Cái đẹp nên thơ là gì

Là nhà thơ phải có tài đã đành, nhưng đồng thời phải có lý tưởng xã hội; lý tưởng xã hội là năng lượng của nhà thơ, là mục đích cao nhất, là lẽ sống đẹp nhất đối với anh ta .

Viết cho ai, viết để làm gì? Vẫn là hai câu hỏi tưởng như không khó trả lời, nhưng thực tiễn sáng tạo thơ ở một số hiện tượng làm người đọc không yên lòng. Những hiện tượng một số nhà thơ trẻ tự khẳng định mình sớm,muốn nổi danh ngay [như một số ca sĩ bên sân chơi nhạc trẻ], những tuyên ngôn thơ vừa cao ngạo vừa ngậm ngùi, thậm chí vôtrách nhiệm đối với bạn đọc, những câu thơ buông tuồng, thô thiển thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên những trang báo.

Trau dồi lý tưởng xã hội là tiền đề của sự hình thành lý tưởng nghề nghiệp. Trong ba điều bất hủ của một đời thơ thì lập đức được coi là hàng đầu rồi mới nói đến lập công, lập ngôn. Bản chất xã hội của nhà thơ là con người xã hội, là hơi thở của thời đại. Cái đẹp của câu thơ phải đến với nhiều người, càng nhiều càng tốt. Còn chuyện đi tìm cái tự do tuyệt đối của nhà thơ, coi thơ ca chỉ là ảo ảnh của cuộc đời, thơ ca được viết không cho ai cả - thú thật chỉ là chuyện viển vông. Đó là chưa kể khi tâm hồn nguội lạnh, thái độ dửng dưng của nhà thơ trước những hiện tượng nóng bỏng của xã hội thì nói gì đến câu thơ đẹp có ích cho đồng loại [!?]. Nói bản chất xã hội của nhà thơ hiện nay cần sòng phẳng hai chuyện: Giới phê bình, có lúc lẽ ra phải hướng dẫn kỹ thuật, kỹ xảo làm thơ, thì họ lại đi dạy lập trường chính trị; minh hoạ chủ trương chính sách bằng thơ vần vè là chuyện của những báo cáo viên tuyên huấn thì một số nhà thơ lại sa vào xu hướng chính trị thơ ca một cách dễ dãi và lộ liễu. Hai căn bệnh đó vốn tồn tại đã lâu, nhưng nay đã được đẩy lùi, nhờ sự tự ý thức sáng tạo. Nhưng từ đó có người ngây thơ nông nổi nghĩ rằng, chỉ cần mới, cần lạ, cần hay là được, không cần gì lý thuyết, không cần gì bản sắc dân tộc, không cần gì những giá trị truyền thống, họ ném ra ngoài xã hội nhiều câu thơ vụng về, khó hiểu, thậm chí có hại, đánh tráo cảm thụ thẩm mỹ của người đọc. Người làm thơ có quyền viết bất cứ đề tài nào, lấy thi hứng từ bất cứ hiện tượng xã hội nào, nhưng khi bài thơ ra đời, nó không còn là của anh [chị] nữa mà là của xã hội, là đối tượng cảm thụ của hàng trăm nghìn thị hiếu khác nhau. Khen - chê, chấp nhận - từ chối là chuyện của dư luận xã hội. Nhà thơ không vì thế mà cao ngạo khi được khen và trách cứ, thậm chí chán nản lúc bị chê. Hiệu quả của sự khen - chê nằm ở tài năng, trước hết là ở tấm lòng của người viết, ở lý tưởng mà nhà thơ đam mê. Linh hồn của thơ ca hai cuộc kháng chiến chống xâm lược được thắp sáng bởi lý tưởng xã hội của nhiều nhà thơ và sự cảm thụ cái đẹp của người cùng thời đại. Chính vì vậy mà nó có sức sống lâu dài.

Trong thơ ca, tài năng gắn liền với sự chân thật. Trong văn học kháng chiến của ta ở hai giai đoạn có nhiều bài thơ viết về đề tài mất mát, bi thương, mặc dầu kỹ thuật chưa được điêu luyện, ngôn ngữ chưa thật trau chuốt, nhưng vẫn đọng lại sâu thẳm trong lòng người đọc nhiều thế hệ, kể cả thế hệ hôm nay: Màu tím hoa sim, Núi đôi, Quê hương, Hương thầm, Cuộc chia ly màu đỏ... Bí quyết thành công của những câu thơ hay, đầy xúc động nói trên là gì vậy? - Tài năng. Vậy tài năng trong sáng tạo thơ ca nằm ở đâu? Trước hết là ở sự chân thật. Có đau thì nói đau, nỗi đau của người trong cuộc. Sự giả dối trong thơ dễ bị người đọc lật tẩy. Loại hình nghệ thuật nào cũng cần có của sự chân thật và sự chân thật trong nghệ thuật thường là cái được phản ánh sự thật cuộc sống, nhưng ở thơ đòi hỏi sự chân thật tối đa. Vì ở đây nhà thơ và nhân vật trữ tình là một, trùng khít đến mức khó tách làm hai. Mọi thứ giả vờ, làm dáng, cường điệu cảm xúc của người viết thật xa lạ với tính chân thật trong thơ.

Có nhà mỹ học nói, mọi thể chế chính trị rồi sẽ qua đi, nhưng câu thơ đẹp thì vẫn còn. Điều đó đúng khi cái đẹp trong thơ phải gắn với đạo đức xã hội. E.Căng có lần nói đại ý: Lý tưởng của chân lý là của Trời còn lý tưởng của cái đẹp là Con người. Cái đẹp của con người bao giờ cũng gắn với cái đạo đức. Cái được nằm ở giai đoạn của cảm thụ tự nhiên còn cái sau là cái phải trở nên. Thơ ca lại càng như vậy, lý tưởng của nhà thơ, năng lượng thẩm mỹ của nhà thơ nằm ở sức hút nam châm mọi cảm thụ cái đẹp của người đọc. Không có lý tưởng hoặc lý tưởng hời hợt, không bắt nguồn đời sống, quay lưng lại một số phận con người, thì mọi tìm kiếm cái đẹp cái mới của nhà thơ trở thành con số không.

Tri thức thẩm mỹ trong văn hoá dân tộc và thế giớikhông chỉ là sự trang sức cho những hình tượng thơ, mà là phương thức khái quát hoá, là công cụ của kỹ xảo nghề thơ. Điểm tựa để hoàn thiện kỹ năng văn chương là sự tư duy khái quát, là trình độ hiểu biết triết học - mỹ học, đặc biệt là mỹ học dân tộc. Đọc thiên kinh vạn quyển thì cũng quý, nhưng sức người cớ hạn, vì vậy từngnhà thơ tìm ra cách đọc của mình. Cha ông ta trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã sáng tạo ra một nền văn hoá có bản sắc riêng, nhưng phải thừa nhận rằng, cha ông ta không quen làm nghệ thuật học, mỹ học thì thiếu hệ thống. Nhưng trong di sản trí tuệ vẫn lấp lánh hào quang những tổng kết mỹ học. Khi bàn đến bản chất của văn chương, Nguyễn Văn Siêu [1796- 1872] đã chia văn chương thành hai loại: Loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người. Còn hiện thực tả ý là gì nếu không phải là sự nhất thể hoá hiện thực và siêu thục, cái có lý và cái phi lý, cái ý thức và cái vô thức, cái lô gích và cái trực giác. Đó là chủ nghĩa hiện thực mở, cái lô gích, cổ điển, mẫu mực thật xa lạ với chủ nghĩa minh hoạ, chủ nghĩa tự nhiên trong thơ.

Tri thức triết mỹ trong thơ ca là điểm tựa của tài năng, của tầm nhìn, của sự chọn lọc định hướng sức bay của trí tưởng tượng. Có tài nhưng còn phải có học vấn. Học vấn xin đừng nhầm lẫn với bằng cấp, mà là thực học, thực tài. Người làm thơ không biết trước biết sau; biết trong biết ngoài, biết Đông biết Tây thì khác nào anh lính không có vũ khí. Có thể có học vấn cao mà thơ không hay nhưng đã có bài thơ hay, câu thơ đẹp thì người làm thơ có học vấn rồi đấy. Cha ông ta xưa thường dạy: "Bản chất của văn chương là tự học vấn mà ra, học vân uyên bác thì viết văn mới hay. Có lẽ đâu văn chương lại làm cho người ta kiêu căng"!? [Lê Quý Đôn 1726-1784].

Trí tuệ của nhân loại đã sản sinh một khối lượng khổng lồ những tri thức vừa cao siêu vừa thiết thực, những thông tin vừa bổ ích vừa trái chiều, cho nên việc đi tim những kiến thức về khoa học, công nghệ, về văn hoá nghệ thuật để ứng dụng vào lý thuyết thơ và sáng tạo thơ cũng phải liệu sức mình, giống như đi bơi trong biển cả, phải biết cách đọc, cách tiếp nhận. chớ tuyệt đối hoá một hiện tượng nào. Tất cả đều phải xuất phát từ đời sống tinh thần dân tộc mình. Nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học, các nhà thơ đã nhiệt tâm bàn đến mối quan hệ giữa khoa học và nghệ thuật. Nhiều ý kiến xác đinh gợimở cho sự cách tân. Ơgiêni Phainơbec [một nhà vật lý hiện đại] trong bài: "Nghệ thuật và nhận thức" đưa ra nhiều luận điểm và những chứng giải có sức thuyết phục. Ông viết "Nhận thức bằng trực giác, nghệ thuật chứng minh tính hạn hẹp, bất túc của nhận thức và do đó tăng cường ưu thế của tri thức trựcgiác chân lý nói chung và ở các khoa học chính xác nói riêng. Nó phá vỡ độc quyền của tư tưởng phân tích lôgích, cái sẽ đưa con người đến chỗbất lực" Rồi đưa ra câu định nghĩa về thơ của O.Manđenxtam: "Thơ là ý thức mình có lý". Có lý, ý là có chân lý, không thể lý giải, mà chân lý được tri giác bằng trực giác khẳng định bằng những phương pháp nghệ thuật.

Nhà thơ Lê Đạt cũng sớm có ý thức đổi mới phương pháp sáng tác thơ. Trên báo Văn nghệ đặc san thơ số 25-2005 ông viết bài Thơ và vật lý hiện đại phê phán những quy tắc cứng nhắc, nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ý tưởng và ngôn ngữ, rồi đưa ra định nghĩa thơ nói cho cùng là Hành vi phá nghĩa và coi Cấu trúc gián đoạn là nền tảng chủ yếu của thơ hiện đại, phá vỡ cấu trúc liên tục đã từng thống trị trên thi đàn. Nhưng khi ứng dụng vào thực tiễn sáng tạo thơ, cụ thể là bài Hoa mười giờ, thì không phải ai ai cũng hiểu như nhau, và thật vất vả khi phải phân tích, giảng giải rất dài mới tìm ra được nghĩa, thế thì còn đâu cảm xúc cái đẹp!?

Nửa thế kỷ XX mặt biển triết học phương Tây tràn ngập những cơn giông bão, luận thuyết chủ nghĩa, khuynh hướng thì chúng ta vẫn tìm ra được những "hạt nhân hợp lý" cho đời sống văn hoá dân tộc. Ví dụ: xu hướng đề cao vai trò cá nhân được coi là một giá trị văn hoá cao nhất, con người là một nhân vị. Vấn đề trọng tâm đặt ra là thân phận con người trong xã hội: là việc xoá bỏ mọi tha hoá trong hoạt động con người: tha hoá quyền lực, tha hoá lao động. Xu hướng này ở phương Tây có bề dày lịch sử của nó mà một trong những biểu hiện là kêu gọi giải phóng con người. Vấn đề giải phóng con người trong toàn cầu hoá nên hiểu là giải phóng cả thân thể và tình dục [Body and sexuality]. Trước đây trong nhiều thập kỷ chúng ta mới nghiên cứu con người xã hội [quan điểm, học vấn, thành phần giai cấp]. Bây giờ để khám phá con người bí ẩn cần tính đến con người tâm lý, con người tâm linh, con người sinh học. Nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc tế vào nhiều thập kỷ gần đây đã cởi mở đề cập đến những "bề chìm" của con người: nhu cầu, tình cảm, tình dục, nhân tính, cá tính, vô thức, tiềm thức, siêu thực. Hiện nay, trong văn chương nói chung và trong thơ nói riêng một số nhà thơ, nhà văn tìm đến đề tài tình dục không có gì là lạ. Vấn đề là cách nói như thế nào để dễ đi vào lòng bạn đọc. Đó là chưa nói đến truyền thống miêu tả cơ thể phụ nữ, nhu cầu tình dục, sự hoan lạc giữa nam và nữ vốn là một đề tài có nhiều thành công trong nhiều loại hình nghệ thuật ở nước ta.

Mọi thứ bắt chước những cái kỳ quặc, thô kệch và lố bịch của những dòng thơ suy đồi bên ngoài, mọi thứ suy nghĩ bệnh hoạn; ngôn từ rối rắm và xoàng xĩnh, cách diễn đạt thô thiển gượng gạo, vờ vĩnh về đề tài tình dục, tình yêu nam nữ đều xa lạ đối với thơ hiện đại và tất nhiên sẽ bị người đọc từ chối.


[Văn nghệ]

Chủ Đề