Nội dung tổ chức phương pháp huấn luyện

10/17/2016 8:08:03 AM

Huấn luyện là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên; là cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Phát huy kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ý thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện, những năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, toàn quân đã tạo được bước chuyển biến tích cực, toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Nổi bật là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện có nhiều đổi mới, sát với yêu cầu, nhiệm vụ của từng lực lượng, đơn vị, địa bàn. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ huấn luyện được nâng lên. Chương trình, nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp huấn luyện tiếp tục được đổi mới, phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị toàn quân đã bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu. Toàn quân đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng, thực binh có bắn đạt thật, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp,... đạt kết quả tốt. Công tác kiểm tra, phúc tra huấn luyện tiến hành nghiêm túc, từng bước khắc phục bệnh thành tích trong huấn luyện. Công tác bảo đảm huấn luyện được quan tâm đúng mức. Toàn quân đã hoàn thành quy hoạch tổng thể hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo; hoàn thành một số thiết kế mẫu trường bắn, thao trường huấn luyện và bước đầu quy hoạch được một số trường bắn biển, phục vụ huấn luyện, diễn tập bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chất lượng huấn luyện các lực lượng: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng dự bị động viên có chuyển biến tiến bộ, v.v.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức huấn luyện. Một số cấp ủy, người chỉ huy chưa quan tâm đầy đủ đến nhiệm vụ huấn luyện. Công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên. Công tác chỉ đạo, điều hành huấn luyện có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp. Nội dung, phương pháp huấn luyện đã có sự đổi mới nhưng chưa toàn diện; việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào huấn luyện hiệu quả chưa cao. Công tác bảo đảm huấn luyện chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Chất lượng huấn luyện chưa thực sự đồng đều, vững chắc, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là trong huấn luyện lực lượng dự bị động viên và huấn luyện khai thác sử dụng vũ khí, trang bị thế hệ mới. Toàn quân còn để xảy ra nhiều vụ mất an toàn trong huấn luyện, gây tổn thất về con người, vũ khí, trang bị, phương tiện, v.v. Những tồn tại, hạn chế trên đây cần phải được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời trong thời gian tới.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho toàn quân những yêu cầu cao hơn trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, công tác huấn luyện còn không ít khó khăn, như: kinh phí đầu tư cho huấn luyện còn hạn hẹp; vũ khí, trang bị tính đồng bộ, ổn định chưa cao. Đội ngũ cán bộ trải qua chiến đấu, có kinh nghiệm trong chỉ đạo huấn luyện giảm nhiều; cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, nhưng kinh nghiệm, kỹ năng thực hành còn hạn chế. Trình độ của bộ đội có mặt chưa theo kịp sự đổi mới, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đối tượng tác chiến luôn có sự phát triển cả về vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự, v.v. Trước bối cảnh đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, tạo bước đột phá nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, toàn quân cần tiếp tục triển khai toàn diện các mặt công tác huấn luyện bằng các biện pháp thiết thực, hiệu quả, đồng bộ, quyết liệt; trong đó, chú trọng thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1- Thường xuyên coi trọng và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác huấn luyện, nhất là Nghị quyết 765. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho bộ đội về vị trí, ý nghĩa của nhiệm vụ huấn luyện; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này. Về nhận thức, toàn quân phải thấu suốt huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên, cơ sở để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang; nâng cao chất lượng huấn luyện là trách nhiệm của mọi đơn vị, mọi cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết nhiệm vụ huấn luyện 5 năm (2011 - 2015), các cơ quan, đơn vị cần có biện pháp để phát huy kết quả đã đạt được, nhân rộng những kinh nghiệm hay, những điển hình tiên tiến; nêu cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác huấn luyện; tập trung đột phá vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, chú trọng khắc phục triệt để những khâu yếu, mặt yếu, tư tưởng bảo thủ, ngại khó, ngại khổ, bệnh thành tích trong huấn luyện, v.v. Cơ quan quân huấn các cấp, trước hết là Cục Quân huấn chủ động bám sát thực tiễn, tích cực nghiên cứu, làm tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị đẩy mạnh đổi mới công tác huấn luyện theo tư duy mới về quốc phòng, quân sự của Đảng và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nội dung tổ chức phương pháp huấn luyện

Trung tướng Phạm Hồng Hương phát biểu khai mạc lớp Tập huấn quân sự
toàn quân năm 2016. (Ảnh: mod.gov.vn)

2- Tích cực nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và phương pháp huấn luyện theo hướng thiết thực, hiệu quả. Theo đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghiên cứu đổi mới cách đánh, phù hợp với sự phát triển của đối tượng tác chiến, tổ chức biên chế, trang bị vũ khí của ta trong điều kiện chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao, làm cơ sở để đổi mới nội dung huấn luyện. Toàn quân tiếp tục thực hiện phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với thực tế chiến đấu. Lấy huấn luyện tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao làm môi trường để rèn luyện bộ đội; lấy nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân làm cơ sở để xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện. Tích cực chuẩn hóa nội dung, chương trình và tình huống huấn luyện cho các đối tượng, theo quan điểm lấy huấn luyện lục quân làm trung tâm, tác chiến trên bộ là nòng cốt; lấy mục tiêu tiêu diệt, tiêu hao địch trên biển, trên không, đánh thắng chiến tranh trên bộ để huấn luyện bộ đội. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị kết hợp chặt chẽ huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị; giáo dục, đào tạo gắn với huấn luyện chiến đấu; huấn luyện sát nhiệm vụ, phương án chiến đấu, đối tượng tác chiến, lấy thực hành là chính; kết hợp huấn luyện với rèn luyện thể lực bộ đội, v.v. Rút kinh nghiệm từ thực tế, các đơn vị cần chú trọng hơn đến huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm; tăng cường huấn luyện làm chủ, khai thác hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới; huấn luyện nâng cao khả năng cơ động phòng tránh, đánh trả trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; khắc phục hiện tượng giản đơn, chưa bám sát yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Đối với lực lượng dự bị động viên, cần tiếp tục thực hiện huấn luyện theo hướng “cơ bản, thiết thực, chất lượng”, phù hợp thực tế địa bàn, đơn vị; chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ, năng lực chỉ huy, tham mưu cho cán bộ khung B, cán bộ quân sự cấp cơ sở và trình độ kỹ thuật, chiến thuật, khả năng hiệp đồng với các lực lượng trên địa bàn của lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt, thường trực, v.v. Mặt khác, toàn quân tăng cường tổ chức diễn tập ở các cấp; trong đó, chú trọng gắn diễn tập chiến dịch, chiến lược với diễn tập chiến thuật, tích cực diễn tập thực binh có bắn đạn thật, diễn tập vòng tổng hợp, diễn tập đối kháng, diễn tập tác chiến hiệp đồng quân - binh chủng gắn với tác chiến khu vực phòng thủ. Đồng thời, tích cực đổi mới tổ chức hội thi, hội thao, kiểm tra, phúc tra, đánh giá kết quả huấn luyện. Tổ chức hội thi, hội thao cấp toàn quân 05 năm, cấp trực thuộc Bộ 03 năm một lần; cấp dưới đầu mối trực thuộc Bộ 02 năm tổ chức một lần; còn lại dành cho cấp cơ sở, nhằm đảm bảo chất lượng, tránh tràn lan, hình thức.

3- Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành huấn luyện. Những năm qua, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành huấn luyện trong toàn quân đã có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu huấn luyện trong tình hình hiện nay, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành huấn luyện theo tinh thần Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương, đảm bảo “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, “phân rõ trách nhiệm của cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật”. Các đơn vị cần quan tâm kiện toàn và phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan tham mưu, quân huấn, nhất là ở cấp trung đoàn, sư đoàn trong việc tham mưu, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp huấn luyện, gắn phân cấp với phân rõ trách nhiệm của cơ quan, chỉ huy các cấp; tăng cường sự phối hợp, hiệp đồng giữa cơ quan, đơn vị trong quản lý, chỉ đạo, điều hành huấn luyện. Cùng với đó, các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, thực hành huấn luyện; đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp kiểm tra huấn luyện, thực hiện kiểm tra chỉ huy và cơ quan trước khi kiểm tra phân đội; tăng cường kiểm tra đột xuất, phúc tra kết quả huấn luyện, nhằm đánh giá thực chất công tác huấn luyện của từng đơn vị, kịp thời rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục những hạn chế.

4- Tích cực huy động các nguồn lực, làm tốt công tác bảo đảm cho huấn luyện. Đây là yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng huấn luyện. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, toàn quân chú trọng kết hợp quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp với phát huy nội lực, huy động các nguồn kinh phí khác để bảo đảm cho huấn luyện. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện chiến đấu ở các cấp, ưu tiên các đơn vị đủ quân, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đơn vị tiến thẳng lên hiện đại. Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống tài liệu huấn luyện cho các đối tượng, lực lượng, nhất là tài liệu huấn luyện vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, các loại hình tác chiến mới, lực lượng mới thành lập. Đồng thời, đẩy mạnh cải tiến, nâng cấp, phát huy vai trò của các cơ quan khoa học trong nghiên cứu, sản xuất các mô hình, học cụ, trang thiết bị mô phỏng hiện đại, phục vụ huấn luyện; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện, diễn tập. Cùng với đó, đặc biệt coi trọng thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần phục vụ huấn luyện, giảm tới mức thấp nhất các vụ mất an toàn trong huấn luyện mà nguyên nhân do yếu tố chủ quan gây ra, v.v.

Đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện là yêu cầu cấp thiết, vấn đề quan trọng nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện, góp phần xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng PHẠM HỒNG HƯƠNG, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam