Hiv được sinh ra như thế nào

Trong phần này, chúng tôi sẽ giải thích cặn kẽ về những ảnh hưởng của HIV lên hệ miễn dịch và cách thức đo lường số tế bào bạch huyết bị tác động bởi virus HIV. Chỉ số này được sử dụng để xác định sự tổn thưởng của hệ miễn dịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nói thêm về cách đo lượng virus HIV trong máu.

Trong phần Các giai đoạn của HIV, bạn có thể biết thêm thông tin về 4 giai đoạn của quá trình nhiễm HIV kể từ thời điểm lây nhiễm đến thời điểm chẩn đoán AIDS. 

Ảnh hưởng của HIV

Khi virus HIV vào trong máu, chúng sẽ bám vào và xâm nhập các tế bào bạch huyết có tên là CD4 (hay còn gọi là tế bào T-helper). Tế bào CD4 là các tế bào bạch huyết có nhiệm vụ giúp hệ miễn dịch phản ứng trước các tác nhân gây bệnh. Vì thế, chúng là một phần không thể thiếu của hệ miễn dịch. Thiếu các tế bào CD4, hệ miễn dịch sẽ không thể hoạt động hiệu quả.

Sau khi xâm nhập vào bên trong tế bào CD4, virus HIV sẽ tiến hành quá trình sao chép và nhân bản, từ đó huỷ hoại dần tế bào CD4. Các bản sao của virus HIV mới được sinh ra lại tiếp tục xâm nhập vào các tế bào CD4 khác và cứ thế, lặp đi lặp lại quá trình này.

Virus HIV càng huỷ hoại được nhiều tế bào CD4 thì hệ miễn dịch của bạn sẽ càng yếu đi. Bác sĩ sẽ kiểm tra lượng tế bào CD4 trong máu bạn để ước tính sức khoẻ của hệ miễn dịch. Xét nghiệm này sẽ cho bạn một cái nhìn về mức độ ảnh hưởng của virus HIV lên hệ miễn dịch của mình.

Lượng tế bào CD4 trong máu được đo trên mỗi micro-lít máu (1 micro lít = 1/1.000.000 lít máu), thường gọi là chỉ số tế bào CD4 hay chỉ số CD4. Những người âm tính với HIV thường có chỉ số CD4 từ 500-1000 tế bào/microlit máu.

Số bản sao của virus HIV trong máu bạn có tên là tải lượng virus (viral load) và được đo bằng số phiên bản virus HIV/ml máu (1 ml máu = 1/1.000 lít máu). Tải lượng virus từ 100.000 trở lên được coi là cao, còn tải lượng virus từ 10.000 trở xuống có thể coi là thấp.

Cơ thể bạn sẽ sản sinh ra tế bào CD4 mới để thay thế cho các tế bào bị huỷ hoại bởi virus HIV. Tuy nhiên, sẽ đến một thời điểm cơ thể không thế bắt kịp với tốc độ sinh sản của virus. Thời điểm này thường là 8 – 10 năm kể từ khi lây nhiễm. Vào lúc đó, chỉ số CD4 sẽ bắt đầu giảm. Chỉ số CD4 thấp đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch của bạn không hoạt động hiệu quả và bạn sẽ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Nhiễm trùng cơ hội là gì?

Nhiễm trùng cơ hội gây ra bởi các sinh vật sống (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hay vi nấm) ở xung quanh chúng ta. Bình thường sự xâm nhập của các cá thể này được hệ miễn dịch ngăn chặn, vì thế chúng hiếm khi gây bệnh cho con người. Tuy nhiên, với chỉ số CD4 thấp, hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu và không còn có khả năng ngăn chặn các sinh vật ấy, từ đó tạo “cơ hội” cho chúng gây bệnh. Một điểm lưu ý nữa là, khi hệ miễn dịch suy yếu, bệnh nhiễm trùng nói chung có xu hướng nặng hơn, kéo dài hơn và cũng kém đáp ứng với điều trị hơn.

Khối u cơ hội gây ra bởi các tế bào trong cơ thể sản sinh vượt mức kiểm soát. Thông thường, hệ miễn dịch của chúng ta có thể dễ dàng nhận ra và ngăn chặn điều này bằng cách tiêu diệt các tế bào bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn có chỉ số CD4 thấp, hệ miễn dịch của bạn sẽ hoạt động kém hiệu quả và tạo cơ hội cho các tế bào đó phát triển thành khối u hay ung thư.

Tỉ lệ gặp phải nhiễm trùng cơ hội hay khối u cơ hội tăng đột biến nếu chỉ số CD4 của bạn giảm xuống dưới 200. Phương pháp điều trị kháng virus sẽ ngăn chặn các tế bào HIV sản sinh, từ đó giảm sự huỷ hoại các tế bào CD4 và tạo cơ hội cho lượng tế bào CD4 tăng trở lại.

Diễn tiến tự nhiên của quá trình nhiễm HIV

Quá trình nhiễm HIV, nếu không có can thiệp điều trị nào, thường diễn tiến làm 4 giai đoạn:

Nhiễm trùng cấp tính (Sơ nhiễm)

Giai đoạn này bắt đầu sau khi phơi nhiễm HIV và kéo dài trong vài tuần. Thông thường trong giai đoạn này, máu của bạn sẽ chứa một lượng lớn virus HIV (hay còn gọi là tải lượng virus cao). Hệ miễn dịch phản ứng bằng việc sản sinh kháng thể HIV. Đây còn được gọi là giai đoạn chuyển đảo huyết thanh, hay thường gọi là giai đoạn cửa sổ, giai đoạn này các xét nghiệm kháng thể thông thường có thể chưa phát hiện ra (do lượng kháng thể chưa đủ để xét nghiệm phát hiện).

Trong giai đoạn sơ nhiễm, khoảng 50% số người gặp phải triệu chứng như sốt, đau họng, mệt mỏi, đổ mồ hôi hay phát ban, trong khi đó, số người khác lại hoàn toàn không gặp phải những triệu chứng này. Trong giai đoạn này, cùng với tải lượng virus tăng cao, chỉ số CD4 của bạn cũng sẽ giảm mạnh, tình trạng này chỉ mang tính chất tạm thời, sau khi qua giai đoạn chuyển đảo huyết thanh, tải lượng virus giảm đáng kể, chỉ số CD4 có thể tăng trở lại.

Nhiễm HIV không triệu chứng

Giai đoạn này có thể kéo dài vài năm, tuy nhiên độ dài của nó phụ thuộc vào từng người bệnh. Phần lớn người nhiễm HIV tiến triển tới AIDS và chết sau khoảng 10-12 năm (tiến triển điển hình). Tuy nhiên, có số ít phần trăm bệnh nhân tiến triển rất nhanh trong 2-3 năm (người tiến triển nhanh) và cũng có một số bệnh nhân vẫn khỏe mà không có triệu chứng trong 10-15 năm hoặc lâu hơn (người không tiến triển kéo dài).

Trong giai đoạn này, các triệu chứng HIV là rất ít (không triệu chứng). Mặc dù tải lượng HIV trong máu của bạn ở mức thấp, virus HIV vẫn hoạt động ở trong các hạch bạch huyết. Các hạch này tạo thành một phần của hệ thống miễn dịch và chịu trách nhiệm sản sinh ra các tế bào bạch huyết để chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, bạn có thể bị hạch to toàn thân dai dẳng, như hạch vùng nách, háng và cổ.

Nhiễm HIV có triệu chứng

Vào cuối giai đoạn nhiễm trùng không triệu chứng, virus HIV bắt đầu hoạt động mạnh hơn. Dần dần cơ thể của bạn sẽ không sản sinh đủ CD4 để theo kịp với tốc độ phá huỷ của virus HIV. Trong giai đoạn này, tải lượng virus trong máu bạn bắt đầu tăng, và cùng với nó, chỉ số CD4 bắt đầu giảm dần. Khi theo dõi HIV, bác sĩ của bạn sẽ chú ý tới sự gia tăng tải lượng virus và lấy nó làm dấu hiệu của giai đoạn này. Nếu bạn không bắt đầu chữa trị kịp thời, vào giai đoạn này, các nhiễm trùng cơ hội sẽ lần lượt xuất hiện, báo hiệu cho tình trạng bệnh càng lúc càng nghiêm trọng.

Giai đoạn nhiễm HIV tiến triển và AIDS

Lúc này, virus HIV sẽ nhân bản với tốc độ ngày càng nhanh, và chỉ số CD4 sẽ tiếp tục tụt giảm. Các triệu chứng của nhiễm trùng cơ hội (bắt đầu ở giai đoạn nhiễm trùng có triệu chứng) sẽ ngày càng nghiêm trọng. Điều này xảy ra vì hệ miễn dịch ở thời điểm này đã bị tổn thương nghiêm trọng và mất đi khả năng chống lại nhiễm trùng. 

Cuối cùng, người bệnh tiến triển đến giai đoạn AIDS với các biểu hiện bệnh nhiễm trùng cơ hội rầm rộ, lan toả, bệnh nhân AIDS có thể tử vong trong vòng 3-6 tháng khi vào giai đoạn này.

Do tính chất diễn tiến âm thầm trong nhiều năm, nhiều bệnh nhân không hề biết mình nhiễm HIV cho đến khi họ gặp phải các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nhiều trường hợp phát hiện nhiễm HIV ở vào giai đoạn rất muộn.

Rất may mắn, liệu pháp điều trị kháng virus hiện nay không chỉ có thể ngăn chặn diễn tiến tự nhiên của nhiễm HIV, mà còn giúp bệnh nhân phục hồi giai đoạn. Nếu tuân thủ điều trị, bệnh nhân có thể trở ngược từ giai đoạn nhiễm HIV tiến triển về giai đoạn không triệu chứng và duy trì ở giai đoạn này trong nhiều năm bằng cách kiên trì điều trị.