Cách mạng văn hóa việt nam

Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta khởi thảo và được công bố năm 1943 trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai đang lan rộng và ngày càng ác liệt. Ở Việt Nam, tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội rất phức tạp, mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng sâu sắc thêm. Nhân dân ta không những chịu cảnh “một cổ hai tròng” do quân xâm lược Nhật, Pháp gây nên mà còn lâm vào tình cảnh lầm than, cơ cực do bè lũ tay sai “bóp nặn” một cách dã man, tàn ác. Đã thế, Phát xít Nhật và thực dân Pháp lại thi nhau vơ vét, bóc lột và đàn áp nhân dân, khủng bố phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Căm phẫn quân xâm lược sâu hơn vực thẳm, ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược cao ngút trời Nam. Trước cảnh nước mất, nhà tan, nghe theo tiếng gọi của Đảng, nhân dân ta đã đứng lên đánh giặc cứu nước; các tổ chức vũ trang cách mạng lần lượt ra đời; phong trào quyên góp lương thực, vũ khí, thuốc men, đưa con em tham gia các đội quân cách mạng diễn ra khắp buôn làng, ngõ xóm. Trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên yêu nước chịu ảnh hưởng của cách mạng đã đứng lên đấu tranh chống lại phát xít Nhật và thực dân Pháp, đòi lại quyền tự do, độc lập cho dân tộc. Thế nhưng, quân phát xít và thực dân đã cấu kết với bè lũ tay sai, dùng các thủ đoạn dã man, tàn ác, kể cả thủ đoạn “trói buộc vǎn hoá và giết chết vǎn hoá Việt Nam” để thực hiện mưu đồ xâm lược của chúng.

          Trong bối cảnh ấy, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã quyết định triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng từ ngày 25 đến 28-2-1943 để bàn biện pháp đối phó với tình hình, quyết tâm đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước, tiến tới chặn đứng và đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm lược của phát xít Nhật và thực dân Pháp. Từ thực tiễn hơn chục năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lại đứng trước những việc cần kíp phải làm ngay để kịp thời ngăn chặn bàn tay nhuốm máu đầy tội ác của phát xít và thực dân; Đảng ta nhận định rằng, trong lúc này, Đảng cần phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc nhằm chống lại văn hoá phát xít thụt lùi, văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu... Vì vậy, tại Hội nghị Thường vụ Trung ương lần này, Đảng ta khẳng định rõ thái độ của mình đối với vấn đề vǎn hoá và nó được ghi rõ trong Đề cương văn hóa Việt Nam công bố năm 1943:

          “1. Phạm vi vấn đề: Vǎn hoá bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. 2. Quan hệ giữa vǎn hoá và kinh tế, chính trị: nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ vǎn hoá của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc). 3. Thái độ Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề vǎn hoá:

          a) Mặt trận vǎn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, vǎn hoá), ở đó người cộng sản phải hoạt động.

          b) Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng vǎn hoá nữa.

          c) Có lãnh đạo được phong trào vǎn hoá, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.”

          Có thể khẳng định rằng, Đề cương về văn hoá Việt Nam là bản cương lĩnh văn hoá đầu tiên của Đảng ta, đã nêu ra hai ức thuyết về tiền đồ văn hoá Việt Nam. Một là, "nền văn hoá phát xít (văn hoá trung cổ và nô dịch hoá) thắng thì văn hoá dân tộc Việt Nam nghèo nàn và thấp kém. Hai là, văn hoá dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hoá dân chủ thế giới". Trong Đề cương, Đảng ta đặt vấn đề: Trong “Hai ức thuyết, cái nào sẽ trở nên sự thực?” và khẳng định: "Cǎn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên thực sự".

          Trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời đó, “vǎn hoá nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” thống trị thì sự ra đời của Đề cương về văn hoá Việt Nam có thể coi là một ngọn đuốc sáng thần kỳ, có tác dụng soi đường, chỉ lối và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ cho toàn Đảng, toàn dân và cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam; đặc biệt là nó đã lôi cuốn, thuyết phục và tập hợp đông đảo những người hoạt động văn hoá yêu nước Việt Nam vào Hội văn hoá cứu quốc, một thành viên của Mặt trận Việt Minh; khai sinh và phát triển nền “vǎn hoá xã hội chủ nghĩa” ở nước ta. Vì vậy, Đảng nhấn mạnh: “Những phương pháp cải cách vǎn hoá đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau”, tức là chuẩn bị cho “cách mạng chính trị thành công”.

          Trên cơ sở thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận biện chứng duy vật, Đề cương văn hoá Việt Nam đã luận giải một cách sắc sảo tình hình tư tưởng, văn hoá, xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, chỉ ra sự tác động của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai và tội ác tột cùng của phát xít Nhật cùng thực dân Pháp cấu kết với bọn tay sai, bán nước giầy xéo Tổ quốc Việt Nam. Đề cương cũng chỉ rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn dã man, tàn ác của phát xít Nhật và thực dân Pháp trong việc trói buộc và bức tử nền văn hoá nước ta; qua đó, cảnh báo nguy cơ có thể bị diệt vong đối với một quốc gia dân tộc có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, có độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ dưới gót dày quân xâm lược: phát xít Nhật và thực dân Pháp.

          Vì vậy, nhiệm vụ cần kíp của những người cộng sản và các nhà văn hóa cách mạng ở Đông Dương, của cách mạng văn hóa, tư tưởng ở Việt Nam lúc bấy giờ được Đảng ta khẳng định là đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của quân xâm lược và bè lũ tay sai, cứu lấy nước, giữ lấy nhà, bảo vệ cho được các giá trị văn hóa dân tộc, phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam. Để làm tròn sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của mình, Đảng ta khẳng định: “cách mạng vǎn hoá muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo” và nó phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc mác xít - lêninnít. Mục tiêu, con đường, phương châm, nguyên tắc, phương pháp thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta, trước hết phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động cuộc vận động vǎn hoá nước Việt Nam trong giai đoạn này:

          a) Dân tộc hoá (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hoá Việt Nam phát triển độc lập).

          b) Đại chúng hoá (chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng).

          c) Khoa học hoá (chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hoá trái khoa học, phản tiến bộ)” .

          Trên cơ sở nắm vững và thực hiện nhất quán ba nguyên tắc nêu trên, Đảng ta đồng thời khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hoá bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm, v.v.. Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng vǎn hoá quá trớn của bọn tờrốtkít”. Trước mắt, tích cực đấu tranh, vạch trần những hạn chế, khuyết điểm của các “học thuyết, tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á, có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học Khổng, Mạnh, Đềcác (Descartes), Bécsông (Bergson), Cǎng (Kant), Nítsơ (Niesche), v.v. ; làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng”, “Tranh đấu về tông phái vǎn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, v.v.) làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng” .

          Căn cứ vào các điều kiện khách quan của tình hình thế giới và tác động, ảnh hưởng của nó đến sự biến đổi tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam; sự phát triển rộng khắp của phong trào đấu tranh cách mạng chống quân xâm lược và bè lũ tay sai; ngay sau khi công bố Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, những người cộng sản và các nhà văn hoá, trí thức yêu nước đã tin tưởng, nhiệt tình ủng hộ, tổ chức nhiều cuộc vận động xây dựng nền văn hóa mới - văn hóa cách mạng, văn hóa xã hội chủ nghĩa. Trong các văn kiện, sách báo của Đảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng có được lúc bấy giờ đều nhất quán khẳng định giá trị tư tưởng, quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” của Đề cương văn hóa Việt Nam, quyết tâm thực hiện và đưa vào đời sống quan điểm, tư tưởng, mục tiêu và ba nguyên tắc "dân tộc hoá", "đại chúng hoá", "khoa học hoá" của nền văn hoá Việt Nam mà Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra. Đồng thời, làm cho "xu trào văn hoá mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở... ", xâm nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống nhân dân và phong trào cách mạng đang lên. Việc khẳng định thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận biện chứng duy vật của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 trong các tài liệu, sách báo văn hóa cách mạng từ Nam ra Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi đã được triển khai thực hiện thống nhất, xu hướng phát triển tốt, tác dụng ngày càng cao, hiệu quả rất thiết thực.

          Lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam đều chỉ ra rằng, cái gốc của đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng không phải cái gì khác mà chính là Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943 và từ cái gốc rễ “nguồn cội” ấy, cây “văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa” ở nước ta đã đâm chồi, nảy lộc, vươn cành ngày càng xanh tươi, nở hoa, kết trái, đã và đang đem lại hương thơm, vị ngọt cho đời.

          Cái gốc rễ “nguồn cội” của nền văn hóa mới - văn hóa xã hội chủ nghĩa, của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta chính là hệ thống quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hoá, là “thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử” - hạt nhân lý luận của hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, thế giới quan khoa học, nhân sinh quan và phương pháp luận cách mạng đúng đắn nhất để “nhận thức và cải tạo thế giới” vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, tha thiết yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc; là phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được Đảng ta vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; được những người cộng sản, các nhà tư tưởng, văn hóa Việt Nam đón nhận, bổ sung, phát triển, làm giàu có, phong phú và sâu sắc thêm từ đời sống thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam. Và, chính nó đã trở thành động lực tinh thần to lớn, có tác dụng thức tỉnh các tầng lớp nhân dân; thu hút, lôi cuốn, thuyết phục không ít các văn nghệ sĩ, binh lính người Việt tham gia quân đội phát xít, thực dân, đế quốc, làm tay sai cho địch đã quay về với cách mạng, “đồng cam cộng khổ” cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước “nếm mật, nằm gai” dũng cảm, mưu trí, sáng tạo chiến đấu chống kẻ thù xâm lược; từng bước đưa cách mạng đi đến thắng lợi, thực hiện thành công cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, sáng lập nên Nhà nước của giai cấp công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á; thực hiện thống nhất nước nhà, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          Cái gốc rễ “cội nguồn” của nền văn hóa mới, văn hóa xã hội chủ nghĩa, của đường lối văn hóa, văn nghệ ở nước ta, nói cho cùng, là đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo, nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở nước ta, văn hoá văn nghệ xã hội chủ nghĩa do Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo và nó luôn luôn được coi là “một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) để thực hiện mục tiêu “cải tạo xã hội”; phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Điều đó hoàn toàn đúng với lời chỉ dẫn của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, khi các ông nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hóa cách mạng trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù để xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, thực hiện sứ mệnh: giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng nhân loại. Sự đúng đắn và nhất quán đó chứa đựng nhân tố phát triển liên tục, bền vững, bao hàm văn hóa Đảng trong đó và nó mang giá trị nhân văn sâu sắc.

          Với sự ra đời của Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943, hoạt động của các tổ chức văn hóa, văn nghệ của Đảng, nhất là hoạt động sáng tạo của các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ ngày càng phong phú và sắc bén; họ luôn bám sát nhiệm vụ Đảng giao, phản ánh sắc sảo, sinh động đời sống thực tiễn đấu tranh cách mạng, kịp thời động viên, cổ vũ phong trào toàn dân thi đua tăng gia sản xuất, giết giặc lập công, xây dựng đời sống văn hóa mới. Sự “lột xác” của không ít văn nghệ sĩ thể hiện ở chỗ dám trút bỏ “bộ cánh ủy mị, thướt tha”, tâm hồn mộng mơ, suốt ngày “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, thậm chí “để tâm hồn treo ngược ở cành cây, hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn gió” để quay về với đời sống hiện thực, hòa mình vào cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập của đồng bào, biết “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng). Vì vậy, trong sáng tác và tác phẩm của họ đã sáng ngời “ánh thép” và các văn nghệ sĩ đã biết “xung phong”. Khẳng định điều này, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Người đã thay đổi đời tôi, thay đổi thơ tôi”.

          Đi theo cách mạng, tắm mình trong thực tiễn, trực tiếp cầm bút và cầm súng chiến đấu; sử dụng sáng tạo phương pháp sáng tác xã hội chủ nghĩa, các văn nghệ sĩ nước ta thật sự đã trở thành những dũng sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, lý luận của Đảng; đã góp phần to lớn vào việc đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào, chiến sĩ, củng cố niềm tin chiến thắng cho họ; qua đó, thổi luồng không khí cách mạng vào đời sống xã hội Việt Nam; làm cho kẻ thù lo sợ. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị ra đời, khắc họa sinh động hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ”, phản ánh sát thực chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; có tác dụng tuyên truyền, giáo dục to lớn...

          Đáng kể trong kho tàng văn hóa, văn nghệ cách mạng là những bức thư, bài nói, viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của các văn nghệ sĩ về văn hoá, văn nghệ; là các văn kiện, tài liệu và nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII (bước phát triển cao dựa trên nền móng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhờ đó, đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng ngày càng sáng rõ, tỏa sáng; các tổ chức văn hóa, văn nghệ ở nước ta ngày càng được củng cố, phát huy tốt hơn vai trò, tác dụng. Lý luận văn hoá, văn nghệ Việt Nam ngày càng phong phú và sắc nét. Văn hóa, văn nghệ đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          Với đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; làm cho văn hoá thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân. Ở nước ta, văn hóa luôn luôn là một mặt trận; chăm lo xây dựng, phát triển văn hoá là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội và nó là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Trong những năm đổi mới toàn diện đất nước, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội đã và đang quan tâm xây dựng mới, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật, các nghị định, thông tư nhằm điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển, phù hợp với tình hình mới. Theo đó, các thiết chế văn hóa từ trung ương đến địa phương cũng được kiện toàn, củng cố và ngày càng được tăng cường. Nhiều công trình văn hóa mới được xây dựng và đang hoạt động có hiệu quả như thư viện, bảo tàng, tượng đài các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Đời sống văn hoá, văn nghệ ở cơ sở có bước phát triển, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống và cách mạng. Việc chấn hưng nền văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là những minh chứng hùng hồn khẳng định sự nhất quán, sức sống bền vững của đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn đã được Đảng ta vạch ra từ Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943.

          Kỷ niệm 70 năm ngày ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là dịp tốt để chúng ta ôn lại và nhìn thấy rõ hơn những giá trị soi đường, tác dụng định hướng của Đề cương; qua đó nhận thức đúng hơn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới. Chúng ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, song cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức mà toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra cần phải giải quyết.

          Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ cách mạng; coi sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đầu tư cho văn hóa, văn nghệ là đầu tư cho con người và cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư ngân sách xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa mới; tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn hóa nghệ thuật; kích thích, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cũng như đổi mới công tác quản lý các hoạt động trong lĩnh vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

          Trong bối cảnh hiện thời, đẩy mạnh và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật; phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm là một giải pháp tích cực; tạo ra động lực mới khuyến khích sự đóng góp sức người, tiền của từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhân dân để phát triển văn hóa, nghệ thuật là rất cần thiết. Quan tâm khuyến khích các văn nghệ sĩ lao động sáng tạo để có nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng tốt, có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, mang tầm vóc thời đại; có biện pháp tối ưu để giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, tiếp tục sáng tạo, bồi đắp, bổ sung những giá trị văn hóa mới, trên cơ sở mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa với các nước; tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tinh hoa văn hóa, nghệ thuật nước ngoài để bổ sung, làm giàu có bản sắc, tâm hồn, cốt cách, nhân cách người Việt Nam hiện đại. Tích cực đấu tranh bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, phản động, đồi trụy; khắc phục thái độ xem nhẹ vai trò văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Phấn đấu thực hiện thắng lợi chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã vạch ra là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng ta./.

Nguyễn Thành Trung (sưu tầm)

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy