lại hiệu quả cao. Đối với ho nhẹ, uống nhiều nước và nước ép trái cây sẽ giúp ích nhiều hơn. Theo khuyến cáo của FDA, bạn không nên dùng thuốc ho và thuốc cảm lạnh không kê đơn cho trẻ em dưới 4 tuổi.

Để giảm đau họng, bạn nên thử súc miệng bằng nước muối.

Cảm lạnh sẽ dễ lây lan cho mọi người xung quanh trong một vài ngày đầu. Vì vậy, tốt nhất là bạn ở trong nhà và che miệng khi ho hay hắt hơi khi có nhiều người xung quanh. Hơn thế nữa, nghỉ ngơi hoàn toàn sẽ giúp bạn hồi phục nhanh hơn.

5. Kẽm, echinacea và vitamin C đối phó với cảm lạnh ra sao?

Tại sao lại bị cảm lạnh

Vitamin C có trong nhiều loại thực phẩm như cam, dâu tây, đu đủ,…

Có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc sử dụng các sản phẩm chứa kẽm khi bị bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy thuốc xịt mũi có chứa kẽm có thể giúp giảm thời gian cảm lạnh kéo dài và làm cho các triệu chứng nhẹ bớt đi.

Giả thuyết được đưa ra là kẽm có thể bao phủ xung quanh virus gây cảm lạnh và ngăn chúng bám vào các tế bào bên trong mũi, ngăn chặn xâm nhập vào cơ thể.

Tuy nhiên, có những nghiên cứu khác cho thấy kẽm không hữu ích cho bệnh cảm lạnh vì có nguy cơ khiến người bệnh mất cảm nhận mùi vị. Nhiều chuyên gia khuyên rằng nên tránh sử dụng các thuốc xịt mũi chứa kẽm.

Các nghiên cứu gần đây về thảo dược hoa cúc tím (echinacea) cho thấy chúng dường như không hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh. Thế nhưng, một nghiên cứu thực hiện trên 120 người có triệu chứng giống cảm lạnh được uống 20 giọt dịch chiết echinacea mỗi 2 giờ và kéo dài 10 ngày cho thấy thời gian bệnh ngắn hơn những người khác.

Đối với vitamin C, khi nhìn vào 65 năm nghiên cứu gần đây thì thấy vitamin này không có nhiều hiệu quả trong phòng ngừa. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy thời gian cảm lạnh sẽ không kéo dài nếu bạn dùng vitamin C. Một nghiên cứu quy mô lớn cho biết những người dùng một liều lớn vitamin C (8g vào ngày đầu tiên bị bệnh) đã rút ngắn được thời gian bệnh.

Để ngăn ngừa cảm lạnh theo cách tự nhiên, tốt hơn hết là bạn phải đảm bảo hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh, giúp bảo vệ cơ thể trước các loại vi trùng. Thực phẩm có màu xanh đậm như rau bó xôi có chứa nhiều vitamin A và C. Cá hồi là nguồn axit béo omega-2 tuyệt vời, có tác dụng chống viêm. Sữa chua ít béo cũng giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch.

Tập thể dục thường xuyên cũng là cách để tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Mặc dù bạn vẫn có thể bị nhiễm virus nhưng các triệu chứng sẽ không nghiêm trọng và thời gian hồi phục cũng nhanh hơn.

6. Bạn có nên dùng kháng sinh trị cảm lạnh?

Tại sao lại bị cảm lạnh

Nên tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi sử dụng các loại thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được dùng để chống lại vi khuẩn trong khi virus mới là nguyên nhân cảm lạnh được biết đến.

Tuy nhiên, bác sĩ có khi vẫn kê cho bạn vài loại thuốc kháng sinh nếu như có biến chứng khác. Ví dụ như xoang mũi bị nghẹt và các chất ứ đọng bên trong có thể gây ra viêm và nhiễm khuẩn.

Triệu chứng bạn gặp phải khi ấy thường là sổ mũi hay nghẹt mũi, cảm thấy đau và có áp lực trên khuôn mặt, đau đầu.

Ngoài ra, đôi lúc bạn cũng bị nhiễm trùng tai sau khi cảm lạnh và cần dùng kháng sinh để điều trị. Triệu chứng bao gồm đau tai, sốt hoặc cảm giác đầy tai, ù tai.

7. Phòng ngừa cảm lạnh như thế nào?

Tại sao lại bị cảm lạnh

Rửa tay thường xuyên để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như cả gia đình

Mặc dù không có vắc-xin phòng ngừa cảm lạnh thông thường nhưng bạn có thể thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa sự lây lan của virus gây bệnh:

  • Rửa tay sạch. Hãy luôn rửa tay thường xuyên, đúng cách với nước và xà phòng. Đồng thời, bạn cũng cần nói với trẻ nhỏ tầm quan trọng của việc rửa tay và hướng dẫn cách rửa tay. Nếu không có sẵn nước và xà phòng, hãy sử dụng các dung dịch khử trùng tay có cồn.
  • Khử trùng đồ đạc. Luôn làm sạch mặt bàn bếp và phòng tắm bằng các chất khử trùng, sát khuẩn, đặc biệt là khi trong gia đình có người đang bị cảm lạnh. Ngoài ra, đồ chơi cho trẻ em cũng cần được vệ sinh sạch sẽ định kỳ.
  • Sử dụng khăn giấy. Hãy ho và hắt hơi vào khăn giấy dùng một lần rồi vứt bỏ chúng vào thùng rác sau khi sử dụng. Sau đó, bạn nhớ rửa tay cẩn thận. Nếu không có khăn giấy sẵn, hãy học cách ho hay hắt hơi vào khuỷu tay thay vì dùng tay che miệng.
  • Không chia sẻ đồ dùng. Không nên dùng chung ly uống nước hay các dụng cụ cá nhân nào với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là với người đang cảm lạnh.
  • Chăm sóc bản thân. Ăn uống đầy đủ, tập thể dục, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng có thể giúp bạn phòng ngừa được cảm lạnh.
  • Không nên đến chỗ đông người trong thời điểm dễ bùng phát cảm lạnh hay cảm cúm.

8. Cảm lạnh có phải phát sinh do không khí xung quanh hạ nhiệt độ?

Bạn hãy nhớ, cách duy nhất để mắc phải cảm lạnh là tiếp xúc với virus gây bệnh. Không khí lạnh có thể kích thích những tình trạng đã mắc phải, chẳng hạn như hen suyễn hay khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn, nhưng đầu tiên là bạn phải tiếp xúc với các virus gây ra cảm lạnh.

9. Vì sao bé bị cảm lạnh thường xuyên?

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị lây nhiễm virus. Chúng luôn năng động và tiếp xúc với bạn bè, đồ chơi cả ngày mà không có thói quen rửa tay thường xuyên như người lớn. Đó là lý do vì sau trẻ dễ bị cảm lạnh.

Nhìn chung, cảm lạnh ở trẻ nhỏ cũng không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi mà không cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, khi bé có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây thì bạn cần đưa đến trung tâm y tế để được chăm sóc ngay lập tức:

  • Sốt từ 38ºC trở lên ở trẻ sơ sinh đến 12 tuần tuổi
  • Sốt càng ngày càng tăng hoặc kéo dài hơn 2 ngày ở mọi lứa tuổi
  • Các triệu chứng ngày một xấu đi hoặc không cải thiện
  • Xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng như đau đầu hoặc ho
  • Thở khò khè
  • Buồn ngủ bất thường
  • Chán ăn, bỏ ăn

Nguồn tham khảo:

Common cold. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/symptoms-causes/syc-20351605

Frequently Asked Questions About the Common Cold. https://www.webmd.com/cold-and-flu/top-10-questions-cold#1