Việt Nam đang theo đuổi chính sách thương mại nào

Mục lục bài viết

  • 1. Mở đầu vấn đề
  • 2. Xu hướng phát triển thương mại quốc tế ngày nay
  • 3. Đặc điểm nổi bật về xu hướng phát triển thương mại quốc tế ngày nay
  • 4. Một số vấn đề đặt ra Việt Nam cần quan tâm
  • 5.Xu hướng bảo hộ thương mại trong những năm gần đây

1. Mở đầu vấn đề

Chính sách thương mại quốc tế của một quốc gia bao gồm hệ thống các quan điểm, nguyên tắc và công cụ để thực hiện thương mại quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô đã định. Thế giới hiện nay tồn tại hai quan điểm song song và kết hợp về thương mại quốc tế, đó là quan điểm tự do với các nguyên tắc của thương mại quốc tế tự do và thương mại quốc tế bảo hộ với các công cụ bảo hộ.

Quan điểm thương mại quốc tế tự do được coi là xu hướng chính của thương mại quốc tế, bởi những lợi ích hướng đến người tiêu dùng khi hàng hóa và dịch vụ được tự do di chuyển giữa các quốc gia, giữa các khu vực [không còn rào cản và thuế bằng 0] và các Chính phủ gần như không can thiệp vào thị trường hay sản xuất hàng hóa trong nước [không có tài trợ, ưu đãi hay phân biệt đối xử]. Các liên kết kinh tế hiện nay như Tổ chức thương mại thế giới [WTO], Liên minh châu Âu [EU], Hiệp hội các quốc gia khu vực Đông Nam Á [ASEAN],… đều coi tự do thương mại là một nguyên tắc bắt buộc cho các thành viên tham gia.

2. Xu hướng phát triển thương mại quốc tế ngày nay

Các quốc gia trên thế giới hiện nay dù lớn hay nhỏ, sớm hay muộn đều đi theo xu hướng tham gia ngày càng nhiều vào quá trình hợp tác kinh tế khu vực và thế giới, đa phương, đa chiều, đa lĩnh vực, trong đó thương mại là một trong những lĩnh vực được coi là trọng tâm.

3. Đặc điểm nổi bật về xu hướng phát triển thương mại quốc tế ngày nay

- Nội dung hoạt động thương mại rộng lớn mang tính quốc tế, chi phối hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội. Do đó, thương mại ngày nay không chỉ là những hoạt động mua bán sản phẩm hàng hóa vật thể mà còn bao gồm cả những hành vi mua bán và dịch vụ phi vật thể, tất cả đều nhằm thu lợi nhuận.

- Hình thành các loại hình công ty, tập đoàn lớn, công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, với phạm vi hoạt động không biên giới và hình thành các tổ chức, hiệp hội thương mại khu vực và toàn cầu. Phạm vi tác động của thương mại quốc tế ngày nay mang ý nghĩa vô cùng sâu rộng, bao gồm nhiều thành phần thương mại, nhiều thương nhân và hợp thành mạng lưới chằng chịt các loại hình kinh doanh và dịch vụ; vừa liên doanh, liên kết, vừa tự do hoá, vừa độc quyền, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, vừa bình đẳng và không bình đẳng trong kinh doanh, đều cùng nhau tham gia hoạt động mua bán và dịch vụ trên thị trường, trên cơ sở hành lang pháp luật quốc gia và luật lệ quốc tế.

- Xu thế liên doanh liên kết thương mại song phương, đa phương, bình đẳng ngày càng mở rộng và không ngừng phát triển. Đặc điểm kinh doanh thương mại ngày nay gồm hai chiều hướng: Một là, kinh doanh chuyên ngành, theo một sản phẩm hay một thương hiệu nhất định thành một hệ thống trên toàn cầu. Hai là, tổ chức mô hình những công ty, tập đoàn kinh doanh tổng hợp với nhiều loại hình, nhiều hàng hóa và dịch vụ khác nhau để nâng cao ưu thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường khu vực và thị trường thế giới.

- Tự động hóa, hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, mua bán qua mạng, hoạt động kinh doanh và dịch vụ mang tính phổ biến và ngày càng phát triển.

- Do cạnh tranh trên thị trường ngày càng quyết liệt, thương mại không ngừng cải tiến phương thức phục vụ hiện đại và luôn luôn đổi mới dịch vụ theo xu hướng lấy người tiêu dùng làm trọng tâm và coi khách hàng như "thượng đế".

.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162

4. Một số vấn đề đặt ra Việt Nam cần quan tâm

Từ những đặc điểm trên đây của thương mại trong thời đại ngày nay và đặc biệt là khi Việt Nam đã là thành viên của tổ chức WTO, đặt ra cho nước ta một số vấn đề phải đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển quan hệ thương mại quốc tế:

Một là, phải có chính sách thương mại đúng đắn, phù hợp nhằm khai thác triệt để lợi thế so sánh thông qua quan hệ buôn bán quốc tế để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường khu vực và thị trường thế giới cho mình.

Lợi thế so sánh là những điều kiện và khả năng thuận lợi [hoặc khó khăn] của một nước này so với nước khác trong việc sản xuất cùng một loại sản phẩm hàng hóa hay kinh doanh và dịch vụ thương mại trong những thời điểm nhất định, nhằm đưa lại hiệu quả cao nhất cho mỗi quốc gia.

Lợi thế so sánh thương mại quốc tế bao gồm ba loại: lợi thế so sánh tự nhiên vốn có, lợi thế so sánh nảy sinh do sự phát triển của lực lượng sản xuất và lợi thế so sánh phát sinh do đổi mới chủ trương, chính sách và cơ chế quản lý Nhà nước. Khi nói về lợi thế tuyệt đối, A-đam Xmít, nhà kinh tế học cổ điển, cho rằng một nước chỉ nên sản xuất những loại hàng hóa sử dụng tốt nhất các loại tài nguyên sẵn có của họ để có lợi nhuận cao nhất. Việc tiến hành trao đổi giữa các quốc gia phải tạo ra lợi ích cho cả hai bên, nếu một quốc gia có lợi còn quốc gia khác bị thiệt thì họ sẽ từ chối tham gia vào thương mại quốc tế.

Khi tham gia trao đổi mua bán thương mại quốc tế, các quốc gia phải biết lựa chọn sản xuất và xuất khẩu những hàng hóa có lợi thế so sánh tốt nhất và nhập khẩu những hàng hóa mà mình sản xuất bất lợi nhất. Đây cũng là một bài học mà chúng ta đã rút ra qua hơn 20 năm đổi mới nền kinh tế. Một số sản phẩm của nước ta đang có lợi thế tuyệt đối trên thị trường quốc tế cần phải đẩy mạnh xuất khẩu.

Hai là, lựa chọn mặt hàng và thị trường có lợi nhất cho mình để phát triển và mở rộng quan hệ thương mại quốc tế.

Trong quan hệ thương mại thế giới, cần đa phương hóa, linh hoạt hoá thị trường, mở rộng buôn bán với nhiều nước. Song ở giai đoạn trước mắt đối với nước ta kinh tế chưa phát triển cao, các điều kiện về khoa học – kỹ thuật còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh còn yếu, cần lựa chọn những mặt hàng có chất lượng cao xây dựng thành thương hiệu quốc tế và những thị trường có khả năng và ưu thế riêng đối với mình để khai thác và tham gia xuất, nhập khẩu buôn bán thương mại, dịch vụ, trên cơ sở đó từng bước giành chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Ba là, hoàn thiện khung pháp luật cho hoạt động thương mại cả ở thị trường trong nước và thị trường ngoài nước. Đây là vấn đề hết sức cần thiết để phát triển lành mạnh thị trường trong nước làm cơ sở hậu phương cho phát triển thị trường ngoài nước. Thị trường trong nước phát triển vững chắc là điều kiện quan trọng để mở rộng thị trường ra ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu và chủ động nhập khẩu của nước ta, ngược lại thị trường ngoài nước được phát triển sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thị trường trong nước phát triển mạnh hơn, phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống.

Bốn là, thực hiện tốt các cam kết với WTO và các cam kết song phương khác về thương mại. Việc này chỉ có lợi cho ta, một mặt chứng tỏ với thế giới rằng Việt Nam là nước làm ăn nghiêm chỉnh đúng luật, đúng cam kết; mặt khác tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới và đặc biệt là của tổ chức thương mại thế giới WTO, khi chúng ta gặp phải những khó khăn, rào cản và tranh chấp về thương mại quốc tế.

Năm là, phát huy tốt vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước về thương mại.

Để phát huy đến mức cao nhất lợi thế so sánh thương mại, thì điều quan trọng là phải có những con người quản lý có tri thức mới về thương mại, cùng với những cơ chế, chính sách thương mại đúng đắn phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ mới và phù hợp xu thế phát triển và hội nhập kinh tế – thương mại khu vực và thế giới. Do vậy, vấn đề cốt lõi để thực hiện mục đích trên là phải nhận thức đúng đắn vai trò quan trọng quản lý Nhà nước đối với thương mại trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Nhà nước phải làm tốt chức năng quản lý kinh tế vĩ mô nói chung và quản lý hoạt động thương mại quốc tế nói riêng.

Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước đóng vai trò là người định hướng chiến lược, quy định khung pháp luật, đề ra những mục tiêu chung cho sự phát triển, công bằng, thống nhất điều hoà các quyền lợi chung và cá nhân.

Nhìn chung các nước hiện nay, kể cả các nước đã phát triển và các nước chậm và đang phát triển đều coi trọng việc kết hợp giữa cơ chế thị trường tự do và sự điều tiết của Nhà nước trong quản lý kinh tế thị trường để nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ quốc tế là xu hướng tất yếu của tất cả các nước trên thế giới, nhất là các nước đã phát triển; do năng lực sản xuất ngày càng lớn, cho nên luôn luôn ở tình trạng thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm có lợi nhất. Hoạt động thương mại quốc tế ngày càng mở rộng và cạnh tranh thị trường thế giới ngày càng gay gắt là tất yếu. Trong tình hình đó, để có lợi thế trong quan hệ thương mại thế giới, chen chân được vào thị trường thế giới và bảo đảm không thất bại thì nước ta cần có những chính sách thương mại quốc tế khôn ngoan, linh hoạt, mềm dẻo, vừa phù hợp với điều kiện của nước mình, vừa phù hợp thông lệ quốc tế, vừa đảm bảo luật pháp quốc gia, vừa đảm bảo luật lệ của "sân chơi" thị trường quốc tế.

5.Xu hướng bảo hộ thương mại trong những năm gần đây

Theo Global Trade Alert, kể từ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đã có thêm 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng gồm: biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế, rào cản địa phương, trợ cấp phí xuất khẩu, và các phân biệt đối xử. Xu hướng bảo hộ trở nên rõ ràng hơn so với những năm trước đó. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, Global Trade Alert đã ghi nhận 539 biện pháp bảo hộ, nhiều hơn so với 407 biện pháp bảo hộ trong cùng kỳ năm 2014 và 183 biện pháp được triển khai trong 10 tháng đầu năm 2012.

Tại châu Âu, xu hướng bảo hộ thương mại thể hiện rõ nét nhất khi nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý [Brexit] vào năm 2016, và hiện Anh đã chính thức rời EU, tạo ra các điều kiện, cơ hội để nước Anh đàm phán thương mại song phương với các đối tác mới trên phạm vi toàn thế giới.

Tại Mỹ, ngay từ khi tranh cử Tổng thống năm 2016, Ông Donald Trump luôn nêu ra khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”. Ngày 23/1/2017, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương [TPP] mà Mỹ và 11 nước trong khu vực đã ký, đồng thời, chủ trương đàm phán và thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương thay vì đa phương nhằm phát huy lợi thế của Mỹ và gia tăng lợi ích của Mỹ trong thương mại quốc tế; thúc đẩy xu hướng gia tăng bảo hộ và sẵn sàng tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng mà Mỹ có lợi thế để bảo vệ sản xuất trong nước. Chỉ trong năm 2017, Mỹ khởi xướng 02 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ [với pin năng lượng mặt trời và máy giặt]. Ngày 8/3/2017, Tổng thống Mỹ ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu. Lý do áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm bằng chính sách tăng thuế nhập khẩu được chính quyền Tổng thống Trump đưa ra là vì “an ninh quốc gia”.

Bảo hộ thương mại đã lên đến đỉnh điểm, tính đến thời điểm hiện nay là xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra khi quyết định của Chính quyền Tổng thống Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao đã chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2018 và Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp đáp trả. Hiện không ai có thể đoán chắc cuộc xung đột thương mại này sẽ kéo dài bao lâu, cũng như mức độ tác động của nó. Trung Quốc vốn được đánh giá là hưởng lợi từ thương mại tự do, cũng đang theo đuổi chính sách giảm nhập khẩu từ các nước bằng các biện pháp bảo hộ những mặt hàng, sản phẩm sản xuất ở trong nước.

Báo cáo về biện pháp thương mại của G20 cho thấy, từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2016, các nền kinh tế G20 đã áp dụng 145 biện pháp mới về hạn chế thương mại, trung bình mỗi tháng áp dụng 21 biện pháp, trong đó chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá.

Hội nghị thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng từ ngày 08-09/6/2018 tại Canada đã ra tuyên bố chung khẳng định vai trò cốt yếu của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy định, nêu rõ sự cần thiết của thương mại toàn cầu “tự do, công bằng và cùng có lợi” và “nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ”. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi Tuyên bố chung.

[MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.]

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê [Sưu tầm và biên tập].

Video liên quan

Chủ Đề