Tại sao thị trường chứng khoán giảm mạnh

(KTSG Online) – Những tháng đầu năm 2022, nhờ vào các nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh, mở cửa dần nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… đã giúp nền kinh tế đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, một trong những chỉ số phản ánh sự sôi động của thị trường tài chính là VN-Index lại liên tục sụt giảm.

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề nêu trên, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital (CFA), cho rằng sự giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là phù hợp với những gì đã diễn ra trên thị trường toàn cầu.

Những kết quả tích cực từ nền kinh tế

Từ các dữ liệu thống kê, Tổng cục Thống kê đã nhận định kinh tế-xã hội trong quý đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Đây cũng là cơ sở để chuyên gia của VinaCapital tin rằng, điều này sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua được cơn bão đang tác động đến các thị trường chứng khoán quốc tế hiện nay.

Một điểm đáng chú ý nữa, theo ông Michael Kokalari, số người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã giảm xuống và hầu hết các biện pháp giảm thiểu lây nhiễm Covid trong nước đều đã được loại bỏ, cho phép người tiêu dùng tiếp tục các hoạt động kinh tế hàng ngày của họ. Do đó, tăng trưởng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam tăng nhanh từ mức tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong 2 tháng đầu 2022, lên 10,4% trong tháng 3 và 12,1% trong tháng 4.

Tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 GDP của Việt Nam, vì vậy theo ông sự phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng hiện nay giúp củng cố dự báo của VinaCapital về tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.

Tiếp theo, theo ông, sự sụt giảm số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam đã dẫn đến sự gia tăng về số lượng người có việc làm trong ngành sản xuất trong một năm vào tháng 4 vừa qua. Sản xuất chiếm hơn 20% GDP của Việt Nam và tăng trưởng tốt với con số 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong 4 tháng đầu 2022, mặc dù ngày càng nhiều công ty cho biết họ gặp khó khăn trong việc đảm bảo đầu vào sản xuất do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc.

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi, chỉ số VN-Index (VNI) đang giảm mạnh mặc dù thị trường chứng khoán được nhận định đang có nhiều ưu thế. Những điểm mạnh đó bao gồm tỷ lệ P/E kỳ vọng đạt 11.4x so với kỳ vọng tăng trưởng thu nhập đồng thuận đạt 21% đối với các cổ phiếu VNI trong năm nay, và mức chiết khấu định giá khoảng 30% so với các quốc gia cùng khu vực.

Tại sao thị trường chứng khoán giảm mạnh
Theo ông Michael Kokalari, kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Tuy nhiên, trên thị trường tồn tại sự phân hóa hiệu quả đầu tư khá rõ rệt giữa các ngành khác nhau do sự khác biệt giữa các yếu tố cơ bản, và điều này tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư tìm được chỗ trú ẩn trong các cổ phiếu phòng thủ.

Ba lĩnh vực nổi bật là: dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin, giá cổ phiếu của các lĩnh vực này vẫn tăng từ trước đến nay, được hỗ trợ bởi kết quả quý 1 tốt, điều có thể được nhìn thấy trong bảng trên – và bởi các yếu tố cơ bản khác.

Cụ thể lợi nhuận và giá cổ phiếu của ngành dịch vụ tiện ích được hỗ trợ bởi tăng trưởng sản xuất điện đã tăng gấp đôi trong năm nay, còn cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu đang được hưởng lợi từ kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của một số công ty chủ chốt trong ngành.

Trong khi đó, lợi nhuận và giá cổ phiếu ngành công nghệ thông tin đang được thúc đẩy bởi doanh thu gia công phần mềm tăng khoảng 30% của FPT – một doanh nghiệp lớn trong ngành, cùng với đó là mức tăng gần 60% số lượng các hợp đồng gia công mới trong quý 1 của công ty này.

Ngoài ba lĩnh vực trên, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cũng lưu ý rằng lợi nhuận của các công ty ngành Vật liệu tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 1, được thúc đẩy bởi mức tăng lợi nhuận khoảng 8 lần của các công ty phân bón. Lợi nhuận của các công ty Hàng tiêu dùng thiết yếu tăng 45%.

Lợi nhuận của các công ty ngành tài chính tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 1-2022, và VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ đạt 36% trong năm tài chính 2022, nguyên nhân chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14% và mức tăng của biên lãi ròng tại các ngân hàng thương mại trong nước.

Lý do VN-Index liên tục sụt giảm

Theo ông Michael Kokalari, lý do VN-Index liên tục sụt giảm dù kinh tế mạnh mẽ và nhiều yếu tố hỗ trợ như trên là do ảnh hưởng từ đà sụt giảm liên tục của thị trường chứng khoán toàn cầu.

Và sự sụt giảm liên tục trên thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu là do kế hoạch tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi VinaCapital kỳ vọng Fed sẽ từ bỏ kế hoạch tăng lãi suất nếu thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc, thì đợt giảm điểm hiện tại trên các thị trường chứng khoán toàn cầu có thể còn tiếp tục diễn ra.

Theo ông, các thị trường chứng khoán mới nổi/cận biên sẽ gánh chịu áp lực từ mức tăng giá trị 15% so với cùng kỳ năm ngoái của đồng đô la Mỹ/DXY, bởi sự tăng giá của đồng đô la Mỹ (USD) thường không thúc đẩy các nhà đầu tư bỏ vốn vào các thị trường mới nổi/cận biên.

Bên cạnh vấn đề thị trường chứng khoán toàn cầu đang sụt giảm, theo chuyên gia này, việc các nhà đầu tư buộc phải bán các cổ phiếu liên quan đến cho vay ký quỹ đang tạo ra áp lực nặng nề lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong hai tuần qua.

Mặt khác, số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã tăng gần 70% trong 12 tháng qua, và hầu hết những người mới tham gia thị trường đều có xu hướng thích mở tài khoản giao dịch ký quỹ với hy vọng kiếm được lợi nhuận nhanh chóng trên thị trường chứng khoán.

Chuyên gia VinaCapital còn cho rằng sự giảm điểm tại thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đã kích hoạt các lệnh dừng ký quỹ (margin call), và nhiều nhà đầu tư mới này đang từ bỏ các vị thế mua của họ. Do đó, VinaCapitla ước tính rằng số dư ký quỹ đang lưu hành tại các công ty môi giới đã giảm khoảng 25% so với mức cao nhất từ vài tuần trước.

Tuy nhiên, bên cạnh việc buộc phải bán cổ phiếu, điều được thúc đẩy bởi các lệnh dừng ký quỹ mà các nhà đầu tư cá nhân phải đối mặt, theo ông còn có thêm một nhân tố liên quan đến việc bán tháo chứng khoán khác.

Ông dẫn thông tin báo chí đưa rằng một số công ty đã vay tiền với mục đích dành cho việc phát triển bất động sản và/hoặc các dự án khác, nhưng các công ty này sau đó đã đi ngược với lời cam kết của họ và sử dụng tiền để tham gia vào thị trường chứng khoán. Chính phủ hiện đang ngăn chặn tình trạng sử dụng nguồn vốn sai cách này, và đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các nhà đầu tư tổ chức buộc phải bán cổ phiếu.

Ông Michael Kokalari kết luận: việc giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là phù hợp với những gì đã diễn ra trên thị trường toàn cầu. Mặc dù áp lực bán tháo ngày càng gia tăng do sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mới lần đầu tiên đối mặt với các lệnh dừng ký quỹ, cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ đối với các công ty vay tiền để đầu tư cổ phiếu nhưng không điều gì trong số những lý do này có khả năng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hoặc đến tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết.

Trong quý 1, mức lợi nhuận này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, và chuyên gia VinaCapital kỳ vọng, lợi nhuận của tất cả các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM sẽ tăng gần 30% trong năm nay.

Và cuối cùng ông lưu ý rằng giá trị của tiền đồng gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù chỉ số USD tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. VinaCapital tin rằng khả năng phục hồi của tiền đồng bất chấp sự tăng giá mạnh của đồng USD là một chỉ báo chính xác về sức mạnh cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cũng như sự tăng trưởng của thị trường.

Tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư dẫn tới đà bán tháo diện rộng. VN-Index có thời điểm mất gần 80 điểm, mức giảm tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay, trước khi đóng cửa thấp hơn 68 điểm (4,95%).

Tại sao thị trường chứng khoán giảm mạnh

Đồ thị VN-Index từ đầu năm 2022. Ảnh: Trading View

"Quá kinh khủng", ông Võ Công Minh - Giám đốc kinh doanh Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán ACB, nói trong lúc nhìn đồ thị VN-Index rơi thẳng đứng.

Theo ông Minh, nguyên nhân chính khiến VN-Index có lúc mất 80 điểm là các công ty chứng khoán call margin lúc chỉ số vừa đảo chiều từ tăng thành giảm, dẫn đến những nhà đầu tư tâm lý không vững vàng bán ra và tích tụ dần thành một làn sóng bán tháo ngay buổi chiều.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, cho rằng lý do thị trường giảm sâu hôm nay vẫn là call margin, nhưng mức độ có thể nghiêm trọng hơn giai đoạn trước.

Chuyên gia này phân tích, đà giảm bắt nguồn từ áp lực bán tháo của nhóm bluechip, điều này có thể do nhóm đầu cơ đã giảm quá sâu khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách hạ tỷ trọng ở những nhóm cổ phiếu giữ giá gần đây.

Tại sao thị trường chứng khoán giảm mạnh

Sắc đỏ áp đảo toàn thị trường với nhóm bluechip dẫn đầu lúc 14h20 ngày 25/4. Toàn bộ 30 mã vốn hóa lớn trong VN30 chốt phiên dưới tham chiếu, quá nửa giảm kịch sàn. Ảnh chụp màn hình VNDS

Tuy nhiên, khi áp lực bán tháo quá lớn, giá giảm quá nhanh, những nhà đầu tư ở gần vùng nguy hiểm về tỷ lệ an toàn đã lập tức bị ảnh hưởng.

"Nếu trong phiên sáng, áp lực bán do call margin vẫn chủ yếu do nhà đầu tư chủ động tự thực hiện thì sang phiên chiều, áp lực này chuyển thành force-sell, từ các công ty chứng khoán", ông Minh cho biết.

Margin là hành động nhà đầu tư vay thêm tiền của công ty chứng khoán để tăng sức mua chứng khoán, sau đó sử dụng chính các chứng khoán đã mua làm tài sản thế chấp. Khi thị trường giảm giá, tỷ lệ tài sản ròng/giá trị chứng khoán thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì cho phép, công ty chứng khoán sẽ thực hiện call margin để phòng ngừa rủi ro cho mình.

Trong khi đó, Force-sell là trạng thái tài khoản của nhà đầu tư vi phạm tỷ lệ ký quỹ duy trì tối thiểu nên bị bán giải chấp bắt buộc để đưa tỷ lệ này về trạng thái an toàn.

Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của phiên hôm nay không chỉ dừng ở cách thức xử lý. Áp lực bán ra những phiên gần đây khiến giá nhiều cổ phiếu giảm rất sâu. Theo ông Minh, có tín hiệu cho thấy áp lực call margin đã xuất hiện ở nhóm nhà đầu tư cá nhân quy mô tài khoản lớn, hay còn gọi là "cá mập".

Một số cổ phiếu có diễn biến "lạ" khi bật ngược từ trạng thái "trắng bảng bên mua" lên mức giá xanh chỉ trong vài phút phiên ATC. Theo ông, có thể là cách để chống call margin với những nhà đầu tư này. "Nếu điều này là đúng, có thể nhiều 'cá mập' đã gần chạm ngưỡng tỷ lệ ký quỹ duy trì", vị này dự đoán.

Những nhà đầu tư này có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng dưới áp lực của thị trường, không loại trừ khả năng cũng bị call margin như những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Điều này là rủi ro lớn khi lực đỡ của thị trường vẫn tương đối yếu dù đã giảm sâu. Trong những phiên lao dốc gần đây, thanh khoản không tăng, thậm chí có phiên còn ở mức thấp. Con số này cho thấy dòng tiền vẫn rất thận trọng, thậm chí kỳ vọng mức giá còn giảm thêm.

"Nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục xấu, áp lực sẽ là rất lớn khi tỷ lệ ký quỹ duy trì của nhiều 'cá mập' chạm ngưỡng rủi ro", ông Minh nói, nhưng lưu ý đây chỉ là kịch bản xấu nhất. Ông kỳ vọng thị trường sẽ trụ được ngưỡng 1.300 điểm và có nhịp hồi kỹ thuật trong những phiên tới.

Tại sao thị trường chứng khoán giảm mạnh

Sàn giao dịch chứng khoán trên đường Pasteur, quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Riêng với nhà đầu tư cá nhân, chuyên gia này khuyến nghị việc quan trọng lúc này không phải là "bán tháo" bằng mọi giá mà là giữ tài khoản ở mức độ an toàn. Nhà đầu tư nên hạ tỷ lệ margin về mức thấp, tránh tình trạng force-sell xảy ra. Việc bán trong bối cảnh thị trường đã giảm rất sâu như hiện nay mang lại nhiều rủi ro hơn là lợi ích.

Trong bản tin cuối phiên hôm nay, Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, nếu xét trên khía cạnh định giá, P/E của VN-Index sau phiên hôm nay là khoảng 15,5 lần, xấp xỉ mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, P/E của nhóm VN30 chỉ có 14,8 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm.

"Với mức định giá như trên, chúng tôi cho rằng khả năng thị trường giảm mạnh là khó có thể xảy ra và trong phiên giao dịch 26/4, VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm được giữ vững", báo cáo của SHS cho biết.

Khác với SHS, nhiều công ty chứng khoán khác đưa ra kịch bản kém tích cực hơn. Công ty chứng khoán KB Việt Nam đánh giá sau khi đánh mất vùng hỗ trợ gần, việc VN-Index giảm sâu với thanh khoản tăng trở lại trong các nhịp sụt giảm phá đáy cho thấy áp lực của bên bán đang chiếm ưu thế. Theo đó, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh trong những phiên tới trước khi xác lập một vùng giá cân bằng hơn.

Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) thì khuyến nghị nhà đầu tư không nên bắt đáy và hạn chế giao dịch với các nhà đầu tư ngắn hạn. Mức độ rủi ro của thị trường ngày một lớn hơn với mức sát thương cao. Các ngưỡng hỗ trợ tiếp tục tỏ ra kém hiệu quả trong một thị trường với áp lực tâm lý hoảng loạn và dễ bị hiệu ứng theo đám đông.

Mặc dù vậy, TVSI vẫn ủng hộ quan điểm chọn lọc mua vào gia tăng trạng thái cổ phiếu với các nhà đầu tư theo mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Minh Sơn