Mới quan hệ trong thị tộc

Trong lịch sử phát triển của loài người thuở sơ khai, họ đã sống hợp quần trong những "bầy người nguyên thuỷ" với phương thức kiếm sống chủ yếu là săn bắt và hái lượm... khi phát triển tới tình độ cao hơn, hình thành tổ chức xã hội đầu tiên mang tên thị tộc. Vậy thị tộc là gì? những đặc điểm của thị tộc...Sau đây là những chia sẻ của Luật Minh Khuê về chủ đề này.

 

1. Thị tộc là gì?

Theo Ph.Ăng-ghen: "Thị tộc là một thiết chế chung cho tất cả các dân tộc, cho tới khi họ bước vào thời đại văn minh, thậm chí còn sau hơn nữa".

Thị tộc là cộng đồng những người có cùng huyết thống, đây là một hình thức tồn tại cơ bản và là một đơn vị sản xuất của xã hội nguyên thuỷ. Tổ chức của thị tộc dựa trên cơ sở quyền sở hữu công cộng về các tư liệu sản xuất như đất đai, đồng cỏ, rừng núi...

Các thành viên trong thị tôch cùng lao động và hưởng thụ chung những sản phẩm họ làm ra theo phương thức chia bình quân. Có thể nói thị tộc như là một gia đình lớn của người nguyên thuỷ, hình thức liên hệ giữa các thành viên này tuy đơn giản nhưng rất bền vững, phù hợp với điều kiện sản xuất còn thô sơ lúc bấy giờ.

 

2. Lịch sử phát triển của thị tộc

  • Giai đoạn đầu: Chế độ mẫu quyền

Trong buổi đầu của xã hội loài người, do tình trạng quần hôn, con cái chỉ biết mẹ và quây quần xung quanh mẹ vì vậy người phụ nữ có uy quyền hơn đàn ông. Lúc này thị tộc tuân theo chế độ mẫu hệ, là tập hợp những người cùng huyết thống theo dòng máu mẹ. Phụ nữ có vai trò kinh tế trọng yếu trong thị tộc, trong khi người đàn ông lo săn bắn thì người phụ nữ chủ yếu lo việc hái lượm, trồng trọt...những công việc đó đem lại nguồn lương thực chính và phụ nữ cũng trông nom con cái, nhà cửa và quản lý kinh tế thị tộc, phân phối thức ăn.

 Công cụ lao động còn thô sơ nên muốn tồn tại, con người cần phải tiến hành lao động tập thể. Lao động tập thể và sản xuất tập thể quyết định chế độ sở hữu tập thể. Đất đai, rừng rú, đồng cỏ, ao hồ,... là của chung không của riêng ai. Do đó quyền lợi của các thành viên trong thị tộc là ngang nhau. Trong thị tộc, các bô lão và tộc trưởng được kính trọng và có quyền hưởng thụ nhiều hơn. Quy luật kinh tế cơ bản của chế độ công xã nguyên thuỷ là sản xuất những tư liệu sinh hoạt để phục vụ trong thị tộc bằng cách dùng những công cụ sản xuất thô sơ và dựa trên cơ sở lao động tập thể.

Quan hệ giữa các thành viên trong thị tộc bình đẳng, những người đứng đầu không có quyền thống trị, tiếng nói của mọi thành viên là tiếng nói quyết định đối với mọi vấn đề và trong mọi trường hợp như tuyên chiến, di dời nơi ở... Trong xã hội nguyên thuỷ không có chiến tranh với mục đích cướp bóc, thống trị mà thường là các cuộc xung đột vì danh dự, kết quả của nó không đem lại sự nô dịch.

  • Giai đoạn sau: Chế độ phụ hệ

Sự phân công lao động giữa phụ nữ và đàn ông mang tính chất tự nhiên, lực lượng sản xuất xã hội nguyên thuỷ tiếp tục phát triển. Trồng trọt và chăn nuôi dần trở thành nguồn sinh sống chủ yếu, có nhiều công việc nặng nhọc, sức khoẻ của người phụ nữ không thể đảm đương được nên vai trò của người đàn ông dần tăng lên. Chế độ mẫu quyền dần phải nhường chỗ cho chế độ phụ quyền.

Ở giai đoạn sau, chế độ công xã thị tộc chuyển dần sang giai đoạn phụ hệ, gắn liền với quá trình xuất hiện công cụ kim loại, đây là giai đoạn đánh dấu sự chuyển giao vai trò của người phụ nữ sang người đàn ông. Công xã thị tộc là giai đoạn quá độ từ bầy người nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp. 

 

3. Đặc điểm của thị tộc

- Là những người có cùng huyết thống

- Các thành viên trong thị tộc có chung tiếng nói, ngôn ngữ

- Mỗi thị tộc có tục lệ, tập quán, tín ngưỡng riêng

- Trong mỗi thị tộc với những sác thái đặc trưng riêng tạo thành những yếu tố văn hoá nguyên thuỷ riêng biệt.

- Mỗi thị tộc đều có tên gọi riêng

- Về tổ chức xã hội, mỗi thị tộc bầu ra tù trưởng, thủ lĩnh quân sự và có thể bãi miễn họ khi thấy không phù hợp.

- Người đứng đầu thị tộc được các thành viên tôn kính, phục tùng tự nguyện, đó là hình thức dân chủ đầu tiên trong lịch sử loài người.

- Quy mô thị tộc nhỏ bé.

 

4. Phân biệt thị tộc, bộ tộc, dân tộc

Tiêu chí phân biệtThị tộcBộ tộcDân tộcKhái niệmLà cộng đồng người có cùng một huyết thốngLà cộng đồng dân cư được liên kết từ nhiều bộ lạcLà sự hình thành từ một bộ tộc hoặc sự liên kết của tất cả các bộ tộcThời gian hình thànhHình thức cộng đồng người đầu tiên trong lịch sử loài ngườiHình thành dựa trên thời kì đánh dấu sự tan rã hoàn toàn của xã hội công xã nguyên thuỷHình thành dựa trên sự liên kết của tất cả các bộ tộc hoặc chỉ từ một bộ tộc sống cùng trên một lãnh thổĐặc trưngCó cơ sở tồn tại về kinh tế gồm quyền sở hữu chung về tài sản và tư liệu sản xuất, những sản phẩm được chia đều cho các thành viênDân cư đa dạng, lãnh thổ ổn định, đa ngôn ngữ và văn hoáSự bền vững về kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, văn hoá

 

5. Bài tập củng cố về thị tộc, bộ lạc

Câu 1: Ý nào sau đây không đúng về khái niệm bộ lạc

A. Gồm nhiều thị tộc sống gần nhau hợp thành

B. Có họ hàng và nguồn gốc tổ tiên xa xôi

C. Có quan hệ gắn bó với nhau

D. Các bộ lạc khác nhau thường có màu da khác nhau

Đáp án: D

Bộ lạc là tập hợp một số thị tộc sống cạnh nhau, có họ hàng với nhau và cùng một nguồn gốc tổ tiên xa xôi. Giữa các thị tộc trong bộ lạc thường có quan hệ gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau.

Câu 2: Cư dân vùng nào trên thế giới biết đúc và sử dụng đồ sắt?

A. Tây Á và Nam Âu

B. Trung Quốc, Việt Nam

C. Đông Phi và Bắc Á

D. Đông Nam Á

Đáp án: A

Khoảng 3000 năm trước, cư dân Tây Á và Nam Âu là những cư dân đầu tiên biết đúc và sử dụng đồ sắt.

Câu 3: Trong buổi đầu thời đại kim khí, kim loại nào được sử dụng sớm nhất?

A. Sắt

B. Đồng thau

C. Đồng đỏ

D. Thiếc

Đáp án: C

Đồng đỏ là kim loại được sử dụng sớm nhất vào khoảng 5500 năm trước.

Câu 4: Trong thị tộc, quan hệ giữa các thành viên trong lao động là quan hệ

A. Phân công lao động luân phiên

B. Hợp tác lao động

C. Hưởng thụ bằng nhau

D. Lao động độc lập theo hộ gia đình

Đáp án: B

Quan hệ lao động thời nguyên thuỷ đòi hỏi sự hợp tác lao động của nhiều người của cả thị tộc. Đây cũng là quan hệ giữa các thành viên trong lao động.

Câu 5: Công cụ lao động ra đời đã dẫn đến sự thay đổi vai trò của

A. Vai trò của người già ngày càng giảm sút

B. Việc cư xử trở nên bình đẳng

C. Quyền quyết định của phụ nữ ngày càng lớn

D. Đàn ông giành quyền quyết định các công việc

Đáp án: D

Khi công cụ bằng kim loại ra đời, tư hữu xuất hiện, dẫn tới các quan hệ cộng đồng trước đó dần bị thay thế, đàn ông làm các công việc nặng nhọc nên đã dần nắm giữ vai trò quyết định.

Câu 6: Công việc thường xuyên và hàng đầu của thị tộc là

A. Tìm kiếm thức ăn để nuôi sống thị tộc

B. Sáng tạo ra công cụ lao động để nâng cao năng suất lao động

C. Di chuyển chỗ ở tới những địa điểm có sẵn thức ăn và nguồn nước.

D. Đối đầu với thiên nhiên và các thị tộc khác để tồn tại.

Đáp án: A

Công việc thường xuyên của thị tộc đó là tìm kiếm thức ăn

Trên đây là chia sẻ của Luật Minh Khuê về thị tộc và những đặc điểm của thị tộc. Hi vọng đó là những thông tin hữu ích giành cho bạn đọc.