Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2023 năm 2024

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.

Nổi bật là, nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới về xây dựng Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, thường xuyên được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế; nhiều biện pháp phòng ngừa đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua.

"Việc thành lập, triển khai hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý tăng cao so với năm 2022; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực", Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói.

Đáng chú ý, về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 12.029 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 185 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.

Về thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong kỳ đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người đã kê khai tài sản, thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Đáng chú ý, về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm qua, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó khiển trách: 16 người; cảnh cáo: 13 người; cách chức: 13 người).

Bên cạnh đó, về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can. Đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can.

Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 747 vụ/1.800 bị cáo; đã giải quyết 699 vụ/1.800 bị cáo, trong đó xét xử 562 vụ/1.207 bị cáo về các tội tham nhũng.

Ngoài ra, liên quan đến công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số phải thi hành có 4.879 việc, với số tiền hơn 97.261 tỷ đồng; đã thi hành xong 2.264 việc đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng....

"Trong năm 2023, những kết quả đạt được trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng", Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định.

Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Chiều ngày 29/02/2024, đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì Phiên họp thứ 7 nhằm tổng kết đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2023 năm 2024

Quang cảnh phiên họp

Năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh, công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh đã được một số kết quả nổi bật: Các cấp ủy, đơn vị, địa phương triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác nội chính, CCTP và PCTNTC; cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện. Chỉ đạo khắc phục hạn chế qua đánh giá của Thanh tra Chính phủ về công tác PCTN năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Năm 2022 điểm đánh giá kết quả công tác PCTN của Thanh tra Chính phủ đối với tỉnh Trà Vinh có tăng lên, với số điểm được đánh giá là 61,47 điểm (năm 2021 là 54,58 điểm).

Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về PCTN, TC được quan tâm, nhất là triển khai quán triệt kịp thời tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các cơ quan báo, đài kịp thời phát sóng, đăng tải các thông tin, nội dung liên quan hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh và kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 72 tổ chức và 183 đảng viên. Qua kiểm tra, kết luận 72 tổ chức đảng và 176 đảng viên có khuyết điểm vi phạm; thi hành kỷ luật 02 tổ chức đảng, 48 đảng viên, trong đó khai trừ Đảng 08 đảng viên vi phạm “Tham ô tài sản”. Thanh tra 48 cuộc tại 83 đơn vị đối với những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có dư luận, như: mua sắm thiết bị giáo dục giai đoạn năm 2021-2022; quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách... Qua thanh tra phát hiện sai phạm kiến nghị thu hồi số tiền là 24.167.000.000 đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền là 23.296.000.000 đồng (đạt tỷ lệ 96%); kiến nghị xử lý hành chính 08 cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm 27 cá nhân và 01 tổ chức, kiểm điểm rút kinh nghiệm 50 cá nhân và 02 tổ chức. Các cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tư vấn, thiết kế, đấu thầu và giám sát thi công các công trình xây dựng cơ bản, đấu giá tài sản công; công tác thi hành án dân sự; việc kê khai thực hiện nghĩa vụ tài chính không đúng với giá thực tế chuyển nhượng đất đai; thủ tục đăng ký, cấp biển số xe ô tô, mô tô, nhất là đăng ký, cấp biển số xe mô tô của Công an cấp xã.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan Khối nội chính phát hiện, khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế: Cơ quan điều tra thụ lý 08 vụ có dấu hiệu tội phạm (trong đó, năm 2022 chuyển sang 02 vụ); đã khởi tố 07 vụ/16 bị can phạm tội “Tham ô tài sản” và “Giả mạo trong công tác”, trong đó truy tố 05 vụ/12 bị can về “Tham ô tài sản” và “Giả mạo trong công tác”; xét xử 04 vụ/10 bị can về “Tham ô tài sản” và “Giả mạo trong công tác”; còn 02 vụ/04 bị can đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ. Tài sản tham ô đã được thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền là 1.904.479.131 đồng (đạt 86,75%).

Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh, đề nghị các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo, các Thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương:

Một là, Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời và tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả hơn nữa các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước nói chung, trong đó có nội dung PCTN, tiêu cực. nhất là, các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN,TC; gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền…. Tổ chức triển khai, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nội dung “Các hành vi cần tránh trong cấu thành nhóm tội tham nhũng, tiêu cực được quy định trong Bộ luật Hình sự”. Chỉ đạo chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm” (làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm) trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tăng cường giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp.

Hai là, Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận của Trưởng BCĐ Trung ương, của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; chú trọng những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện chấn chỉnh kịp thời sai phạm nhỏ, không để tích tụ thành sai phạm lớn phải xử lý, kỷ luật.

Ba là, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tập trung chỉ đạo thực hiện dứt điểm thu hồi tiền sai phạm theo các kiến nghị kết luận thanh tra, kiểm toán còn tồn đọng và mới phát sinh. Tăng cường kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Bốn là, Các cơ quan tố tụng phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong xử lý vụ án, vụ việc. Đẩy nhanh công tác xác minh, điều tra, giám định, định giá tài sản, sớm có kết luận, xử lý nghiêm, đúng quy định đối với các sai phạm liên quan tham nhũng, tiêu cực. Tập trung thu hồi tài sản thất thoát. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh đồng bộ giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu; góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

Năm là, Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thông tin tố giác tội phạm; đồng thời, bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh PCTN, TC đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Sáu là, các thành viên BCĐ tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm, nêu gương, tăng cường kiểm tra, đôn đốc cấp ủy, tổ chức đảng được phân công theo dõi thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác đã đề ra. Cơ quan Thường trực BCĐ tiếp tục chủ động phối hợp với thành viên BCĐ tham mưu BCĐ thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy chế và chương trình công tác, chương trình kiểm tra năm 2024 của BCĐ.