Cậu bé lớp 2 khoanh tay xin lỗi taxi năm 2024

Sáng 3.12, câu chuyện về một cậu bé học lớp 2 ở TP Hải Phòng khoanh tay xin lỗi khi đi xe đạp tông trúng taxi trở thành tâm điểm chú ý trên các trang mạng. Anh Nguyễn Hùng Sơn (26 tuổi) - người đăng tải câu chuyện trên lên mạng xã hội - cho biết khoảng 7h30 ngày 3.12, taxi của anh dừng trên đường Đào Nhuận (phường Kênh Dương, TP Hải Phòng), bất ngờ bị một cháu bé chạy xe đạp tới tông trúng đầu ôtô.

"Lúc này, tôi đang ngồi trong xe, thấy cậu bé đứng hồi lâu không chịu đi nên mở cửa kính ra hỏi. Bé nhanh chóng khoanh tay và nói 'Cháu xin lỗi'. Tôi khá bất ngờ với hành động lễ phép, ngoan ngoãn của cậu bé, do đó, chỉ cười và giục cháu mau về nhà không bố mẹ lo", anh Sơn tiết lộ.

Theo anh tài taxi này, việc va quệt trên đi đường khá thường xuyên. Những lúc như vậy, người thì phóng đi thật nhanh vì sợ bị bắt đền, người thì chửi, thậm chí còn đòi đánh mình. Cậu bé này là trường hợp đầu tiên nói xin lỗi anh.

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội cũng chia sẻ câu chuyện về học sinh lớp 11 ở TP.Hải Phòng đã để lại một tờ giấy kèm nội dung “do vô tình cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi. Liên hệ với cháu qua số điện thoại… để cháu đền ạ. Do cháu không biết chủ ô tô là ai” sau khi đâm vỡ gương ô tô đang đậu trên đường. Người chủ chiếc xe ô tô này đã rất ngạc nhiên về hành động đầy trách nhiệm của nam sinh này.“Đến chiều tôi đã gọi lại cho em học sinh nêu trên. Em học sinh có nói lại với tôi là cháu không may đánh vỡ chiếc gương xe ô tô của chú. Cháu xin lỗi chú và muốn đền tiền. Tuy nhiên, tôi nói là chú bỏ qua cho cháu. Chú không bắt đền cháu. Chú thấy hành động của cháu rất đáng quý nên muốn gọi điện hỏi thăm” - anh Nguyễn Hữu Trung chủ chiếc xe chia sẻ.

Cậu bé lớp 2 khoanh tay xin lỗi taxi năm 2024

Tờ giấy xin lỗi của học sinh lớp 11 sau khi đâm vỡ gương xe

Trước đó, một phụ nữ ở Hải Dương cũng gây "bão mạng" khi để lại lời nhắn xin lỗi kèm địa chỉ của mình để chủ xe ô tô liên hệ sau khi cô vô ý làm vỡ gương xe của người này. "Anh hay chị, cô hay bác, ông hay bà, cháu đi đón con đường đông, phanh không kịp, có va vào gương xe bị vỡ rồi ạ. Có gì cho cháu xin lỗi hoặc cần đền thì liên hệ... Xin chân thành xin lỗi!", trích lời nhắn xin lỗi của phụ nữ trên.

Vài dòng viết vội của chàng trai nghèo bán bánh mì ở Đà Nẵng vô tình làm vỡ đèn xe: "Cô/ chú ơi, con làm bể đèn sau xe rồi. Bây giờ con phải đi cô/chú liên lạc với con theo số…" cũng khiến cộng đồng mạng xôn xao. Một nữ sinh viên Học viện An ninh Nhân dân cũng chia sẻ câu chuyện về cách cư xử văn minh hiếm thấy. Kính xe chiếu hậu của nữ sinh trên bị một người làm gãy và "thủ phạm" đã tự mua chiếc kính khác mới toanh để trên xe kèm theo lời nhắn xin lỗi rất chân thành...

Người lớn đang quên cách nói lời xin lỗi

Chắc hẳn nhiều người, mà chủ yếu là người lớn sau khi đọc những câu chuyện trên sẽ phải lặng mình suy ngẫm về chính bản thân mình và cả những người xung quanh. Bao nhiêu người có thể hành động như cậu bé 7 tuổi, như nam sinh lớp 11, như chàng trai nghèo bán bánh mỳ...?

Không ít người phàn nàn rằng đã từng bị người đi đường làm bể kính ô tô nhưng thứ nhận được là một sự trốn tránh trách nhiệm. Có nhiều người lao xe tông ngã người ta ra đường mà không một lời xin lỗi, cứ thế làm ngơ, quay mặt phóng đi. Mới đây, tại Hà Nội, một vụ việc tai nạn giao thông cực kỳ nguy hiểm đã xảy ra khi chiếc xe ô tô đâm người lái xe máy khiến người này đã gục ngã xuống đường rồi tăng ga bỏ chạy. Mạng xã hội cũng đã từng xuất hiện 1 đoạn video ghi lại cảnh một thanh niên bị ngã sau khi va quệt xe đã xông vào đánh bác xe ôm dã man. Mặc dù bác xe ôm đã xin lỗi, còn dựng xe lại hộ mà thanh niên quyết không chịu, cứ cầm mũ bảo hiểm hăm he đuổi đánh... Những sự việc như đâm người rồi bỏ chạy hay sự việc gần đây nhất và một người lái xe va chạm với một cụ già nhưng đã bỏ đi mà không đưa cụ đến bệnh viện đã không còn xa lạ. Những câu chuyện như thế đang diễn ra hàng ngày trên đường và ai đi qua chứng kiến chỉ biết tặc lưỡi hoặc tránh cho lành.

Cậu bé 7 tuổi đã biết nói lời xin lỗi khi đâm phải taxi

Vì thế, hành động của các “thủ phạm” làm vỡ gương xe được đã nhận được "mưa khen" vì một hành động đẹp. Hành động đẹp đó, đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Hãy tự hỏi đã bao lần chúng ta phạm lỗi và biết dũng cảm nhận lỗi? Bao người tự đặt mình vào tình huống như của cậu bé trên để có câu trả lời xem mình sẽ làm gì? Có dám làm, dám chịu như cậu bé 7 tuổi không?

Dũng cảm nhận lỗi, biết chịu trách nhiệm với việc làm sai của mình mới là cách hành xử đẹp và ý nghĩa và sẽ luôn nhận được sự tha thứ của người bị hại. Nhiều người cho rằng, giới trẻ ngày nay dường như không biết nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi”. Có thể rất nhiều “anh hùng bàn phím” like hoặc viết vài câu tung hô câu chuyện về cậu bé 7 tuổi kia nhưng không chắc họ biết nói lời xin lỗi khi cần thiết.

Lời xin lỗi tưởng chừng quá đơn giản nhưng không phải ai cũng dễ dàng nói ra. Người lớn cần phải thấy hổ thẹn khi mà những đứa trẻ, những học sinh đã biết nói lời xin lỗi chân thành.