Báo cáo đánh giá năng lực nhà thầu

Quy định về báo cáo năng lực tài chính trong hồ sơ mời thầu. Công ty em đang thực hiện một gói thầu mua sắm hàng hóa trên hai tỷ, theo hình thức đấu thầu rộng rãi, và đơn vị em đã thuê tư vấn lập hồ sơ mời thầu và thuê một đơn vị khác thẩm tra hồ sơ mời thầu, nhưng em thấy trong hồ sơ mời thầu bên tư vấn họ bảo các nhà thầu báo cáo năng lực tài chính trong hai năm và không có báo cáo kiểm toán hoặc biên bản quyết toán thuế, như vậy là đúng hay sai? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Thứ nhất: Theo như bạn trình bày, bên bạn đang có nhu cầu mua sắm hàng hóa, nếu hạn mức mua sắm trên 2 tỷ và dưới 5 tỷ thì bạn cần xem xét lại hình thức lựa chọn nhà thầu mà bên bạn đang áp dụng.

Căn cứ Điều 57 Nghị định 63/2014/NĐ – CP quy định áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh:

1. Chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường áp dụng đối với gói thầu quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 05 tỷ đồng.

2. Chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn áp dụng đối với gói thầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 500 triệu đồng, gói thầu quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu có giá trị không quá 01 tỷ đồng, gói thầu đối với mua sắm thường xuyên có giá trị không quá 200 triệu đồng.

Vậy, nếu mua sắm hàng hóa thông thường, không thuộc mua sắm thường xuyên thì bên bạn sẽ áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh thông thường, nếu thuộc mua sắm thường xuyên sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của Thông tư 58/2016/TT – BTC.

Thứ hai, các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu là do bên mời thầu quy định theo quy mô tính chất của từng gói thầu. Căn cứ Khoản 3 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ – CP về căn cứ lập hồ sơ mời thầu, các tiêu chuẩn được xác định như sau:

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa bao gồm:

Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm

Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, trong đó phải quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Cụ thể như sau:

- Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự; kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;

- Năng lực sản xuất và kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ cán bộ chuyên môn có liên quan đến việc thực hiện gói thầu;..

- Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá năng lực về tài chính của nhà thầu.

Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn quy định tại Điểm này cần căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu cụ thể. Nhà thầu được đánh giá đạt tất cả nội dung nêu tại Điểm này thì đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.”

Như vây, nếu các yêu cầu mà bên mời thầu đưa ra khi lập hồ sơ không làm hạn chế các nhà thầu thì vẫn đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về báo cáo năng lực tài chính trong hồ sơ mời thầu. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 63/2014/NĐ – CP để nắm rõ quy định này.

Theo phản ánh của ông Phan Chí Thiện (An Giang), Khoản 1, Điều 3 Luật Đấu thầu quy định: “1. Hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Tại Khoản 1, Điều 57 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ quy định:

“1.Tổ chức khi tham gia các lĩnh vực sau đây phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng:

  1. Khảo sát xây dựng;
  1. Lập quy hoạch xây dựng;
  1. Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình;
  1. Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng;

đ) Tư vấn quản lý dự án;

  1. Thi công xây dựng công trình;
  1. Giám sát thi công xây dựng;
  1. Kiểm định xây dựng;
  1. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng”.

Nội dung đánh giá về tính hợp lệ tại Điểm g, Khoản 1 Mục 1 Chương III Phần 1 Mẫu hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT ngày 14/2/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định: “g) Có đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có)”.

Tuy nhiên, theo nội dung đánh giá về tính hợp lệ quy định tại Khoản 1.2 Mục 1 Chương III Phần 1 (Mẫu số 1) và (Mẫu số 2) hồ sơ mời thầu xây lắp ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì không có quy định về tiêu chuẩn đánh giá điều kiện năng lực hoạt động.

Căn cứ các quy định nêu trên ông Thiện hỏi, tại sao đối với gói thầu dịch vụ tư vấn thì có quy định nội dung đánh giá về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng nhưng gói thầu xây lắp thì không quy định?

Khi lập hồ sơ mời thầu xây lắp (đấu thầu trong nước) có đưa thêm tiêu chí đánh giá về điều kiện năng lực hoạt động của nhà thầu theo quy định tại Khoản 1, Điều 57 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ vào tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ hay không?

Nếu không đưa nội dung tiêu chí đánh giá điều kiện năng lực hoạt động của nhà thầu vào hồ sơ mời thầu xây lắp thì có trái với quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Luật Đấu thầu, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ hay không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 1, Điều 3 Luật Đấu thầu quy định hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Theo hướng dẫn tại Điểm g Mục 1.1 Chương III Mẫu hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT, một trong các nội dung đánh giá tính hợp lệ của nhà thầu là có đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).

Đối với vấn đề của ông Thiện, việc lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu phải tuân thủ theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu.

Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định nhà thầu tham dự thầu phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng thì nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu này trước khi ký hợp đồng.