Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc

Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc
Sau khi xem sách giáo khoa của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói: “Nhà nước Trung Quốc đã có mưu đồ từ lâu” - Ảnh: Như Hùng

Để tuyên truyền “đường lưỡi bò” và giáo dục thế hệ trẻ về cái mà Trung Quốc gọi là “chủ quyền trên biển Đông”, nước này không ngần ngại đưa những tuyên bố vô lý vào chương trình sách giáo khoa (SGK) dành cho học sinh bậc trung học.

Tài liệu SGK trung học Trung Quốc mà Tuổi Trẻ có được cho thấy luận điệu ngang ngược về biển Đông mà hằng ngày Trung Quốc vẫn tuyên truyền trên sách báo đều thể hiện nội dung: “Cực nam Trung Quốc nằm ở bãi ngầm Tăng Mẫu (khu vực có tên tiếng Anh là bãi ngầm James, chỉ cách Malaysia 80km về phía tây bắc), gần vị trí 4 độ vĩ bắc. Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông của Việt Nam) trong bản đồ SGK được xác định bằng “đường lưỡi bò”, bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”... trong hầu hết sách SGK địa lý của các bậc học trung học cơ sở lẫn trung học phổ thông.

Đồng thời, SGK Trung Quốc còn viện dẫn mọi lý lẽ nhằm biến hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam thành lãnh thổ của Trung Quốc.

Đưa “đường lưỡi bò” vào SGK

Hầu hết SGK của các nhà xuất bản Trung Quốc đều đưa những luận điệu ngang ngược trên vào chương trình giảng dạy cho học sinh nước mình.

Cụ thể, trang 2 và trang 3 quyển III bộ SGK THCS Nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân (tái bản năm 2005) ghi rõ cực nam Trung Quốc nằm ở bãi ngầm James, Trung Quốc có đường bờ biển dài hơn 18.000km và sở hữu hơn 5.000 đảo lớn bé ở biển Đông, cực nam đến cực bắc Trung Quốc trải dài gần 50 vĩ độ.

Với “tuyên bố” nêu trên trong SGK, Trung Quốc đã không ngần ngại biến biển Đông thành “ao nhà” và truyền đạt các kiến thức phi lý trên cho thế hệ trẻ nước này.

Một cựu sinh viên Trung Quốc học tập tại Bắc Kinh cho biết vị trí bốn cực đông, tây, nam, bắc là một phần quan trọng về địa lý cơ bản trong chương trình trung học ở Trung Quốc và thường có trong phần câu hỏi ôn tập sau bài học. Các kiến thức này luôn được thầy cô nhấn mạnh tại lớp.

“Đây là phần mà tất cả học sinh Trung Quốc đều được học. Tôi còn nhớ như in bởi các bản đồ trong SGK địa lý đều nhắc đi nhắc lại kiến thức trên” - cựu sinh viên này cho biết.

Bản đồ mà cựu sinh viên này nhắc tới cho thấy lãnh thổ Trung Quốc trải dài từ tỉnh miền bắc Hắc Long Giang, băng qua tỉnh miền nam Hải Nam, kéo một “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam và liếm sát đến khu vực chỉ cách Malaysia 80km. Toàn bộ bản đồ trong SGK đều lấy “đường lưỡi bò” để phân định ranh giới trên biển.

Còn trong trang 4, quyển I SGK địa lý lớp 8 của Nhà xuất bản Giáo Dục Hồ Nam (tái bản năm 2011), Trung Quốc tự xưng là một cường quốc biển quan trọng và là một trong những nước có đường bờ biển dài nhất thế giới.

Không chỉ tự ý bành trướng lãnh thổ đến tận bãi ngầm James, Trung Quốc còn nhắm tới các tài nguyên thiên nhiên trên biển Đông.

Trang 91 quyển III SGK THCS của Nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân ngang nhiên khẳng định chính Trung Quốc là nước phát hiện các mỏ dầu tại biển Đông, đồng thời cũng là nước khai thác dầu khí tại khu vực này.

Hình minh họa bên cạnh còn cho thấy Trung Quốc đang lăm le nhắm đến quần đảo Trường Sa - khu vực mà SGK nước này cho rằng chứa một trữ lượng dầu khí khổng lồ.

Bên cạnh đó, bản đồ trang 9 quyển IV SGK địa lý THCS của Nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân (tái bản năm 2004) còn nhấn mạnh: biển Đông là một khu vực có diện tích đánh bắt cá lớn nhất trong số các vùng biển mà Trung Quốc cho rằng mình có chủ quyền.

Tương tự, bài đọc hiểu quyển I SGK địa lý lớp 8 của Nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân (tái bản năm 2011)viết “vùng biển Nam Hải (biển Đông của Việt Nam) không chỉ có nhiều ngư trường và mỏ dầu nhất mà còn là nơi có sản lượng cá và dầu khí lớn nhất” ở Trung Quốc.

Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc
SGK địa lý lớp 8 của Nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân ghi chú các cực đông - tây - nam - bắc của Trung Quốc trên bản đồ, trong đó thể hiện đường chín đoạn (phần khoanh tròn) cực nam TQ được kéo dài đến tận bãi ngầm James

Hoàng Sa - Trường Sa trong SGK Trung Quốc

Để biến những luận điệu về Hoàng Sa - Trường Sa trở thành tư tưởng bám rễ sâu trong suy nghĩ của người dân, Trung Quốc không ngừng nhồi nhét kiến thức trên vào đầu các học sinh phổ thông.

Trang 84 sách địa lý biển trong bộ SGK THPT của Nhà xuất bản Giáo Dục Nhân Dân (tái bản lần thứ 18, năm 2011) đưa quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào chương trình giảng dạy với nội dung cụ thể như sau:

“Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) là một quần đảo nằm ở phía nam của Nam Hải. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các đảo xung quanh. Điều này có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý. Nhiều sự thật lịch sử cho thấy từ trước đến nay, quần đảo Nam Sa là một bộ phận thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, kinh doanh khai thác trên quần đảo này, và cũng là nước thực hiện chủ quyền sớm nhất trên quần đảo này”.

Trang 66 quyển II SGK địa lý lớp 8 của Nhà xuất bản Giáo Dục Hồ Nam (tái bản năm 2011) còn dành hẳn phần “đọc hiểu” về “quần đảo Tây Sa” (Hoàng Sa của Việt Nam).

Trung Quốc miêu tả rằng đây là một trong bốn quần đảo lớn nhất nằm trên biển Đông. Trung Quốc còn tuyên truyền rằng đã cho đặt “trung tâm hành chính” tại đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm của Việt Nam), nơi có diện tích 1,68km2.

SGK này còn miêu tả “quần đảo Tây Sa” là khu vực có khí hậu nóng ẩm, cây cối um tùm, phong cảnh tuyệt đẹp, khu vực xung quanh là một trong những ngư trường quan trọng nhất biển Đông.

Với sự nhồi nhét như thế hầu hết sinh viên và cựu sinh viên Trung Quốc mà Tuổi Trẻ tiếp cận được đều cho rằng việc Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc là một lẽ tất nhiên bởi đây là điều mà họ được giáo dục từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Đó là một sự thật không thể chối cãi. Từ thời xa xưa, Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) đã thuộc về Trung Quốc. Chúng tôi học điều này từ nhỏ” - sinh viên một trường ĐH ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nói mà không biết rằng điều đó là do nhà cầm quyền Trung Quốc cố vẽ ra, bất chấp thực tế lịch sử và pháp luật quốc tế.

Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc
Phần viết về quần đảo Hoàng Sa trong quyển II SGK địa lý lớp 8 của NXB Giáo Dục Hồ Nam
Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc
SGK và giáo trình địa lý của Trung Quốc
Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc
Phóng to
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc - Ảnh: Như Hùng

Nhà nước Trung Quốc đã có mưu đồ từ lâu

Chính phủ và giới học giả Trung Quốc đều cho rằng họ có chủ quyền lịch sử trên biển Đông nhưng họ không chứng minh được điều đó bởi vì trong chính sử, phương chí và trong bản đồ của Trung Quốc từ đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh chỉ thể hiện biên giới cực nam của Trung Quốc là huyện Nhai ở đảo Hải Nam.

Để phục vụ cho mưu đồ tiến về phương nam của Trung Quốc, việc giáo dục ý thức chủ quyền cho thế hệ trẻ Trung Quốc cũng như cho du học sinh là một việc làm đã được nhà nước Trung Quốc chuẩn bị từ rất sớm, điều này đã thể hiện trong hệ thống SGK dành cho hệ thống phổ thông cũng như trong giáo trình của bậc đại học và bậc cao hơn.

Nếu như cái gọi là Tây Sa - Nam Sa là của Trung Quốc, cũng như Trung Quốc có chủ quyền lịch sử trên biển Đông bởi biên giới đường lưỡi bò thì họ sẽ trả lời sao khi bản đồ Đường đại cương vực đồ (bản đồ triều Đường) đã được chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ấn hành dùng để giảng dạy trong nhà trường cũng chỉ thể hiện biên giới cực nam của Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam?

Nhà nghiên cứu ĐINH KIM PHÚC

____________________

Luận điệu của Trung Quốc về vấn đề biển Đông còn được Bắc Kinh lồng ghép trong giáo trình dành cho sinh viên nước ngoài học tập tại Trung Quốc. Mời bạn đọc đón xem kỳ sau:

Dạy kiểu “đối ngoại”

ĐÔNG PHƯƠNG

Sau khi đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào hoạt động thăm dò địa vật lý trái phép trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, Trung Quốc còn ngang nhiên tổ chức tập trận ở Biển Đông. Chưa hết, truyền thông Trung Quốc vừa loan tin, nước này sắp lưu hành sách giáo khoa lịch sử mới, trong đó có nội dung cho rằng, các khu vực như quần đảo Điếu Ngư, biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), đều là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại. Báo Phụ Nữ TP.HCM xin gửi đến độc giả bài viết của giáo sư Nguyễn Quang Ngọc (Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tác giả cuốn Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa - Tư liệu và sự thật lịch sử) về vấn đề này.

Ký một đằng, làm một nẻo

Năm 1982, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) đã quy định hết sức cụ thể chỗ nào là vùng lãnh hải, đường cơ sở, vùng tiếp giáp. UNCLOS có những định nghĩa rất chặt chẽ về vùng đặc quyền kinh tế. Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không hề chồng lấn hay tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào. Theo đó, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển này. Đây là điều rõ ràng và minh bạch nhất. Chúng ta hiểu, cộng đồng quốc tế hiểu. Chỉ mỗi Trung Quốc cố tình không hiểu.

Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc
Trong khi Việt Nam có đầy đủ bằng chứng, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của mình trên biển Đông thì Trung Quốc đang phải tìm cách ngụy tạo lịch sử và ngang ngược tuyên bố chủ quyền (Ảnh: triển lãm bản đồ, tư liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa)

Không phải họ không biết. Trung Quốc đã và đang có những đại diện nắm vị trí quan trọng ở một số thiết chế thành lập theo UNCLOS. Họ có một thẩm phán của Tòa luật biển, các đại diện tại Ủy ban Đáy đại dương. Rõ ràng, Trung Quốc phải là một nhà nước hiểu biết sâu sắc tinh thần của UNCLOS. Chưa kể, chính Trung Quốc cũng là một thành viên công nhận công ước này vào năm 1982. Năm 1994, Việt Nam tham gia công ước, đến năm 1996, Trung Quốc đã ký phê chuẩn công ước. Nghĩa là, họ đã đồng ý hoàn toàn với việc tuân thủ các quy định từ bộ văn bản đó.

Khi đã phê chuẩn, tức là đã cam kết bằng danh dự việc sẵn sàng chấp hành theo luật pháp quốc tế, theo đúng quy định của UNCLOS. Thế nhưng bao lâu nay, không biết bao nhiêu lần Trung Quốc đã đơn phương vi phạm nghiêm trọng công ước. Không chỉ xâm phạm vùng biển Việt Nam mà hầu như với tất cả các quốc gia có vùng biển lân cận, Trung Quốc đều thực hiện chính sách phi pháp này. Với một đất nước tự cho là văn minh, một dân tộc giàu văn hóa như Trung Quốc, tôi không hình dung nổi vì sao họ lại hành xử như vậy.

Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc
Châu bản số 58 có châu phê của vua Minh Mạng bằng mực đỏ và dấu đóng Ngự tiền chi bửu

Trong một hội thảo quốc tế tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản, tôi đã trình bày vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trước chuyên gia nhiều nước, trong đó có chuyên gia Trung Quốc. Tôi đã nói thẳng rằng, Trung Quốc hoàn toàn không có quyền ở các quần đảo này. Họ cũng không thể đưa ra bất cứ một cơ sở tư liệu nào để phản bác lại. Khi hội thảo kết thúc, bên ngoài hội trường, chuyên gia Trung Quốc mới giãi bày: “Chuyện này chúng tôi không được nói khác ý kiến chỉ đạo trong nước”.

Tư duy bành trướng - phần tạo nên lịch sử Trung Hoa

Trở lại lịch sử, trước đây, một loạt bản đồ cổ, văn bản cổ của các nhà nước Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX trở về trước đều khẳng định lãnh thổ quốc gia của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Nhưng, đến giữa thế kỷ XX, từ chuyện người Trung Quốc nào đó vu vơ vẽ ra một đường lưỡi bò bao lấy gần như 80% diện tích Biển Đông, họ đã vô thiên vô pháp coi đó là cái ao riêng của mình và thuộc chủ quyền lịch sử của mình.

Nhưng ngay cả cái-gọi-là “chủ quyền lịch sử” đó cũng là thuật ngữ do họ tự đặt ra, vì thực tế không có “chủ quyền lịch sử”, mà chỉ có “vấn đề lịch sử chủ quyền”. Có nghĩa, họ đã ngang nhiên mặc định họ có chủ quyền, mặc định chủ quyền đó họ đã có từ thời cổ đại. Họ nói là từ thời Hán họ đã có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng tư liệu nào chứng minh điều đó với cả thế giới thì họ không có, không làm được.

Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc
Khâm sứ Trung kỳ gửi thư cho Ngự tiền văn phòng để xin vua Bảo Đại ban thưởng huy chương cho người có công lao lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa

Tư duy bành trướng của Trung Quốc đã được khái quát thành chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, luôn là một phần tạo nên lịch sử hình thành và phát triển của đất nước này. Ít nhất là từ thời Tần Thủy Hoàng (thế kỷ III, TCN), người Trung Hoa không ngừng tiến hành chiến tranh xâm lược xuống phương Nam. Chiến lược bành trướng trên đất liền là chiến lược cơ bản, lâu dài và vô cùng nguy hiểm của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, đặc biệt là với một quốc gia láng giềng nhỏ bé như Việt Nam.

Cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, rồi xu hướng coi đại dương là cánh đồng cuối cùng để nhân loại phát triển trên toàn thế giới, Trung Quốc nhận ra rằng, muốn trở thành cường quốc, muốn thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” bá chủ toàn cầu, trước tiên họ phải là bá chủ đại dương. Nhưng tư duy của họ hay cách thức thực hiện của họ đều chủ yếu dựa vào sở trường và kinh nghiệm bành trướng trên đất liền. Do đó mới có việc Trung Quốc xây dựng chuỗi ngọc trai nọ chuỗi ngọc trai kia, rồi kiên cố hóa vị trí nọ vị trí kia, vẫn cứ chỉ là bám lấy đất liền. Thậm chí, họ còn muốn đất liền hóa biển cả.

Trung Quốc chính là quốc gia đầu tiên tiến hành cải tạo với quy mô lớn các thực thể là bãi đá ngầm trên Biển Đông. Kết quả là các bãi đá ngầm biến thành các đảo nhân tạo với diện tích lớn ngang các đảo tự nhiên lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Tác động của hành vi bành trướng như trên đất liền này đã lập tức gây biến dạng, tàn phá môi trường sinh thái nguyên bản của Biển Đông. Hiểm họa mà họ gây ra ở khu vực này là vô cùng khốc liệt, không hề kém những cuộc chiến tranh xâm lược họ đã từng tiến hành trong lịch sử.

Sách giáo khoa lịch sử Trung Quốc
Châu bản trình tấu xin miễn trừ các hạng thuế thuê thuyền đi làm việc công ở Hoàng Sa. Vua Minh Mạng truyền chỉ trực tiếp lên bản tấu "Y lời tâu. Hãy tuân mệnh"

Việc Trung Quốc sắp lưu hành sách giáo khoa lịch sử mới, nói các khu vực như quần đảo Điếu Ngư, biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) đều là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại; đã cho thấy họ xuyên tạc một cách tuyệt đối, bịa đặt hoàn toàn. Việt Nam cần phải phản đối việc đó. Có người nêu ý kiến với tôi, như thế nghĩa là họ rất coi trọng vai trò của môn lịch sử, trong khi ở ta lại xem nhẹ môn học này. Tôi có trả lời rằng, phải hỏi những cơ quan chức năng liên quan xem trách nhiệm của họ với đất nước này đến đâu, tại sao không đưa việc giáo dục chủ quyền vào sách giáo khoa? 

Lịch sử đã chỉ ra rằng, trước đây, Trung Quốc hoàn toàn xa lạ với biển. Những năm cuối thời Tây Hán, họ còn bỏ lại đảo Hải Nam, rút sâu vào lục địa, không coi hòn đảo đó thuộc về mình. Triều đình trung ương đã bỏ Châu Nhai quận ra khỏi tổ chức chính quyền địa phương, chỉ thực thi thống trị từ xa đối với Hải Nam. Rõ ràng, Trung Quốc là một đại đế chế lục địa, họ không tập trung phát triển ra biển, dẫn đến việc có cả một thời kỳ lịch sử dài lâu, Trung Quốc không có năng lực khai thác biển, không đánh giá được đúng vai trò của biển và quay lưng lại với biển.

Nguyễn Quang Ngọc

Trung Quốc đâu chỉ xảo biện trong sách sử

Trong phim ảnh, rất nhiều lần Trung Quốc đã lồng ghép các nội dung chính trị như những tuyên bố về việc mình là bạn của thế giới (phim Chiến lang 2) và khi quân Trung Quốc đi đến đâu thì các phe phái xung đột đều phải tránh xa, tuyên truyền phi pháp về “biển Trung Quốc” (phim Điệp vụ biển Đỏ, bị rút khỏi rạp Việt Nam).

Nhiều tác phẩm văn học, kể cả dòng văn chương ngôn tình, đam mỹ của nước này cũng được chèn những nội dung tuyên truyền chủ quyền phi pháp. Cuốn Đạo mộ bút ký (từng được dựng thành phim) của Nam Phái Tam Thúc cũng mô tả một vùng biển thuộc Trung Quốc - nơi nhân vật có chuyến phiêu lưu tìm kho báu cổ - mà nếu người Việt Nam đọc sẽ thấy đó thực ra là vùng biển của Việt Nam. Ngay cả một chương trình được cho là thuần giải trí như Ký ức Hội An hồi tháng Ba năm ngoái, những cái tên đạo diễn, biên kịch xa lạ cũng biến báo để nhét yếu tố Trung Quốc vào khi để dưới vành nón lá Việt là tóc đuôi sam đỏ, cho nhân vật công chúa Ngọc Hoa ăn mặc như cô dâu trong phim cổ trang Trung Quốc.

Không chỉ văn học, điện ảnh - những thứ dễ được xuê xoa rằng đó chỉ là hư cấu (dù không ai tin các nhà văn, đạo diễn Trung Quốc hồn nhiên hay thiếu hiểu biết đến mức không hiểu lịch sử) ở cấp độ chính phủ, công khai, trước cả thế giới, trong vụ xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn vu cáo Việt Nam đã xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc.

Sửa sách sử chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh bịa đặt chủ quyền của Trung Quốc, trong tham vọng bành trướng chưa bao giờ nguôi của nước này.

Thành Nhân