Cong đoàn công ty hoạt động như thế nào

Mặc dù công ty đã thành lập Công đoàn Cơ sở nhưng một số Người lao động không muốn tham gia.  Việc tham gia Công đoàn là hoàn toàn tự nguyện, không ai có thể ép buộc nhưng nếu trong cùng một công ty có người tham gia, người không tham gia thì không ổn.

Trên thực tế, nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

Về phía Người lao động, phải giúp họ ý thức được quyền lợi khi tham gia Công đoàn cơ sở

Một số Người lao động (“NLĐ”) không muốn tham gia Công đoàn cơ sở (“CĐCS”) vì họ chưa thấy được những lợi ích từ việc trở thành Đoàn viên.  Nguyên nhân có thể là vì CĐCS yếu thế, hoàn toàn đứng về phía Người sử dụng lao động (“NSDLĐ”), không bảo vệ quyền lợi cho NLĐ; CĐCS không hoạt động hoặc hoạt động chỉ mang tính phong trào, không thiết thực, không giúp ích cho NLĐ; CĐCS quá tách biệt với tập thể NLĐ, không có sự gắn kết, thấu hiểu lẫn nhau… Do đó, NLĐ sẽ suy nghĩ rằng việc tham gia CĐCS chỉ tốn thời gian và tiền bạc, đương nhiên họ sẽ không tham gia.

Vì vậy, Ban chấp hành CĐCS tại doanh nghiệp của chị cần cho NLĐ thấy được việc tham gia CĐCS sẽ mang đến những lợi ích như thế nào về vật chất lẫn tinh thần.  Nói ngắn gọn hơn, CĐCS phải trả lời được câu hỏi của NLĐ “Tại sao tôi nên tham gia CĐCS?”

NLĐ khi trở thành Đoàn viên CĐCS, ngoài những quyền lợi cơ bản như những NLĐ khác, sẽ có thêm một số quyền và lợi ích khác như sau:

Thứ nhất, NLĐ sẽ nâng cao vai trò của mình trong doanh nghiệp.  Cụ thể, khi trở thành Đoàn viên, NLĐ sẽ nắm các quyền rất quan trọng như (i) tham gia xây dựng, cho ý kiến, thông qua hoặc không thông qua các nội quy, quy chế có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tập thể NLĐ (như nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế thưởng, thang bảng lương) và (ii) cho ý kiến, tham gia tổ chức, lãnh đạo về việc đình công tại doanh nghiệp.

Thứ hai, NLĐ sẽ được Công đoàn đứng ra bảo vệ và hỗ trợ khi quyền và lợi ích chính đáng bị xâm phạm.  Cụ thể, được Công đoàn hỗ trợ, tư vấn, trợ giúp về pháp lý miễn phí về Pháp luật Lao động và Công đoàn, được Công đoàn đại diện tham gia tố tụng các vụ án về lao động.

Thứ ba, NLĐ được tổ chức Công đoàn hỗ về mặt vật chất và tinh thần:

Hằng tháng, CĐCS được giữ lại 67% kinh phí Công đoàn (do NSDLĐ đóng), 60% Đoàn phí (do Đoàn viên CĐCS đóng) và 100% các nguồn thu khác để phát triển các hoạt động của CĐCS và NLĐ trong doanh nghiệp.  Khi trở thành Đoàn viên, NLĐ sẽ được hỗ trợ kinh phí trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Đoàn viên CĐCS (ví dụ: chi hỗ trợ thuê luật sư khi cán bộ CĐCS đứng ra bảo vệ NLĐ khi bị chủ doanh nghiệp sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc chuyển làm việc khác mà thu nhập giảm; chi tổ chức đình công theo quy định của pháp luật), cán bộ Công đoàn (từ phó chủ tịch CĐCS trở lên) hằng tháng sẽ được nhận phụ cấp lương.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặc biệt quan tâm đến đến các chương trình phúc lợi cho Đoàn viên mang tính thực tiễn như: Đoàn viên sẽ nhận được ưu đãi khi sử dụng các cơ sở vật chất của tổ chức Công đoàn (trường mẫu giáo, khu vui chơi, nhà sách, nhà hàng, khách sạn Công đoàn…) được Công đoàn ưu tiên giúp đỡ, hỗ trợ thông qua các hoạt động xã hội thường xuyên (theo hướng dẫn số 284/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 09/3/2017).

Thứ tư, mang đến sự cân bằng lợi ích và vị thế giữa NLĐ và NSDLĐ.  Việc tham gia, phát triển tổ chức Công đoàn đồng nghĩa với việc NLĐ sẽ tham gia đấu tranh như một tập thể và mang đến những lợi ích lớn hơn cho mỗi NLĐ.  Nếu chỉ đứng riêng rẽ và đấu tranh vì lợi ích cá nhân, NLĐ sẽ hoàn toàn yếu thế trước NSDLĐ.  Đây cũng là một xu thế trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các Quốc gia phát triển.

Theo số liệu của Bộ lao động Hoa Kỳ năm 2016, tỉ lệ NLĐ tham gia tổ chức Công đoàn khá cao, đặc biệt đối với các ngành có nguồn nhân lực trình độ cao như giáo dục, đào tạo (34,6%) và dịch vụ thư viện (34,5%).  NLĐ tham gia Công đoàn cũng có mức thu nhập trung bình cao hơn 20% so với NLĐ không tham gia Công đoàn.

Tại các Quốc gia Châu Âu, tỉ lệ tham gia Công đoàn luôn đứng đầu thế giới (tỉ lệ tham gia tại Iceland là 91%, Thụy Điển là 67%, Bỉ là 55,1%).  Do đó, phong trào Công đoàn tại các nước này rất mạnh và các phúc lợi dành cho NLĐ luôn được đảm bảo.

Trên thực tế, tổ chức Công đoàn vẫn luôn đấu tranh vì lợi ích của NLĐ.  Cụ thể, tại các cuộc họp liên quan đến việc tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban đầu đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2018 là 13,3% nhằm đáp ứng điều kiện sinh hoạt cho NLĐ, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – đại diện cho phía người NSDLĐ bước đầu đã đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng.

Do đó, Ban chấp hành CĐCS của chị phải giúp cho NLĐ ý thức được rằng không nên bàng quan mà nên tham gia hoạt động Công đoàn, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến chính quyền lợi của mỗi NLĐ.

Về phía CĐCS, bản thân CĐCS cũng phải có những phương án làm việc hiệu quả, mang tính thiết thực, giúp ích cho Đoàn viên nói riêng và NLĐ nói chung

Trước hết, CĐCS thể hiện đúng vai trò của mình là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho Đoàn viên nói riêng và NLĐ nói chung trong các buổi đối thoại trong doanh nghiệp, xây dựng thỏa ước tập thể.  CĐCS có thể đề xuất các các quy định có lợi hơn cho NLĐ là thành viên công đoàn.  Đồng thời có những hoạt động, phong trào thiết thực, bổ ích như các hoạt động thăm hỏi NLĐ khi ốm đau, hỗ trợ Đoàn viên gặp hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích.  Từ đó, NLĐ sẽ tin tưởng và hiểu rằng tham gia Công đoàn không phải là việc tốn thời gian vô nghĩa mà sẽ giúp họ có nhiều lợi ích về vật chất, tinh thần và là chỗ dựa khi họ gặp tình huống khó khăn.

Bình luận pháp lý liên quan: Làm sao để Người lao động Đồng ý Tham gia Công đoàn Cơ sở?

Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý độc giả quan tâm đến các quy định về thành lập Công đoàn Cơ sở, lợi ích khi tham gia Công đoàn Cơ sở, cách giúp người lao động nhận ra các lợi ích đó và tự nguyện tham gia Công đoàn Cơ sở hoặc các vấn đề khác liên quan đến Công đoàn Cơ sở  theo Pháp luật Việt Nam, vui lòng liên hệ với các Luật sư Lao động của chúng tôi tại .