Đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2024

Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số bất cập, phân bổ vốn còn chưa phù hợp, nên tình trạng xin trả lại vốn, điều chỉnh vốn vẫn xảy ra... Đây là những thông tin tại báo cáo số 9349/BTC-ĐT của Bộ Tài chính đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Nhận diện nhiều bất cập

Bộ Tài chính cho biết, pháp luật về đầu tư công (ĐTC) đã tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phân cấp, phân quyền, quản lý thống nhất. Trong đó, ngoài các quy định tại Luật Đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được phân cấp về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; được phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư…

Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công, đưa ra các giải pháp hiệu quả trong triển khai sử dụng vốn. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định; nhất là những tồn tại của việc lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa được khắc phục trong giai đoạn này.

Đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2024
Vẫn còn tình trạng bố trí vốn chưa phù hợp. Ảnh minh họa: H.T

Cụ thể, chưa phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản (XDCB) và để thu hồi số vốn ngân sách trung ương (NSTW) ứng trước. Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, số vốn ứng trước nguồn NSTW chưa bố trí thu hồi trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên 7.890 tỷ đồng (các địa phương trên 5.528 tỷ đồng; các bộ, cơ quan trung ương trên 2.362 tỷ đồng).

Đồng thời, qua công tác kiểm tra tại 4 địa phương (Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Lâm Đồng) cho thấy, nợ XDCB tại 4 địa phương này đến hết năm 2020 còn trên 6.764 tỷ đồng, phát sinh trong năm 2021 trên 1.409 tỷ đồng. Số nợ XDCB đã được 4 địa phương xử lý là trên 3.438 tỷ đồng. Số nợ XDCB còn lại sau khi phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 tiếp tục phải xử lý trong các năm sau trên 4.734 tỷ đồng.

Việc dự án đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa đủ điều kiện để giao kế hoạch năm (do chưa đủ thủ tục đầu tư), trong khi kế hoạch hàng năm đã dành nguồn cho dự án vẫn còn xảy ra. Đơn cử như dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được giao kế hoạch 2021-2025 là 2.500 tỷ đồng cho tỉnh Cao Bằng thực hiện (trong đó, kế hoạch năm 2021 là 300 tỷ đồng; năm 2022 là 538 tỷ đồng).

Số vốn kế hoạch hàng năm này đều không phân bổ được cho dự án và tỉnh Cao Bằng đã phải hoàn trả NSTW. Riêng kế hoạch năm 2023 của dự án là 500 tỷ đồng, đến nay cũng chưa phân bổ.

Ngoài ra, một số bộ, cơ quan trung ương được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 lớn, tuy nhiên đến nay lũy kế vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công hàng năm còn thấp. Đồng thời, một số bộ, địa phương chưa dự kiến được khả năng hấp thụ, sử dụng vốn của các dự án nên đang đề nghị trả lại vốn (tỉnh Quảng

Ninh đề nghị giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTW (vốn vay nước ngoài) của dự án thoát nước và xử lý nước thải TP. Hạ Long), hay trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn hàng năm.

Bên cạnh đó, việc bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, liên vùng đến nay còn nhiều vướng mắc, chưa phân bổ giải ngân. Trong khi đó, một số bộ, cơ quan trung ương lại chưa được bố trí đủ kế hoạch trung hạn theo nhu cầu vốn của đơn vị; chưa ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp nhằm sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng trong khi vẫn bố trí vốn để thực hiện dự án khởi công mới…

Theo Bộ Tài chính, từ một số tồn tại được chỉ ra cho thấy việc tổng hợp, đánh giá, xây dựng, chuẩn bị, lựa chọn dự án để đưa kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 là chưa đảm bảo yêu cầu.

Nâng cao hiệu quả của đầu tư công trung hạn 2021-2025

Để kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đạt hiệu quả cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ kế hoạch đầu tư công của giai đoạn này. Với vai trò là cơ quan tổng hợp, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp, đánh giá sự cần thiết, tính khả thi, hiệu quả của việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn vừa qua, cũng như trong giai đoạn sắp tới.

Tại nội dung về kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công từng bước được tăng cường, tuân thủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa ra đề nghị “bố trí đủ vốn để thu hồi dứt điểm toàn bộ vốn NSTW đã ứng trước và thanh toán nợ XDCB”.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng số vốn ứng trước nguồn NSTW chưa được bố trí kế hoạch thu hồi và tình hình nợ XDCB tại một số địa phương còn rất lớn. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung giải pháp kiên quyết bố trí đủ vốn để thu hồi vốn ứng trước NSTW và xử lý nợ XDCB theo đúng quy định.

Ngoài ra, dự thảo báo cáo cũng đã đưa ra các vướng mắc liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những vướng mắc theo quy định ở các luật: Đất đai, Đầu tư công, Đấu thầu, Giao thông đường bộ, ngân sách nhà nước đang có sự chồng chéo và quy định chưa thống nhất, dẫn đến công tác tổ chức thực hiện gặp lúng túng, tình trạng “vốn chờ dự án” là thực tế chưa có biện pháp khắc phục ngay.

Tuy nhiên, các quy định tại luật đã có trước khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Những vướng mắc này đã có thể nhận diện, nhưng khi xây dựng kế hoạch, các đơn vị thực hiện cũng như cơ quan tổng hợp vẫn đưa các dự án vào dự kiến kế hoạch, nên dẫn đến các bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện.

Thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 không nhiều, trong khi vẫn còn những dự án với số vốn dự kiến giao lớn nhưng chưa đủ điều kiện. Để đảm bảo hoàn thành các dự án này trong kỳ kế hoạch, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát nội dung này, đề xuất giải pháp đảm bảo theo quy định tại Luật Đầu tư công./.