Sau khi lên làm vua Lý Thái To làm gì nhà Lý đã có đóng góp gì lớn cho dân tộc

1000 năm Thăng Long – Hà Nội khởi đầu từ quyết định dời đô sáng suốt, mang tính chiến lược của vị vua khai mở triều Lý, Thái Tổ Lý Công Uẩn. Tầm nhìn chiến lược trong việc lựa đất đóng đô giữ nguyên giá trị trong hầu hết chiều dài 1000 năm đã đưa Lý Thái Tổ thành vị vua chói sáng nhất trong số các vị vua tài giỏi của lịch sử phong kiến nước Nam.

Vua Lý Thái Tổ

Lý Công Uẩn sinh năm 974, là người làng Cổ Pháp [nay thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, nơi vẫn còn lưu giữ ngôi đền Lý Bát Đế nổi tiếng thờ 8 vị vua triều Lý]. Theo truyền thuyết, Lý Công Uẩn mồ côi cả cha lẫn mẹ, được thiền sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi.

Về thân thế của Lý Công Uẩn, truyền thuyết kể rằng thân phụ Lý Công Uẩn là người làm thuê ở chùa Tiêu Sơn thuộc vùng Bắc Ninh. Trong thời kỳ làm công ở đây, người này phải lòng một tiểu nữ rồi làm nàng có thai. Bị đuổi ra khỏi chùa, hai vợ chồng bìu díu nhau đến khu rừng báng thì vừa mệt, vừa khát, bèn dừng chân nghỉ ngơi. Người chồng để vợ ngồi lại nghỉ, còn mình tìm đến giếng nước giữa rừng lấy nước uống cho cả hai vợ chồng. Không may, người chồng ngã xuống giếng mà chết. Người vợ chờ lâu bèn đến giếng tìm chồng thì thấy giếng đã bị đất đùn lấp kín thành hình bông hoa có 8 cánh. Than khóc một hồi, thân xác rã rời, người vợ đành lết đi tìm nơi tá túc và may mắn được sư trụ trì chùa Ứng Tâm [nay là chùa Dặn] gần đấy thương hại cho ở lại.

Lại nói về sư trụ trì chùa Ứng Tâm Lý Khánh Văn. Đêm trước, ông nằm mơ thấy Long thần báo mộng: “Ngày mai dọn chùa cho sạch, có Hoàng đế đến”. Nửa thực nửa ngờ, sáng hôm sau, nhà sư sai chú tiểu quét dọn chùa sạch sẽ. Thầy trò túc trực từ sáng đến chiều mới thấy người phụ nữ có thai khổ sở đến xin ngủ nhờ qua đêm. Sau khi nghe rõ nguồn cơn câu chuyện, nhà sư thương tình cho người phụ nữ bất hạnh ở lại trong chùa chờ kỳ khai hoa mãn nhụy. Mấy tháng sau, trong một đêm vần vũ, từ chái nhà nơi người phụ nữ tá túc bỗng tỏa ánh hào quang rực rỡ, hương thơm bay ngào ngạt. Thấy sự lạ, nhà sư cùng bà hộ chùa tìm đến xem thì thấy người đàn bà đã trở dạ, sinh được cậu con trai kháu khỉnh, mặt mũi khôi ngô, sáng láng, trên hai bàn tay có bốn chữ son: “Sơn hà xã tắc”. Người đàn bà ấy chết ngay sau khi sinh được con. Sau đó, trời nổi mưa giông, sấm chớp giật liên hồi. Thương cảm đứa bé mồ côi, sư Khánh Văn bèn nhận lấy làm con nuôi, đặt tên là Lý Công Uẩn. Khi Công Uẩn đến tuổi đi học, thiền sư Khánh Văn bèn gửi sang chùa Lục Tổ là nơi người anh có pháp danh Vạn Hạnh làm trụ trì, nhờ thiền sư Vạn Hạnh dạy bảo.

Cũng có truyền thuyết khác nói rằng mẹ Lý Công Uẩn là bà Phạm Thị Ngà, người làng Dương Lôi [Bắc Ninh]. Một hôm, bà Ngà đi chùa lễ Phật, buổi trưa nằm ngủ dưới gốc cây nằm mơ thấy có thần nhân đến giao hoan cùng. Tỉnh dậy, bà có thai. Đến kỳ lâm bồn, bà sinh được cậu con trai, đặt tên là Lý Công Uẩn. Khi Công Uẩn lên 3 tuổi, bà Ngà bèn mang Công Uẩn vào chùa cho làm con nuôi sư Khánh Văn. Đoạn sau của truyền thuyết này cũng giống truyền thuyết trên.

Lý Công Uẩn tư chất thông minh, sáng láng, được sư Vạn Hạnh khen “không phải là người thường. Sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm chúa trong thiên hạ”.

Sau này, khi được vua Lê Đại Hành sùng kính, phàm những việc lớn nhỏ trong triều đình hay bình thiên hạ nhà vua đều tham vấn ý kiến, thiền sư Vạn Hạnh bèn tiến cử Lý Công Uẩn. Vào triều làm quan, Lý Công Uẩn càng tỏ rõ là người có tài thao lược, được vua Lê Đại Hành rất tin dùng. Dưới triều Tiền Lê, Lý Công Uẩn được phong tới chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Sau này, khi vua Lê Đại Hành băng hà, ngôi báu được truyền cho hoàng tử thứ 3 là Lê Long Việt, tức vua Lê Trung Tông. Sau khi lên ngôi được 3 ngày, Lê Trung Tông bị chính em ruột của mình là Lê Long Đĩnh sát hại, tiếm ngôi vua, sử gọi là Ngọa Triều. Khi ấy, quần thần ai cũng kinh sợ lánh xa, duy có Lý Công Uẩn ôm xác vua Trung Tông kêu khóc. Long Đĩnh khen là người trung nghĩa bèn cho giữ nguyên chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.

Tượng đài vua Lý Thái Tổ

Do chơi bời trác táng, Ngọa Triều bị bệnh nặng và qua đời khi mới 24 tuổi. Khi ấy, con của Long Đĩnh là hoàng tử Sạ còn quá bé, đất nước lại lâm cảnh khốn khó do nạn tranh giành quyền lực và sự tha hóa của vua Ngọa Triều, quần thần bèn đồng loạt tôn cử Lý Công Uẩn lên ngôi vua với ước mong đất nước sẽ được thái bình, thịnh trị. Là người trung nghĩa, thắng thắn, Lý Công Uẩn nhiều lần từ chối lời thỉnh cầu của quần thần. Vì nghĩa lớn, thái hậu Dương Vân Nga [hoàng hậu của vua Lê Đại Hành] phải đích thân khoác hoàng bào lên người cho Lý Công Uẩn, khi ấy, Lý Công Uẩn mới nhận lời lên ngôi vua, lập ra triều Lý. Ấy là năm 1009.

Lên ngôi báu, nhận thấy đất Hoa Lư chật hẹp, bốn bề núi giăng, không xứng là đất định đô của một quốc gia độc lập, càng khó để xây dựng đất nước phồn thịnh, Lý Thái Tổ bèn nghĩ tới việc dời đô. “Xem khắp đất Việt”, thấy chỉ có Đại La là “nơi thắng địa”, “ở trung tâm của trời đất”, “được thế rồng chầu hổ phục, đã thuận hướng nam bắc đông tây, lại tiện nghi núi sông sau trước”, “mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa”, Lý Thái Tổ bèn soạn thiên chiếu dời đô nổi tiếng sử sách để tham vấn ý kiến quần thần. Vua tôi nhất trí đồng lòng, bèn quyết dời đô từ Hoa Lư ra Đại La.

Mùa thu năm 1010, đoàn thuyền dời đô của nhà vua cập bến thành Đại La. Ngay lúc ấy, theo truyền thuyết, nhà vua nhìn thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên, nhân đó đổi tên thành Đại La thành thành Thăng Long.

Định đô tại Thăng Long, Lý Công Uẩn cho đổi tên cố đô Hoa Lư thành phủ Tràng An, đổi tên quê hương Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức, chia cả nước làm 24 lộ, gọi Hoan Châu và Ái Châu là trại.

Đất nước ta dưới thời vua Lý Thái Tổ trị vì rất ổn định. Thiên hạ được yên ổn, nhân dân chí thú làm ăn, ngày càng no ấm.

Lý Thái Tổ ở ngôi được 19 năm thì băng hà, thọ 55 tuổi.

Nhà Lý truyền ngôi được 8 đời [không kể vua Lý Chiêu Hoàng đánh mất ngôi vua về tay nhà Trần], nên dân gian vẫn coi hình bông hoa 8 cánh đất đùn trên mộ thân phụ nhà vua là điềm báo nhà Lý giữ ngôi vua được 8 đời. Tại đền Lý Bát Đế [thuộc Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh] nay vẫn chỉ thờ 8 vị vua này.

Lý Thái Tổ ở ngôi từ năm 1010 đến năm 1028, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Năm 1028, Lý Thái Tổ băng hà, được đặt thụy hiệu là  Thần vũ Hoàng đế. Linh cữu Lý Thái Tổ được táng tại Thọ Lăng.

Nhà Lý [1009 – 1225] là một trong số ít những triều đại phong kiến thịnh trị của lịch sử phong kiến dân tộc… Nhà Lý xác lập được quyền hành lâu dài, xây dựng đất nước phát triển về kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội, đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống [1076].
Nhà Lý cũng là vương triều đặt nền móng cho kinh đô Thăng Long mà ngày nay là thủ đô Hà Nội chúng ta… Với những thành tựu về nhiều mặt như vậy là do nhà Lý đã có những chính sách, biện pháp phù hợp với thực tiễn, cân bằng lợi ích dân tộc, lợi ích hoàng tộc và lợi ích nhân dân. Để có được những thành tựu, người có công đóng góp không nhỏ chính là Thái Tổ – Lý Công Uẩn. Ông đã thực hiện cuộc cải cách vương triều và đất nước. Định hướng phát triển cho nhà Lý suốt hơn hai thế kỉ. Đây là vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Các nội dung cần tập trung là bối cảnh lịch sử; nhận định yêu cầu trước cải cách, nội dung cải cách, những thành quả đạt được có so sánh với yêu cầu, mục đích trước cải cách

.1. Bối cảnh lịch sử1.1 Bối cảnh lịch sử thế giới

“Trong thời kì lịch sử này, những thay đổi của thế giới ít ảnh hưởng đến quốc gia. Mức độ ảnh hưởng mới chỉ dừng lại ở khu vực. Đối với nước ta, thế kỉ XI, sự ảnh hưởng bên ngoài lớn nhất là nhà Tống.

Cuối thế kỉ X, Lê Hoàn đã đánh tan hai đạo quân sang xâm lược của nhà Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Đại Cồ Việt, buộc nhà Tống phải giữa “hoà hiếu” trong một thời gian dài, nhưng trong thâm tâm các vua Tống vẫn chưa từ bỏ ý đồ đánh chiếm nước ta.

Khi mới thiết lập vương triều, năm 960, nhà Tống chưa thống nhất đựơc hoàn toàn đất nước. Phía bắc và phía tây bắc hai tộc Khiết Đan và Đảng Hạng vẫn kiểm soát một phần đất đai Trung Quốc. Nhà Tống rất vất vả vì hai nước này. Từ cuối thế kỉ X và nửa đầu thế kỉ XI, luôn có chiến tranh Tống – Liêu, Tống – Hạ.

Trong hoàn cảnh đó, Tống Thần Tông và tể tướng Vương An Thạch chủ trương gây chiến với Đại Việt. Họ còn hi vọng dùng chiến công ngoài biên thuỳ để trấn áp phe đối lập trong triều. Hơn nữa còn muốn doạ nạt Liêu Hạ. “[1]

Như vậy, ngay từ cuối thế kỉ X đến đầu thế kỉ XI, nước ta đã nằm trong âm mưu xâm lược của nhà Tống nhằm mục đích phục thù, tìm lại tiếng nói trong triều đình và lấy đó là uy để doạ nạt Liêu Hạ. Tình cảnh đó đặt nước ta phải tỉnh táo đối phó với những âm mưu của nhà Tống mặt khác lại phải củng cố đất nước về mọi mặt để tạo ra tiềm lực nội bộ dân tộc.

1.2 Bối cảnh trong nước

Kể từ năm 905 với sự kiện Khúc Thừa Dụ từ xưng tiết độ sứ được coi là mốc mở đầu cho thời kì độc lập tự chủ của nước ta, chấm dứt thời đại Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm. Kế tiếp dòng họ Khúc nắm quyền cai trị đất nước là Dương, Ngô, Đinh, tiền Lê. Tuy nhiên, các triều đại này đều ngắn ngủi. Những người khai mở ra triều đại là những thủ lĩnh quân sự. Nội bộ giai cấp cầm quyền có sự xung đột thoán đoạt ngôi lẫn nhau. Khi Ngô Quyền chết, em là Dương Tam Kha cướp ngôi, từ đó dẫn đến tình trang cát cứ phân quyền mà sử gọi là loạn 12 sứ quân. Đinh Bồ Lĩnh có công dẹp loạn 12 sứ quân và tự lập ra vương triều Đinh, đinh đô ở Hoa Lư [Ninh Bình]. Vua Đinh lập thái tử là Hạng Lại mà không lập con Đinh Liễn vốn vào sinh ra tử cùng vua. Đinh Liễn có ý làm phản. Kết cục, vua Đinh và Đinh Liễn lại bị đầu độc chết. Triều đinh rối ren, giặc Tống đe doạ. Lúc đó, Lê Hoàn làm thập đạo tướng quân được thái hậu Dương Vân Nga và triều đình ửng hộ lên ngôi, lãnh đạo quân đội và nhân dân kháng chiến chống Tống lần thứ nhất thành công. Lê Hoàn chết, con là Lê Long Việt nối ngôi có được 3 ngày thì bị em trai là Lê Long Đĩnh giết chết, cướp ngôi. Lê Long Đĩnh tức Lê Ngoạ Triều, bị sử cũ coi là tên vua hoang dẫm vô độ,lấy việc giết người là thú vui, bõ bễ triều chính đất nước đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Đó là biểu hiện của đất nước còn chưa được ổn định về nhiều mặt khi mới hồi sinh. Khi vua chết, triều thần lập Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên làm vua. Từ đây trách nhiệm của Lý Công Uẩn là chấm dứt được những khủng hoảng chính trị xã hội trước đây và đưa đất nước phát triển.

Một đặc điểm chung của tất cả các triều đại từ Khúc đến tiền Lê là những người sáng lập ra triều đại đều là những thủ lĩnh quân sự. Người xưa có câu: “thời chiến trọng võ, thời bình trọng văn” Đó là đặc điểm của một thời kì đầy biến động.

Kinh đô đất nước nằm ở Hoa Lư. Đó là vùng đất trũng, mỗi năm lại phải đối mặt với những trận lũ lụt. Đất hẹp mà dân cư thì đang đông lên. Nhất là những nhu cầu về giao thông, buôn bán quanh kinh thành bị hạn chế.

Như vây, với bối cảnh lịch sử trong và ngoài nước như vậy, đặt ra cho vua Lý Công Uẩn mới lên ngôi là làm sao để chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị kéo dài qua mấy thời đại trước đó. Đồng thời đinh hướng cho một sự phát triển ổn định, bền vững của triều đình và đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao sức mạnh dân tộc trước mối đe doạ của giặc phương Bắc.

2. Những chính sách và biện pháp nổi bật trong công cuộc cải cách của Lý Thái Tổ.

2.1 Đôi nét về Lý Thái Tổ

“Lý Công Uẩn sinh ngày 12-2 năm Giáp Tuất [8-3-974] ở hương Cổ Pháp [Tiên Sơn, Bắc Ninh]. Xung quanh nhân vật lịch sử này bao phủ nhiều huyền thoại, truyền thuyết, sấm ký… rất khó giải mã. Chính sử chép mẹ ông người họ Phạm mà theo truyền thuyết ở làng Dương Lôi [Tiên Sơn, Bắc Ninh] là Phạm Thị Ngà và theo chính sử “đi chơi chùa Tiêu Sơn, cùng với người thần giao hợp rồi có chửa”. Ðó là sự mang thai thần kỳ mà người con sinh ra chỉ biết mẹ, không biết cha. Nhưng trên thực tế, sau khi lên ngôi vua cuối năm 1009 ông đã truy phong mẹ làm Minh Ðức Thái hậu, cha làm Hiển Khánh Vương cùng với anh làm Vũ Uy Vương, em làm Dực Thánh Vương, chú làm Vũ Ðạo Vương và năm 1018 truy phong bà nội. Năm 1026 nhà vua sai làm Ngọc điệp, tiếc rằng gia phả hoàng tộc nhà Lý không còn nữa.

Lên 3 tuổi Lý Công Uẩn được nhà sư Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp nhận làm con nuôi và sau đó được vị cao tăng Vạn Hạnh chùa Lục Tổ nuôi dạy. Sư Vạn Hạnh đã nhìn thấy ở Lý Công Uẩn từ lúc trẻ thơ “đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gở rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”. Ðiều cần lưu ý ở đây là từ khi sinh ra, Lý Công Uẩn đã là người con tinh thần của giới Phật giáo, được nuôi dưỡng và đào tạo tại chùa Lục Tổ-Cổ Pháp, một trung tâm Phật giáo nằm giữa hai trung tâm lớn nhất là Luy Lâu [Thuận Thành, Bắc Ninh] và Kiến Sơ [Phù Ðổng, Gia Lâm, Hà Nội]. Ông được coi là người “thông minh”, “tuấn tú”, “chỉ học kinh sử qua loa, khẳng khái, có chí lớn”. Thời bấy giờ, giáo dục và thi cử chưa được nhà nước tổ chức nên nhà chùa không chỉ là trung tâm văn hoá-tôn giáo địa phương mà còn là trung tâm giáo dục, nơi truyền bá kiến thức, học vấn và tăng lữ là tầng lớp trí thức, lực lượng sáng tác văn học của xã hội.

Lúc đó triều Tiền Lê [980-1009] đang trị vì nước Ðại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư [Ninh Bình]. Nhà sư Vạn Hạnh được vua Lê Ðại Hành và nhà Tiền Lê rất trọng vọng, coi như cố vấn chính trị, mọi việc quốc gia đại sự như chống Tống, đánh Chiêm đều tham khảo ý kiến nhà sư. Có lẽ do sự tiến cử của Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn được cử làm Ðiện tiền quân đời Lê Trung Tông [1005], Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ rồi Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ đời Lê Ngọa Triều [1005-1009]. Sau khi Ngọa Triều Lê Long Ðịnh mất, triều thần suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập ra vương triều Lý.[…]

Lý Công Uẩn lên ngôi ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu tức ngày 21-11-1009 tại kinh đô Hoa Lư [Ninh Bình]. Ông là người sáng lập vương triều Lý trong một cuộc vận động chính trị của giới Phật giáo được triều thần ủng hộ. Ðây là một cuộc thay đổi vương triều diễn ra êm thấm, không đổ máu.

Vua Lý Thái Tổ trị vì từ năm 1009 đến lúc từ trần năm 1028, ở ngôi 20 năm, thọ 55 tuổi.” [2]

2.2 Việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La.

Sau khi lên ngôi, năm 1010 vua Lý Thái Tổ đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng là dời đô từ kinh đô Hoa Lư về thành Ðại La [Hà Nội] và đổi tên là thành Thăng Long.

Trong thời đại dựng nước trước Bắc thuộc, Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu [Phú Thọ], An Dương Vương xây dựng đô thành ở Cổ Loa [Hà Nội]. Sau hơn nghìn năm Bắc thuộc, chính quyền tự chủ họ Khúc, họ Dương đặt trị sở tại thành Ðại La, Ngô Quyền xưng vương đóng đô ở thành Cổ Loa “tỏ ý tiếp nối quốc thống xưa của An Dương Vương”. Ðinh Tiên Hoàng sau khi dẹp yên Mười hai sứ quân, xây dựng đô thành mới ở Hoa Lư [Ninh Bình]. Trong bối cảnh thế kỷ X, đó là một quyết định đúng đắn và cần thiết của vua Ðinh khi chính quyền trung ương đang phải đối phó với sức tiềm ẩn của các thế lực cát cứ trong nước và mưu đồ xâm lược của nước ngoài. Trong 42 năm [968-1009], kinh đô Hoa Lư đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó, tạo điều kiện cho triều Ðinh [968-980] và Tiền Lê [980-1009] củng cố chính quyền trung ương, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đánh bại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Tống [980-981] và giữ vững nền thống nhất quốc gia.

Trước yêu cầu xây dựng đất nước trên qui mô lớn, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, mở mang văn hoá, rõ ràng Hoa Lư với địa thế núi non hiểm trở không còn phù hợp. Mùa xuân năm 1010, vua Lý Thái Tổ về thăm châu Cổ Pháp và mùa thu năm đó, quyết định đời đô. Trong Chiếu dời đô do nhà vua tự viết để hỏi ý kiến quần thần, đã nói rõ việc dời đô là việc lớn không thể “theo ý riêng tự tiện chuyển dời”, mà phải “tính kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo chí dân”. Nhà vua chọn thành Ðại La với đủ các tiêu chí thủ đô của một quốc gia thống nhất và thịnh đạt “ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Ðông, Tây, tiện hình thế sông núi trước sau”, là “thắng địa” “muôn vật rất phồn thịnh mà phong phú”, “là chỗ hội tụ của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”.

Vùng Hà Nội đã bắt đầu cuộc sống con người từ hậu kỳ đá cũ cách ngày nay khoảng 2 vạn năm, được khai phá trong thời đại đồng thau cách ngày nay khoảng 4 nghìn năm và đã trở thành một trung tâm chính trị với đô thành Cổ Loa đời An Dương Vương vào thế kỷ III TCN. Trong thời Bắc thuộc, Lý Nam Ðế là người đầu tiên nhận ra vị thế của đất trung tâm Hà Nội khi đóng đô ở Vạn Xuân, dựng chùa Khai Quốc [sau dời về vị trí chùa Trấn Quốc hiện nay], đắp thành ở cửa sông Tô Lịch để đánh quân xâm lược Lương. Thời thuộc Tuỳ, năm 607 trị sở của chính quyền đô hộ dời về Tống Bình trên đất Hà Nội. Thành Tống Bình rồi thành Ðại La là thủ phủ của chính quyền đô hộ Tuỳ, Ðường trong khoảng 3 thế kỷ. Qua những lần xây đắp, tu sửa của những viên quan đô hộ từ Khâu Hòa đời Tùy đến Trương Bá Nghi, Triệu Xương, Bùi Thái, Trương Chu, Vũ Hồn, đặc biệt là Cao Biền đời Ðường, thành Ðại La có qui mô khá lớn như La Thành do Cao Biền đắp chu vi tính ra hơn 6 km, ngoài đắp đê dài hơn 7 km, dựng hơn 5,000 gian nhà [15]. Phủ thành đó cũng là đối tượng tiến công của nhiều cuộc khởi nghĩa dân tộc và có lần đã trở thành thủ phủ của chính quyền độc lập trong thời gian ngắn của Phùng Hưng, Dương Thanh. Thành Ðại La là một thành lũy lớn, một đô thị tập trung cư dân khá đông, một trung tâm kinh tế phát triển.

Về mặt địa lý tự nhiên, thành Ðại La ở vào vị trí trung tâm của đất nước thời bấy giờ, một đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện. Thành nằm ở phía nam sông Nhị giữ vai trò như một con hào tự nhiên ngăn chặn sự tiến công từ phương bắc xuống và qua sông Nhị [sông Hồng], sông Ðuống có thể toả đi khắp hệ thống sông ngòi vùng châu thổ, lên miền núi rừng phía bắc, phía tây bắc, qua Tạc Khẩu và đường ven biển vào miền trung. Các sông Tô Lịch, Kim Ngưu nối với hồ Tây, sông Nhị và hệ thống ao hồ tạo thành một mảng lưới giao thông đường thuỷ đi lại khắp vùng. Thành Ðại La lại có núi Tản Viên, Tam Ðảo án ngự tạo thành thế đất đế vương theo quan điểm phong thuỷ.

Vị trí, điều kiện tự nhiên và tiến trình lịch sử đã tạo dựng những những tiền đề cho Ðại La-Thăng Long đóng vai trò kinh đô của đất nước thời kỳ phục hưng dân tộc. Nhưng vấn đề có ý nghĩa quyết định là nhận thức ra những tiền đề đó cũng như xác định được yêu cầu và khả năng tạo ra sức mạnh của đất nước để xây dựng và bảo vệ đô thành trên một địa bàn trọng yếu nhưng rất trống trải về địa hình như thế. Cống hiến lớn lao của vua Lý Thái Tổ là nhận thức được điều đó, tự tin ở sức mạnh của đất nước và đi đến một quyết đoán lịch sử. Những ý tưởng và suy tính của nhà vua được trình bày ngắn gọn trong văn kiện lịch sử Chiếu dời đô, phản ánh một tư duy chiến lược bao quát, một tầm nhìn xa trông rộng, trong đó chắc hẳn có sự đóng góp của thiền sư-cố vấn chính trị Vạn Hạnh. Vua Lý Thái Tổ là người sáng lập kinh thành Thăng Long. Nhưng điều có ý nghĩa cơ bản là Lý Thái Tổ và các vua Lý kế nhiệm đã dày công kiến lập để Thăng Long xứng đáng với vị trí và vai trò kinh đô của nước Ðại Việt trên con đường phục hưng dân tộc, và dĩ nhiên công việc xây dựng đô thành phải gắn liền với công việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ngay trong mùa thu năm 1010, nhà Lý đã khẩn trương xây dựng một số cung điện làm nơi ở và làm việc của vua, triều đình và hoàng gia, mà trung tâm là điện Càn Nguyên, nơi thiết triều của nhà vua, hai bên có điện Tập Hiền và Giảng Võ, phía sau là điện Long An, Long Thuỵ làm nơi vua nghỉ. Ðến cuối năm 1010, 8 điện 3 cung đã hoàn thành. Những năm sau, một số cung điện và chùa tháp được xây dựng thêm. Một vòng thành bao quanh các cung điện cũng được xây đắp trong năm đầu, gọi là Long Thành hay Phượng Thành. Thành đắp bằng đất, phía ngoài có hào, mở 4 cửa: Tường Phù ở phía đông, Quảng Phúc ở phía tây, Ðại Hưng ở phía nam, Diệu Ðức ở phía bắc. Căn cứ vào sử liệu và di tích còn lại, có thể xác định cửa Tường Phù mở ra phía Chợ Ðông và khu phố buôn bán tấp nập của phường Giang Khẩu và đền Bạch Mã. Cửa Quảng Phúc mở ra phía chùa Diên Hữu [chùa Một Cột] và chợ Tây Nhai [chợ Ngọc Hà]. Cửa Ðại Hưng ở khoảng gẩn Cửa Nam hiện nay. Cửa Diệu Ðức nhìn ra trước sông Tô Lịch, khoảng đường Phan Ðình Phùng hiện nay. Trong Long Thành có một khu vực được đặc biệt bảo vệ gọi là Cấm Thành là nơi ở và nghỉ ngơi của vua và hoàng gia.

Thành Thăng Long từ trung tâm chính trị của nhà nước quân chủ đã sớm phát triển thành một trung tâm kinh tế, văn hoá, một đô thị phát đạt nhất của nước Ðại Việt.

Về mặt kinh tế, chợ-bến giũ vai trò rất quan trọng hoạt động công thương nghiệp của Thăng Long. Trên sông Nhị, sông Tô Lịch có nhiều bến thuyền, quan trọng và sầm uất nhất là bến Giang Khẩu [khoảng Hàng Buồm] và bến Triều Ðông [hay Ðông Bộ Ðầu, khoảng dốc Hoè Nhai]. Trên bến và tại các cửa Hoàng Thành và thành Ðại La có các chợ, đông vui nhất là chợ Cửa Ðông [Hàng Buồm-đền Bạch Mã], chợ Cửa Tây [hay Tây Nhai, chợ Ngọc Hà]. Khu vực buôn bán tập trung nhất của kinh thành là phía đông Hoàng Thành cho đến bờ sông Nhị, nơi có nhiều chợ bến và phố xá với những hoạt động buôn bán nhộn nhịp.

Về phương diện văn hoá, Thăng Long trở thành trung tâm hội tụ và đào tạo nhân tài của cả nước. Ðây là đế đô của vương triều Lý với nhiều Hoàng đế tài ba như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông; nhiều tướng soái kiệt xuất mà tiêu biểu là thái uý Lý Thường Kiệt, nhiều gương mặt quý tộc, quan lại sáng giá như thái hậu Ỷ Lan, thái sư Lý Ðạo Thành, hoàng tử Hoằng Chân, Chiêu Văn… Ðây cũng là nơi có trường Quốc Tử Giám và nơi mở những khoa thi tuyển chọn nhân tài, đào tạo đội ngũ trí thức với những tên tuổi như Lê Văn Thịnh, Mạc Hiển Tích, Bùi Quốc Khái…Ðồng thời đây cũng là một trung tâm Phật giáo với tên tuổi nhiều cao tăng như Vạn Hạnh, Viên Thông, Minh Không, Thông Biện… Thăng Long không những tập trung những cung điện của triều đình, mà còn có nhiều chùa tháp nổi tiếng, tiêu biểu là chùa Diên Hữu [chùa Một Cột], chùa Sùng Khánh Báo Thiên [chùa Báo Thiên]. Trong 4 công trình nghệ thuật được coi là “An Nam tứ đại khí” của thời Lý, Trần, thì 2 công trình mang niên đại Lý trên đất Thăng Long là chuông Qui Ðiền [năm 1080 tại chùa Diên Hữu] và tháp Báo Thiên [năm 1057 tại chùa Báo Thiên]. Trong những thập kỷ gần đây, khảo cổ chọc tìm thấy trong lòng đất Hà Nội nhiều di tích và di vật đời Lý, trong đó có những gạch ngói, đồ gốm sứ đạt trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao.

Sau hai thế kỷ xây dựng, Thăng Long đời Lý đã trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của nước Ðại Việt, một đô thị phồn vinh. Trong thời gian thịnh đạt của vương triều, nhà Lý đã bảo vệ vững chắc kinh đô, cuộc xâm lăng của quân Tống bị chặn đứng và đánh bại trên phòng tuyên Như Nguyệt, tạo nên một thời kỳ ổn định và thanh bình cho công cuộc kiến lập kinh thành. Thăng Long là trung tâm qui tụ, kết tinh tài năng, trí tuệ dân tộc, tạo nên phong cách và truyền thống văn hoá Thăng Long để từ đây toả chiếu ảnh hưởng ra cả nước.

2.3 Những cải cách về chính trị

Để hạn chế những hiện tượng thoán đoạt ngôi vua hay hiện tượng đất nước chia cắt, Lý Thái Tổ đã sử dụng một số biện pháp nhằm thiết chặt quyền lực của nhà vua từ trung ương đến địa phương. Cụ thể

Lý Thái Tổ và các vị vua tiếp theo đã không ngừng gia tăng quyền lực dòng họ Lý tạo thành một hoàng tộc lớn, nắm mọi quyền hành chủ chốt của quốc gia. Với biện pháp tăng cường quý tộc hoá và quan liêu hoá dòng họ. Lý Thái Tổ phong vương cho con, cho anh trai, ban chức tước quan trọng cho những người tín nghĩa. Như vậy, ông đã tạo cho mình một đội ngũ thân cận, có dủ mọi quyền hành để trị nước. Biện pháp này đã có hiệu quả ngay khi xảy ra loạn tam vương. Một lần nữa, ngay sau khi vua sáng lập vương triều mất, đã xảy ra loạn trong nội bộ triều đình mà trước đó triều Ngô, Đinh, tiền Lê đã mắc phải. Nhưng đến nhà Lý, hiện tượng này không lặp lại bởi quyền hành của nhà vua đã được nâng cao, vua kế vị là thái tử Lý Phật Mã đã được vua cha Lý Thái Tổ lựa chọn kĩ càng. Lý Thái Tổ cho thái tử dựng cung Long Đức ở ngoài thành có ý cho thái tử biết mọi chuyện của dân để hiểu dân hơn. Sau loạn tam vương, vua Lý đã đề ra tục thề ở đền Đồng Cổ. Đây có lẽ là một trong những biện pháp cố kết sức mạnh vương triều trong 216 năm tồn tại của mình mà công lớn đầu tiên là Lý Thái Tổ.

Về bộ máy hành chính các cấp, Lý Thái Tổ đổi 10 đạo thời Đinh – Tiền Lê thành các lộ và phủ. Dưới phủ là huyện, dưới huỵên là hương. Đây là công cuộc cải tổ hành chính có quy mô rộng lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc quản lý toàn diện đất nước, tạo nên sức mạnh cho Nhà nước Đại Việt được tập trung hơn. Tuy nhiên, những chính sách cải tổ đó của Lý Thái Tổ còn có những hạn chế, bởi chưa có sự thống nhất về cách gọi Lộ và phủ, làm cho các cấp quản lý không phân biệt được

Vua thực hiện chính sách ràng buộc lỏng lẻo đối với các dân tộc ít người ở vùng biên giới, vùng xa trung tâm. Vua sai các vương đi trấn, trị các vùng biên cương xa. Chính sách đó nhằm gắn kết cộng đồng các dân tộc với nhau tạo nên sức mạnh tập trung cho quốc gia.

Về ngoại giao, Lý Thái Tổ chủ trương kết mối giao hoả với nhà Tống. Vua đã cho sứ giả sang cầu phong vua Tống. Theo Đại Việt sử kí toàn thư chép, vua Tống hai lần phong tước cho Lý Thái Tổ: lần thứ nhất là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, lần thứ hai là Nam Bình Vương.

Đối với Champa và Chân Lạp, Lý Thái Tổ đã để cho các nước đó đến triều cống nhằm giữ mối hoà hảo về đối ngoại.

Về kinh tế, viết về Lý Thái Tổ, cuốn Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vua đã hai lần đại xá tô cho dân. Biện pháp này nhằm khoan thứ sức dân, kích thích sản xuất. Đây được coi là biện pháp tiến bộ và mang tính trọng nông của nhà Lý.

3. Đánh giá của tác giả

Cuộc cải cách của Lý Thái Tổ là cuộc cải cách mang tính tất yếu, thuận theo yêu cầu của lịch sử. Đó là sự thay đổi trước nguy cơ khủng hoảng các vương triều của nước ta. Tuy nhiên, những chính sách và biện pháp cải cách đưa ra của Lý Thái Tổ có thành công hay không lại là một vấn đề cần xem xét. Để đánh giá mức độ thành công của một cuộc cải cách thì chúng ta cần so sánh giữa yêu cầu mục đích trước khi cải cách và kết quả sau cải cách. Ở đây, Lý Thái Tổ đứng trước yêu cầu là ổn định đất nước về chính trị, phát triển kinh tế, thực hiện ngoại giao tốt đẹp. Khi so sánh với kết quả đạt được thì phần lớn ông đã thực hiện thành công. Trong những quyết sách thành công nhất của Lý Thái Tổ là việc dời kinh đô về Đại La – Thăng Long. Để từ đó đến nay, Thăng Long – Hà Nội đã trải qua gần 1000 năm nhưng chưa lúc nào nó mất vai trò là thủ đô đất nước hay thủ phủ của một vùng miền. Nó chưa bao giờ mất đi cảnh người đi lại tấp nập, mua bán ngược xuôi. Thực sự đây là chốn tụ hội của bốn phương muôn đời.

Cuộc cải cách của Lý Thái Tổ không chỉ dừng lại ở thời gian ông sống, sau khi mất đi, các vị vua tiếp theo đã kế tục vua cha tiếp tục công cuộc cải cách về: luật pháp, quân đội, kinh tế… nhằm xây dựng vương triều và quốc gia hùng mạnh.

Video liên quan

Chủ Đề