Luyện tập sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh

– Mục tiêu của các bài tập rèn luyện ở phần này yêu cầu học sinh phải biết vận dụng một số biện pháp nghệ thuật vào văn bản thuyết minh. Vì vậy, đối tượng để thuyết minh vẫn là các đồ vật, các hiện tượng quen thuộc (đã học ở lớp 8), nhưng ở đây lại nâng cao chất lượng bài văn bằng cách vận dụng một số biện pháp nghệ thuật hợp lý.

– Như đã nêu ra ở trên, người ta chí vận dụng biện pháp nghệ thuật vào một số bài thuyết minh có tính phổ cập kiến thức hoặc một số bài có tính chất văn học. Còn các biện pháp nghệ thuật thông thường vẫn dùng là:

+ Cho sự vật tự thuật về mình.

+ Sáng tạo ra một câu chuyện nào đó.

+ Phỏng vấn một sự vật, hiện tượng nào đó (bằng nghệ thuật nhân hoá).

+ Tổ chức đi thăm một nhà sưu tầm sự vật, đồ vật nào đó…

– Trong lời tự thuật (thực chất là tự thuyết minh) một sự vật nào đó, vẫn phải sử dụng các phương pháp thuyết minh.

Ví dụ: Thuyết minh về cái kéo, thì trước hết vẫn phải định nghĩa kéo là một dụng cụ như thế nào? Sau đó mới nói về họ nhà kéo đông đúc và có nhiều loại không? Mỗi loại có cấu tạo, công dụng thế nào? Cách bảo quản ra sao? Gặp người không biết bảo quản thì số phận kéo ra sao? Trước kia, ngày nay, người ta sử dụng kéo có gì khác nhau?…

– Bài thuyết minh có sử dụng một số biện pháp nghệ thuật, vừa đòi hỏi người viết phải có kiến thức, vừa đòi hỏi người viết phải có sáng tạo: tìm cách thuyết minh với một hình thức độc đáo nào đó, sao cho văn bản vừa hợp lý, vừa sinh động, thu hút người nghe, người đọc.

1. Ghi nhớ:

– Để bài văn thuyết minh sinh động, hấp dẫn, bớt khô khan, người viết có thể sử dụng một số biện pháp nghệ thuật như nhân hoá, so sánh, cho đối tượng thuyết minh tự thuật, hoặc trò chuyện, hoặc tạo ra một câu chuyện… Song, dù chọn hình thức nghệ thuật nào, bài viết vần phai giữ được các tri thức khách quan, chính xác về đối tượng cần thuyết minh

– Chỉ vận dụng các biện pháp nghệ thuật vào các bài thuyết minh có tính chất phổ cập kiến thức, hoặc các bài có tính chất văn học.

– Kĩ năng rèn luyện khi làm bài thuyết minh kiểu này cần:

+ Xác định đối tượng cần thuyết minh

+ Xét xem có sử dụng biện pháp nghệ thuật vào bài viết được không?

+ Chọn hình thức thể hiện

+ Lập dàn ý chi tiết

+ Tập viết từng phần; viết cá bài.

2. Bài tập:

Bài tập 6. Đọc văn bản Họ nhà Kim (SGK Ngữ văn 9, tập một)

a) Tác giả Văn Hùng đã chọn để sử dụng các biện pháp nghệ thuật nào trong văn bản này? Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật đó?

b) Thực chất, văn bản trên là một văn bản thuyết minh. Hãy chứng minh rằng: Dù kết hợp các biện pháp nghệ thuật, văn bản trên vẫn giữ được nội dung khách quan và chính xác về một loại đồ dùng hằng ngày của con người – đó là cái kim.

c) Đọc văn bản Họ nhà Kim em thú vị nhất câu nào, chi tiết nào, đoạn nào? Vì sao?

Bài tập 7. Đọc văn bản sau: 

“Mùa xuân về rồi, những cây Lúa Non nho nhỏ trong ruộng lúa mọc ra rất nhiều những lá non xanh, khiến ai cũng thấy yêu yêu. Nhưng đáng ghét là bọn Cỏ Dại nấp ở dưới đất cũng trồi lên, chen chúc bên cạnh những cây Lúa Non. Lúa Non bực lắm nói:

– Ôi, các anh làm sao mà cứ chen đẩy chúng tôi như vậy?

Cỏ Dại ngang ngạnh đáp:

– Sao? Ở đây chỉ để cho bọn mi trú ngụ, còn bọn ta thì không à? Hừ, bọn ta muốn ở đâu thì ở, chẳng ai cấm được!

Cỏ Dại không những chen chúc, xô đẩy lung tung, mà còn kết bạn với nhau, bao vây xung quanh các cây Lúa Non. Chúng thét lên với những cây Lúa Non:

– Mau “giao nộp” những chất dinh dưỡng!

Những cây Lúa Non vươn lên, nói:

– Mọi người cần đến chúng tôi. Chúng tôi không thể giao chất dinh dưỡng cho các anh được!

Lũ Cỏ Dại đều là lũ vô lại, bèn đẩy tay, tóm chân tranh cướp đi không ít chất dinh dưỡng ở dưới những gốc cây Lúa Non. Dần dần, cỏ Dại mọc càng cao lên, còn những cây Lúa Non thì gầy, lùn, lá cây vàng ra, quăn lại!

Một hôm, có một trận mưa nhỏ từ không trung bay tới.

– Bạn là mưa gì mà sao mùi vị lại lạ thế? – Những cây Lúa Non hỏi.

Một âm thanh mạnh mẽ vang lên:

– Tôi là Máy Phun Mù đây. Tôi tới khám bệnh, trị bệnh cho các bạn. Thứ hoá chất này không làm hại gì tới các bạn, xin các bạn cứ yên tâm!

Trận mưa nhỏ cứ không ngừng rơi xuống ruộng làm lũ cỏ Dại chết sạch. Những cây Lúa Non mừng rỡ cười vang!”.

(Theo báo Họa mi, số 14, 2005)

a) Văn bản đã giới thiệu với chúng ta cái Máy Phun Mù để trừ cỏ dại trong nghề trồng lúa. Vậy đây là văn bản thuyết minh hay tự sự?

b) Văn bản trên đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng của sự kết hợp nghệ thuật ấy?

Bài tập 8. Đọc văn bản sau:

“Rùa là loài bò sát lưỡng cư, có tuổi thọ cao và thân hình vững chắc nên biểu thị cho sự trường tồn. Rùa không ăn nhiều, nhịn đói tốt, nên được coi là con vật thanh cao, thoát tục. Chính vì tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt mà hình ảnh con rùa đội bia đá, trên bia đá đã ghi lại những câu chuyện lịch sử, danh nhân… thể hiện sự “tín nhiệm” của ông cha ta khi giao cho rùa việc lưu giữ văn hoá sử sách để nó trường tồn với thời gian và dân tộc. Hạc là loài chim quý, đối với người Việt dùng để tượng trưng cho đạo giáo thần tiên, o đâu có hạc là ở đó có tiên (ví dụ hoa văn trang trí cảnh tiên cưỡi hạc). Do đó, hạc là biểu hiện cho sự tinh túy, thanh cao. Hình ảnh hạc trên lưng rùa là mô típ quen thuộc trong đình chùa… thể hiện cho sự hoà hợp giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm dương. Theo một câu chuyện truyền thuyết thì hạc và rùa là đôi bạn thân. Rùa tượng trưng cho con vật sống dưới nước, biết bò. Hạc tượng trưng cho con vật sống trên cạn, biết bay. Khi trời làm mưa lũ, rùa đã giúp hạc vượt qua vùng nước ngập úng để đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa được hạc đưa về vùng có nước. Câu chuyện này nói lên lòng chung thuỷ, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn của những người bạn tốt. Chính vì những ý nghĩ đó mà rùa và hạc là hai trong số những con vật được người Việt đề cao, biểu thị cho khát vọng tốt đẹp, may mắn. Và chúng có một vị trí quan trọng trong nền văn hoá dân tộc, được sử dụng làm hình ảnh trang trí trong nhiều đền, chùa, miếu… ở Việt Nam”.

a) Văn bản trên có thể tách làm nhiều phần. Hướng tách thế nào? Nêu tiêu đề từng phần, sau khi đã tách?

b) Nêu nội dung mà văn bản trên giới thiệu. Có thể khẳng định: đây là văn bản thuyết minh được không? Vì sao?

c) Có người cho rằng văn bản trên đã được đan xen các yếu tố tự sự và lập luận. Có đúng vậy không? Vì sao?

d) Hãy đóng vai rùa (sau đó thử đóng vai hạc) tự kể lại nội dung văn bản trên.

Bài tập 9. Đọc văn bản sau:

“Mấy con Sóc Nhỏ rủ nhau tổ chức một cuộc thi tài. Chúng đem một miếng vải đỏ treo lên một cành cây thông cao nhất, cách mặt đất đến 100 mét. Ai đến lấy được mảnh vải đỏ trước thì sẽ thắng và được ăn hết tất cả quá thông đã hái để ở trong làn dưới gốc cây.

– Bắt đầu!

Khi mấy con Sóc Nhỏ đang định leo lên cây, thì bỗng có một bóng đen bay tới rồi vọt lên ngọn cây thông, lấy xuống miếng vải đỏ.

– Ha ha…! Tôi thắng rồi nhé! Các quả thông đã thuộc về tôi!

– Anh là ai? Làm sao lại quấy rối chúng tôi. – Lũ Sóc Nhỏ thét toáng lên.

– Tôi ư? Tôi là Sóc, nhưng hơi khác với các bạn là hai bên thân thể tôi có màng nên có thể bay lượn được. Tôi tới đây là muốn kết bạn. Tôi sẽ mang phân của tôi làm “lễ vật” tặng cho các bạn.

Lũ Sóc Nhỏ nghe vậy tức lắm! Lại có kẻ đem phân thải ra tặng người khác! Chúng vớ những quả thông ném tới tấp vào Sóc Biết Bay!

– Các con làm gì thế! – Khi đó Sóc Mẹ về kịp, hỏi rõ ngọn ngành xong, liền nghiêm khắc nói với lũ Sóc Nhỏ:

– Các con chưa hiểu gì mà đã đánh bạn thế à! Phân của Sóc Biết Bay là một loại đông dược quý giá, gọi là “ngũ linh”, tốt cho việc lưu thông máu, giảm đau, tiêu đờm… Sóc Biết Bay có lòng tốt muốn tặng thứ “lễ vật” quý giá ấy cho các con đấy”.

(Theo báo Họa mi, số 18, 2005)

a) Chọn đầu đề đúng và hay nhất cho văn bản trên theo gợi ý dưới đây. Giải thích việc chọn đầu đề này.

A – Giải oan cho Sóc Biết Bay.

B – Sự hiểu lầm giữa các bạn Sóc.

C – “Ngũ linh” – một loại đông dược quý giá.

D – Một kiến thức cần biết về loài Sóc Biết Bay.

b) Vì ghi vội, nên bạn học sinh viết văn bản trên thành một mạch liên tục. Hãy giúp bạn ấy phân chia các phần một cách hợp lý. Nêu cơ sở của sự phân chia ấy. Đặt tiêu đề ngắn gọn cho từng phần.

c) Văn bản trên là văn bản thuyết minh hay văn bản tự sự? Hãy đưa ra các lý lẽ để bảo vệ ý kiến của em.

d) Chỉ ra biện pháp nghệ thuật đã được sử dụng trong văn bản. Nêu tác dụng.

Bài tập 10. Hãy lắng nghe cuộc trò chuyện của hai bé: Hạnh và Thi qua một đoạn văn sau:

“… – Cậu làm gì đấy? Cậu làm ướt quần mình rồi! Hạnh kêu lên.

Thi cười xòa:

– Xin lỗi nhé! Mình đang ném những hòn sỏi này vào con giun đất kia kìa!

Rồi Thi chỉ tay vào chú giun đất đang cựa quậy giữa vũng nước. Hạnh nhăn mặt nói:

– Giun đất mà cậu lại ném à? Nó có ích đấy!

– Có ích ư? Tớ nghĩ giun gì thì cũng có hại cho con người.

– Sai rồi, giun đất xới đất giúp đất tơi xốp đấy.

– Thế à! Vậy mà bấy lâu nay tớ lại nghĩ oan cho nó. Bây giờ tớ phải làm gì?

Hạnh bày cách:

– Cậu tìm cái que gạt nó ra ngoài đất này, chờ một lúc cho đất ráo, chọc một cái lỗ, cho nó xuống.

Thi làm theo lời Hạnh. Quả nhiên, sau đó con giun đất đã tự bò xuống cái lỗ. Hai bạn cùng reo lên thích thú… Suốt buổi chơi hòm ấy Thi cảm thấy như mình lớn hơn một chút…”.

(Theo báo Họa mi, số 20, 2005)

a) Đoạn văn trên đã giúp các bạn đọc nhỏ tuổi biết thêm kiến thức gì? Vậy có thể. khẳng định: đây là đoạn văn thuyết minh được không? Chọn các câu văn thể hiện rõ kiến thức trên.

b) Đoạn văn thuyết minh trên đã sử dụng biện pháp nghệ thuật:

A – Nhân hoá.

B – So sánh.

C – Đối tượng thuyết minh tự thuật.

D – Tạo một tình huống trò chuyện : bộc lộ kiến thức cần thuyết minh.

E – Kể chuyện kết hợp tạo tình huống trò chuyện.

c) Đoạn văn trên có thể dùng cho lứa tuổi nào? Vì sao em biết?

Bài tập 11. Đọc văn bản sau:

“Trời oi bức quá. Gấu Nhỏ vừa ngủ trưa dậy, tụt từ từ xuống khỏi cây, ra sông tắm. Nó nhảy ùm xuống nước. Bàn chân vừa chạm tới đáy sông thì toàn thân nó như bị điện giật.

– Có quái vật! – Gấu Nhỏ kinh hoàng bơi vào bờ, nhìn xuống mặt sông.

– Ai làm cá của tôi sợ chạy hết rồi! – Một con Cá Đầu To nhô lên mặt nước nói.

– Ôi! Xin lỗi! Trời nóng quá, tôi muốn tắm cho mát thôi mà.

Cá Đầu To thấy Gấu Nhỏ nói lễ độ như vậy, không nóng giận nữa, mà cười hì hì, nói:

– Chớ lo lắng, bạn tiếp tục tắm đi. Tôi vừa dùng điện để bắt cá đấy mà.

Gấu Nhỏ ngạc nhiên hỏi:

– Trên người anh có điện à?

Cá Đầu To tự hào nói:

– Tôi được gọi là Cá Điện. Điện áp trên thân thể tôi rất mạnh. Khi tôi phóng điện, động vật xung quanh cách mấy mét đều bị thương, hoặc bị chết. Qua việc phóng điện, tôi có thể tự bảo vệ mình và cũng là một cách để thu được thức ăn đấy!

Gấu Nhỏ lúc đó mới hiểu ra vì sao khi mình mới nhảy xuống nước, toàn thân lại bị tê tê! Hoá ra là lúc ấy anh Cá Đầu To phóng điện ở trong nước”.

(Theo báo Họa mi, số 16, 2005)

a) Chọn trong các đầu đề sau để đặt được một đầu đề đúng mà hay. Giải thích vì sao?

A – Giới thiệu loài Cá “phóng điện”.

B – Sự vỡ lẽ trong hiểu biết của Gấu Nhỏ.

C – Một cuộc gặp gỡ bất ngờ và kì lạ.

D – Gấu Nhỏ và Cá “phóng điện”.

b) Có thể khẳng định được: đây là văn bản thuyết minh có sử dụng biện pháp nghệ thuật.

c) Một trong các biện pháp nghệ thuật đã được dùng trong văn bản trên là: kể chuyện. Vậy theo em, có thể xác định ngôi kể được không?

d) Hãy tạo một văn bản thuyết minh về Cá “phóng điện”, nhưng đóng vai Gấu Nhỏ kể lại câu chuyện trên.

So sánh văn bản mới tạo được và văn bản đã cho.

Bài tập 12. Hãy viết bài thuyết minh một trong các đồ dùng: cái quạt, cái bút, cái kéo, cái nón

(Yêu cầu: Bài thuyết minh có sử dụng hợp lí một số biện pháp nghệ thuật để nâng cao chất lượng của bài thuyết minh).

Gợi ý:

* Nên làm theo các bước sau:

– Tìm hiểu đề, xác định đối tượng cần thuyết minh.

– Tìm tri thức về đối tượng cần thuyết minh.

– Cân nhắc, chọn biện pháp nghệ thuật để vận dụng vào bài.

– Lập dàn ý chi tiết.

– Viết bài.

* Giúp các em làm bước 2. Ví dụ: Tìm tri thức về cái quạt điện

1. Cấu tạo

– Quạt điện gồm hai phần chính: động cơ điện và cánh quạt.

– Cánh quạt được lắp với trục động cơ điện. Cánh quạt làm bằng nhựa hoặc kim loại, được tạo dáng để làm ra gió khi quay.

– Ngoài ra, quạt còn có lưới bảo vệ, các bộ phận điều chỉnh tốc độ, thay đổi hướng gió và hẹn giờ.

2. Nguyên lí làm việc

– Quạt điện thực chất là động cơ điện cộng với cánh quạt.

– Khi đóng điện vào quạt, động cơ điện quay, kéo cánh quạt quay theo, tạo ra gió làm mát.

3. Các loại quạt điện

Quạt điện có nhiều loại: quạt trần, quạt bàn, quạt treo tường, quạt cây…

4. Sử dụng

Khi sử dụng quạt điện, ngoài những yêu cầu riêng về kiến thức động cơ điện, còn cần chú ý: cánh quạt quay nhẹ nhàng, không bị rung, không bị lắc, không bị vướng cánh,…

Ví dụ tìm tri thức về cấu tạo chiếc nón: Tham khảo cuốn Các dạng bài tập làm văn và cảm thụ thơ văn lớp 8 của Cao Bích Xuân (NXB Giáo dục, 2004).

Bài tập 13. Cho kiến thức về nồi cơm điện qua bài thuyết minh dưới đây, sau đó em hãy dựa vào văn bản thuyết minh, tạo thành một văn bản mới có sử dụng biện pháp nghệ thuật khi em đóng vai nồi cơm điện tự thuật về mình.

Nồi cơm điện

1. Cấu tạo: Nồi cơm điện có ba bộ phận chính là vỏ nồi, xoong và dây đốt nóng.

a) Vỏ nồi: Có hai lớp, giữa hai lớp có bông thuỷ tinh cách nhiệt.

b) Xoong được làm bằng hợp kim nhôm, phía trong được phủ một lớp men đặc biệt (chống dính) để cơm không bị dính xoong.

c) Dây đốt nóng được làm bằng hợp kim ni-ken – crôm, gồm dây đốt nóng chính và dây đốt nóng phụ.

– Dây đốt nóng chính công suất lớn được đúc kín trong ống sắt hoặc mâm nhôm (có chất chịu nhiệt và cách điện bao quanh dây) đặt sát đáy nổi, dùng ở chế độ nấu cơm.

– Dây đốt nóng phụ công suất nhỏ gắn vào thành nồi được dùng ở chế độ ú cơm.

Ngoài ra còn có đèn báo hiệu và mạch điện tự động để thực hiện các chế độ nấu, ủ, hẹn giờ… theo yêu cầu.

2. Các số liệu kĩ thuật

– Điện áp định mức: 127V; 220V.

– Công suất định mức: từ 400W đến 1000W.

– Dung tích xoong: 0,75 lít; 1 lít; 1,5 lít; 1,8 lít; 2,5 lít

3. Sử dụng

– Nồi cơm điện ngày càng được sử dụng nhiều, rất tiện lợi, từ loại đơn giản cho đến loại tự động nấu cơm theo chương trình và báo tín hiệu bằng màn hình.