Chi phí thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tham gia chương trình có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng. Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM Nguyễn Thị Thanh Vân điều hành chương trình. Khách mời tham gia chương trình gồm: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng; Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Võ Khánh Hưng…

TP cần có chính sách hỗ trợ các HTX Môi trường thuê văn phòng làm việc giá ưu đãi

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Sạch và Xanh Toàn Cầu cho rằng, báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP cho thấy, 95% các đường dây rác đã chuyển đổi thành doanh nghiệp, HTX. Tuy nhiên, thực tế các đường dây rác vẫn hoạt động theo mô hình trước khi chuyển đổi, như vẫn còn tình trạng da beo, các tuyến thu gom nhỏ lẻ, thời gian thu gom giữa các tuyến với nhau không thống nhất,... Vì vậy, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP cần có kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng dữ liệu số các đường dây rác để giải quyết điều phối, sát nhập các đường dây rác nhỏ lẻ, bảo đảm hoạt động hiệu quả và tạo kênh giao tiếp thông qua phần mềm trên điện thoại di động giúp người dân và người thu gom rác tương tác tốt hơn.

Theo Kế hoạch của UBND TP đến hết năm 2023 đối với các quận nội thành, TP Thủ Đức yêu cầu rác dân lập chuyển đổi phương tiện chuyên dùng thu gom rác. Để thực hiện việc này, ngoài chuyển đổi phương tiện, cử tri Nguyễn Thành Trung cho rằng cũng cần 1 lực lượng tài xế để điều khiển phương tiện, trong khi đó lực lượng thu gom rác dân lập đa số ít biết chữ nên việc học thi lấy bằng lái gặp khó khăn. Còn đối với người có bằng lái thì không chọn công việc lái xe rác vì thu nhập thấp, rủi ro cao. Do đó, ngoài giải pháp hỗ trợ vay tài chính cho rác dân lập mua xe rác, TP cần hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp về vấn đề trên.

Một số ý kiến cũng cho rằng, chủ trương thành lập HTX Môi trường và hỗ trợ cơ sở vật chất đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các HTX Môi trường đều không được hỗ trợ bố trí văn phòng làm việc, giao dịch một cách đúng nghĩa. Do vậy, TP cần có chính sách trợ các HTX Môi trường thuê văn phòng làm việc giá ưu đãi từ quỹ nhà công sản.

Chi phí thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu tham gia chương trình

Bên cạnh đó, hiện trạng đơn giá thu gom quá thấp, lại không công bằng, giá 44.000 đồng được quy định cào bằng cho nhà ở riêng lẻ, khu nhà trọ nhiều phòng sâu trong hẻm nhỏ; những hộ dân ở chung cư cũ không có thang máy, và cả hộ dân ở tầng trệt. Trong khi công sức và thời gian bỏ ra để đi thu gom tại các khu nhà trọ nhiều phòng, hộ dân ở các chung cư tầng cao phải mất công sức gấp 3 lần hộ dân ở tầng trệt hoặc nhà ở riêng lẻ. Theo cử tri, trên địa bàn TP số hộ dân ở các chung cư cũ không có ô/đường ống bỏ rác từ các tầng xuống tầng trệt và không có thang máy và số lượng các khu nhà trọ nhiều, phòng nằm sâu trong hẻm nhỏ rất nhiều và đông. Cử tri bày tỏ và mong muốn các sở, nghành cần tính toán lại đơn giá cho phù hợp.

Đến 2025, 80% trạm xử lý rác phải chuyển đổi bằng công nghệ đốt phát điện và công nghệ xử lý bằng tái chế

Trả lời các ý kiến của cử tri, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, TP đã có hướng dẫn cho các địa phương, tuỳ theo đặc điểm lựa chọn hai cách để ký hợp đồng. Cụ thể, UBND phường, xã có thể ký hợp đồng trực tiếp với các chủ hộ, người phát sinh nguồn thải. Hộ gia đình ký trực tiếp với người thu gom. Do vậy, tùy theo đặc điểm địa phương để lựa chọn các hình thức ký hợp đồng. “Trong quá trình thực hiện này, nếu có vấn đề vướng, trên cơ sở đó trao đổi để xử lý vấn đề cho phù hợp.”- đồng chí Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.

Đối với phương án đơn giá thu gom, đồng chí Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, việc lựa chọn đơn giá, địa phương hoàn toàn quyết định phương thức thu cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đối với rác cồng kềnh là rác đặc thù, không giống như rác sinh hoạt phát sinh thường xuyên, nên việc xử lý đòi hỏi nhiều khâu từ phá, rã rác, địa điểm lưu và xử lý vấn đề. Chính vì vậy, TP đã có văn bản hướng dẫn cho các địa phương là Công ty Công ích và Công ty Môi trường đô thị là đơn vị chủ lực để xử lý vấn đề này.

Liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, đồng chí Nguyễn Toàn Thắng cho biết, ngành Tài nguyên và Môi trường TP đã trình và TP duyệt đề án chuyển đổi số, trong đó là app quản lý phương tiện vận chuyển. Dù phương tiện vận chuyển của dân lập hay đấu thầu trúng, khi di chuyển sai lộ trình được duyệt đấu thầu, ngành môi trường TP sẽ phát hiện ra; bên cạnh đó, giám sát tại bãi xử lý bằng công nghệ.

Chi phí thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Cử tri TP tham gia chương trình

Theo đồng chí Nguyễn Toàn Thắng, đến năm 2025, rác của TP phải xử lý bằng công nghệ hiện đại. Theo đó, 80% trạm xử lý rác phải chuyển đổi bằng công nghệ đốt phát điện và công nghệ xử lý bằng tái chế. Đến thời điểm này, TP đã nhận được 6 đề xuất với khối lượng 10.500 tấn.

Về quy hoạch, đồng chí Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nay TP đã được Thủ tướng cho phép duyệt quy hoạch đến 2050, TP có 36 trạm trung chuyển rác và cải tiến với 5 tiêu chí trạm trung chuyển phải phù hợp bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân không bỏ rác sai quy định

Kết luận tại chương trình, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Thị Thanh Vân đánh giá, UBND TP đã triển khai và đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực trong công tác quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, qua đó chất lượng vệ sinh môi trường trong khu dân cư ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như việc ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý; chính sách hỗ trợ; mẫu phương tiện chuyển đổi; vấn đề vay vốn và chuyển đổi công nghệ.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị UBND TP sớm quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo khoản 6 Điều 79 Luật bảo vệ môi trường năm 2020.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý rác thải trong việc triển khai chuyển đổi sang công nghệ mới để tiết kiệm đất, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao tỷ lệ tái chế. Đồng thời kiểm tra các trạm trung chuyển rác, trạm ép rác kín đảm bảo vệ sinh môi trường không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; có kế hoạch di dời hoặc cải tạo thành các điểm đạt chuẩn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng rà soát và đẩy nhanh tiến độ tham mưu UBND TP ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển; tham mưu TP định hướng công tác phân loại rác tại nguồn; về tái chế và chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải.

Đối với Sở Giao thông vận tải TP, cần hỗ trợ các Hợp tác xã điều chỉnh mẫu xe tự thiết kế để đạt được tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành; hướng dẫn quy trình để được cấp phép mẫu xe phù hợp với thực tế và giá thành hợp lý. Nghiên cứu thời gian lưu thông của các xe thu gom, vận chuyển linh hoạt hơn để thuận tiện cho công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn TP.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân mong muốn cử tri TP cùng giúp sức chung tay với TP trong công tác bảo vệ môi trường trong khu dân cư, phân loại rác tại nguồn, giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

“Thường trực HĐND TP sẽ tiếp tục theo dõi và thực hiện vai trò giám sát đối với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP”- đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân khẳng định.