Bài speech như thế nào

Louise Spratt – một giáo viên tiếng Anh tại Hội đồng Anh ở Madrid đã gợi ý cách học tiếng Anh bằng phương pháp ghi âm giọng nói. Cô cũng đã áp dụng phương pháp này vào chính lớp học của mình và nhận thấy các học viên đã hạn chế được các lỗi ngữ pháp đồng thời phát triển khả năng phát âm tiếng Anh một cách rõ rệt. Vậy cô Louise Spratt đã làm như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua những chia sẻ dưới đây nhé!

Khuyến khích người học ghi âm

Đầu tiên, Louise Spratt chọn các bài kiểm tra tiếng Anh như B2 First (FCE), C1 Advanced (CAE) hoặc IELTS, tùy vào trình độ lớp học mà cô chọn bài kiểm tra phù hợp nhất. Khi bắt đầu tiết học, cô gợi ý cho học viên những điều giúp các em xây dựng bài hội thoại tốt nhất:

  • Sử dụng chính xác các điểm ngữ pháp phổ biến
  • Sử dụng các ý nghĩa khác nhau của từng thì tiếng Anh
  • Sử dụng chính xác các cụm ngữ động từ

Sau đó, cô đưa ra những câu hỏi để học viên cùng nhau thảo luận và xây dựng thành bài hội thoại. Song song đó cô khuyến khích học viên ghi âm cuộc đối thoại của mình. Hoàn thành bước này, giáo viên sẽ mở ghi âm hoặc video trên Youtube về một cuộc hội thoại tương tự từ những bài thi thực tế có điểm cao như IELTS, để học viên so sánh câu trả lời, cách sử dụng từ vựng, ngữ pháp của mình với những thí sinh trong đoạn hội thoại đó. Sau khi kết thúc bài nghe, giáo viên sẽ viết những lỗi ngữ pháp tiếng Anh mà học viên thường mắc phải lên bảng. Điều này giúp người học nhận thức rõ hơn về những lỗi sai của mình và tránh việc lặp lại.

Nhận biết các lỗi sai

Hãy ghi âm một bài thuyết trình ngắn về một chủ đề quen thuộc. Ghi âm lại bản thứ hai (hoặc thứ ba) của bài thuyết trình này nhưng kết hợp các lỗi ngữ pháp thường gặp như:

  • Các cặp từ đồng âm nhưng khác cách dùng
  • Phát âm sai về quá khứ đơn (ví dụ: phát âm 'e' trong 'fixed')
  • Chia sai các thì của động từ
  • Sử dụng sai thì của động từ
  • Nhầm lẫn giới từ
  • Dịch nói theo nghĩa đen từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang tiếng Anh

Trong mỗi bản ghi âm, giáo viên chỉ nên chú ý tối đa vào hai loại lỗi, nhưng hãy bao gồm nhiều ví dụ về các lỗi này. Điều này sẽ cho phép người học nhận ra những sai lầm đó trong một loạt các bài thuyết trình khác nhau. Gửi đến học viên hai bài tập nho nhỏ, trong bài đầu tiên, hãy mở bản ghi âm có chứa lỗi sai và yêu cầu học viên chọn ra hai loại lỗi ngữ pháp mà họ tìm thấy dựa vào 4 - 5 gợi ý có sẵn. Ở bài tập thứ hai, yêu cầu người học nghe lại đoạn ghi âm và viết xuống chi tiết những lỗi mà họ nghe được. Kết thúc bài tập, giáo viên mở bản ghi âm hoàn chỉnh để học viên so sánh.

Luyện tập ngữ điệu với một bài thuyết trình ngắn

Ở phần này, cô Louise Spratt khuyến khích giáo viên tự ghi âm giọng nói chính mình khi diễn đạt một bài thuyết trình từ 2 đến 3 phút về một chủ đề quen thuộc (giáo viên cũng có thể mượn tạm những bản ghi âm có sẵn trên mạng nhưng sẽ phải tốn một ít thời gian nghe và sàng lọc để phù hợp với mục đích sử dụng trong lớp học, nên cách tốt nhất là giáo viên tự ghi âm giọng nói).

Khi bắt đầu bài học, giáo viên hãy ghi chú lên bảng những chỗ tạm dừng và các động âm (errr, umm, uh-huh, well) sẽ xuất hiện trong đoạn ghi âm. Sau đó, phát kịch bản của bài thuyết trình mà giáo viên đã dùng để ghi âm, trong đó nên đánh dấu ngữ điệu một số từ bằng các kí hiệu như:

  • /  ngữ điệu tăng
  • \  ngữ điệu rơi
  • / \ tăng và giảm
  • \ / giảm và tăng

Sau khi người học đã hiểu, hãy mở bản ghi âm của giáo viên và để học viên có thời gian thảo luận về ngữ điệu. Tiếp đó, hãy phát bản ghi âm một lần nữa, tạm dừng sau mỗi câu và mời từng người học lên bảng để đánh dấu ngữ điệu trong câu họ vừa nghe. Để nâng cấp độ khó cho bài tập này, giáo viên nên loại bỏ các từ có nhấn âm, để lại một khoảng trống và yêu cầu người học viết các từ còn thiếu lên bảng.

Ngoài ra, giáo viên có thể mở rộng bài tập bằng các cuộc thảo luận về ngữ điệu và nhấn âm bằng những câu hỏi sau:

  • How is the speaker feeling? How do you know? (Cảm giác của người nói như thế nào? Làm sao bạn biết?)
  • Does the speaker feel differently at different points of the presentation/conversation? (Người nói có cảm thấy khác ở những điểm khác nhau của bài thuyết trình / hội thoại không?)
  • How does person A encourage person B to respond with information (answers)? (Làm thế nào để người A khuyến khích người B đáp lại thông tin (câu trả lời)?)
  • How would a listener react if the stress were on X word instead of Y word? Try it. (Người nghe sẽ phản ứng thế nào nếu trọng âm ở chữ X thay vì chữ Y? Hãy thử điều này.)
  • How would a listener react if the intonation were falling (instead of rising)? Try it. (Người nghe sẽ phản ứng thế nào nếu ngữ điệu đi xuống (thay vì đi lên)? Hãy thử điều này.) 

Ghi âm trong một phút

Trong trò chơi này, người học ghi âm lời nói của chính mình trong một phút về một chủ đề đã thảo luận trong lớp. Sau khi ghi âm, hãy yêu cầu học viên phát bản ghi âm cho cả lớp cùng nghe. Lúc này, nhiệm vụ giáo viên là tạm dừng trong từng câu để giúp người học chỉnh lại cách phát âm hoặc sửa lỗi ngữ pháp để giúp họ tiến bộ hơn. 

Ngoài cách này, giáo viên có thể biến đoạn ghi âm của học viên thành một bài nghe chính tả cho cả lớp, các bạn khác sẽ giúp bạn của mình sửa lỗi sai. Trước khi thực hiện bài tập này, hãy gửi học viên những kí hiệu viết tắt để giúp học thực hiện việc chỉnh sửa nhanh hơn, ví dụ:

  • sp = spelling (chính tả)
  • p = punctuation (dấu câu)
  • pr = preposition (giới từ)
  • t =  wrong tense (sai thì)

Thông qua hình thức sửa lỗi chéo như thế này, những học viên trong lớp sẽ nhanh chóng tiến bộ cả về cách phát âm và khả năng nghe kết hợp luyện viết tiếng Anh của mình.

Nếu không có thời gian trên lớp, giáo viên có thể áp dụng trò chơi này như hình thức một bài tập về nhà, yêu cầu người học chia sẻ tệp ghi âm vào email giáo viên. 

Phỏng vấn bạn học hoặc người thân và ghi âm lại

Viết các câu hỏi kiểu phỏng vấn tiếng Anh với trọng tâm là một điểm ngữ pháp, ví dụ: thì hiện tại tiếp diễn, cách sử dụng các ngữ động từ, hoặc một chủ đề trong lớp học.

  • What are you working on /studying /planning at the moment? (present continuous)
  • If you could travel anywhere in the world, where would you go? (second conditional)
  • How would you have reacted if you hadn’t won the prize? (third conditional)
  • Where were you brought up? (phrasal verb)
  • Have you ever turned down a great opportunity? (phrasal verb)

Yêu cầu học viên ghi âm lại một cuộc phỏng vấn với một người bạn hoặc thành viên gia đình, sử dụng từ năm câu hỏi trở lên có chứa đựng các thì tiếng Anh vừa được liệt kê. Trong tiết học, giáo viên sẽ cùng cả lớp lắng nghe ghi âm phỏng vấn của một bạn trong lớp. Các học viên sẽ làm việc cùng nhau trong cùng một nhóm để xác định và sửa chữa các lỗi sai ngữ pháp cũng như  cách phát âm tiếng Anh của người được phỏng vấn.

Xây dựng bài thuyết trình dựa vào chủ đề vừa học và ghi âm lại 

Yêu cầu người học chuẩn bị các bài thuyết trình ngắn, với sự giúp đỡ của giáo viên, tài liệu trực tuyến hoặc thư viện. Cho phép người học chọn từ bốn hoặc năm chủ đề vừa học gần đây và cung cấp cho họ năm câu hỏi chung để tạo lập cấu trúc bài thuyết trình.

  • Why is this an important issue in our society?
  • How does this affect young people?
  • What are the advantages and disadvantages?
  • Are any famous people involved in….?
  • What can we learn from…?
  • What are the benefits of using voice recordings in the classroom?

Khuyến khích học viên ghi chú trên giấy và hỗ trợ họ bằng cách kiểm tra lỗi. Sau đó, người học tự ghi âm và chia sẻ tệp ghi âm lên nhóm học tập của lớp trên Facebook hoặc Google để mọi người cùng nhận xét. Từ những bản ghi âm này, giáo viên có thể thực hiện các hoạt động nghe hiểu hoặc các nhiệm vụ theo kiểu bài kiểm tra cho các lớp học sau này.

Những lợi ích của việc sử dụng ghi âm trong lớp học là gì? 

  1. Người học có thời gian suy nghĩ trước khi nói

Sự tự tin và tính cách có thể ảnh hưởng đến người học. Một số người cần nhiều thời gian hơn để xử lý ý tưởng của mình, trong khi một số khác có thể nói tiếng Anh một cách tự nhiên. Vì thế, các bản ghi âm có thể cung cấp cho người học cơ hội thu thập ý tưởng và nỗ lực xây dựng câu, điều này rất có lợi cho việc học.

  1. Tất cả học viên đều có cơ hội tham gia

Trong các cuộc thảo luận trên lớp chỉ một số người học chiếm ưu thế và thực sự tham gia vào lớp học. Nhưng các bài tập ghi âm sẽ đảm bảo được tất cả mọi người cùng tham gia và có cơ hội phát triển kỹ năng nói, kỹ năng ngôn ngữ để thuyết trình, hội thoại hoặc tranh luận.

  1. Người học chịu trách nhiệm cho việc học của họ

Ghi âm giọng nói có thể góp phần vào việc xây dựng tài nguyên học ngôn ngữ của mỗi người. Điều đó làm cho công việc ôn tập có ý nghĩa hơn các bản ghi âm từ sách giáo khoa. Việc khuyến khích các học viên làm việc theo nhóm để cùng sửa lỗi sẽ giúp mối quan hệ của lớp thêm khăng khít và tăng sự tự giác trong từng cá nhân.