Vì sao leo k2 khó hơn everét

Nguy hiểm nhưng các đỉnh núi cao trên thế giới vẫn khiến nhiều người muốn chinh phục.

Đỉnh Everest (8.848 m) Để chạm tới đỉnh Everest cao 8.848 m, người leo núi biết rằng mình có thể sẽ không bao giờ quay trở lại. Everest được mệnh danh là ngọn núi tử thần. Nhiều người đã tử vong ở đây khi đang leo núi vì nhiều lý do như thiếu oxy, suy tim, tê cóng, ngã hoặc do van bình oxy bị đóng băng. Đỉnh núi cao nhất thế giới nằm ở biên giới Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc). Nơi đây lần đầu được chinh phục bởi Tenzing Norgay và Edmund Hillary, người New Zealand. Kể từ đó, hơn 10.000 người đã leo lên đỉnh và khoảng 300 người đã bỏ mạng.

Ngọn núi đến nay vẫn bao phủ trong nhiều huyền thoại và là ước mơ của nhiều người. Đối với họ, việc chinh phục được đỉnh Everest quan trọng hơn cuộc sống, bất chấp những nguy hiểm về tính mạng. Tuy nhiên, theo các hướng dẫn viên, việc leo Everest trong thời gian gần đây đã trở nên an toàn hơn khi lượng người chinh phục thành công ngày một nhiều. Ảnh: Tim Chong/Reuters

Đỉnh K2 (8.611 m)
K2 là đỉnh núi cao thứ 2 của trái đất, nằm trên biên giới Kashmir và Tân Cương (Trung Quốc). Các nhà leo núi đặt biệt danh cho nó là "Ngọn núi hoang dã" do độ khó chinh phục của nó. Tính đến năm 2018, tỷ lệ tử vong khi chinh phục K2 là 23% trên 367 chuyến. Nỗ lực chinh phục đỉnh cao lần đầu được thực hiện vào đầu thế kỷ 20 nhưng không thành công. Chỉ đến năm 1954, một đoàn thám hiểm người Italy do Ardito Desio mới chinh phục được đỉnh K2. Trong nhiều năm, ngọn núi giữ danh hiệu là nơi duy nhất có độ cao hơn 8.000 m không thể chinh phục được vào mùa đông. Ảnh: mariachily

Đỉnh Kanchenjunga (8.586 m)
Kanchenjunga dịch từ tiếng Tây Tạng có nghĩa là "năm kho lớn chứa tuyết". Đỉnh núi nằm trên biên giới Nepal và bang Sikkim của Ấn Độ. Nơi đây cao 8.586 m và là ngọn núi cao thứ ba trên thế giới. Theo truyền thuyết địa phương, Kanchenjunga là hiện thân của một nữ thần, người cố gắng giết mọi phụ nữ cố gắng leo đến đỉnh. Người ta đã tin vào truyền thuyết này cho đến năm 1998, khi nhà nữ leo núi từ Anh Janet Harision chinh phục được đỉnh. Tuy nhiên, bà lại qua đời 4 năm sau khi đang leo dãy núi Dhaulagiri thuộc Himalaya. Ảnh: Flickr

Đỉnh Annapurna (8.091 m)
"Nữ thần của sự sinh sản" là tên của ngọn núi Annapurna khi dịch từ tiếng Phạn. Đây là ngọn núi cao thứ 10 hành tinh, 8.091 m. Ngọn núi nằm ở phần trung tâm dãy Himalaya thuộc Nepal. Đây là ngọn núi trên 8.000 m đầu tiên được con người chinh phục, song cũng rất nguy hiểm. Theo thống kê, trong 130 lần chinh phục đỉnh thành công thì có 53 nhà leo núi thiệt mạng. Trong số đó, bậc thầy thể thao của Liên Xô, Anatoly Bukreev cũng qua đời tại đây. Ảnh: Arite

Đỉnh Nanga Parbat (8.126 m)
Hãy nhìn vào bên trái - "Ngọn núi giết người" Nanga Parbat. Đó là dòng chữ trên tấm biển chỉ dẫn. Đỉnh núi cao 8.126 m, nằm ở sườn tây dãy Himalaya. Nó được xem là một trong những ngọn núi nguy hiểm nhất để leo khi xét về độ khó kỹ thuật do có nhiều vách đá dựng cao nhất thế giới, đặc biệt ở phía nam có bức tường Rupal cao 4.600 m. Lần đầu tiên lên đỉnh núi thành công được thực hiện vào năm 1953 bởi Hermann Buhl. Trong cùng năm đó, 62 người đã chết khi cố gắng lên đến đỉnh. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong trên ngọn núi này là 22,3% so với số người lên tới đỉnh. Ảnh: Musaf Zaman Kazmi/AP

Đỉnh Baintha Brakk (7.285 m)
Đỉnh Baintha Brakk xinh đẹp, cao 7.285 m, nhưng nguy hiểm khi có sườn núi Panmah Muztagh có biệt danh "kẻ ăn thịt người". Để chinh phục đỉnh núi này, bạn phải vượt qua địa hình bao gồm các đỉnh dốc và nhiều khe nước. Đây là một trong những đỉnh khó chinh phục nhất thế giới khi mất 24 năm giữa lần chinh phục thành công đầu tiên vào năm 1977 và lần thứ 2 vào năm 2001. Lần lên đỉnh thành công gần nhất được thực hiện bởi nhà leo núi người Mỹ Kyle Dempster và Hayden Kennedy vào 21/8/2012. Ảnh: Ben Tubby/Wikipedia Commons

Đỉnh Mont Blanc (4.810 m)
Nóc nhà Tây Âu có độ cao chỉ gần một nửa nếu so với các đỉnh trên dãy Himalaya. Đỉnh nằm trên dãy Alps, có tên được dịch ra tiếng Việt là Núi Trắng. Về kỹ thuật, việc leo lên Mont Blanc không quá khó nhưng vẫn có người tử vong tại đây hàng năm do tuyết lở và điều kiện thời tiết xấu. Mont Blanc lần đầu tiên được chinh phục vào năm 1786 bởi Jacques Balmat và Michel-Gabriel Paccard người Pháp. Ngày nay, ngọn núi được khoảng 35.000 nhà leo núi đến thăm hàng năm và khoảng 100 người trong đó thiệt mạng. Ảnh: Tinelot Wittermans

Trung Nghĩa (Theo Vokrug Sveta)

Nhóm leo núi vui mừng sau khi chinh phục thành công K2 vào mùa đông. Ảnh: NatGeo

Lúc 17h40 phút ngày 16/1, theo giờ Nepal, Nirmal "Nims" Purja - một thành viên nhóm leo núi - viết trên Instagram: "Lịch sử cho nhân loại. Lịch sử cho Nepal". Thông báo này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có một VĐV chinh phục thành công đỉnh K2 - cao 8.611 mét trên dãy Himalaya - vào mùa đông.

"Đây là ngày lịch sử của leo núi", trang National Geographic bình luận.

K2 là một phần trong dãy Karakoram của Pakistan, và là ngọn núi cuối cùng trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới - tất cả đều cao hơn 8.000 mét - được loài người chinh phục vào mùa đông. Đường lên đỉnh K2 được coi là hành trình khó khăn và nguy hiểm nhất, bởi địa hình và thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông đòi hỏi người leo có kỹ thuật chuẩn xác để đi tới đỉnh.

Chinh phục K2 trong cái lạnh -40 độ C của mùa đông là kết quả từ nỗ lực hợp tác giữa các nhóm leo núi người Nepal: một do Purja dẫn đầu, đội còn lại do Mingma G Sherpa, thuộc tộc người bản địa Sherpa, chỉ huy. Vào đêm trước khi leo lên đỉnh núi, hai nhóm kết hợp thành viên, đưa ra chiến lược chung để cố định dây thừng trên ngọn phía trên và hy vọng sẽ cùng nhau trèo lên.

Với cả Purja lẫn Mingma G, việc chinh phục đỉnh K2 trong mùa đông thể hiện niềm tự hào dân tộc và khoe năng lực leo núi Himalaya của bộ tộc họ. Purja chia sẻ: "Cả 13 đỉnh khác cao trên 8.000 mét đều đã được cộng đồng leo núi quốc tế chinh phục vào mùa đông, vì vậy sẽ là một kỳ tích tuyệt vời nếu nhóm leo núi Nepal làm nên lịch sử với K2".

Nirma Purja xem việc nhóm leo núi 10 người của anh chinh phục thành công K2 vào mùa đông là một niềm tự hào của Nepal. Ảnh: NatGeo

Còn Mingma G viết trên trang cá nhân: "Chuyến thám hiểm K2 vào mùa đông là hành trình dành cho đất nước". Các thành viên còn lại của hai đội gồm Sona, Mingma David Sherpa, Mingma Tenzi Sherpa, Geljen Sherpa, Pem Chiri Sherpa, Dawa Temba Sherpa, Dawa Tenjin Sherpa và Kilu Pemba Sherpa lên đỉnh K2 lúc 5h chiều. Họ cùng nhau hát quốc ca Nepal sau khi chinh phục đỉnh này.

K2 được xem là mục tiêu số một của nhiều nhà leo núi, vì các đỉnh trên 8.000 mét khác đều không thể làm khó các chuyên gia chinh phục leo trong mùa lạnh nhất. Bất chấp Covid-19, trong năm 2020 đã có hơn 60 người tập trung tại Trại căn cứ trên sông băng Godwin Austen của Pakistan để chuẩn bị cho cuộc leo núi. Số này có cả những người trả tiền để được công ty lữ hành chăm sóc và hỗ trợ chinh phục ngọn núi.

Tuy nhiên, khác với Everest hay các đỉnh núi cao khác, K2 có các mặt dốc đứng và đòi hỏi kỹ năng vững vàng. Không những thế, người leo núi còn thường xuyên gặp tình trạng lở đá và tuyết. Tính đến tháng 6/2018, hơn 4.000 người đã lên đỉnh Everest, nhưng chỉ 367 người đứng trên K2. Số đông đều đi vào tháng Bảy hoặc Tám - lúc thời tiết ấm nhất. Chưa ai từng lên đỉnh K2 làm vào mùa đông.

Chinh phục K2 vào mùa đông từng là việc bất khả thi với giới leo núi hàng chục năm nay. Ảnh: NatGeo

Nhóm chinh phục phải chịu đựng nhiệt độ lạnh hơn -40°C và gió giật khoảng 80km/h khi leo lên Abuzzi Spur ở sườn phía nam K2. "Bạn không thể tưởng tượng việc leo lên K2 vào mùa đông khó khăn thế nào, so với mùa xuân và mùa hè", Alex Txikon nói với National Geographic khi anh thực hiện kỳ tích vào hè 2019.

Mùa đông năm 1980, Everest lần đầu tiên có người chinh phục. Nhưng tới tháng 12/1987, khi một đoàn thám hiểm người Ba Lan đến Pakistan, họ mới cố gắng lên K2 vào mùa đông. Lúc đó, người Ba Lan thống trị môn thể thao leo núi có độ cao lớn ở Himalaya. Nhóm do Krzystof Wielicki dẫn dắt đã có chuỗi thành công chưa từng có trong những năm 1980. Trong tám năm, họ bảy lần là những người đầu tiên chinh phục các đỉnh núi cao trên 8.000 mét trong mùa đông. Nhưng riêng K2, họ đã thất bại.

Trong ba thập kỷ tiếp theo, năm cuộc thám hiểm khác đã được thực hiện, trong đó có nỗ lực thứ hai của nhóm Wielicki năm 2018. Tuy nhiên, không đội nào có thể đến được Trại 4 trên đường lên K2.

Các nhà leo núi phải chinh phục những ngọn dốc dựng đứng trong thời tiết khắc nghiệt nhất thế giới để lên đỉnh K2 vào mùa đông. Ảnh: NatGeo

Bất chấp những điều kiện khắc nghiệt khó tin và vô số rủi ro sinh tử, một số nhà quan sát cho rằng Thách thức lớn nhất khi lên K2 vào mùa đông là khả năng lãnh đạo. Alan Arnette - người đã ghi chép nhiều năm về những chuyến chinh phục ở Himalaya - viết trên tạp chí Rock and Ice của Mỹ sau khi năm 2019 kết thúc mà không ai lên được K2: "Bất kỳ người leo núi nào muốn thử chinh phục K2 vào mùa đông cũng cần có những kỹ năng tuyệt vời. Và họ cũng cần người lãnh đạo mạnh mẽ để quản lý cả nhóm. Bản thân những người leo núi phải hoạt động cùng nhau như một đội gắn kết".

Cả hai đội leo núi người Nepal đều hoạt động cùng nhau khi chinh phục các đỉnh cao trên 8.000 mét. Năm 2019, Purja lập kỷ lục leo cả 14 đỉnh cao trên 8.000 mét trong 6 tháng và 6 ngày, nhanh hơn bảy năm so với tốc độ chinh phục trước đó. Anh nhận được sự hỗ trợ từ nhóm của Sherpa - họ thay nhau đồng hành cùng anh trên các ngọn núi khác nhau. Với dự án K2, hai nhóm hợp tác chặt chẽ.

Với các nhà leo núi, phần khó khăn nhất chính là tình trạng thiếu hụt oxy. Theo thống kê, cứ ba người leo lên đến đỉnh K2 thì có một người chết ở đâu đó trên núi. Nhiều trường hợp tử vong khi đang đi xuống. Mới đây nhất là tai nạn của nhà leo núi người Tây Ban Nha - Sergi Mingote hôm 16/1. Mingnote được cho là chết do một cú ngã khi xuống Trại 1. Tháng 8/2008, 11 nhà leo núi cũng bị thiệt mạng trên đoạn cuối cùng "Bottleneck", hẹp và nguy hiểm, dẫn lên đỉnh K2.

Nhiều người đã bỏ mạng khi chinh phục K2 cả trong mùa đông lẫn mùa hè. Ảnh: NatGeo

Trong khi nhóm 10 người Nepal đang tìm cách xuống núi an toàn, hàng chục người khác đang ở Trại căn cứ và cân nhắc việc chinh phục K2 vài ngày tới. Rất có thể nhiều người nữa sẽ lên tới K2, nhưng sức hấp dẫn của việc lần đầu lên được đỉnh núi đầy tuyết trong mùa đông khắc nghiệt đã không còn nữa.

K2 là một phần của dãy núi lớn Karakoram nằm ở biên giới giữa Trung Quốc – Pakistan. K2 được công nhận là dãy núi cao thứ hai trên thế giới với độ cao là 8.611 m, sau Everest.

Thùy Liên (theo Nat Geo)