Bộ phim chung một mái nhà chiếu ở kênh nào

Năm 2020, trong dịp kỷ niệm 45 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều kênh truyền hình cùng chiếu bộ phim "Chung một mái nhà" của Điện ảnh Quân đội, tạo hiệu ứng xúc động với khán giả. Trước đó bộ phim từng đoạt huy chương Bạc liên hoan truyền hình toàn quốc. Tôi có nhiều kỷ niệm với tác phẩm này.

Bộ phim chung một mái nhà chiếu ở kênh nào

Tác giả (phải) gặp lại hai nhân vật trong phim "Chung một mái nhà" tháng 5-2020. Ảnh: H.M

Hòa hợp dân tộc, lâu nay đã được các phương tiện thông tin truyền thông khai thác nhiều. Nhưng trở thành một bộ phim tài liệu hoàn chỉnh, mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc thì đây là lần đầu tiên được bấm máy ở Điện ảnh Quân đội. Bộ phim đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc tự hào về con Lạc, cháu Hồng, dù làm gì, ở đâu cũng luôn hướng về nguồn cội. Dựa vào những con người có thật, êkip gồm đội ngũ rất trẻ là biên kịch Nguyễn Huy Hùng, đạo diễn Vũ Anh Nhất đã dày công rong ruổi từ Đà Nẵng vào Sóc Trăng để tìm gặp cả chục nhân vật, mất 2 năm để hoàn thành bộ phim tâm huyết dài 37 phút. Tôi tự hào khi đóng góp 3 trong 5 tuyến nhân vật của bộ phim từ ba câu chuyện đều đã được đăng báo: "Cô tiên nhỏ ở Thượng Đức", "Hai anh em ở hai chiến tuyến" và "Tình người giữa hai chiến tuyến". Đây chính là những lát cắt của chiến tranh với các tình huống đặc biệt.

Nếu "Cô tiên nhỏ ở Thượng Đức" là lòng nhân ái của bộ đội Cụ Hồ (ông Ngô Thanh Hải, bà Nguyễn Thị Thanh Hải) cứu những người lính chế độ cũ bị thương trong trận Thượng Đức (Quảng Nam), thì ở "Tình người giữa hai chiến tuyến" là hành trình một du kích Quảng Ngãi (ông Trần Đình Trọng) đi tìm vị ân nhân là người lính Sài Gòn. Trong "Hai anh em ở hai chiến tuyến" có số phận trớ trêu khi người anh (Trà Thanh Lợi) là Đại đội trưởng đơn vị đặc công bên ta; người em ruột (Trà Thanh Viên) chỉ huy Đại đội pháo binh phía bên kia. Họ đều cùng ở một chiến trường và cùng quãng thời gian có thể đụng độ nhau…

Ba câu chuyện đều có ba cái kết đẹp. Người được cứu mạng cả hai phía, sau nhiều năm nỗ lực đã tìm được ân nhân. Hai anh em ở hai chiến tuyến đều bình an và có cuộc sống viên mãn. Vốn là biết từ trước, qua đồng nghiệp, biên kịch Nguyễn Huy Hùng của Điện ảnh Quân đội đã gọi điện cho tôi, muốn tìm hiểu thêm về các nhân vật từ đó làm một phim tài liệu về hòa hợp dân tộc. Trong quá trình làm phim, rất may mắn là đoàn được sự giúp đỡ và phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các nhân vật, kể cả những người trước đây từng ở chế độ cũ. Mang theo thông điệp đại đoàn kết dân tộc, tất cả đều sẵn sàng về chiến trường xưa tái hiện lại câu chuyện năm nào. Trường hợp trở ngại duy nhất ở huyện Chơn Thành (Bình Phước), đoàn đã được Ban CHQS huyện giúp đỡ, tháo gỡ mọi vướng mắc. Lần đầu phim "Chung một mái nhà" được chiếu dự thi tại Đà Nẵng. Ba cặp tuyến nhân vật trong câu chuyện của tôi đều được xem phim và vô cùng xúc động.

Khi được hỏi vì sao giữa bề bộn cuộc chiến chưa hoàn toàn chấm dứt lại tìm cách cứu mạng người bên kia, Đại tá Ngô Thanh Hải- nguyên Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Đà Nẵng trả lời bằng câu chuyện của ông. Thời ấy, khi bị thương trong hang đá, một bà má Công giáo (đang có người con bị bắt đi quân dịch) đã bí mật đem cơm và thuốc kháng sinh cho đến khi ông Hải hồi phục. "Dù ở phía bên nào mẹ cũng đớn đau" chính là ý nghĩ thường trực mà vị cựu cán bộ an ninh luôn mang theo khi vào chiến trường. Từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng xem phim "Chung một mái nhà", ông Trần Đình Trọng không nghĩ rằng mình có thêm những người bạn quý. Các nhân vật trong phim như gần gũi hơn ở ngoài đời. Ông Trọng cứ nhắc đi nhắc lại với ông Hải: "Chính hành động của anh đã giúp tôi trả được ơn nghĩa với người lính chế độ Sài Gòn năm xưa!"...

Đây không phải lần đầu tiên các nhân vật của tôi bước vào phim ảnh. Tôi rất vui khi mình khá "mát tay" để tác phẩm được lên sóng. Thú vị hơn nữa là tất cả đều qua đăng tải ở các báo. Đó là từ ý tưởng câu chuyện "Vị tướng là bức tượng bà mẹ Phiumaly" của tôi, VTV8 - Truyền hình Việt Nam đã bồi đắp thêm tư liệu, mời trực tiếp Trung tướng Nguyễn Trung Thu- nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN qua xứ Chùa Tháp làm bộ phim "Phù Sa Mê Kông" chiếu nhân dịp 40 năm giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Hay từ "Hai anh em trong Nhật ký Chu Cẩm Phong", Chuyên mục QPTD Quảng Nam đã làm phim "Vinh Cường" và đã đoạt huy chương Bạc trong Liên hoan phim truyền hình toàn quân. VTV1, thì từ bài "Nhà có ba anh hùng" đã vào Đà Nẵng tìm đến anh Đinh Văn Ba, con trai liệt sĩ, AHLLVTND Đinh Châu quay phim "Không thể lãng quên". Hay mới đây nhất từ "Nữ y tá và kỳ tích Charité", Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam đã làm phim "Chuyện về người con gái Hòa Quý" dài đến 30 phút khi nhân vật trong bài được tuyên dương Anh hùng LLVTND…

Bài báo dù thật xúc động nhưng không phải ai cũng được đọc. Nhưng bộ phim với tính năng trực quan ưu việt sẽ được đông đảo người xem biết đến và có sức lan tỏa lớn. Một bộ phim tài liệu phải tốn cả trăm triệu đồng và phải có trong kế hoạch, đôi khi cả mấy năm. Nhưng nếu chúng ta không làm, những nhân chứng cuối cùng rồi cũng sẽ thành người thiên cổ. Liệu ai còn nhớ đến người xưa? Tôi vẫn luôn mong ước những câu chuyện của mình được may mắn thành phim và được các kênh chiếu nhiều lần như "Chung một mái nhà" vừa qua.