Nghị luận thất bại chỉ như một bài học kinh nghiệm

Toanhoc.org xin gửi tới bạn đọc 4 bài Nghị luận xã hội 200 chữ nêu suy nghĩ của em về sự thất bại để bạn đọc cùng tham khảo. Mong rằng bạn đọc có thể học tập tốt và có thêm nhiều tài liệu ôn tập cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.

Nghị luận thất bại chỉ như một bài học kinh nghiệm

Viết đoạn văn nghị luận về thất bại – Mẫu 1

“Thất bại là mẹ thành công” – bạn có đồng ý không? Mới nghe qua có vẻ vô lí vì thất bại là sự đối lập của thành công vậy tại sao lại là “mẹ” của thành công được? Thành công là trạng thái mà con người đạt được mục đích mà họ mong muốn. Còn thất bại thì ngược lại đó là khi chúng ta không đạt được điều mình muốn. Trong câu nói này ý chỉ rằng thất bại chính là tiền đề để tạo nên sự thành công. Khi bạn thất bại bạn sẽ có kinh nghiệm hơn về việc đó để rồi sau này có thể hạn chế được mặt tiêu cực và đạt được thành công. Sau thất bại bạn sẽ có động lực để vực dậy, sửa đổi mặt yếu kém. Cứ như thế thành công sẽ chào đón bạn. Các nhà khoa học đã phải thất bại rất nhiều trước khi có những phát minh có thể làm thay đổi cả thế giới. Nhưng nếu khi bạn thất bại mà chán nản, bỏ cuộc để rồi bạn sẽ không bao giờ đạt được thành công mà bạn mong muốn. Chúng ta cần có ý thức, nghị lực để khắc phục thất bại và biến nó thành thành công. Thất bại chưa là dấu chấm hết, nó thực sự kết thúc là khi bạn không có nghị lực sống để giải quyết thất bại. Cánh cửa thành công luôn chào đón bạn, vậy tại sao bạn không tự đứng lên để Bắt Đầu.

Xem thêm:  Top 20+ bài phân tích chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Viết đoạn văn nghị luận về thất bại – Mẫu 2

Cuộc sống hằng ngày ta thường gặp những khó khăn, trở ngại, thậm chí có lúc bị thất bại. Song chính sự thất bại đã làm cho con người trưởng thành, giàu kinh nghiệm và vững vàng đi đến thành công. Với ý nghĩa đó, câu nói của Henry Ford “Thất bại đơn giản chỉ là cơ hội dể bắt đầu lại mọi thứ một cách thông minh hơn” thực sự đã mang lại cho chúng ta nhiều ý nghĩa. Thất bại không phải là sự kết thúc mà thất bại chính là cơ hội rất tốt để ta bắt đầu làm lại khi đã có kinh nghiệm, sẽ không lặp lại sai lầm trước đó, một sự khởi đầu mới thông minh hơn trước. Thất bại sẽ đem đến cho ta những bài học về nguyên nhân thất bại dể ta tìm cách khắc phục những nguyên nhân đó và dẫn đến thành công trong lần sau, vì người xưa có câu “Thất bại là mẹ thành công”. Tuy nhiên chúng ta cần phê phán một số người có những biểu hiện tiêu cực sau thất bại, thất vọng, bi quan, chán nản dễ đầu hàng. Câu nói như một lời khuyên, thất bại là chuyện thường tình trong cuộc sống hãy dũng cảm đối diện với thất bại, biến nó thành một cơ hội tốt để ta sửa chữa. Chính thất bại sẽ giúp chúng ta đạt được thành công.

Xem thêm:  Tuyển chọn 14+ bài phân tích vợ chồng a phủ xuất sắc

Viết đoạn văn nghị luận về thất bại – Mẫu 3

Trong cuộc sống của chúng ta, thành hay bại, thắng hay thua là đều phụ thuộc vào tính cách của con người. Thường thì phải qua thất bại rồi mới đến thành công. Nhưng cũng có người thấy thất bại đã cúi đầu chấp nhận một cách dễ dàng. Bàn về thái độ của con người trước thất bại, tổng thống Mỹ – A.Linconl cho rằng “Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn đã thất bại ra sao mà bạn đã chấp nhận nó như thế nào”. “Thất bại” là hỏng việc, thua mất, là không đạt được kết quả, mục đích như dự định. Điều quan trọng hơn cả là nhận thức, thái độ của con người trước sự thất bại trong cuộc sống. Trước một sự việc không thành, con người cần có sự bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân của sự thất bại (khách quan và chủ quan). Dám đối mặt để chấp nhận, không né tránh sự thật, cũng không đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan. Biết “dậy mà đi” sau mỗi lần vấp ngã, biết rút ra bài học từ những thất bại đã qua để tiếp tục thực hiện công việc và ước mơ của mình. Thất bại là môi trường tôi luyện ta trưởng thành hơn (A.Linconl là con người đã 8 lần thất bại nặng nề trong cuộc đời và một ngày ông trở thành tổng thống của nước Mỹ). Cần phê phán những kẻ ủy mị, yếu đuối, ngại khó ngại khổ. Qua đây chúng ta cần nhớ: Phải biết cách chấp nhận sự thất bại để có thái độ sống tích cực. Không đắm chìm trong thất vọng nhưng cũng không được bất cần trước mọi sự việc, không để một sự thất bại nào đó lặp lại trong đời.

Xem thêm:  Tuyển chọn 8+ mở bài tây tiến của Quang Dũng

Viết đoạn văn nghị luận về thất bại – Mẫu 4

Trong cuộc đời của mỗi người bên cạnh những thành công có lẽ không tránh khỏi những lần thất bại. Vậy thất bại là gì? Nó có ảnh hưởng như thế nào tới chúng ta? Thất bại là trạng thái hụt hẫng, bế tắc khi không thể hoàn thành được mục tiêu mà mình đã đặt ra hay thua cuộc trước một ai đó. Dù xuất phát từ nguyên nhân khách quan hay chủ quan, nó vẫn để lại những hậu quả nghiêm trọng cho chúng ta cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, thất bại có thể khiến ta mất đi niềm tin vào bản thân, trở nên bi quan, tuyệt vọng. Vậy nhưng, “thất bại là mẹ thành công”, nếu biết đối mặt bằng một thái độ đúng đắn, ta hoàn toàn có thể biến nó trở thành bước đệm để thực hiện hoài bão của mình. Hãy đứng lên từ những thất bại, hãy lấy thất bại làm động lực và hãy biến nỗi đau thành những kỷ niệm ngọt ngào. Bạn đừng nản chí mà hãy bình tĩnh để trí óc tỉnh táo. Hãy để khát vọng và mơ ước tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Bạn biết không ? Để tạo ra dây tóc bóng đèn, Edison đã thất bại hơn một nghìn lần; cái tên Seven Up xuất phát từ bảy lần hãng phải bắt đầu lại từ đầu; Jack Ma cũng đã bảy lần trắng tay trước khi gây dựng đế chế Alibaba… Vậy nên, đừng bao giờ nản lòng khi gặp phải thất bại. Hãy rút ra những bài học từ thất bại và biến nó trở thành động lực, chắc chắn thành công sẽ mỉm cười với bạn.

Hướng dẫn

Viết đoạn văn khoảng 200 từ, trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: “Thất bại đơn giản chỉ là cơ hội để bắt đầu mọi thứ một cách thông minh hơn” (Henry Ford). Đoạn văn nghị luận xã hội tham khảo: Cuộc sống hằng ngày ta thường gặp những khó khăn, trở ngại, thậm chí có lúc bị thất bại. Song chính sự thất bại đã làm cho con người trưởng thành, giàu kinh nghiệm và vững vàng đi đến thành công. Với ý nghĩa đó, câu nói của Henry Ford “Thất bại đơn giản chỉ là cơ hội dể bắt đầu lại mọi thứ một cách thông minh hơn” thực sự đã mang lại cho chúng ta nhiều ý nghĩa. Thất bại không phải là sự kết thúc mà thất bại chính là cơ hội rất tốt để ta bắt đầu làm lại khi đã có kinh nghiệm, sẽ không lặp lại sai lầm trước đó, một sự khởi đầu mới thông minh hơn trước. Thất bại sẽ đem đến cho ta những bài học về nguyên nhân thất bại dể ta tìm cách khắc phục những nguyên nhân đó và dẫn đến thành công trong lần sau, vì người xưa có câu “Thất bại là mẹ thành công”. Tuy nhiên chúng ta cần phê phán một số người có những biểu hiện tiêu cực sau thất bại, thất vọng, bi quan, chán nản dễ đầu hàng. Câu nói như một lời khuyên, thất bại là chuyện thường tình trong cuộc sống hãy dũng cảm đối diện với thất bại, biến nó thành một cơ hội tốt để ta sửa chữa. Chính thất bại sẽ giúp chúng ta đạt được thành công.

Tài liệu của Thầy Phan Danh Hiếu, Nguyễn Phước Bảo Khôi ( chủ biên )

Xem thêm: Bộ đề Nghị luận xã hội 200 chữ: Nghị luận xã hội

Đừng sợ thất bại

ĐỀ BÀI

Anh (chị) hãy bình luận câu nói sau:

“Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất”.

(Trích Lời cỏ cây – Bàn về thân phận con người trong cuộc đời, Marai Sador)

BÀI LÀM 1

Ai trong cuộc đời cũng từng ít nhất một lần gánh chịu thất bại. Không ai có thể vươn đến thành công mà không phải nếm trải cảm giác thất bại. Sau mỗi thất bại lại là một lần ta có thêm được những kinh nghiệm trong cuộc sống và trưởng thành hơn. Tuy nhiên, có một sự thất bại không thể tha thứ được vì nó đồng nghĩa với sự sụp đổ hoàn toàn: mềm yếu với chính bản thân mình. Chính vì vậy trong cuốn “Lời cỏ cây – Bàn về thân phận con người trong cuộc đời”, tác giả Márai Sádor người Hungary đã từng nói: “Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất

Thất bại là một từ không có gì lạ lẫm trong cuộc đời mỗi con người. Nhiều người giải thích thất bại là sự thua cuộc. Đúng nhưng chưa đủ, chưa bao quát toàn bộ vấn đề. Thất bại còn là việc không thể đạt được, không thể vươn tói một cái đích nào đó mà bản thân đã đặt ra từ trước: quyền lực, tiền tài, danh vọng, sự nghiệp..thua trong một trận đấu, một cuộc thi hay đơn giản chỉ là kết quả không tốt của một bài kiểm tra. Thất bại với từng ngưòi cũng khác nhau. Với một vận động viên thể thao, sẽ là thất bại nếu người ấy không thể chiến thắng đối thủ; với ngưòi kĩ sư xây dựng, sẽ là thất bại nếu như những công trình của anh không đạt được sự vững chắc, an toàn và độ thẩm mĩ cần thiết; với người học sinh, thất bại là việc không thể vượt qua một kì thi hết sức quan trọng nào đó hoặc chỉ đơn giản là ganh đua hết sức mình cho vị trí hạng nhất để rồi cuối cùng cũng phải ngậm ngùi về nhì. Thất bại là hết sức cần thiết cho con người vì sau mỗi lần thất bại ta sẽ phải biết đứng dậy để làm lại từ đầu, để cố gắng nhiều hơn nữa sao cho tương lai không còn phải nhận trái đắng. Quan trọng hơn cả là sau mỗi lần thất bại, ta lại có thêm kinh nghiệm để không mắc sai lầm lần nữa.

Tuy nhiên, mềm yếu với bản thân lại là một thất bại hoàn toàn khác. Đó có thể coi là sự đầu hàng với những ham muốn, cám dỗ của bản thân hoặc sau mỗi lần thất bại thì trở nên sụp đổ, yếu đuối đến mức không thể đứng dậy được nữa. Con người luôn luôn bị những cám dỗ, ám ảnh về những giá trị vật chất, sự giàu sang hay thành công chỉ trong tích tắc cuốn hút khiến cho họ có thể đánh mất bản chất tốt đẹp của mình nếu không có được tâm lí và bản lĩnh vững vàng. Trong mọi việc, ta phải luôn chế ngự bản thân, không được phép để cho mình trở nên mềm yếu vì khi ấy bản lĩnh của ta sẽ được thử thách. Lằn ranh mong manh giữa tốt và xấu có thể biến mất bất cứ lúc nào nếu không biết làm chủ bản thân.

Vào một ngày nắng đẹp, khi ra đường, bạn nhặt được một cái ví với rất nhiều tiền bên trong. Trong bạn, phần ác đang cười bảo: “Cứ lấy đi, có ai biết đâu! Lấy đi để còn mua sách vở, đồ chơi, quần áo”. Thế nhưng, phần thiện ra sức khuyên bạn không nên làm như vậy. Bạn sẽ nghe theo ai? Nếu như bạn để cho những ham muốn vật chất lấn át chế ngự lí trí, bạn sẽ nghe theo phần ác. Đó chính là sự mềm yếu với bản thân. Trong giờ kiểm tra, gặp một câu hỏi khó, trong lòng bạn tự đặt ra câu hỏi: “Có nên mở tài liệu ra xem không?”. Đây là lúc tính trung thực của người học sinh được thử thách. Bạn không thể để cho cái đích điểm số biến bạn trở thành một học sinh vô kỉ luật được. Bạn không được coi tài liệu vì như vậy bạn đã để cho bản thân chiến thắng một “bạn” quá mềm yếu. Kiểm tra lần này không tốt là do không ôn bài kĩ thì lần sau còn có thể gỡ lại được, còn danh dự và đạo đức của một người học sinh khi đã bị vấy bẩn bởi cái ham muốn tầm thường vì điểm số thì rất khó có thể rửa sạch. Phải chiến thắng chính mình, sau đó mới chiến thắng đối thủ trong các cuộc thi, đó là nguyên tắc. Không được phép trở nên mềm yếu với bản thân. Giả sử bạn tham dự một cuộc thi đấu thể thao. Vinh quang và danh vọng cùng phần thưởng có giá trị liệu có thể biến bạn thành một kẻ thủ đoạn, bất chấp tất cả để giành chiến thắng? Vận động viên khi bước ra sân thi đấu luôn phải mang trong mình tinh thần chơi đẹp, đúng tinh thần thể thao, dẫu có thua cũng không dùng đến thủ đoạn. Nếu bạn là một vận động viên chân chính, chắc chắn bạn sẽ thi đấu bằng tất cả khả năng và nỗ lực của mình, không bao giờ dùng đến thủ đoạn để giành thắng lợi. Đó là lúc bạn không thất bại dẫu có thua đi chăng nữa vì bạn đã chiến thắng bản thân, không trở nên mềm yếu trước những cám dỗ.

Mềm yếu với bản thân còn là không thể đứng dậy được sau những thất bại. Thất bại là điều không thể tránh khỏi trên con đường vươn tới thành công. Nếu như sau mỗi lần thất bại bạn trở nên mềm yếu, sụp đổ hoàn toàn, cảm giác như cả thế giới tràn ngập bóng tối và không thể đứng dậy được nữa, đó là lúc bạn thất bại thảm hại nhất: thất bại với chính mình, với những người yêu mến và hi vọng vào mình. Đứa trẻ ba tuổi lần đầu tập đi chắc chắn phải ngã, vậy mà nó vẫn kiên trì tập tiếp cho đến ngày có thể đi bằng hai chân chứ không còn phải bò nữa. Bác Nguyễn Ngọc Ký lần đầu tập viết bằng chân đâu có thể trơn tru ngay được, vậy mà bây giờ bác viết bằng chân đẹp không thua gì chúng ta viết bằng tay. Những ví dụ trên cho thấy không thể đứng dậy sau thất bại cũng là một sự mềm yếu vói bản thân. Những ai đã vượt qua cái mềm yếu ấy chính là vượt lên được sự thất bại thảm hại nhất, để có cơ sở thành công trong mỗi việc mình làm.

Chế ngự được bản thân không bao giờ là một điều đơn giản. Bất cứ một con người nào đôi lúc cũng vì những ham muốn, cám dỗ tầm thường khiến cho mình trở nên phân vân như đứng trước ngã ba đường. Chính vì vậy, để không phải nhận cái thất bại thảm hại nhất là mềm yếu với bản thân, ta phải thật sự hiểu được chính mình, phải biết kiềm chế những ham muốn đó lại, phải luyện rèn bản lĩnh của mình qua năm tháng để trở nên cứng cáp hơn trong cuộc sống, có thể đối đầu được với những thử thách khó khăn ấy một cách đường hoàng, tự tin. Không ít người đã vướng vào tội lỗi, đã không thể chiến thắng những ham muốn ích kỉ và hẹp hòi của bản thân chỉ vì họ quá thiếu bản lĩnh. Chúng ta phải luôn cố gắng hết sức mình trong mọi việc để dù cho có thành công hay thất bại, ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản vì đã làm bằng tất cả khả năng của mình. Đồng thời, điều này cũng giúp ta tránh được những ám ảnh day dứt về việc sử dụng những cách không tốt để giành thắng lợi. Ngoài ra, sau mỗi lần vấp ngã, ta phải biết tự đứng dậy, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và cố gắng nhiều hơn nữa trong tương lai.

Câu nói của Márai Sádor rất sâu sắc và ý nghĩa! Câu nói nhắc nhở chúng ta về việc phải luôn biết thể hiện bản lĩnh cá nhân trong những hoàn cảnh thử thách khó khăn nhất của cuộc sống, nhất là trong bối cảnh cuộc sống ngày càng trở nên phức tạp, những cám dỗ, ham muốn ngày càng nguy hiểm và khó lường. Phải giữ gìn nhân cách thật tốt và không ngừng cố gắng, phấn đấu trong mọi việc để vươn tới thành công một cách xứng đáng, đó là điều mà tôi rút ra được từ câu nói của Sador. Chúng ta phải biết làm chủ bản thân mình! Không được đầu hàng hay mềm yếu với bản thân! Giả sử sau này tôi và bạn có đối đầu nhau trong một cuộc thi, hãy cùng chiến thắng bản thân chúng ta trước đã bạn nhé!

Bạch Vũ Minh Đức

Lớp 12A1 – TH Thực hành – ĐHSP TP. Hồ Chí Minh

(VH&TT số tháng 2 – 2009)

BÀI LÀM 2

Hai hạt giống nọ nằm cạnh nhau trong một mảnh vườn. Hạt thứ nhất tự tin vươn mầm, đón nhận ánh nắng ấm áp và đã trở thành cái cây mạnh. Hạt thứ hai rụt rè ngóc đầu dậy, sau đó lại sợ sệt rúc sâu vào đất bởi nó lo rằng nắng gió dữ dội sẽ quật ngã cơ thể yếu ớt của mình. Rồi một ngày, có con gà vào vườn tìm mồi, vô tình mổ trúng hạt cây kia. Vậy là chỉ vì sự yếu mềm, hạt cây đã thất bại thảm hại. Câu chuyện ấy khiến tôi nhớ đến bài học về sự thất bại của con người như một câu danh ngôn từng đề cập: “Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần nhưng với bản thân, bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất” (Trích Lời cỏ cây – Bàn về thân phận con người trong cuộc đời, Márai Sádor).

Thất bại – đó là khi ta không làm được điều ta mong muốn, không đạt được đích ta đề ra. Trong cuộc sống, mỗi người đều có những ước muốn, những cái đích để vươn tới. Nhưng không phải lúc nào đường đến đích cũng dễ dàng. Những mấp mô trên đường đời đâu phải khi nào con người cũng thấy để tránh khỏi vấp ngã. Những mấp mô ấy có thể được tạo nên từ những yếu tố khác nhau: có khi là sự chủ quan như suy nghĩ còn nông cạn, năng lực còn hạn chế, thể lực vốn yếu ớt – có khi lại là do khách quan như hoàn cảnh khó khăn, sự cản trở của người khác… Bởi vậy, thất bại với mỗi người là điều không thể tránh khỏi. Có ai lại dám vỗ ngực khẳng định mình chưa thất bại bao giờ? Có chăng, điều đó chỉ xảy ra với những kẻ không có ước mong gì, chẳng dám thực hiện điều gì, cho dù là điều nhỏ nhất. Nhưng những kẻ đó đâu biết rằng đấy lại là thất bại tồi tệ của đời mình. Bởi vậy, như câu nói của Márai Sádor đã khẳng định “trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần…”.

Cùng quan điểm với Márai Sádor, nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

Ai chiến thắng mà chưa từng chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

Bạn có bao giờ thi trượt hay bị điểm kém? Bạn có khi nào bị cấp trên phê bình vì làm hỏng việc?… Bạn cũng đừng băn khoăn bởi không chỉ riêng bạn thất bại đâu mà ngay cả những chính khách, danh nhân, những con người thành công vượt bậc như Walt Disney, Vangôc, Banzắc, Bác Hồ của chúng ta… cũng từng trải qua nhiều thất bại. Điều quan trọng là chúng ta đã làm gì trước những thất bại ấy mà thôi.

Vâng, điều quan trọng không phải tìm ở đâu mà là ở chính chúng ta. Ta có thể “độ lượng” với vài ba thất bại của mình nhưng thật khó chấp nhận khi chúng ta trở nên mềm yếu. Thất bại hay thành công, tất nhiên không phải do ta hết cả nhưng trên hết bản thân mỗi người vẫn đóng vai trò quyết định đến hoàn cảnh của mình. “Thiên đường ở chính ta, địa ngục cũng ở lòng ta cả” (Chúa Giêsu) bởi không ai hiểu ta như chính chúng ta. Đứng trước thất bại, đôi khi con người không tránh khỏi sự yếu mềm. Đó là những lúc con người thấy lo lắng, thất vọng, chán nản, dễ dãi với bản thân và phó mặc tất cả cho hoàn cảnh hay số phận. Nhưng ta có biết rằng sự yếu mềm sẽ khiến mình trở nên đớn hèn, sự tự ti chi phối sẽ khiến ta thêm mụ mị, bế tắc. Cứ nghĩ mình không thay đổi được sự thất bại, thử hỏi con người còn làm được điều gì? Cứ buồn mãi, khóc mãi chỉ càng khiến thời gian trôi đi vô ích. Và rồi không những thất bại còn đó mà những thất bại tiếp theo sẽ đến với chúng ta. Sự mềm yếu, vì thế là “thất bại thảm hại nhất”. Ta hãy để ý, những người lầm lỗi, sa ngã hầu hết đều do mềm yếu. Một kẻ ăn chơi sa đoạ đâu phải nguyên nhân chính là sự dụ dỗ của bạn bè, mà là vì anh ta không làm chủ được mình, đã mềm lòng trước lời dụ dỗ đó. Một kẻ suốt đời nghiện ngập có thể thoát khỏi cảnh ấy chứ, nếu như anh ta không chặc lưỡi “một lần này thôi” khi đưa kim tiêm lên tay. Thực tế, cũng có những cán bộ cấp cao sa vào tham ô vì không cưỡng được sức mạnh của đồng tiền. Có những nhân viên suốt đời lận đận trên con đường danh vọng bởi không dám vượt qua những thử thách của công việc.

Những con người mềm yếu sao không nghĩ rằng nếu cứng rắn, can đảm vượt qua mọi thất bại, mọi thử thách, cám dỗ thì sẽ có lợi như thế nào? Khi đó con người sẽ thấy thất bại lại là mẹ của thành công. Thất bại cho ta những bài học kinh nghiệm, giúp ta từng trải và chủ động hơn trong cuộc sống. Có nhiều người thất bại nhưng do có ý chí phi thường, lòng quyết tâm cao độ mà đạt tới thành công. Tôi nhớ tới Tổng thống Mĩ A. Lincôn – một tấm gương lớn về nghị lực, niềm tin đã từng tâm sự: “Hai chân tôi không thể bám trên con đường mòn trơn trượt, nên cũng có lúc tôi chao đảo trên cuộc đua của cuộc đời. Nhưng tôi gượng dậy và tự nhủ rằng đó chỉ là một cú trượt và nó không thể làm tôi gục ngã”. Cũng như A. Lincôn, bao nhiêu người khác cũng đã đứng lên từ những “cú trượt” của đời mình như Êđixơn, như Nguyễn Ngọc Ký… Thành công lớn nhất của họ – sự chiến thắng bản thân đã giúp ta nhận ra thất bại thảm hại nhất của con người – ấy là sự mềm yếu.

Câu nói của Márai Sádor chứa đựng những bài học thật sâu sắc. Nó giúp ta hiểu hơn về sự thất bại, cho ta một lời khuyên: đừng sợ thất bại, hãy dũng cảm đương đầu với chúng! Qua đó, ta còn thấy được tầm quan trọng của bản thân mình. Ta nghiệm ra rằng: “Đỉnh núi chẳng phải là nơi chinh phục của ta mà điều ta cần vượt qua là chính bản thân mình”. (S.Hillary). Muốn thế, con người cần nghiêm khắc với chính mình, đặc biệt là trong những phút giây lòng mềm yếu. Đó chính là yếu tố giúp chúng ta thành công.

Cũng như mọi người, tôi đã từng thất bại nhiều lần và đã có đôi lần tôi tỏ ra mềm yếu. Một trong những lần đáng nhớ ấy là một bài văn bị điểm sáu, đôi chỗ còn ướt nhoè nước mắt. Nhưng rồi tôi nhận ra những giọt nước mắt càng khiến tôi bị nhiều điểm kém hơn. Và tôi đã thử cách khác: tôi nhìn lại mình trong gương, lau khô nước mắt, mỉm cười với chính mình và tự nhủ sẽ làm lại từ đầu. Vượt qua sự mềm yếu của mình, thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng đó là lúc ta tránh được thất bại thảm hại nhất của bản thân để chờ đón một ngày mai sáng tươi hơn.

Vũ Thị Quỳnh

Lớp ll Văn – THPT chuyên Thái Bình – Thái Bình

BÀI LÀM 3

Trong cuộc sống, nếu ta muốn sống cuộc đời mà không phạm sai lầm nào, làm gì được nấy thì hoặc là ta ảo tưởng hoặc là ta hèn nhát trước cuộc đời. Bởi cuộc đời giống như một con đường và con đường ấy không phải lúc nào cũng tràn ngập hoa thơm và ánh nắng, sẽ có những đoạn đường đầy gai góc, đầy mưa dông và bão tố. Những lúc như thế, ta có thể ngã khuỵ xuống nhưng ta không thể đầu hàng, tuyệt vọng bởi đó không phải là con đường cùng, không phải là ta đã thất bại, ta vô dụng, ngu ngốc mà chỉ là thành công bị trì hoãn mà thôi. Ta đừng vì thế mà mất niềm tin vào cuộc sống, vào chính bản thân mình để buông xuôi theo dòng nghịch cảnh của cuộc đời, bởi “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại / Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần? ” (Tố Hữu)

Con người ta khi sinh ra và lớn lên, ai cũng mong muốn mình thành công trong cuộc sống. Nhưng cuộc đời không giống như một cuốn sách, có thể đọc phần đầu là đoán biết được phần cuối, cuộc đời phức tạp hơn nhiều, nó ẩn chứa nhiều bí ẩn đòi hỏi ta phải tìm tòi. Không phải ai cũng thành công ngay ở chặng đầu của đường đời. Con người không phải là thần thánh và không ai hoàn hảo cả. Chính vì vậy mà khi bàn về thân phận con người trong cuộc đời, Márai Sádor trong Lời cỏ cây đã nói: “Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất”.

Thất bại là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống, điều quan trọng là ta phải biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, đối diện với sự thật và rút ra được những bài học kinh nghiệm. Đừng vì thất bại mà nản chí, mất niềm tin vào bản thân mình và cuộc sống, bởi thành công hay thất bại cũng chỉ là những khái niệm mang tính tương đối mà thôi. Hãy đứng dậy và đi! Cuộc sống ở phía trước. Còn nếu ta nhụt chí, thu mình vào bóng đen của thất bại, không còn tin tưởng vào cuộc sống, vào bản thân sẽ có lúc toả sáng, không còn muốn đứng dậy thì đó là lúc ta đã thực sự thất bại, đắm mình sâu vào vực thẳm của khó khăn và thất bại. Thành công có những nguyên do riêng của nó và thất bại cũng vậy. Đừng sợ! Hãy suy nghĩ, tìm tòi ra lí do và đúc rút kinh nghiệm. Chẳng có thành công hay thất bại nào là mãi mãi. Chính vì vậy mà có người đã từng nói: “Để vẽ một bức tranh hoàn hảo nhất thiết bạn sẽ cần một vài màu tối!”. Thất bại cũng như những màu tối ấy vậy, điều quan trọng là chúng ta sẽ phối màu như thế nào? Đặt chúng vào đâu? Nếu biết cách, bạn nhất định thành công. Và đó cũng là giá trị nhân văn, nhận thức đúng đắn mà Marai Sador gửi gắm vào câu nói “Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất”. Có thể nói chỉ trong vài chữ ngắn ngủi mà câu nói đã đúc rút nên cả một triết lí nhân sinh đúng đắn, có giá trị với mọi thời đại, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, đặc biệt là với thế hệ trẻ.

Trong quá trình trưởng thành, va chạm và trải qua nhiều thử thách, nghịch cảnh của cuộc sống, như một chân lí, quy luật tất yếu hiển nhiên, chẳng có ai trên đời chỉ có chiến thắng, thành công mà chưa hề nếm mùi thất bại cũng như chưa ai nên khôn mà không hề vấp ngã, dại dột đôi lần… Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ? Lần đầu tiên chập chững những bước đi đầu tiên bạn đã ngã? Bạn đã phải thay hết bao nhiêu tờ giấy, tẩy bao nhiêu chữ khi nắn nót những nét chữ đầu đời? Các bài kiểm tra có phải bài nào bạn cũng luôn được điểm cao? Và liệu lần đầu tiên bước ra ngoài xã hội tự lập trên đôi chân của mình bạn đã suôn sẻ ngay? Không sao đâu vì…

Louis Pasteur – nhà khoa học nổi tiếng thế giới, người có công lao vĩ đại trong việc tìm ra vac-xin phòng dại đã từng chỉ là một sinh viên bình thường trong số những sinh viên chưa tốt nghiệp, từng xếp thứ hạng 15/22 ở môn Hoá. Ông cũng phải nếm mùi thất bại và khó khăn khi công bố phát minh của mình về sự tiệt trùng. Người đương thời không công nhận ông. Nhưng điều kì diệu là ờ ông luôn có niềm tin mãnh liệt vào bản thân mình và sự đúng đắn của khoa học, sự kiên nhẫn và niềm tin ấy đã làm cho tên tuổi ông toả sáng mãi trong lịch sử văn minh nhân loại – Loius Pasteur.

Không thành công ở lĩnh vực khoa học, không để lại cho đời bất kì phát minh sáng chế khoa học nào nhưng Walt Disney đã đem đến cho hàng triệu trẻ em trên thế giới những tiếng cười sảng khoái, dắt chúng vào thế giới của những hoàng tử, công chúa, gặp gỡ những con vật đáng yêu. Nhưng trước khi gây dựng nên Disneyland, ông đã từng bị toà báo sa thải vì thiếu ý tưởng, phải nếm mùi của kẻ không một đồng xu trong túi. Tại sao ông lại làm được những điều ấy? Phải chăng chính ý chí và nghị lực đã giúp ông vững vàng hơn sau mỗi lần thất bại?

Bạn từng đau khổ, tuyệt vọng khi nghe tin mình trượt đại học. Đó là điều đáng buồn nhưng nó không hề nghiêm trọng tới mức ta nghĩ rằng đó là con đường duy nhất dẫn đến thành công và ta đã không còn cơ hội. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh như vậy hãy nhớ đến Bill Gates – Chủ tịch tập đoàn máy tính Microsoft. Ông ấy đã không có tấm bằng đại học nhưng điều ấy chẳng có liên quan gì đến việc ông đã được bình chọn là người giàu nhất thế giới trong mười hai năm liền (theo tạp chí Times). Ông cũng vừa nhận tấm bằng đại học năm 2007 và vẫn luôn là thần tượng của các thế hệ bạn trẻ.

Bạn luôn bị từ chối? Bạn bị coi là mơ mộng hão huyền khi đưa ra một ý tưởng, một quyết định? Bạn bị cười khi nói ra ước mơ của mình. Đừng nản! Nói và cười là việc của họ còn hành động là việc của bạn. Khi bị coi khinh và chê cười, bạn hãy nhớ đến Napôlêông Bônapac. Ông từng là một đứa trẻ bị cô lập trong trường học, ông bị coi khinh vì là đứa con của vùng đất thuộc địa, ông luôn bị chê cười và thật khó khăn khi đưa ra ý kiến. Nhưng đó không hề và chưa hề là vấn đề đối với ông. Khó khăn là điều tất yếu, thất bại là điều không thể tránh khỏi nhưng ý chí và niềm tin đã đưa ông trở thành hoàng đế của đất nước Pháp rộng lớn, trở thành thần tượng của biết bao người, và được lưu danh hậu thế.

Sự suôn sẻ, dễ dàng không phải là nhân tố tạo nên những cá nhân mạnh mẽ, càng không phải là môi trường chủ yếu và lí tưởng tạo nên những bậc vĩ nhân. Bạn thấy đấy! Những người thành công không phải là những người không nếm trải thất bại, nghịch cảnh, khó khăn, gian khổ mà họ chỉ là những người biết nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với chính bản thân mình, biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và không bao giờ từ bỏ ước mơ. Bạn có thể bao biện rằng họ là những thiên tài còn bạn chỉ là một người bình thường. Nhưng bạn ơi! Thiên tài chỉ do 1% bẩm sinh còn lại 99% là do tự cố gắng” (Walt Disney). Vậy ta đừng bao giờ nghĩ rằng ta đã thất bại khi kế hoạch hay ước mơ, dự định ta đang thực hiện sụp đổ. Hãy tin là mình có thể làm lại được thì ta lại có lí do để cố gắng. Như thế là ta đã bước lên bậc thang của chiếc cầu thang bộ đến thành công rồi đấy. Còn nếu ta nhụt chí, chán nản, đánh mất niềm tin, ý chí vào chính bản thân mình buông xuôi theo khó khăn, bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì không cố gắng hết mình thì ta đang đắm mình trong hố sâu của thất bại và dại dột. Chẳng sao cả nếu bạn cố, và cố gắng, và cố nữa nhưng vẫn thất bại. Nhưng thật tệ nếu bạn cố rồi thất bại và không muốn cố gắng lần nữa.

Có người từng nói: “Để có được thành công là ước ao của biết bao nhiêu người nhưng người ta chỉ đạt được điều đó khi đã qua trải nghiệm và biết sống thành thật với chính mình”. Muốn thành công, ta bắt buộc phải qua nhiều trải nghiệm và không trải nghiệm nào lại phù hợp hơn sự thất bại để ta có thể rút ra được những bài học quý giá giúp trưởng thành vững vàng hơn. Những thất bại cũng là cầu nối để ta sống thật với chính mình, biết ta còn những khuyết điểm, sai sót để sửa chữa mà không hề chạy trốn. Thất bại chỉ là thất bại khi ta không chiến thắng được chính bản thân mình, không tin vào mình và buông xuôi. Và điều ấy có nghĩa là ta không còn là ta nữa, ta không sống mà ta chỉ tồn tại. Hãy nhớ rằng “Khi nhìn lại đời mình trong những giờ phút kiên gan chống chọi với mọi nghịch cảnh, bạn sẽ thấy rằng: những khoảnh khắc bạn sống thực sự là những lúc bạn làm được điều gì đó hết lòng” (Henry Drummond). Khi gặp thất bại bạn đừng bi quan, hãy hết lòng vì ước mơ và nhất định chúng ta sẽ thành công!

Bạn biết không? “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. (Nguyễn Khải). Vậy thì hãy dũng cảm lên bạn ơi! Đừng bao giờ nghĩ là ta đã thất bại mà chỉ là một bước lùi cho ba bước tiến và hãy học cách đứng dậy sau khi vấp ngã. Có gì đâu khi “thất bại là mẹ của thành công” và nếu không có mùa đông thì mùa xuân đã không dễ chịu đến thế; nếu đôi khi chúng ta không nếm trải khó khăn thì không thể thấy hết vị của thành công lại ngọt ngào đến thế. Hãy luôn nhớ “Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất”…

Kim Thị Mùa Đông

Điền Lương – Hợp Hoà – Tam Dương – Vĩnh Phúc

Tải về file word >> tại đây

Xem thêm 

Những bài học về lối sống

Bản chất của thành công