Cách chăm sóc cây lưỡi mèo

Nếu bạn đang tìm một loài cây cảnh để bàn nhỏ xinh, mang những ý nghĩa tốt lành, tích cực thì cây lưỡi mèo chắc chắn là thứ bạn đang tìm rồi đấy. Một chậu cây bé nhỏ nhưng có tác dụng thanh lọc không khí vô cùng tốt, lại còn có vô số những lợi ích tuyệt vời khác. Hơn thế nữa, cây lưỡi mèo lại dễ nhân giống, dễ trồng và chăm sóc nên ai ai cũng yêu loài cây bé xinh này cả ^^.

Cách chăm sóc cây lưỡi mèo
Hình ảnh cây lưỡi mèo

Tên gọi và đặc điểm của cây lưỡi mèo

Cây lưỡi mèo có tên khoa học là Sansevieria trifasciata, thuộc họ Agavaceae (họ Măng tây). Đây là một loài cây cảnh trồng rất phổ biến trên khắp thế giới, xuất hiện nhiều nhất ở các nước châu Á và châu Âu.

Lưỡi mèo là loài cây thân thảo sống lâu năm, có kích thước khá nhỏ, vì vậy nên đây là một trong những loài rất phù hợp để trồng làm cảnh tại các không gian có diện tích nhỏ, vừa tăng sắc xanh cho không gian vừa tốt cho sức khỏe con người. Trung bình mỗi cây lưỡi mèo chỉ cao khoảng 15 – 40cm. Bù lại lá của cây mọc xếp lên nhau, xòe bung ra nên trông cây cứng cáp, xum xuê chứ không èo ọt.

Lá lưỡi mèo có hình bầu dục, phần đuôi lá bo tròn và nhọn dần về phía đầu lá, bề mặt lá nhẵn bóng, cứng cáp và trông mọng nước. Các lá xếp chồng lên nhau, xòe theo vòng xoắn, các lá non sẽ mọc từ bên trong, được các lá già bao bọc bên ngoài, trông cụm lá như búp hoa, tạo nên hình dáng cây tròn đều, đẹp mắt. Hiện nay ở nước ta có hai loại lưỡi mèo phổ biến, phân biệt chủ yếu qua màu sắc lá. Loại thứ nhất có lá màu xám xanh với những sọc màu xanh lục đậm chạy ngang. Loại còn lại là lá có màu vàng và xanh, với phần màu xanh đậm chiếm khoảng ⅔ lá, hai bên là hai đường màu vàng chạy dọc từ đầu lá đến cuống lá.  

Cách chăm sóc cây lưỡi mèo
Lá lưỡi mèo màu xám xanh với những sọc màu xanh lục đậm chạy ngang
Cách chăm sóc cây lưỡi mèo
Lá lưỡi mèo màu xanh viền vàng

Trồng lưỡi mèo trong nhà thì chúng ta sẽ hiếm khi thấy hoa và quả của chúng. Tuy nhiên loài cây này cũng có hoa quả đó nhé. Hoa lưỡi mèo có màu trắng đến xanh rất nhạt, thường mọc thành cụm, các cụm hoa có hình dạng thon dài. Đặc biệt khi hoa nở, chúng có mùi thơm nhẹ nhàng, tuy lan không xa nhưng rất “nịnh mũi”. Quả lưỡi mèo có hình tròn, nhỏ xíu và có màu vàng cam đặc sắc. 

Những lợi ích mà cây lưỡi mèo mang lại

Dù bé xíu nhưng phải nói loài cây này đa công dụng thật sự. Ngoài công dụng trồng trang trí giúp gia tăng vẻ đẹp, thẩm mỹ cho không gian gia đình thì loài cây còn có tác dụng rất tốt trong thanh lọc không khí. Theo nghiên cứu từ NASA, cây lưỡi mèo có khả năng thanh lọc không khí bằng cách loại bỏ một số độc tố có hại đến sức khỏe con người như formaldehyde, xylene, toluene,… trong đó phải kể đến các loại độc tố gây hại nguy hiểm đến đường hô hấp của con người. Không chỉ vậy, cây lưỡi màu có khả năng tạo khí oxi rất tốt, sở dĩ người ta có thể đặt cây này trong phòng ngủ mà không sợ cây gây hại như các loài khác là bởi vì cây lưỡi mèo có khả năng hấp thụ khí CO2 và thải ra khí O2 để cung cấp thêm không khí sạch cho con người, kể cả ban đêm. Trồng một cây lưỡi mèo bên cạnh, vừa tốt cho sức khỏe vừa có tác dụng giải tỏa căng thẳng, áp lực trong những giờ làm việc mệt mỏi. Quả thực là một loài cây đáng quý và tuyệt vời.

Cách chăm sóc cây lưỡi mèo
Trồng cây lưỡi mèo để bàn có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt

Không chỉ dừng lại ở đó, cây lưỡi mèo còn có công dụng trong y học, thường được dùng để điều chế một số loại thuốc chữa liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, mất tiếng, ho khan, ho gà,…

Về ý nghĩa phong thủy, cây lưỡi mèo được tin rằng có tác dụng xua đuổi những điềm xấu, những điều tiêu cực, mang lại may mắn, an lành cho gia chủ, giúp che chở, bảo vệ những người trong gia đình khỏi những điều xui xẻo, không may.

Tìm hiểu thêm hoa lay ơn

Phương pháp nhân giống cây lưỡi mèo

Cây lưỡi mèo dù bé nhỏ nhưng có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, khi cây trưởng thành sẽ liên tục mọc thêm các mầm non bên cạnh. Do đó, phương pháp nhân giống phổ biến nhất là tách bụi cây (tách chồi non).

Phương pháp thực hiện rất đơn giản, từ những cây mẹ khỏe mạnh, xanh tốt, không bị sâu bệnh hại, bạn chọn một chồi có từ khoảng 2 – 3 lá, nên nhớ tách lấy cả rễ để cây có thể sống bạn nhé. Khi thực hiện tách cây, bạn cần dùng dao sắc nhọn, thao tác nhẹ nhàng để tách phần chồi ra khỏi cây mẹ mà không làm tổn thương đến cây mẹ cũng như cây giống mang đi trồng. Bạn nên tách chồi kết hợp với thay đất (Khi tách thì bạn nên lấy cây mẹ ra khỏi đất để thực hiện dễ dàng hơn, sau đó trồng lại ngay vào đất và tưới nhẹ nước để cây mẹ nhanh chóng phục hồi). Sau khi tách chồi xong, bạn mang cây con vừa tách trồng vào đất, dùng tay nén đất nhẹ nhàng, sau đó tưới phun sương nước cho cây và đem cây vào nơi thoáng mát chăm sóc cây nhé. Khoảng vài ngày sau là cây đã phục hồi và bắt đầu sinh trưởng tốt rồi.

Video tham khảo cách tách cây lưỡi mèo

Ngoài ra, bạn có thể nhân giống lưỡi mèo bằng lá rất đơn giản. Thao tác chỉ cần tách các lá khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, cắt bỏ đi phân nửa từ phần giữa lá cho đến ngọn, rửa sạch bụi bẩn. Sau đó đem đi phơi nắng khoảng 5 – 7 ngày cho vết cắt khô, lưu ý chỉ nên phơi dưới nắng nhẹ (mang vào nơi thoáng mát trong khoảng thời gian 11h00 – 14h00). Khi thấy mặt cắt đã se khô chỉ cần đem lá giâm vào môi trường đất ẩm đã chuẩn bị trước đó là được.

Video tham khảo cách nhân giống lưỡi mèo từ lá

Cây lưỡi mèo có thể trồng được trong cả môi trường đất và nước.

Đối với môi trường đất

Cây lưỡi mèo có thể phát triển được ở nhiều loại đất khác nhau, nhưng thích hợp nhất là đất pha cát. Trước khi trồng cây vào chậu, bạn nên trộn thêm phân chuồng hoai mục và xơ dừa, tro trấu với đất để tăng độ tơi xốp, thông thoáng cho đất cũng như đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây. Đặc biệt lưu ý khi chọn chậu, phải chọn chậu có lỗ thoát nước để tránh trường hợp đất không thoát nước được, cây bị ngập úng dẫn đến chết cây.

Khi đã có đất và chậu trồng, bạn chỉ cần nhẹ nhàng đặt cây vào đất, lấp đất và nén chặt bề mặt đất lại. Sau đó tưới phun sương cung cấp độ ẩm ngay lập tức cho cây, sau đó có thể chăm sóc như cây bình thường là được.

Đối với trồng thủy sinh

Chậu trồng phù hợp nhất là chậu thủy tinh, nhằm khoe hết vẻ đẹp của cây lưỡi mèo. Đối với môi trường nước, bạn nên lấy nước giếng hoặc nước suối để trồng cây, hoặc nếu không có thì lấy nước lọc đóng chai cũng được, hạn chế lấy nước máy vì có tạp chất hóa học ảnh hưởng không tốt đến cây. Trước khi trồng vào chậu nên rửa sạch phần rễ cũng như thân lá của cây. Sau đó đặt nhẹ nhàng vào lọ nước, cố định để cây không bị lung lay là hoàn thành việc trồng rồi. Bạn có thể cho sỏi vào lọ trồng, vừa gia tăng tính thẩm mỹ, vừa cố định cây chắc chắn hơn. Nên thay nước với tần suất 1 – 2 tuần/ lần, vừa đảm bảo nước trong cho tính thẩm mỹ vừa đảm bảo cây đủ chất dinh dưỡng, nước bẩn dễ ảnh hưởng xấu đến cây. Nếu thích kết hợp nuôi trồng, bạn có thể cho vài em cá bảy màu vào lọ để nuôi cũng được bạn nhé ^^.

Một số lưu ý khi chăm sóc cây lưỡi mèo

Về nước tưới

Thật ra mà nói cây lưỡi mèo tốn rất ít công chăm sóc. Đầu tiên là về vấn đề tưới nước, cây lưỡi mèo chịu hạn khá tốt. Do đó bạn không cần tưới quá nhiều nước cho cây, mỗi tuần chỉ cần tưới cây 2 – 3 lần vào mùa nắng nóng, đối với mùa mưa tần suất tưới chỉ cần 1 lần/ tuần là đủ. Mỗi lần tưới thì nên tưới vừa phải, tránh tưới quá nhiều dễ làm cây bị ngập úng. Có đợt mình đi du lịch xa nhà, để cây ở nhà 2 tuần không tưới nước thế mà cây vẫn xanh tốt, chỉ có bề mặt đất là khô cằn đi thôi. 

Về nhiệt độ

Cây lưỡi mèo có thể sinh sống trong mọi điều kiện khí hậu, nhưng thích hợp nhất với nền nhiệt vào khoảng 17 – 30 độ C. Nếu cao hơn mức 30 độ C dễ làm cây bị còi cọc, khô héo. Nhiệt độ dưới 15 độ C làm cho cây phát triển chậm, thân lá nhỏ.

Về ánh sáng

Cây lưỡi mèo có thể sống được ở nơi bóng râm, có ánh nắng bán phần hay toàn phần đều được. Nếu có đầy đủ nắng, lá cây sẽ xanh tốt hơn và cây cứng cáp hơn. Do đó, nếu trồng cây trong nhà thì mỗi tuần bạn nên mang chậu cây ra ngoài trời để cây hướng nắng khoảng 1 – 2 tiếng vào buổi sáng để cây tích trữ đủ chất cho quá trình quang hợp.

Về phân bón

Lưỡi mèo là loài cây dễ chăm sóc vô cùng, vì thế nên nhu cầu phân bón của cây cũng không cao. Thỉnh thoảng chỉ cần bón ít phân chuồng hữu cơ, phân vi sinh cho cây là được. Nếu là phân hóa học thì có thể sử dụng NPK pha loãng để tưới cho cây kích thích cây mập mạp và xanh tốt hơn.

Như bạn thấy đấy, lưỡi mèo là một loài cây dễ trồng và dễ chăm sóc vô cùng. Nếu bạn không có nhiều thời gian chăm sóc cây nhưng vẫn muốn có một chậu cây xanh giúp thanh lọc không khí, gia tăng thêm tinh thần làm việc thì cây lưỡi mèo là lựa chọn đúng đắn rồi đấy ^^.

Một số hình ảnh khác của cây lưỡi mèo

Cách chăm sóc cây lưỡi mèo
Cách chăm sóc cây lưỡi mèo
Cách chăm sóc cây lưỡi mèo
Cách chăm sóc cây lưỡi mèo
Cách chăm sóc cây lưỡi mèo
Cách chăm sóc cây lưỡi mèo
Cách chăm sóc cây lưỡi mèo

Nguồn tham khảo thông tin:

  1. https://lamvuon.net/cay-luoi-meo/
  2. http://chohoaviet.com/cay-luoi-meo-phong-thuy-cay-thuy-sinh-dep/
  3. https://hatalandscape.com/cay-canh-de-ban/cay-luoi-meo-de-ban

Facebook

Twitter

Pinterest

ReddIt

Print

Ngọc Linh

Mình yêu thích cây cối và các loài hoa từ hồi bé tí ti luôn. Blog này là nơi mà mình thỏa sức với niềm đam mê bất tận đó

RELATED ARTICLESMORE FROM AUTHOR

Cây đầu lân

Phân biệt Đầu lân – Sala – Vô ưu – Top những loài cây linh thiêng nơi cửa Phật

Quả cây sa kê

Cây sa kê – Cây tạo bóng mát và có rất nhiều công dụng

Hoa hoàng lan mang những ý nghĩa đặc biệt

Ý nghĩa, công dụng và cách trồng hoa Hoàng Lan

LEAVE A REPLY Cancel reply

Please enter your comment!

Please enter your name here

You have entered an incorrect email address!

Please enter your email address here

Save my name, email, and website in this browser for the next time I comment.

Δ

Loài Hoa thú vị khác

Hoa lộc vừng

Hoa Lộc Vừng- Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và chăm...

Không khó để bắt gặp loài cây lộc vừng ở những con đường, con phố từ vùng quê đến cả thành thị. Vì đây...