Chuột rút ở bụng như thế nào

Mang thai là một sứ mệnh thiêng liêng của người phụ nữ. Cảm nhận em bé lớn dần lên trong cơ thể từng ngày với bao mong mỏi ấp ủ dành cho con là một cảm giác vô cùng tuyệt vời. Tuy nhiên, một số chị em cũng gặp phải vài rắc rối với tình trạng chuột rút, phù chân, khó thở hay đau bụng dưới. Nguyên nhân của các dấu hiệu này là gì? Đây có phải là triệu chứng nguy hiểm cần khám bác sĩ không? Làm thế nào để cải thiện những tình trạng khó chịu này? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết sau đây bạn nhé.

Chuột rút

Những cơn chuột rút hay vọp bẻ gây đau xuất hiện ở bắp chân hoặc đùi rất thường gặp ở phụ nữ mang thai. Tình trạng này thường xảy ra về đêm, đặc biệt trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân gây ra các cơn chuột rút trong thai kỳ còn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Nhiều giả thiết cho rằng do cơ chân bị mệt khi phải nâng đỡ thêm một trọng lượng cơ thể tăng lên trong thai kỳ. Ngoài ra, nó còn do chèn ép các mạch máu vùng chân và cũng có thể do chế độ ăn dư thừa phốt-pho hay thiếu can-xi, ma-giê.

Chuột rút ở bụng như thế nào
Nguyên nhân gây chuột rút trong thai kỳ còn chưa được hiểu rõ

Cách phòng ngừa chuột rút

Để phòng ngừa và làm chuột rút mau hết, bạn có thể thử những cách sau đây:

  • Căng duỗi cơ bắp chân. Duỗi thẳng chân và nhẹ nhàng gập bàn chân và ngón chân về phía gót chân nhiều lần. Bạn có thể làm tại giường, nhưng nếu thực hiện động tác trên ở tư thế đứng thì cơn đau sẽ giảm nhanh hơn.
  • Chườm lạnh/ tắm nước ấm cũng có thể cải thiện tình trạng này. Thử đứng trên một bề mặt lạnh có thể giúp làm ngưng cơn co thắt.
  • Uống đủ nước. Cung cấp đủ nước cho cơ có thể giúp phòng ngừa chuột rút. Nếu nước tiểu của bạn màu vàng sậm chứng tỏ bạn chưa uống đủ lượng nước cần thiết hằng ngày.
  • Bổ sung thêm khoáng chất ma-giê và can-xi. Để có thể giảm thiểu tần suất và độ dài các cơn chuột rút: ăn chế độ ăn cân bằng gồm nhiều can-xi (như thịt cá và các sản phẩm từ sữa) và ma-giê (như chuối, đậu, các loại hạt, hoa quả khô). Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung thêm viên uống can-xi trong thai kỳ.
  • Lựa chọn loại giày dép phù hợp.Lựa chọn loại giày dép dễ chịu với phần đế vững và có quai giúp cố định bàn chân vào giày sẽ tốt hơn cho cơ bắp chân.

Phù chân

Trong thai kỳ, bụng của bạn không phải là thứ duy nhất to lên. Một số chị em còn nhận thấy mình đi giày dép chật hơn vì chân có vẻ to ra. Điều này có thể do bàn chân và cổ chân bạn đang bị phù lên. Tình trạng phù nhẹ rất thường xảy ra vào những tháng cuối thai kỳ và có thể kéo dài đến tận lúc sinh con. Theo quy luật trọng lực, phù thường tập trung ở bàn chân, cổ chân và tăng lên vào cuối ngày.

Nguyên nhân phù chân

Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi mang thai, bánh nhau tiết ra một nội tiết tố có tên là progesterone. Nội tiết này giúp giữ nước lại trong cơ thể mẹ để tạo thêm máu nuôi thai. Lượng dịch tích tụ nhiều có thể đi vào những mô mềm như bàn chân, bàn tay theo chiều trong lực.

Đau lưng cũng là triệu chứng thường gặp khi mang thai. Tìm hiểu thêm: Đau lưng khi mang thai và những điều mẹ bầu cần phải biết

Ngoài ra, tử cung to lên chèn ép vào các tĩnh mạch ở vùng chậu và tĩnh mạch chủ dưới khiến máu không thể từ chân quay trở về tim được. Dù phù thường rõ ở bàn chân và cổ chân, tuy nhiên bạn cũng có thể thấy phù ở tay khi cố tháo nhẫn. Nếu tăng cân càng nhiều trong thai kỳ thì mức độ phù có thể càng nhiều.

Chuột rút ở bụng như thế nào
Phù chân thường ít vào buổi sáng khi ngủ dậy và tăng dần trong ngày

Nên làm gì khi phù chân

Để cải thiện mức độ phù chân, bạn có thể làm theo một số hướng dẫn sau:

  • Tránh đứng lâu hoặc ngồi nhiều. Nếu công việc yêu cầu bạn phải đứng lâu trong ngày, cần có những lúc ngồi lại để nghỉ ngơi. Nếu bạn ngồi quá nhiều thì ít nhất mỗi tiếng cần dành khoảng 5 phút vận động đi lại.
  • Kê chân cao khoảng 15 độ khi đi nằm.
  • Tránh mang vớ quá chật, nên mang loại giày dép thoải mái nhất. Phụ nữ có thai cần để máu và các dịch chảy tự do nhất khi có thể.
  • Uống nhiều nước. Lời khuyên này có vẻ đi ngược lại mục đích giảm lượng dịch trong cơ thể. Tuy vậy, uống nhiều nước giúp cơ thể thải bớt lượng natri dư thừa cũng như các chất thải khác, giúp giảm phù.

Đôi khi, phù chân cũng là một dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như tiền sản giật.Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có phù chân kèm theo mệt nhiều, tăng huyết áp, chóng mặt, nhìn mờ.

Khó thở

Khó thở là một triệu chứng rất thường gặp trong thai kỳ. Có đến 60 70% các chị em chưa từng khó thở trước đây cảm thấy khó thở khi mang thai. Kiểu khó thở điển hình là cảm giác không thể hít sâu, hay thấy lồng ngực bị đè ép. Bạn có thể sẽ bắt đầu thấy khó thở từ 3 tháng đầu hoặc 3 tháng giữa thai kỳ. Đặc biệt, nếu bạn lên cân nhiều, mang thai song sinh (hoặc nhiều hơn), tình trạng khó thở này sẽ nhiều thêm.

Nguyên nhân gây khó thở

Khi tử cung to lên, sẽ đẩy cơ hoành cơ chính tham gia vào quá trình hô hấp lên cao. Cơ hoành là một cơ nằm ngang ở giữa bụng và lồng ngực. Khi mang thai, cơ hoành có thể bị đẩy lên đến 4 cm và phổi sẽ bị ép lại. Điều này khiến cho bạn không thể hít vào nhiều hơi trong mỗi nhịp thở.

Tuy nhiên, khó thở không đồng nghĩa với chuyện bạn bị thiếu oxy cung cấp cho mẹ và bé. Trong thai kỳ, hormone progesterone tăng nhiều trong máu sẽ kích thích trung khu điều hoà hô hấp ở não bộ làm bạn thở chậm hơn. Mỗi nhịp thở dù mang ít không khí nhưng được giữ lại trong phổi lâu hơn để phổi có thể lấy đủ oxy cho mẹ và bé.

Đôi khi, khó thở cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như:

  • Hen suyễn (nếu bạn đã có sẵn bệnh lý này từ trước khi mang thai).
  • Thuyên tắc phổi. Thai kỳ có thể làm gia tăng nguy cơ gặp phải các cục máu đông. Nếu máu đông làm bít nghẹt mạch máu phổi sẽ gây đau ngực và khó thở.
  • Thiếu máu. Bạn sẽ thấy da mình khá nhợt nhạt. Đa số là do chưa bổ sung đủ sắt trong thai kỳ.

>> Bạn có thể xem thêm: Thiếu máu khi mang thai và những điều các mẹ bầu cần biết

Chuột rút ở bụng như thế nào
Nguyên nhân khó thở là do tử cung to chèn ép vùng phổi

Cải thiện tình trạng khó thở khi mang thai

  • Giữ tư thế đúng. Đứng thẳng lưng giúp phổi có nhiều không gian hơn để làm việc.
  • Ngủ nằm nghiêng bên trái. Đây là tư thế ngủ được cho là tốt nhất để máu lưu thông.
  • Tập thể dục. Các bài tập aerobic nhẹ nhàng hay yoga có thể cải thiện tình trạng khó thở trong thai kỳ. Tham gia các lớp yoga cho mẹ bầu còn giúp chị em có thêm bạn đồng hành để trao đổi với nhau về những trải nghiệm tuyệt vời khi mang thai.
  • Không làm việc quá sức. Bạn vẫn có thể làm việc và sinh hoạt bình thường trong thai kỳ. Tuy nhiên, cần lắng nghe cơ thể và biết điểm dừng để không bị quá sức.

Đau bụng dưới khi mang thai

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, đau trằn bụng thường xảy ra do những thay đổi từ sự phát triển của em bé bên trong bụng mẹ. Đau bụng thường xảy ra ở vùng dưới rốn, với kiểu đau mà các chị thường mô tả như đau lâm râm, cảm giác co kéo ở một hoặc cả hai bên. Dù đây không được xem là triệu chứng để chẩn đoán tình trạng mang thai sớm, nó thật sự rất thường gặp ở phụ nữ có thai.

Trong đa số trường hợp, đau bụng dưới là một phần bình thường của thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp các cơn đau bụng dưới là dấu hiệu của những tình trạng đáng lo ngại.

Nguyên nhân gây đau bụng

Đau bụng dưới điển hình thường xuất hiện khi tử cung mang thai bắt đầu to lên, khiến các dây chằng và cơ nâng đỡ tử cung bị căng dãn theo. Cảm giác căng kéo này có thể càng rõ hơn khi bạn hắt hơi, ho hay khi thay đổi tư thế.

Trong 3 tháng giữa thai kỳ, một nguyên nhân thường gây đau bụng dưới rốn là đau dây chằng tròn. Dây chằng tròn là một cơ quan nâng đỡ tử cung, giúp đính tử cung vào thành bụng. Khi dây chằng này bị kéo căng, bạn có thể cảm giác một cơn đau nhói như dao đâm, nhưng cũng có thể chỉ đau mơ hồ ở vùng bụng dưới.

Chuột rút ở bụng như thế nào
Khi tử cung to lên trong thai kỳ, các cơ và dây chằng vùng chậu bị co kéo gây ra những cơn đau bụng lâm râm

Các biện pháp cải thiện tình trạng đau bụng trong thai kỳ

Những cơn đau bụng dưới với mức độ tương đối nhẹ và thường xuyên xảy ra thường không có gì đáng lo. Một số nguyên nhân có thể gây đau khác gồm: chướng bụng, đầy hơi, táo bón, sau quan hệ vợ chồng. Nếu chỉ gặp phải những cơn đau bụng dưới nhẹ trong lúc mang thai, có nhiều cách bạn có thể làm để ngăn ngừa và tự chăm sóc cho mình:

  • Cố gắng ngồi hoặc nằm xuống hoặc thay đổi tư thế.
  • Ngâm mình trong nước ấm.
  • Thử tập các bài tập thư giãn.
  • Uống nhiều nước.
  • Chườm ấm hai bên chỗ đau.

Các trường hợp đau bụng nguy hiểm

Dù đau bụng lâm râm dưới rốn có thể khá phổ biến, vẫn có những nguyên nhân nghiêm trọng gây đau bụng trong thai kỳ.

Nguyên nhân đau bụng nguy hiểm Ý nghĩa
Trong những tháng đầu
Thai ngoài tử cung Đây là tình trạng xảy ra khi phôi thai làm tổ bên ngoài buồng tử cung. Đau trong thai ngoài tử cung thường với mức độ cao hơn. Đặc biệt, bạn sẽ rất đau nếu thai vỡ và chảy máu nhiều trong bụng. Đây là tình trạng nghiêm trọng cần gặp sĩ để điều trị.
Sẩy thai Xuất huyết ít đi kèm với những cơn đau quặn hoặc đau nhói có thể là dấu hiệu của doạ sẩy/sẩy thai. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể ra huyết thấm băng vệ sinh thành vệt lượng ít và đau bụng dưới nhẹ vẫn có thể có một thai kỳ hoàn toàn bình thường. Nếu bạn gặp cơn đau bụng dữ dội có hoặc không kèm theo chảy máu nhiều, phải đến khám bác sĩ ngay.
Trong những tháng sau
Tiền sản giật Là tình trạng đặc trưng bởi việc thai phụ bị tăng huyết áp kèm theo xuất hiện đạm trong nước tiểu. Tiền sản giật mức độ nặng có thể khiến bạn bị đau bụng dữ dội vùng trên rốn.
Đau do vào chuyển dạ sinh Những cơn đau bụng, tăng áp lực dần kéo dài từng cơn. Bạn có thể thấy bụng cứng lên từng đợt và đau đến 2 3 lần trong mỗi 10 phút. Nếu những cơn đau chuyển dạ này xuất hiện và kéo dài trước tuần mang thai thứ 37, bạn có thể có nguy cơ sinh non.
Nhiễm trùng đường tiết niệu Đau bụng dưới và tiểu đau có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiểu. Đây một tình trạng thường gặp khi mang thai, có thể gây sẩy thai, sinh non nếu không được điều trị.
Nhau bong non Tình trạng nhau tách khỏi tử cung trước khi em bé được sinh ra. Tình huống này có thể biểu hiện bởi những cơn đau quặn kéo dài không thuyên giảm. Nếu không xử trí kịp bé có thể tử vong.
Chuột rút ở bụng như thế nào
Mẹ sẽ trải qua nhiều cơn đau bụng trong thai kỳ

Cần phải đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn gặp phải những kiểu đau sau đây:

  • Đau dữ dội liên tục không giảm.
  • Cảm giác co thắt kèm đau vùng bụng dưới rốn.
  • Đau bụng vùng âm đạo, chảy máu, ra dịch lạ, các triệu chứng đường tiêu hoá và choáng váng.
  • Kiểu đau quặn bụng kèm đau vai và/hoặc cổ.

Quá trình mang thai có nhiều thay đổi khiến các chị em khá bỡ ngỡ, đặc biệt khi mang thai lần đầu. Hiểu đúng về cơ thể mình là vô cùng quan trọng để tiếp tục đồng hành cùng bé cả trong thai kỳ và sau khi sinh. Bạn có thể áp dụng những lời khuyên đã kể trên để cải thiện tình trạng khó thở hay phù chân, chuột rút.

Nếu như những triệu chứng trên vẫn tiếp diễn, thậm chí nặng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ sản khoa để tư vấn.