Cầu hỏi về phòng, chống mua bán người

  1. Luật phòng, chống mua bán người quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm? Người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ chín ngày 29/3/2011, Điều 3 của Luật quy định 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như sau:

  1. Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự.
  2. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
  3. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
  4. Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
  5. Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
  6. Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.
  7. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
  8. Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại Điều này.
  9. Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
  10. Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.
  11. Giả mạo là nạn nhân.
  12. Hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này.

Người có hành vi vi phạm các quy định cấm nêu trên, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  1. Đề nghị cho biết Luật phòng, chống mua bán người quy định nguyên tắc phòng, chống mua bán người như thế nào?

Trả lời:

Nguyên tắc phòng, chống mua bán người được quy định tại Điều 4 Luật phòng, chống mua bán người, gồm 05 nguyên tắc cơ bản sau:

  1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến mua bán người.
  2. Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân.
  3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.
  4. Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến mua bán người.
  5. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.
  6. Nhà nước thực hiện chính sách gì để ngăn chặn, đấu tranh chống mua bán người?

Trả lời:

Mua bán người là hành vi vô nhân đạo, coi con người như một món hàng hoá để trao đổi, khai thác, sinh lợi, một tội ác cần lên án, đấu tranh. Để ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống mua bán người, Nhà nước thực hiện các chính sách sau:

– Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế – xã hội.

– Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

– Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.

– Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.

Đồng thời, để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả, Nhà nước thực hiện hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

  1. Nạn nhân của bạo lực gia đình có những quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Với những tình tiết trên, cháu ông (bà) được xác định là nạn nhân trong vụ mua bán người. Theo quy định tại Điều 6 Luật phòng, chống mua bán người, nạn nhân có những quyền và nghĩa vụ sau:

– Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và tài sản.

– Được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định.

– Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

– Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

– Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người.

Như vậy, cháu ông (bà) sẽ được Nhà nước hỗ trợ các khoản cần thiết như: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu (ăn, ở, mặc, chi phí đi lại trong thời gian giải cứu và đưa về gia đình); hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ học văn hóa, học nghề; Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn sau khi đã được giải cứu nhằm ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống, giúp tái hoà nhập cộng đồng.

Đồng thời, cháu ông (bà) hoặc người đại diện của cháu còn được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bắt kẻ phạm tội phải bồi thường thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, sức khoẻ, tinh thần do hành vi mua bán gây tổn thất này cho cháu.

  1. Pháp luật có quy định gì về công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người?

Trả lời:

Để phòng, chống mua bán người hiệu quả, bên cạnh việc phát hiện, đấu tranh và trừng trị tội phạm mua bán người thì công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mua bán người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác của cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Điều 7 Luật phòng, chống mua bán người quy định nội dung và hình thức thực hiện thông tin, tuyên truyền, giáo dục như sau:

  1. Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục bao gồm:

– Chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người;

– Thủ đoạn và tác hại của các hành vi quy định tại Điều 3 của Luật;

– Kỹ năng ứng xử trong trường hợp có nghi ngờ về việc mua bán người;

– Biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống mua bán người;

– Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người;

– Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân;

– Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống mua bán người.

  1. 2. Việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục được thực hiện bằng các hình thức:

– Gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp;

– Cung cấp tài liệu (cung cấp tờ rơi, tờ gấp, tài liệu văn bản, đĩa hình, đĩa tiếng…);

– Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (phát trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, Đài phát thanh, truyền hình ở địa phương và trung ương, Đài tiếng nói Việt Nam, các loại báo – báo in, điện tử….);

– Thông qua hoạt động tại các cơ sở giáo dục (giáo dục trong các trường học chính quy, trường công lập, trường giáo dưỡng, trường học nghề, trong các khu cải tạo, giam giữ…);

– Thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hoá khác;

– Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

– Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục còn thực hiện thông qua mạng lưới tuyên truyền viên ở cơ sở, thành viên của các đoàn thể xã hội.

Đối tượng cần được tăng cường tuyên truyền là phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người.

  1. Pháp luật quy định như thế nào để quản lý an ninh, trật tự để ngăn ngừa đối tượng cư trú trái phép?

Trả lời:

Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội mua bán người trong những năm qua cho thấy, đối tượng mua bán người thường không chấp hành các quy định về khai báo tạm trú để luồn lách vào nhân dân, ăn ở trong nhà dân mà không khai báo, lấy lòng tin và tiến hành việc lừa đảo. Đồng thời việc khai báo tạm vắng cũng không được người dân chấp hành nghiêm túc theo quy định pháp luật nên đã xảy ra tình trạng nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nơi họ thường trú mà chính quyền không biết.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và ngăn ngừa đối tượng lợi dụng quy định pháp luật về khai báo tạm trú, tạm vắng để thực hiện hành vi mua bán người, Điều 9 Luật phòng, chống mua bán người quy định công tác quản lý về an ninh, trật tự như sau:

  1. Theo dõi nhân khẩu, hộ khẩu thông qua công tác quản lý cư trú, tăng cường kiểm tra nhân khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng trên địa bàn.
  2. Giám sát các đối tượng có tiền án, tiền sự về mua bán người và các đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người.
  3. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các thông tin về tàng thư, căn cước, lý lịch tư pháp phục vụ công tác phòng, chống mua bán người.
  4. Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, hải đảo và trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.
  5. Trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các chốt kiểm soát, cửa khẩu.
  6. Quản lý công tác cấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc làm, cấp phát, quản lý và kiểm soát các loại giấy tờ tùy thân và giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh.
  7. Phối hợp với các cơ quan chức năng của nước có chung đường biên giới trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.
  8. Đề nghị cho biết pháp luật quy định việc quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ như thế nào nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng các hoạt động này vào mục đích mua bán người?

Trả lời:

Đối tượng mua bán người thường lợi dụng việc cho, nhận con nuôi; giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; kết hôn với người nước ngoài; tham quan, du lịch… để lừa bán nạn nhân nhằm bóc lột tình dục hoặc cưỡng bức lao động. Để ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ này vào mục đích mua bán người, Điều 10 Luật phòng chống mua bán người quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi mua bán người.

  1. Xin hỏi, Luật phòng chống mua bán người quy định gia đình có trách nhiệm như thế nào trong đấu tranh, phòng ngừa mua bán người?

Trả lời:

Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục và bảo vệ thành viên gia đình không trở thành nạn nhân của mua bán người. Trên thực tế, phụ nữ, trẻ em bị mua bán không chỉ do nhận thức của họ hạn chế, mà trong nhiều trường hợp xuất phát từ gia đình (do kém hiểu biết, thiếu thông tin hoặc lơi lỏng quản lý) mà vô tình cha mẹ đã đẩy con, em mình thành nạn nhân của mua bán người.

Xuất phát từ đòi hỏi công tác phòng, chống mua bán người cần sự tham gia của cả cộng đồng, Luật phòng, chống mua bán người đã quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. Theo đó, trách nhiệm của gia đình được quy định tại Điều 13, gồm 4 nội dung cơ bản sau:

– Cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người.

– Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người.

– Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng.

– Động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.

  1. Xin cho biết pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của nhà trường trong công tác phòng ngừa mua bán người?

Trả lời:

Nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo có vai trò quan trọng trong việc quản lý học sinh, sinh viên trong thời gian học và giáo dục cho các em hình thành nhân cách, trang bị cho các em tri thức để bước vào tương lai, dạy các em kiến thức biết tự bảo vệ bản thân mình trước những thủ đoạn của kẻ xấu, trong đó có tội phạm mua bán người.

Để tăng cường vai trò của nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trong công tác phòng ngừa mua bán người, Luật phòng, chống mua bán người quy định trách nhiệm của nhà trường trong việc tham gia phòng ngừa mua bán người tại Điều 14 như sau:

– Quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên.

– Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học.

– Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên, học viên là nạn nhân học văn hóa, học nghề, hoà nhập cộng đồng.

– Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mua bán người.

  1. Xin hỏi, theo Luật phòng, chống mua bán người, các tổ chức, cơ sở dịch vụ có trách nhiệm gì trong việc phòng ngừa mua bán người?

Trả lời:

Điều 15 Luật phòng, chống mua bán người quy định: Các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; cho, nhận con nuôi; giới thiệu việc làm; đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài; tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Luật phòng, chống mua bán người có trách nhiệm:

+ Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động; đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương;

+ Nắm thông tin về đối tượng được cung cấp dịch vụ và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu để phối hợp quản lý;

+ Cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người;

+ Phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của tổ chức, cơ sở mình.

  1. Trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người, khi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì các cơ quan truyền thông phải tuân theo quy định nào?

Trả lời:

Trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người, khi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì các cơ quan truyền thông phải tuân theo quy định tại Điều 16 Luật phòng, chống mua bán người như sau:

– Đưa tin kịp thời, chính xác chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; phản ánh trung thực về tình hình mua bán người và công tác phòng, chống mua bán người; nêu gương các điển hình tiên tiến trong phòng, chống mua bán người, mô hình phòng, chống mua bán người có hiệu quả.

– Giữ bí mật thông tin về nạn nhân.

– Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người với các chương trình thông tin, tuyên truyền khác.

  1. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 17 Luật phòng, chống mua bán người quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người như sau:

– Tổ chức và phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; vận động nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, tích cực phát hiện, tố giác, tố cáo, ngăn chặn hành vi mua bán người quy định tại Điều 3 của Luật.

– Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những biện pháp cần thiết nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi mua bán người quy định tại Điều 3 của Luật.

– Tư vấn và tham gia tư vấn về phòng, chống mua bán người.

– Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

– Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.

  1. 13. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hầu hết nạn nhân của mua bán người là phụ nữ. Đề nghị cho biết Hội Liên hiệp phụ nữ có trách nhiệm gì trong công tác phòng, chống mua bán người?

Trả lời:

Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng mua bán người đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, trong đó Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là tổ chức chính trị – xã hội tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho phụ nữ, hoạt động vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ…Trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm được quy định tại Điều 18 Luật phòng, chống mua bán người, gồm:

– Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ và trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

– Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.

– Thực hiện trách nhiệm khác (như: tư vấn và tham gia tư vấn về phòng, chống mua bán người; tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng hay giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người).

  1. 14. Đề nghị cho biết cơ quan nào có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người?

          Trả lời:

Điều 20 và Điều 21  Luật phòng, chống mua bán người quy định:

– Mọi cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi vi phạm các quy định nghiêm cấm tại Điều 3 của Luật phòng, chống mua bán người thì phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

– Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra chủ động phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý hành vi vi phạm các quy định nghiêm cấm tại Điều 3 của Luật phòng, chống mua bán người.

– Cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ phòng, chống mua bán người có trách nhiệm: Áp dụng biện pháp nghiệp vụ trinh sát theo quy định hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Luật phòng, chống mua bán người; Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ nạn nhân, người tố giác, người làm chứng, người thân thích của họ khi bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và tài sản.

  1. 15. Đề nghị cho biết thủ tục tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Nạn nhân bị mua bán mà tự giải thoát được thì có thể trực tiếp hoặc nhờ người đại diện hợp pháp của mình đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận nạn nhân thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân.

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp họ chưa có một trong các giấy tờ, tài liệu chứng nhận là nạn nhân.

Sau khi tiếp nhận, căn cứ vào giấy tờ, tài liệu theo quy định pháp luật (như: giấy xác nhận của cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; giấy xác nhận của cơ quan giải cứu, giấy xác nhận của cơ quan điều tra…) hoặc kết quả xác định thông tin ban đầu về nạn nhân, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp nạn nhân tự trở về nơi cư trú; đối với nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích cư trú; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Đối với người chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận là nạn nhân thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Công an cùng cấp tiến hành việc xác minh.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cùng cấp có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp có đủ điều kiện xác định là nạn nhân thì cơ quan đã tiến hành xác minh cấp giấy xác nhận nạn nhân cho họ.

  1. 16. Pháp luật quy định việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu như thế nào?

Trả lời:

Thủ tục tiếp nhận, xác minh nạn nhân mua bán người sau khi được giải cứu quy định tại Điều 25 Luật phòng, chống mua bán người.

Theo đó, ngay khi giải cứu được nạn nhân, Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong trường hợp cần thiết (ăn, mặc) và chuyển ngay người đó đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội gần nơi nạn nhân được giải cứu.

Cơ quan giải cứu có trách nhiệm cấp giấy xác nhận nạn nhân cho người được giải cứu trước khi chuyển giao; trường hợp người được giải cứu chưa được xác nhận là nạn nhân do chưa có đủ cơ sở thì sau khi tiếp nhận, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Công an cùng cấp xác minh nạn nhân.

Sau khi tiếp nhận nạn nhân, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân trở về nơi cư trú. Nếu nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho người thân đến nhận hoặc đưa về nơi người thân thích cư trú hoặc chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân khi trẻ em đó không có nơi nương tựa.

Trường hợp nạn nhân chưa được cơ quan giải cứu xác nhận là nạn nhân, thì  Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân.

  1. 17. Việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài được quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 26 Luật phòng, chống mua bán người, thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với Bộ Công an trong việc xác minh nhân thân của nạn nhân, cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa họ về nước.

  1. 18. Căn cứ xác định nạn nhân của mua bán người?

Trả lời:

Để xác định một người có phải là nạn nhân của mua bán người không, cần căn cứ vào các quy định tại Điều 27 của Luật phòng, chống mua bán người.

Theo đó, một người có thể được xác định là nạn nhân khi có một trong những căn cứ sau:

– Người đó là đối tượng bị mua bán, chuyển giao, tiếp nhận nhằm sử dụng vào mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác

– Người đó là đối tượng bị tuyển mộ, vận chuyển, chứa để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

  1. 19. Đ xác định là nạn nhân của mua bán người thì cần có các giấy tờ, tài liệu nào?

Trả lời:

Để chứng nhận nạn nhân của mua bán người, theo quy định tại Điều 28 Luật phòng, chống mua bán người, các giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân gồm có:

– Đối với người tự mình giải thoát được và đến cơ quan chức năng khai báo, thì trong thời hạn luật quy định, sau khi tiến hành xác minh, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sẽ cấp Giấy xác nhận nạn nhân.

– Đối với người được cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển giải cứu thì các cơ quan này có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận nạn nhân cho người được giải cứu.

– Đối với người bị mua bán ra nước ngoài: Các giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hoá lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân.

Ngoài ra, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cũng có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nạn nhân trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

  1. 20. Pháp luật có quy định gì để bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của nạn nhân?

Trả lời:

Nạn nhân bị mua bán và người thân thích của nạn nhân không nên lo sợ bị trả thù hoặc vì lời đe doạ của kẻ phạm tội mà không tố cáo hành vi phạm tội, bởi nếu khống tố cáo tội phạm thì chúng không bị pháp luật xử lý và càng gây thêm nhiều tội ác, đồng thời bản thân nạn nhân và gia đình luôn sống trong âu lo, sợ hãi. Do vậy, việc tố cáo tội phạm là cần thiết, đây không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của nạn nhân và người thân thích của nạn nhân để pháp luật xử lý kẻ phạm tội và răn đe, ngăn ngừa người khác phạm tội.

Nạn nhân và người thân thích của nạn nhân sẽ được Nhà nước áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn để tránh bị trả thù. Điều 30 Luật phòng, chống mua bán người quy định các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích như sau:

– Bố trí nơi tạm lánh khi nạn nhân, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe;

– Giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của họ;

– Các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật;

– Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

  1. Pháp luật quy định về đối tượng hỗ trợ và chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân mua bán người như thế nào?

Trả lời:

Việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của tội phạm nói chung và của tội mua bán người nói riêng là cần thiết nhằm tránh cho nạn nhân khỏi bị tổn thương về thể chất và tinh thần, để họ dễ dàng hòa nhập lại với cuộc sống cộng đồng và đây là một trong những nội dung quan trọng thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.

Điều 32 Luật phòng, chống mua bán người quy định về đối tượng và chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân mua bán người như sau:

– Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, thì tùy trường hợp sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ sau đây:

+ Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại: được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khoẻ của nạn nhân. Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ các khoản chi phí này.

+ Hỗ trợ y tế. Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nếu nạn nhân cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khoẻ thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh.

+ Hỗ trợ tâm lý. Trong trường hợp nạn nhân bị trấn động tâm lý, hoang mang lo sợ, tâm trạng bất ổn thì sẽ được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

+ Trợ giúp pháp lý. Nạn nhân được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người.

Ngoài ra, nạn nhân còn được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

– Đối với nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, thì tuỳ trường hợp được hưởng các chế độ hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí trở về nước, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý.

– Đối với người chưa thành niên đi cùng nạn nhân, thì tuỳ trường hợp được hưởng chế độ hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý.

  1. Luật phòng, chống mua bán người quy định các cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân?

Trả lời:

Điều 39 Luật phòng, chống mua bán người quy định cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân như sau:

– Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiếp nhận nạn nhân, cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân.

– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân trong trường hợp họ tự trở về nơi cư trú.

– Cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ y tế cho nạn nhân.

– Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân.

– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân; phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân.

  1. Nhiệm vụ của các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thành lập nhằm hỗ trợ về sức khoẻ, tâm lý, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho nạn nhân, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng.

Điều 40 Luật phòng, chống mua bán người quy định cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân có những nhiệm vụ sau trong việc hỗ trợ nạn nhân:

– Cơ sở bảo trợ xã hội công lập thực hiện các nhiệm vụ sau đây trong việc hỗ trợ nạn nhân:

+ Tiếp nhận và bố trí nơi lưu trú cho nạn nhân;

+ Thực hiện chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nguyện vọng của nạn nhân và khả năng đáp ứng của cơ sở;

+ Giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp cho nạn nhân;

+ Đánh giá khả năng hòa nhập cộng đồng của nạn nhân, cung cấp các thông tin về chính sách, chế độ, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng;

+ Cung cấp thông tin cần thiết cho các cơ quan chức năng để đấu tranh phòng, chống hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này;

+ Phối hợp với các cơ quan hữu quan đưa nạn nhân về nơi cư trú;

+ Phối hợp với cơ quan Công an trong việc xác minh nạn nhân.

– Cơ sở hỗ trợ nạn nhân do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập để tham gia thực hiện nhiệm vụ nêu trên phù hợp với giấy phép thành lập; việc thành lập và hoạt động không sử dụng ngân sách nhà nước.