Phong toả hẻm bao lâu

Nhân viên y tế tiến hành test nhanh cho kết quả tại chỗ cho người dân tổ 15, ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn [TP.HCM] vào tối 1-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Việc xét nghiệm trong khu phong tỏa, ở chợ và khu dân cư có F0 sẽ thực hiện mấy lần?

- Với tình hình dịch ở TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có đề nghị đối với vùng lõi, vùng phong tỏa, vùng áp thiết chế cách ly tập trung... cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm một lần để tìm ra các ca nhiễm, sớm cách ly khỏi cộng đồng. 

Đối với khu vực có nguy cơ thì 5 - 7 ngày lấy mẫu xét nghiệm một lần, có thể sử dụng test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR.

Đối với các khu vực khác, tiến hành giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu theo hộ gia đình. Có thể áp dụng cả xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm gộp mẫu. 

Hiện nay, tại TP.HCM đang ưu tiên áp dụng lặp lại xét nghiệm ở những vùng phong tỏa xét nghiệm 2 - 3 ngày/lần, khu vực có nguy cơ cao xét nghiệm 5 - 7 ngày/lần để loại bỏ nguồn lây trong cộng đồng.

* Quy định về số ngày phong tỏa ở khu dân cư và các chợ cụ thể như thế nào?

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM trả lời: Nhằm khoanh vùng dập dịch triệt để, không để dịch lan rộng trong cộng đồng và lan sang các vùng, địa phương khác..., vùng cách ly y tế [khu vực phong tỏa] sẽ được thiết lập theo quy mô phù hợp với tình hình dịch bệnh như cụm dân cư, khu phố, dãy phố, thôn, tổ, đội, ấp, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị.

Chỉ định phong tỏa ít nhất 14 ngày hoặc kéo dài thời gian hơn [tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh] trong cộng đồng nơi đó. Việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây nhiễm chéo, từng hộ gia đình [bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất] lần lượt được mời ra điểm lấy mẫu.

Tại khu vực phong tỏa cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly y tế; thực hiện cách ly tại từng hộ gia đình trong cộng đồng với nguyên tắc nhà cách ly với nhà; đảm bảo từng nhà đóng cửa, không ai được ra khỏi nhà, trừ người có nhiệm vụ hoạt động trong khu vực phong tỏa.

* Trong những ngày tới, TP.HCM sẽ xét nghiệm đại trà ở các quận huyện như thế nào?

- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, qua thông tin điều tra truy vết, TP.HCM đã lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch, phân loại các vùng nguy cơ tại các địa bàn quận, huyện để từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. 

Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm này phải có sự cân đối số lượng xét nghiệm nhằm phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh và chính xác.

Ngoài ra để việc chống dịch thuận lợi, thành phố đã phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động quyết định các biện pháp phòng dịch trên địa bàn. Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, các quận huyện linh hoạt tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh.

Test nhanh COVID-19 có thể thực hiện tại nhà?

Một người bán thịt ở Phú Yên tự mua dụng cụ test nhanh và phát hiện mắc COVID-19, gọi báo trạm y tế, việc này đang được nhiều người quan tâm. Có thể mua test nhanh và tự xét nghiệm tại nhà, kết quả đáng tin cậy không?

Ông Nguyễn Tử Hiếu [phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế] cho biết:

Test nhanh COVID-19 chỉ có giá trị sàng lọc, trường hợp kết quả dương tính vẫn phải làm lại xét nghiệm PCR để khẳng định. Tại Việt Nam hiện áp dụng 3 phương pháp xét nghiệm COVID-19: xét nghiệm PCR, xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể.

Trong đó, xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên đều cho kết quả nhanh hơn so với PCR. Test nhanh kháng nguyên sử dụng mẫu bệnh phẩm là dịch hầu và nước bọt, test nhanh kháng thể sử dụng mẫu máu để xét nghiệm. Sắp tới sẽ có thể xét nghiệm bằng hơi thở.

Về mức độ chính xác, test nhanh kháng nguyên là phương pháp đang bàn đến ở đây cho kết quả chính xác khoảng 80%. Cách xét nghiệm rất đơn giản, lấy mẫu bệnh phẩm cho vào ống dung dịch rồi nhỏ vào khay thử, thời gian cho kết quả 15 - 30 phút.

Hiện có 7 sản phẩm test kit nhanh kháng nguyên đã được cho phép lưu hành, bao gồm 1 sản phẩm sản xuất trong nước và 6 sản phẩm nhập khẩu, giá từ 100.000 - 200.000 đồng/test kit.

Tuy xét nghiệm đơn giản nhưng ngành y tế không khuyến cáo người dân làm xét nghiệm tại nhà mà nên đến cơ sở y tế, do các nguyên nhân có thể xảy ra như dùng bộ xét nghiệm không đúng cách, lấy mẫu bệnh phẩm không đúng... sẽ dẫn đến kết quả không chuẩn xác.

Mẫu bệnh phẩm lấy và để ngoài môi trường [tại nhà] cũng có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh.

L.ANH

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19

Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.

Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ trong 15 ngày để dập dịch.

TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm tận nhà để truy vết F0

HƯƠNG THẢO

Một cán bộ phụ nữ P.13 [Q.Tân Bình, TP.HCM] mang giúp quần áo đến tận phòng trọ trong khu phong tỏa cho tác giả bài viết - Ảnh: NVCC

Ngày 30-5

Chuông điện thoại reo. Một chị ở hẻm kế bên hẻm nhà tôi báo tin hẻm nhà tôi người ta lập chốt phong tỏa rồi. Có một ca dương tính sống cách nhà tôi 10 căn.

Tôi sống một mình trong phòng trọ ở TP.HCM. Tôi sức khỏe yếu, đi lại khó khăn hơn người bình thường. Từ sau lễ 30-4, 1-5, thành phố lại râm ran thông tin ca nhiễm, tôi ở yên trong nhà phòng dịch. 

Chị hàng xóm ấy gửi hình ảnh hàng rào phong tỏa ngay đầu hẻm nhà trọ của tôi cho tôi xem. Tôi ra cổng, quả thật không khỏi hốt hoảng khi nghĩ về tình cảnh mới.

Cùng ngày, cả khu phố xếp hàng chờ đến lượt mình lấy mẫu xét nghiệm. Tôi cũng đứng vào dòng người xếp hàng giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa Sài Gòn. 

Nhưng những "chiến binh" đang mặc áo bảo hộ kín mít làm nhiệm vụ xét nghiệm kia mới là những người vất vả nhất. Đông người quá, các anh chị ấy bảo tôi về đến khi vắng người sẽ xét nghiệm sau.

Sáng 31-5

Điện thoại tôi lại reo. Chị chủ tịch hội phụ nữ phường gọi điện thoại hỏi thăm tôi có cần hỗ trợ gì không? Tôi bảo chiều 30-5, khi vừa nghe tin sẽ giãn cách xã hội, đã đi siêu thị online trên Grab rồi. 

Tôi nhờ chị hỏi thăm xem khi nào có kết quả xét nghiệm. Bạn bè và gia đình tôi liên tục hỏi thăm. Tôi nhẹ nhõm khi hay tin cả khu phố tôi đều âm tính. Con hẻm vẫn còn hàng rào phong tỏa, tuy nhiên chỉ có duy nhất dãy nhà số 10, nơi có ca dương tính, mọi người không được ra ngoài.

Ngày 2-6

Tôi "cầu cứu" chị chủ tịch hội phụ nữ phường để nhờ ghé tiệm giặt ủi lấy giùm quần áo và drap giường. Ngày thường, có một bác tốt bụng tuần nào cũng ghé nhà tôi lấy đồ về giặt, thay drap giường và lau dọn nhà cửa; nhà nấu món gì ngon cũng để phần mang qua cho tôi. Lần này ai ở yên nhà nấy. Một bạn nữ trẻ chạy qua giúp tôi lau nhà và đem áo quần về giặt. 

Còn những công việc khác tôi có thể tự làm. Tôi ưu tiên nước ép cam và ép ổi uống mỗi ngày để tăng thêm sức đề kháng. Mỗi sáng tôi pha một ly mật ong nóng uống nhằm bảo vệ sức khỏe.

Tranh thủ những ngày này, tôi tranh thủ làm các hoạt động thiện nguyện. Những thùng khẩu trang mọi người thông qua nhóm chúng tôi. Tôi tranh thủ hoàn thành cho xong bản thảo cho cuốn sách thứ 5 mang tên "Chuyến phiêu lưu của những điều tử tế". 

Cố gắng làm việc nhiều, làm việc tốt cũng là cách tôi tự giúp mình thoát khỏi tâm trạng tệ hơn khi thấy một người khiếm khuyết thân thể như mình là người yếu thế, thừa thãi. Có lúc tôi đã bật khóc như một đứa trẻ.

Bình thường tôi luôn cố gắng, không muốn nhận mình là người yếu thế. Xa nhà tự lập gần 14 năm trời, qua bao khó khăn tôi vẫn cứ vững tin bước đi. 

Sau hơn một năm dịch bệnh, có những tháng tôi hoang mang tự hỏi không biết tháng sau có thu nhập đủ để sống tiếp ở Sài Gòn nữa không? Nhất là khi nhìn những người bình thường khỏe mạnh cũng phải lần lượt bỏ về quê vì làn sóng COVID-19.

Ngày 7-6

Hơn một tuần u ám với những suy nghĩ tiêu cực trong căn nhà trọ 18m2. Lướt mạng xã hội tôi thấy mọi người tình nguyện xin tham gia công tác chống dịch, đi phát thực phẩm trong các khu cách ly, tôi lại hừng hực khí thế. 

Lướt thấy Zalo của chị chủ tịch hội phụ nữ phường đang có hoạt động tiếp tế lương thực cho các khu vực bị cách ly, tôi đã vội nhắn tin hỏi xem có thể cho mình xin tham gia được không? Chị bảo mai sẽ phát hàng hóa cho những người đang cách ly không được ra ngoài. 

Chiều đó, tôi được ra ngoài một chút. Mọi người đang trật tự xếp hàng để nhận nhu yếu phẩm tiếp tế, hình ảnh các bạn dân quân và thanh niên phường chung tay giúp người dân thật đẹp giữa bao khó khăn thời COVID-19.

Ngày 12-6

Sắp hết hai tuần giãn cách ở TP.HCM. Mọi người xung quanh tôi nghiêm túc chấp hành quy định phong tỏa trong sự hỗ trợ hết mình của lực lượng chức năng. 

Họ không để ai thiếu thốn trong những ngày này, nhu yếu phẩm được mang đến tận nơi trao tặng, hầu như không thiếu thứ chi. Thành phố có thêm nhiều nơi trong tình cảnh như chúng tôi. Và tất cả đều được chăm sóc, chia sẻ. Thêm niềm tin, vơi nỗi lo.

Người Việt mình lúc khó khăn là lúc thấm đẫm tình nghĩa đồng bào. Ở nơi phong tỏa mới thấy mình hạnh phúc nhất trong lòng cộng đồng.

NÓNG: TP.HCM tạm phong tỏa Bệnh viện Bệnh nhiệt đới

TRẦN TRÀ MY

Video liên quan

Chủ Đề