Independent trong kinh doanh lưu trú nghĩa là gì

Chào mừng quý vị độc giả của Hotel Briefing Blog. Hôm nay, trong chuyên mục về Hospitality này, tôi sẽ chia sẻ về những hình thức phân loại khách sạn trên thế giới. Đây cũng là một bài viết được các anh chị em đồng nghiệp đã “order” Hotel Briefing viết, và các bạn sinh viên thì càng nên biết.

Khách sạn bây giờ đã trở thành một khái niệm phổ thông cho hầu hết tất cả mọi người. Ai cũng có thể trải nghiệm được các dịch vụ của khách sạn khi đi du lịch, cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng phân biệt được các loại khách sạn đâu, có lẽ hầu hết các bạn chỉ hườm hườm phân biệt được đâu là khách sạn 1 sao hay 5 sao thôi phải không? Thực tế có rất nhiều tiêu chuẩn để phân loại khách sạn nhé.

1. HÌNH THỨC PHÂN LOẠI ĐẦU TIÊN

Vào thời điểm đầu thế kỷ 20, khi chúng ta bắt đầu mới biết đến định nghĩa phân khúc thị trường thì ngành khách sạn chỉ phân ra 3 loại chính: Transit, Vacation, và Grand.

  • Transit hotel là hậu duệ của khách điếm ngày xưa, nơi trú chân tạm của những du khách đường xa. Loại khách sạn này chỉ cung cấp được nơi nghỉ chân sạch sẽ, còn lại hầu như không cung cấp thêm dịch vụ gì khác. Mô hình này dần phát triển mạnh ở Mỹ và trở thành mô hình mà các bạn có thể đã biết: Motel. Motel là gộp chung của 2 từ là Mobile và Hotel, nơi nghỉ chân qua đêm của các tài xế đường dài xuyên qua các bang của nước Mỹ.
  • Vacation hotel được khởi nguồn từ nhu cầu nghỉ dưỡng của các quý tộc La Mã sau các cuộc chinh chiến trường kỳ. Cho đến thời điểm này thì nghỉ dưỡng đã trở thành nhu cầu thiết yếu của đa số du khách.
  • Grand hotel theo định nghĩa thời đó là những khách sạn lớn có thiết kế và không gian sang trọng, dịch vụ cao cấp, nhân viên thân thiện, thức ăn tuyệt hảo,… Nói chung là cái gì tốt nhất cũng nằm trong đó, và đội ngũ khách sạn phải làm việc cật lực trong thời gian dài để được công nhận là Grand hotel.

2. CÁC HÌNH THỨC PHÂN LOẠI THỜI HIỆN ĐẠI

Tuy nhiên, do 2 cuộc thế chiến I và II, ngành khách sạn bị suy thoái cho đến những năm 1950 thì mới bắt đầu vực dậy. Sau chiến tranh, kinh tế thế giới phát triển, nhu cầu đi lại của mọi người trên thế giới tăng cao nên việc phân loại khách sạn đã sang trang mới.

Các hình thức phân loại mới được cập nhật thêm như sau:

  • Vị trí: Tiêu chuẩn này dùng để phân loại nơi khách sạn tọa lạc. Cái này chắc ai cũng sẽ hiểu ha. Ví dụ như: Khách sạn thành thị (City Hotel), Khách sạn ngoại ô (Suburban hotel), Khách sạn sân bay (Airport Hotel), Beach Hotel hay Resort Hotels (khái niệm này tôi sẽ giải thích thêm ở bài “Các loại hình Resort” nhé)

Independent trong kinh doanh lưu trú nghĩa là gì
Crowne Plaza Singapore – Airport hotel

  • Hình thức sở hữu: Đây là khách sạn độc lập (Independent Hotel), khách sạn theo chuỗi (Chain Hotel), khách sạn được quản lý thuê (Management Contract), hay là Khách sạn nhượng quyền (Franchise). Bạn có thể tham khảo bài viết so sánh 2 hình thức khách sạn độc lập và khách sạn theo chuỗi tại đây.

Independent trong kinh doanh lưu trú nghĩa là gì
Các chuỗi khách sạn thuộc tập đoàn IHG

  • Đối tượng khách chính (Target Market): Doanh nhân, Khách du lịch, Gia đình, Khách đi đánh bài, Khách đi hội thảo, Khách đi chữa bệnh, Khách hành hương…. Từ đó chúng ta có Business Hotel, Conference Hotel, Family Hotel, Casino Hotel, ….
  • Hình thức phục vụ: Full board (Tiền phòng + Phục vụ ăn cả 3 bữa trong ngày, có thể là set menu hoặc buffet), Halfboard (Tiền phòng + Phục vụ ăn sáng và bữa trưa hoặc bữa tối), Bed & Breakfast (Tiền phòng + ăn sáng)
  • Tiêu chuẩn phục vụ: Khách sạn bình dân (Economy hay còn gọi là budget hotel), khách sạn trung cấp (Midscale service) hoặc khách sạn cao cấp (Upscale, Luxury hay là World Class service)
  • Số lượng phòng:
    • Khách sạn nhỏ: Dưới 100 phòng
    • Khách sạn trung bình: 101 -> 300 phòng
    • Khách sạn lớn: 300 phòng trở lên
    • Khách sạn siêu lớn: trên 1,000 phòng

Independent trong kinh doanh lưu trú nghĩa là gì
Marina Bay Sands Hotel ở Singapore với 2562 phòng

  • Theo sao: Khách sạn sẽ được phân loại theo sao (*). Chất lượng sản phẩm và dịch vụ sẽ được đánh giá từ thấp đến cao. Tuy nhiên hình thức phân loại theo sao rất phức tạp. Sau này sẽ có một bài về các hệ thống đánh giá khách sạn để các bạn có thể hiểu thêm về vấn đề này nhé.

Trên đây là một vài hình thức phân loại khách sạn căn bản, tuy vậy, Hospitality là một ngành năng động và tiến hóa theo nhu cầu của khách hàng, nên ngày nay càng nhiều khách sạn được xây dựng theo một chủ đề, phong cách đặc biệt để cung cấp những khoảnh khắc độc đáo và đáng nhớ. Không có tên gọi chính xác cho chúng, nhưng chúng tôi cho rằng những loại hình khách sạn này nên được gọi là phân loại theo “trải nghiệm khách hàng” – guest experience:

  • Guesthouse – Home-stay: Hình thức này là hình thức khách lưu trú trong nhà và sinh hoạt theo nếp sống của chủ nhà. Hình thức này rất phổ biến ở Việt Nam những năm 2000 vì du học sinh đi du học hè dạng này rất nhiều.
  • Farmstay: Hình thức này giống với Homestay chỉ khác là du khách sẽ lưu trú ở nông trại, và phải làm việc như nông dân trong thời gian lưu trú nhé.
  • Boutique Hotel: Đây là hình thức khá đặc biệt do hiện chưa có định nghĩa rõ cho hình thức này. Mọi người chỉ biết là loại khách sạn này có phong cách rất riêng, trang trí lạ mắt, độc đáo và dịch vụ đặc biệt. Phần này có thời gian tôi sẽ viết kỹ hơn nhé.

Independent trong kinh doanh lưu trú nghĩa là gì
Book and Bed Tokyo – Shinjuku

  • Hostel: Hình thức này đa phần nhắm đến du khách ba lô, sinh viên đi phượt. Giá phòng rẻ hoặc là chỉ cung cấp giường trong các phòng dorm, sử dụng toilet chung.
  • Capsule Hotel: hình thức này cung cấp các buồng ngủ như những cái kén cho khách. Nó cao cấp hơn hostel ở chỗ là nó riêng tư hơn, các dịch vụ tươm tất hơn một tí. Giá thành cũng cao hơn do chi phí đầu tư 1 giường con nhộng cũng hơi cao.

Independent trong kinh doanh lưu trú nghĩa là gì
The Capsule Hotel Sydney

  • Botel: Là từ ghép giữa Boat và Hotel, Khách sạn nổi. Nó khác với Cruise nhé. Đa phần Botel đứng yên 1 chỗ, còn cruise thì có di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác. Các bạn có biết là Việt Nam cũng từng có khách sạn nổi không? Khách Sạn Nổi Sài Gòn hoạt động trong từ năm 1989 đến1997 neo bến Bạch Đằng, chỗ bây giờ là bến xe bus sông đó. Khách Sạn Nổi Sài Gòn cũng là nơi đào tạo ra những nhân tài kiệt xuất trong ngành Hotel ở Sài Gòn thời điểm đó, là một trong những khách sạn có tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở Sài Gòn.

Independent trong kinh doanh lưu trú nghĩa là gì
Khách Sạn Nổi Sài Gòn

  • Love Hotel: Khách sạn sinh ra chỉ để phục vụ nhu cầu “làm chuyện ấy” của khách hàng, rất phổ biến ở Nhật Bản. Hình thức khách sạn này ở đâu cũng có, tuy nhiên, người Nhật đã nâng tầm Love Hotel lên một đẳng cấp khác mà có lẽ còn rất lâu chúng ta mới có thể theo kịp. Xem thêm video trong link đính kèm nhé, bạn sẽ phải wow đó!

Thật ra, mỗi một khách sạn đều sẽ luôn có nhiều hơn một cách phân loại, nếu chúng ta xét chúng trên từng phương diện đã nêu bên trên.

Ví dụ:

  • Nếu xét theo vị trí thì Vinpearl Phú Quốc là một Resort hotel, theo hình thức sở hữu thì là một khách sạn theo chuỗi, theo hình thức phục vụ thì là một full board hotel vì họ tiền phòng của họ bao gồm 3 bữa ăn cho du khách khi lưu trú.
  • Khách sạn Marina Bay Sands tại Singapore là một khách sạn siêu lớn (trên 1000 phòng) và là một casino hotel lẫn luxury hotel.

4. NHỮNG ĐIỀU NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ VỚI CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP CỦA BẠN?

Việc biết về các hình thức phân loại khách sạn này có giúp ích gì cho công việc và career path của bạn trong tương lai không? Hoặc khi bạn đã đang làm việc trong ngành du lịch khách sạn rồi, nhất là khi bạn muốn chuyển việc từ một khách sạn này sang khách sạn khác thì sao?

Trước tiên, những khái niệm như classification of hotels như thế này cũng là những kiến thức nền tảng mà người làm trong ngành hospitality nên biết, để bạn có một cái nhìn tổng quan là ngành khách sạn mình rộng cỡ nào, đa dạng ra sao. Việc biết rõ nhiều loại hình khách sạn như vậy sẽ khiến bạn có sự hiểu biết phong phú hơn (tôi dám chắc có nhiều bạn trước kh đọc bài này sẽ chưa nghe qua botel là gì, love hotel là gì, full-board và half-board là sao…), qua đó, hiểu về bản chất sản phẩm & dịch vụ của từng khách sạn có thể khác nhau nhiều thế nào.

Việc bạn hiểu về tính chất của từng khách sạn như phân khúc khách hàng mục tiêu, vị trí khách sạn, hình thức tiêu chuẩn phục vụ …sẽ giúp bạn hiểu thêm về sản phẩm và dịch vụ của khách sạn cũng như phần nào lường trước được expectation của khách hàng và quản lý tại đó, qua đó có thêm sự chuẩn bị về kỹ năng và tư tưởng. Ví dụ:

Đối với các bộ phận vận hành:

  • Bạn nộp đơn vào một airport hotel tại thành phố thì phải biết Housekeeping và Front Office luôn có áp lực về việc mọi thứ phải nhanh chóng và đúng giờ, nhất là check-in check-out hoặc không bao giờ được quên dịch vụ wake-up call khi khách đã đặt. Những câu hỏi của khách đa phần sẽ xoay quanh việc chuyến bay, hãng hàng không, dịch vụ đóng gói hành lý…
  • Bạn muốn làm việc tại một Business Hotel hay Conference Hotel thì phải lường trước những bộ phận nào sẽ có áp lực: bộ phận Banquet (chuyên quản lý các phòng Meeting room và Event spaces trong khách sạn), bộ phận lễ tân và Housekeeping khi có đoàn lớn check-in và nhận phòng cùng một lúc, bộ phận Nhà hàng chịu trách nhiệm phục vụ bữa sáng (thường khách doanh nhân sẽ tập trung ăn sáng hầu như cùng một giờ)…
  • Nếu làm việc ở một Vacation Hotel nơi du khách dành nhiều thời gian ở trong khuôn viên khách sạn để nghỉ dưỡng, thì những dịch vụ giải trí và ăn uống phải luôn được đảm bảo vận hành tốt. Bạn sẽ phải biết mình hay đón tiếp những vị khách như thế nào: khách trăng mật, khách có gia đình, khách có em bé nhỏ… Bạn còn phải theo sát hành trình lưu trú của khách chứ không phải họ nhận phòng xong thì là xong xuôi, vì họ sinh hoạt trong khách sạn nhiều mà! Những bạn nào có thể giao tiếp hơn hai ngôn ngữ nước ngoài sẽ là một lợi thế nữa.

Đối với các bộ phận Sales & Marketing:

  • Nếu bạn làm Sales trong một airport hotel, database khách hàng mà khách sạn tập trung và bạn phải tiếp cận sẽ là rất nhiều hãng hàng không, công ty liên quan dịch vụ sân bay, doanh nghiệp… Nếu bạn muốn chuyển việc từ đây sang một business hotel thì database khách hàng và những connection mà bạn có vẫn còn tương đồng, nhưng nếu chuyển sang một Vacation hotel thì mọi connection của bạn sẽ phải xây dựng lại khá nhiều, vì tệp khách hàng của vacation hotel nó rất khác (công ty du lịch, hãng lữ hành, khách lẻ…)
  • Đối với Marketing, khi bạn làm việc trong một Vacation hotel, bạn phải hiểu những content, hoạt động mà mình plan và thực thi sẽ bám theo mục đích leisure rất nhiều, ví dụ như mời travel blogger, KOLs (người có ảnh hưởng) đến nghỉ và đánh giá khách sạn, giới thiệu những địa điểm nên tham quan ở địa phương, chụp ảnh lifestyle… Đối tượng báo chí mà bạn phải làm việc cũng là những báo, tạp chí lifestyle. Còn đối với một city hotel hay business hotel, priority sẽ là maximize doanh thu theo đúng phân khúc đã đề ra chẳng hạn, bạn sẽ làm các digital room campaign, lên kế hoạch quảng bá cho những chương trình ưu đãi của hội nghị, hội thảo, nhà hàng, sàng lọc những hình thức partnership phù hợp… Đối tượng báo chí mà bạn phải làm việc chính là những báo in chuyên viết về tin tức doanh nghiệp…

Hy vọng qua bài viết này các bạn phần nào có cái nhìn rộng hơn về ngành hospitality chúng ta và thắp thêm lửa đam mê yêu nghề nhé. Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại rằng làm ở khách sạn nào, to hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp, khách sạn độc lập hay theo chuỗi, dịch vụ thượng hạng hay căn bản… thì chúng ta cũng sẽ có trau dồi được rất nhiều kinh nghiệm và điều hay, chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát và học hỏi. (Bạn có thể tham khảo bài viết Những kỹ năng mềm & tư tưởng bạn cần chuẩn bị khi làm Sales & Marketing trong khách sạn của chúng tôi tại đây).

Bài viết hôm nay hơi dài do có nhiều hình thức classifications khác nhau, hy vọng các bạn đọc không bị hoa mắt cả lên. Chúng tôi xin dừng ở đây vậy nhé. Theo dòng chuyên mục này, các bài viết tiếp theo mà Hotel Briefing đang lên tư liệu và lộ trình chính là: “Việc đánh giá khách sạn bằng sao” và “Các loại resort trên thế giới”, mời các bạn độc giả cùng đón đọc nha. Chúc mọi người một ngày vui vẻ.

Nguồn tham khảo:

Nguồn sách tham khảo:

  • Hotel Management & Operations – 5th Edition, Micheal J O’Fallon, Dennet G. Rutherford, John Wiley & Sons, Inc
  • The lodging and Food Service Industry – 5th Edition, Gerald W. Lattin, AHLA
  • Resort Management & Operations – 2nd Edition, Robert Christie Mill, John Wiley & Sons, Inc.
  • Resort Development & Management, 2nd Edition, Chuck Y.Gee, AHLA.

Để nhận thông báo về những bài viết mới nhất của Hotel Briefing Blog, vui lòng để lại email của bạn vào ô bên dưới: