Nguyên nhân nổ nồi hơi

Tại sao lại phải vận hành lò hơi một cách an toàn tuyệt đối?

Đầu tư và lắp đặt hệ thống lò hơi là hạng mục quan trọng và tốn kém rất nhiều tiền của doanh nghiệp. Vai trò của lò hơi cũng rất quan trọng, là nơi cung cấp nguồn năng lượng nhiệt để duy trì hoạt động và được coi là trái tim của nhà máy. Cho nên để lò hơi hoạt động hiệu quả và an toàn là một yêu cầu cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp.  Để lò hơi hoạt động tốt cần quan tâm đến nhiều yếu tố, từ yếu tố kỹ thuật đến yếu tố con người.

Đối với cá nhân hay doanh nghiệp thì vấn đề an toàn cháy nổ luôn được đặt lên hàng đầu. Việc vận hành an toàn các nồi hơi đòi hỏi phải quan tâm kỹ lưỡng đến nhiều nhân tố. Bởi vì những sự cố gây ra hoàn toàn có thể dẫn đến những thảm họa khôn lường.

Sau đây Lò Hơi Bách Khoa sẽ giới thiệu đến các bạn các nguyên nhân chính cũng như cách khắc phục các nguyên nhân này để lò hơi hoạt động hiệu quả và an toàn hơn.

Nguyên nhân nổ nồi hơi

Một loại lò hơi công nghiệp đốt trấu rời

Các nguyên nhân chính gây ra vụ nổ nồi hơi là gì?

Xử lý nước kém hoặc nước cấp bị ô nhiễm dẫn đến sự ăn mòn, xói mòn và hình thành cáu cặn bám trên các bề mặt nước của nồi hơi.

Ăn mòn và mài mòn các vật liệu vỏ thân lò, bao hơi, là các bộ phận chịu áp lực của nồi hơi, dẫn đến rò rỉ, nứt và vỡ các bộ phận chịu áp.

Cáu cặn bám vào thành bao hơi, thân lò làm giảm sự truyền nhiệt và dẫn đến quá nhiệt cục bộ của vật liệu ngay tại vị trí đó. Việc bị làm nóng quá mức làm cho vật liệu bao hơi mềm hơn,  gây ra biến dạng và giảm khả năng chịu áp lực, dẫn đến hiện tượng nổ lò.

Các thiết bị cảnh báo mức nước, hiển thị áp suất bị hư hỏng, dẫn đến truyền tín hiệu về hệ thống điều khiển không chính xác, có thể hệ thống sẽ tiếp tục bơm nước vào lò hơi khi áp suất trong lò đang cao quá mức cho phép dẫn đến nổ lò hơi.

Khi phát hiện ra hiện tượng cạn nước lò hơi, nếu người vận hành không biết cách xử lý, tiếp tục bơm nước vào lò sẽ làm tăng áp suất đột ngột lên thân lò, ba long: đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nổ lò hơi hiện nay.

Van an toàn không được kiểm tra tình trạng hoạt động thường xuyên, dẫn đến không tự xả được hơi nước ra ngoài khi áp suất trong lò vượt quá mức cho phép.

Van an toàn tự xả hơi ra quá nhiều lần, dẫn đến lò xo không còn giữ nguyên được các phẩm chất ban đầu, càng về sau sai số hoạt động của van an toàn sẽ sai lệch càng nhiều so với thông số cài đặt.

Và điều quan trọng nhất là người vận hành, để hệ thống lò hơi hoạt động an toàn thì cần được vận hành bởi người có kinh nghiệm, có kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình hoạt động lò hơi và được đào tạo bài bản bởi các tổ chức và cơ quan đúng chức năng và chuyên môn về vận hành và an toàn lò hơi.

Hỗn hợp cháy quá dư nhiên liệu: Nó rất nguy hiểm ở chỗ nhiên liệu không cháy có thể tích tụ lại với nồng độ cao, khi phần nhiên liệu không cháy này bắt cháy, nó sẽ cháy rất nhanh và dễ phát nổ. Hiện tượng hỗn hợp cháy quá dư nhiên liệu có thể xảy ra khi cung cấp không đủ không khí cho quá trình cháy. Không được thêm không khí vào buồng đốt đang bị nhuốm đen vì khói. Việc cần làm là ngừng lò, vệ sinh, sau đó tìm biện pháp khắc phục. Nếu thêm không khí vào lúc này, bạn có thể tạo ra một hỗn hợp gây nổ.

Làm thế nào để không xảy ra hiện tượng nổ lò hơi?

Nước sử dụng cho lò hơi phải được xử lý hóa chất, phải đi qua hệ thống làm mềm nước để loại bỏ các thành phần có thể gây cáu cặn trong bao hơi, các ống góp, các ống trao đổi nhiệt, đường ống hơi, ống nước…

Vật liệu chế tạo lò hơi phải được sử dụng từ các loại thép chịu nhiệt, phải được thiết kế bởi người có chuyên môn về thiết kế lò hơi, theo các tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam hoặc Quốc Tế. Lò hơi trước khi xuất xưởng phải được siêu âm mối hàn, thử áp lực và được cấp giấy chứng nhận bởi các cơ quan tổ chức được cấp phép.

Doanh nghiệp phải có lịch cụ thể hàng tháng về việc tháo các mặt bích thân lò, ống góp và các biện pháp theo hướng dẫn của đơn vị cung cấp lò hơi để làm sạch lò hơi, tránh hiện tượng cáu cặn, bùn bẩn bám nhiều làm tắc các ống trao đổi nhiệt, hoặc giảm khả năng trao đổi nhiệt gây ra nhiệt độ tăng cục bộ.

Trong quá trình vận hành lò hơi phải có nhật ký vận hành để kiểm soát các thông số của lò hơi trong toàn bộ quá trình hoạt động, nhằm theo dõi và phát hiện các sự sai khác trong quá trình vận hành để có phán đoán chính xác để hạn chế rủi ro nổ lò hơi.

Phải kiểm tra thường xuyên các cảm biến, các thiết bị liên quan đến đo áp suất, nhiệt độ, mức nước. Đảm bảo hệ thống điều khiển hoạt động bình thường. Ngoài các cảm biến lấy tín hiệu về tủ điều khiển thì lò hơi phải được trang bị các thiết bị hiển thị thông số để người vận hành theo dõi bằng mắt thường như: kính thủy sáng để kiểm tra mức nước trong lò hơi, áp kế để xem áp suất, nhiệt kế để xem nhiệt độ lò hơi…

Van an toàn phải được cài đặt và cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn bởi các đơn vị độc lập, được cấp phép và có chức năng về an toàn lò hơi. Và phải được định kỳ kiểm tra theo khuyến cáo của các đơn vị kiểm định.

Không nên sử dụng van an toàn khi đã tự xả hơi một lần ra ngoài, khi lò hơi quá áp và van an toàn tự nhảy để xả hơi ra ngoài, giảm áp lực trong lò hơi thì sau đó chủ doanh nghiệp phải tiến hành thay mới van an toàn.

Hệ thống cảnh báo và điều khiển mức nước phải được thiết kế nhiều cấp, hiện nay Lò Hơi Bách Khoa đang thiết kế hệ thống cảnh báo 3 cấp cạn nước cho lò hơi.

Khi phát hiện ra hiện tượng cạn nước trong lò hơi, người vận hành tuyệt đối không được bơm thêm nước vào lò hơi mà phải báo ngay cho người có trách nhiệm cao nhất trong ca trực để có biện pháp xử lý đúng theo hướng dẫn của nhà cung cấp lò hơi.

Và cuối cùng, doanh nghiệp khi sử dụng nhân công vận hành lò hơi – nồi hơi, phải tiến hành đào tạo bài bản về vận hành lò hơi và các kỹ năng xử lý sự cố trong quá trình vận hành lò hơi.

CÔNG TY TNHH NĂNG LƯỢNG NHIỆT BÁCH KHOA

Thông tin liên hệ:

Địa chỉ: Thôn 3, Xã Vạn Phúc, Huyện Thanh Trì, Tp Hà Nội

Di động: 091 775 40 59 

Hotline: 097 384 04 68

E-mail:         

Website: https://hex-boilers.com/