Việc nhà Lý thi hành chính sách ngụ binh ư nông có tác dụng gì

Chính sách “ngụ binh ư nông” – gửi binh ở nhà nông có tác dụng đảm bảo lực lượng tham gia sản xuất trong thời bình nhưng khi có chiến tranh hay bất cứ khi nào triều đình cần đều có thể đáp ứng ngay.

“Ngụ binh ư nông là chính sách thời phong kiến ở nước ta [thời Lý, Trần, Lê] cho một số binh lính luân phiên nhau về làm ruộng ở làng xã lúc bình thường, nếu có chiến tranh sẽ huy động tất cả đi chiến đấu” [Thuật ngữ và khái niệm lịch sử, tr 109, NXB ĐHQG, Hà Nội, 1996]. Chính sách “ngụ binh ư nông” với nội dung kết hợp chặt chẽ “binh” với “nông” như trên là một chính sách rất hay của tổ tiên ta các thời Lý, Trần, Lê. “Đời Lý, ngoại binh thì không cứ luân đến canh, hết phiên canh cho về nhà cày cấy, trồng trọt để tự cấp. Nhà Trần theo phép nhà Lý, binh các đạo đều chia nhau về làm ruộng cho đỡ tốn lương. Phép nuôi binh đời Lê đại để theo phép “ngụ binh ư nông” của thời Lý, Trần, không phải cấp lương bổng. Thời Hồng Đức trở về sau cứ theo phép ấy không đổi. Đó cũng là phép hay của đời vạn cổ” [Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 4, tr 3, 5, 6, 8, 20, NXB Sử học, Hà Nội, 1961].

Quân đội nhà nước có quân triều đình thường gọi là quân trong kinh hoặc cấm quân và các quân địa phương, quân các lộ [hoặc còn gọi là ngoại binh], quân các đạo, quân các châu. Ngoài ra, còn có các lực lượng dân binh [hương binh ở vùng đồng bằng và thổ binh ở vùng núi]. Đây là lực lượng dân chúng vũ trang đông đảo được động viên chủ yếu trong thời chiến, để chiến đấu ngay tại địa phương, nhưng cũng có khi tác chiến cơ động theo sự điều động của triều đình. Thổ binh thời chiến được huy động nhiều, còn thời bình số lượng rất ít vì đó là quân bản bộ canh phòng của các tù trưởng. Trong các thời Lý, Trần, Lê đều duy trì như vậy. Và Tuyên Quang cũng duy trì lực lượng quân sự bao gồm ngoại binh và thổ binh.

Thời nhà Lý, Tuyên Quang được biết đến là châu Vị Long với dòng họ Hà có tới 15 đời làm châu mục. Trước nguy cơ xâm lăng của nhà Tống, Lý Thường Kiệt với phương châm “tiên phát chế nhân”, thống lĩnh 10 vạn quân chia làm hai đạo thủy bộ đánh chiếm Ung châu, Khâm châu trên đất Tống. 

Dưới thời Lý, Trần, Lê, chính sách "ngự binh ư nông" tạo nên sức mạnh để giữ nước. 
Trong ảnh: Cánh đồng thôn Cao Đường, xã Yên Thuận [Hàm Yên]. 

Thân phụ Hà Hưng Tông cùng binh mã châu Vị Long [ngoại binh và thổ binh] giữ vai trò quan trọng, góp công vào chiến thắng này. Văn bia Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc [hiện ở tại Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa] đã ghi rõ: “Ngày qua tháng lại, năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh 1074, thân phụ Thái phó [cha của Hà Hưng Tông] chỉnh đốn vương sư, đánh sang ải bắc, vây thành Ung cho bõ giận; bắt tướng võ dâng tù binh. Do đó, thân phụ Thái phó được nhà vua ban chức Hữu đại liêu ban đoàn luyện sứ” [Thơ văn Lý - Trần, tập 1, tr 329, NXBKHXH, Hà Nội, 1977].

Thời nhà Trần nổi tiếng với ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, trong khi đại quân theo vua và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn rút khỏi kinh đô Thăng Long thì Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng lực lượng ngoại binh và thổ binh ở Tuyên Quang đã chiến đấu với cánh quân Nguyên từ Vân Nam xuống [để phối hợp với cánh quân của Thoát Hoan], trước đó Nhật Duật được lệnh trấn thủ Tuyên Quang “Cuối niên hiệu Thiệu Bảo, ông [Trần Nhật Duật] giữ trại Thu Vật ở Tuyên Quang” [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr 150, NXBKHXH, 2009]. Sau khi giao chiến với giặc, Trần Nhật Duật đã rút lui để bảo toàn lực lượng và hội với đại quân của nhà Trần.

Thế kỷ XVI đầy biến động với sự kiện Mạc Đăng Dung thoán ngôi nhà Lê, lập nên nhà Mạc tồn tại hơn 60 năm [từ 1527-1592]. Dưới thời vua Lê Chiêu Tông [1516 - 1522], Vũ Văn Mật được trao cho giữ chức Tổng binh ở Tuyên Quang. Hồi đầu niên hiệu Nguyên Hòa, Vũ Văn Mật giữ trọn được cảnh thổ, ra sức chống cự với nhà Mạc, tự đóng quân ở Đại Đồng, chia làm 11 doanh: huyện Phú Yên có doanh Phú Yên, châu Thu Vật có doanh Yên Thắng, châu Lục Yên có doanh Yên Bắc, châu Vị Xuyên có các doanh Bình Di, Bình Man, Trấn Uy, Yên Biên và Nam Dương, châu Đại Man có doanh Nghi, châu Bảo Lạc có doanh Bắc Kiệm và Trung Mang [Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, Kiến văn tiểu lục, tr 354, NXBKHXH, Hà Nội, 1977]. Như vậy, anh em con cháu họ Vũ 5 đời chiếm giữ vùng đất Tuyên Quang dốc sức xây dựng lực lượng ngoại binh và thổ binh tương đối mạnh để chống lại nhà Mạc. Nhà Mạc đã bốn lần đánh họ Vũ ở Tuyên Quang vào các năm 1537, 1538, 1578 và 1560 nhưng đều bị họ Vũ đánh bại, vì vậy, nhà Mạc không chiếm được Tuyên Quang.

Năm 1789, các thủ lĩnh họ Ma tập hợp thổ binh ở châu Đại Man [Chiêm Hóa] chặn đánh một cánh quân của nhà Thanh trên đường rút chạy qua Đại Man, Bảo Lạc về nước, tiêu diệt nhiều tên địch.

Việc xây dựng lực lượng vũ trang phòng giữ đất nước nằm trong nhân dân gắn liền với sản xuất trong chính sách “ngụ binh ư nông” dưới thời Lý, Trần, Lê là bài học kinh nghiệm quý báu của việc tiến hành chiến tranh giữ nước mang tính chất nhân dân rộng rãi, kết hợp quân sự với kinh tế trong sự nghiệp đấu tranh và giữ nước của dân tộc ta trước đây, là vấn đề có tính quy luật của việc xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Ngụ binh ư nông [chữ Hán: 寓兵於農], theo nghĩa tiếng Việt là "gửi binh ở nông: gửi quân vào nông nghiệp, cho binh lính lao động, sản xuất tại địa phương trong một khoảng thời gian xác định", là chính sách xây dựng lực lượng quân sự thời phong kiến ở Việt Nam

Đây là chính sách xây dựng quân đội gắn liền với nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Nhà Đinh là triều đại phong kiến đầu tiên ở Việt Nam áp dụng chính sách này. Bắt đầu từ thời Lý, quân đội được xây dựng mang tính chính quy và phân cấp thành quân triều đình [cấm quân đóng ở trong và xung quanh kinh thành, chịu trách nhiệm canh gác cung điện, phủ quan..., còn gọi là "thiên tử binh"] và quân địa phương [quân ở các lộ, đạo, dân binh ở hương, động, sách... còn gọi là "lộ quân" hay "sương quân"]. Sang thời Trần có thêm quân của các vương hầu nhưng số lượng không đáng kể. Sang thời Hậu Lê thì lực lượng này bị xoá bỏ, chính sách ngụ binh ư nông áp dụng cả với cấm quân ở kinh thành. Từ thời Mạc, áp dụng chế độ "lộc điền" [hay còn gọi là "binh điền"] nhằm ưu đãi cho lực lượng quân đội, chính sách ngụ binh ư nông không còn được áp dụng[1]. Tới khoảng năm 1790, một dạng của phép ngụ binh ư nông được Nguyễn Ánh thi hành ở khu vực Gia Định, miền cực nam Đại Việt, theo đó binh lính cũng được huy động vào việc sản xuất nông nghiệp. Họ vừa tham gia chiến đấu vừa được khuyến khích lẫn bị bắt buộc cầy cấy để tận dụng các mảnh đất bị bỏ hoang vì chiến tranh[2].

Cách thức tuyển binh

Cách thức tuyển binh được áp dụng tuỳ từng giai đoạn và từng loại quân như cấm quân, lộ quân hay phủ quân... Công việc này do các quan võ ở địa phương trực tiếp thực hiện dựa trên sổ hộ tịch mà các xã quan lập ra. Hàng năm các xã quan có trách nhiệm lập sổ hộ tịch, tiến hành kiểm kê dân đinh ở địa bàn mình quản lý. Trên cơ sở đó, xã quan phân dân sài thành các hạng: tôn thất; quan văn, võ; người hầu hạ; dân lưu xứ; hoàng nam; long lão [người già yếu]; người tàn tật. Nhà Lý gọi những đinh nam từ 18 tuổi trở lên đến tuổi binh dịch được gọi là hoàng nam, từ 20 tuổi trở lên gọi là đại hoàng nam. Nhà Trần thì gọi từ 18 đến 20 tuổi là Tiểu hoàng nam, từ 20 tuổi trở lên là Đại hoàng nam.

Tính quân luật được thực hiện nghiêm ngặt trong việc tuyển binh nhằm tránh hiện tượng khai man, bao che, hối lộ để trốn lính. Ngoài ra triều đình còn thường tiến hành các cuộc thanh tra ở các địa phương để nắm bắt tình hình, kịp thời chuẩn bị phòng khi đất nước có chiến tranh. Thời Trần, những người làm gian lận sổ hộ tịch để che giấu dân định bị rất nặng, người đào ngũ có thể bị chặt ngón chân hoặc thậm chí xử tử như tội phản quốc. Các trường hợp miễn quân dịch được quy định cụ thể như: không lấy con trai độc nhất, không lấy con quan từ Bát phẩm trở lên. Do sự chặt chẽ[3] đó nên quân số được huy động vào mỗi đợt chiến tranh không có sự chênh lệch quá lớn giữa số liệu thực tế và trên sổ sách.[4]

Phiên cấp quân đội địa phương

Việc phiên cấp quân địa phương [chia phiên và thời gian tập luyện] khá thuần nhất và đóng vai trò nòng cốt trong chính sách "ngụ binh ư nông". Sau mỗi lần tuyển binh, quân địa phương được chia thành nhiều "phiên" [một phiên là một đơn vị quân, số lượng tuỳ vào từng địa phương, cốt lấy người khỏe mạnh đủ có thể tham gia quân ngũ[5]]. Các phiên sẽ thay nhau tập trung tập luyện tại doanh trại trong một khoảng thời gian nhất định. Mỗi tháng sẽ tiến hành đổi phiên một lần. Việc thay phiên thường được thực hiện vào mồng Một hoặc ngày Rằm. Như vậy trong thời bình, binh lính chia nhau vừa sản xuất nông nghiệp ở địa phương vừa tập luyện ở doanh trại.[6]

Nhu cầu bảo vệ đất nước và bảo vệ chính quyền cai trị cần một lực lượng quân đội hùng hậu. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực để sản xuất nông nghiệp cho đời sống cũng rất lớn. Vì vậy việc đưa quân về địa phương luân phiên cày cấy giúp lực lượng này tự túc được về lương thực, bớt gánh nặng về lương thực nuôi quân cho triều đình[7].

Ngụ binh ư nông là việc liên kết hài hoà giữa việc quân sự và nông nghiệp, giữa kinh tế và quân sự, chuyển hóa nhanh từ thời bình và sang thời chiến khi cần. Nhờ chính sách này, triều đình có được lực lượng quân đội hùng mạnh, đông đảo trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì. Thời Lý có số quân tham chiến chống nhà Tống khoảng 10 vạn người[8], thời Trần khi có chiến tranh chống quân Nguyên có hơn 20 vạn quân[3], sang thời Lê sơ khi có chiến tranh có thể huy động 26-30 vạn quân[9].

Chính sách ngụ binh ư nông phản ánh tư duy nông binh bất phân [không phân biệt quân đội và nông dân], đâu có dân là đó có quân, phù hợp với điều kiện xây dựng nền quốc phòng của một nước đất không rộng, người không đông, cần phải huy động tiềm lực cả nước vừa sản xuất, vừa đánh giặc[10].

Tới những thời đại sau thời Lê sơ, chính sách này không còn được áp dụng do tình trạng cát cứ và chiến tranh triền miên trong cả nước. Ngay như thời Tây Sơn, thời đại mà trình độ quân sự phát triển rất cao, yêu cầu tác chiến thường xuyên không cho phép những người lãnh đạo duy trì chính sách này.

  • Quân đội nhà Lê Sơ
  • Quân đội nhà Trần
  • Quân đội nhà Mạc
  • Toàn quốc vi binh
  • Viện Sử học [1996], Vương triều Mạc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
  • Viện Sử học [2007], Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
  • Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên [2008], Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục
  • Đại Việt sử lược
  • Sơn Nam [2009], Lịch sử Khẩn Hoang Miền Nam [ấn bản 1], Nhà xuất bản Trẻ.
  • Nguyễn Tiến Dũng, Văn hoá Việt Nam thường thức, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc.

  1. ^ Viện sử học [1996], sách đã dẫn, tr 52
  2. ^ Sơn Nam, sách đã dẫn, tr 55-56
  3. ^ a b Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, sách đã dẫn, tr 181
  4. ^ Văn hoá Việt Nam thường thức, sách đã dẫn, tr 335-336
  5. ^ Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, sách đã dẫn, tr 182
  6. ^ Văn hoá Việt Nam thường thức, sách đã dẫn, tr 336-337
  7. ^ Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, sách đã dẫn, tr 126
  8. ^ Đại Việt sử lược, quyển 2
  9. ^ Viện Sử học, sách đã dẫn, tr 174
  10. ^ Nguyễn Trọng Tuấn - ĐẶC SẮC TƯ DUY QUÂN SỰ VIỆT NAM THỜI PHONG KIẾN

Lấy từ “//vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Ngụ_binh_ư_nông&oldid=66514822”

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề