Vì sao học sinh lại muốn bỏ học

Bình Thuận:

Vì sao nhiều học sinh bỏ học?

Năm học mới 2005-2006 đã được hơn 1 tháng nay, nhưng nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở tỉnh Bình Thuận vẫn đau đáu nỗi lo tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Khi học sinh “không thích đi học” Chỉ tính riêng 2 huyện Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, số học sinh bỏ học đã lên đến hơn 220 em. Giờ đây, chuyện học sinh không chịu đi học đang trở thành điểm nóng, làm đau đầu các cấp chính quyền địa phương và nhà trường. Khả năng hoàn thành kế hoạch phổ cập trung học cơ sở năm 2006 của Bình Thuận liệu có thể thực hiện được không? Tiếp xúc với chúng tôi, thầy Lê Chánh Ngôn - Hiệu trưởng trường THCS Thuận Nam - cho biết: “Sau 2 tuần đầu khai giảng, vẫn còn gần 50 học sinh chưa đến lớp, nhà trường đã phải lập danh sách gửi về chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ, nhưng đến nay cũng mới chỉ có 6 em chịu ra lớp“. Số học sinh bỏ học này tập trung tại các khu phố Lập Nghĩa [19 em], Lập Vinh [12 em], Nam Thành, Nam Trung, Nam Tân... Trong đó, học sinh khối lớp 7 nằm trong diện bỏ học cao [22 em], khối lớp 6 có 16 em, khối lớp 8 và 9 có 11 em. Không chỉ riêng huyện Hàm Thuận Nam, Phòng Giáo dục huyện Tuy Phong cũng nhiều phen giật mình vì con số học sinh không chịu đi học khá cao, đặc biệt là học sinh đã hoàn thành xong chương trình tiểu học. Gặp chúng tôi, ông Võ Phi Dũng - Trưởng phòng - phân bua: "Cách đây hơn 1 tuần có khoảng 320 học sinh không chịu vào lớp 6,nay thì đã có 146 em ra lớp. Còn lại 174 em sắp tới sẽ đi học lớp phổ cập giáo dục ban đêm. Chúng tôi đã phải kêu gọi thầy, cô giáo các trường đến nhà từng em để vận động, thuyết phục gia đình cho các em đến lớp". Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Thuận, tình trạng học sinh "không thích đi học" ở đầu năm học mới không chỉ diễn ra trong niên học 2005 - 2006 mà còn ở nhiều niên học trước. Năm học 2004 - 2005, Bình Thuận có hơn 6.690 học sinh ở 3 cấp học đã bỏ học nửa chừng. Nhiều trường đã bị cắt thi đua khen thưởng vì không giữ được sĩ số học sinh. Điển hình như trường THCS Tân Bình [huyện Hàm Tân], năm học vừa rồi có trên 10 giáo viên bị cắt thi đua vì để gần 110 em bỏ học, tập trung ở khối lớp 7 - 8. Nhiều giáo viên cho biết, học sinh bỏ học giữa chừng là điều buồn nhất của người thầy, bởi chẳng ai muốn điều này xảy ra cả. Do vậy, đầu năm học mới này, giáo viên trong trường đã nhốn nháo lên vì chuyện lo chạy sĩ số học sinh cho đủ. Không ít hôm, các thầy, cô phải bỏ cả bữa ăn để đi vận động. Thế nhưng, đến nay vẫn còn 39 em lớp 6 vẫn chưa chịu ra lớp. Hiệu trưởng trường THCS Tân Bình lắc đầu ngao ngán:"Chúng tôi đã xuống nhà các em không biết bao lần vận động, nhưng các em vẫn một mực không chịu đi học". Bỏ học vì học lực yếu, kinh tế khó khăn

Một cán bộ của Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Trong hơn 6.690 học sinh bỏ học 3 cấp ở năm học 2004 - 2005, đa số chỉ vì nguyên nhân chủ yếu là mất căn bản, học lực quá yếu... nên không còn thiết tha với chuyện học, sợ học... không nổi. Chiếm số lượng học sinh bỏ học cao nhất là cấp THCS với trên 3.650 em, cấp THPT gần 2.070 em và cấp tiểu học hơn 970 em. Một điều đáng lo ngại là những trường hợp bỏ học đều rơi vào học sinh cuối cấp. Thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Tân được xem là một trong những địa phương có điều kiện phát triển về giáo dục, nhưng lại là những địa phương có tỷ lệ bỏ học cao nhất. Năm học 2005 - 2006, số học sinh không chịu ra lớp lại tập trung ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trận hạn hán vừa qua cũng đã làm ảnh hưởng không ít đến kinh tế gia đình. Đã có nhiều bậc phụ huynh chuyên làm nghề nông, nghề biển quan niệm rằng: con em học xong chương trình tiểu học là đủ rồi. Mùa gặt, mùa thanh long, mùa cá... đã vào vụ thu hoạch, đánh bắt, con em chính là lực lượng lao động đắc lực để trợ giúp gia đình làm kinh tế. Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Huỳnh Sanh Nhẫn cho biết, ngành đang đẩy mạnh các biện pháp cần thiết nhất để hạn chế tình trạng bỏ học. Đối với các gia đình nghèo, khó khăn, Phòng Giáo dục các huyện sẽ hỗ trợ sách vở, miễn giảm tiền học phí, phân công giáo viên dạy phụ đạo cho những em mất căn bản... nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em đi học. Giáo viên chủ nhiệm các lớp phải đi sâu, đi sát từng trường hợp để tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh nhằm khắc phục kịp thời những em có ý định và tư tưởng bỏ học. Đối với cấp tiểu học ở những vùng sâu, vùng xa, để hạn chế học sinh bỏ học, dù có 15 em vẫn phải mở lớp. Điều quan trọng lúc này là tuyên truyền, vận động các gia đình làm nông nghiệp, nghề biển hiểu được lợi ích của việc đi học và ảnh hưởng lớn sau này đến tương lai con em, việc phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương là điều kiện thiết yếu trong sự nghiệp giáo dục.

Nói là vậy, nhưng trên thực tế việc chạy đua thành tích giữa các trường đang là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học cao, nhất là kế hoạch hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trong năm 2006 của tỉnh đã gần kề. Vì thế, khối dưới cố đẩy lên, khối trên phải gánh chịu hậu quả và chuyện học sinh "ngồi nhầm" lớp đã không còn chuyện lạ. Liệu chuyện học sinh bỏ học là tiếng chuông báo động về chất lượng dạy và học hiện nay của ngành giáo dục ở Bình Thuận hay không?

[Theo Tiền Phong]

Trẻ chán học là lí do rất nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu. Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ chán học và phải làm thế nào khi con chán học dưới đây là mọt số lời bàn về vấn đề này

Con không muốn đi học

Những ngày này, nhìn HS lớp 12 và các bậc cha mẹ tất bật chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới, vợ chồng chị Thanh Nguyên [Q.3, TP.HCM] lại héo hắt. Từ sau tết, Tuấn Tài, đứa con trai duy nhất, niềm hy vọng của vợ chồng chị cứ nằng nặc đòi nghỉ học. Mặc cho ba má hết xuống nước, năn nỉ ỉ ôi đến hăm dọa, quý tử vẫn chỉ buông một câu: “Con không muốn đi học”.

Thất vọng, đau khổ nhưng vợ chồng chị Nguyên không thể lý giải vì sao đứa con vốn là HS khá giỏi nhiều năm, luôn nuôi giấc mơ được trở thành kỹ sư giống ba lại đùng đùng muốn nghỉ học. Mãi đến khi tìm cách gặp riêng Huân, đứa bạn thân nhất của Tài, anh chị mới té ngửa khi Huân tiết lộ: “Tài không muốn đi học vì nó chán nản khi phát hiện ra bác trai có bồ, phản bội bác gái và gia đình. Nó nói với con là nó không chịu nổi khi ba má cứ đóng kịch trước mặt nó, làm như nó là con nít, không biết gì”.

Nghe Huân nói, vợ chồng chị Nguyên chết lặng. Chuyện người lớn, cứ tưởng hai người tự giải quyết, tránh để cuộc sống của con bị xáo trộn, ai ngờ lại tệ hại hơn.

Học kỳ I năm học 2010, trường PTTH M. có một HS bỏ học. Chuyên viên tư vấn tâm lý của trường, chị N.T.K. kể: “HS này xuống phòng tư vấn trong trạng thái trầm cảm và tuyệt vọng. Em cho biết mình không còn hứng thú học hành. Mỗi ngày đến trường là một cực hình. Ba mẹ em đã chia tay, em sống với mẹ và gần như không được sự quan tâm chăm sóc nào từ phía người lớn. Bài giáo huấn muôn thuở của mẹ em luôn là con phải học giỏi. Mẹ lại luôn so sánh em với những bạn khác. Em cho biết, cuộc sống của em chẳng có niềm vui nên cũng không muốn học và nếu có vào lớp cũng không thể tiếp thu được gì”.

Không chỉ những HS thiếu sự quan tâm của cha mẹ hoặc gặp cú sốc tâm lý mới chán học, có không ít HS là con ngoan trò giỏi cũng... bỗng dưng chán đến trường.

Chị Hoài Anh [Q.Tân Bình] chia sẻ bài học “xương máu”: “Năm con trai tôi học lớp 9, gia đình điếng hồn khi được nhà trường gọi lên, thông báo cháu thường xuyên trốn học. Tới khi đó, tôi mới biết con mình thường bỏ đi chơi game. Thuyết phục đến trường thế nào, cháu cũng lắc đầu quầy quậy: “Con học không nổi vì tới lớp thầy giảng gì cũng đâu có hiểu. Tốt nhất, ba má cho con ở nhà cho đỡ tốn tiền mà con cũng đỡ tốn công tới trường”. Sửng sốt hơn khi tôi nghe mấy đứa bạn game của nó nửa đùa nửa thật: “Thằng Phúc nói với tụi con là nhà cô chú có điều kiện, dư sức kiếm cho nó một công việc tốt, cần gì phải học cho mệt”. Những điều bạn cháu nói là hoàn toàn có thật. Thấy con học hành quá nhiều áp lực, chúng tôi mua cho cháu máy game nối mạng để giải trí, xả stress. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng cũng động viên tinh thần cháu: “Con ráng học lấy cái bằng, có bằng ba mẹ sẽ đủ sức để tìm cho con một việc làm tốt”. Ai ngờ, cháu vin vào đó để ỷ lại, lười học. Khi quá hổng kiến thức, cháu thi toàn bị điểm thấp thì xấu hổ và không còn hứng thú để tới trường nữa”.

Trẻ chán học lỗi do ai:

Lỗi từ cha mẹ

Sự quan tâm của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của HS giai đoạn này. Lứa tuổi 15 - 17 được xem là giai đoạn đầu của tuổi thanh niên. Các em vừa vượt qua thời kỳ khủng hoảng tâm lý, kinh nghiệm sống còn ít. Vì vậy, khả năng làm chủ cảm xúc điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của các em còn hạn chế. Trên thực tế, một số phụ huynh không hiểu được điều đó nên luôn áp đặt, ra điều kiện, thậm chí còn độc đoán, gia trưởng, làm tổn hại đến tinh thần của các em. Một số cha mẹ lại quá lo chuyện kiếm tiền, không quan tâm đến con cái, hoặc khoán trắng cho nhà trường, gia sư...

Hoàng Ngân [lớp 10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM] cho biết: "Em tự lo liệu tất cả vì ba mẹ suốt ngày làm việc, hầu như không quan tâm đến gia đình. Những lúc em gặp khó khăn nhất thì ba mẹ lại đi vắng, em thấy rất tủi thân".

Cũng theo nghiên cứu trên, tỷ lệ cha mẹ hoàn toàn không nói chuyện với con chiếm 10,1%. Trong khi đó, 27,7% các em thường xuyên và luôn luôn mong muốn có một nơi để dốc bầu tâm sự hoặc tìm lời khuyên để giải quyết những vấn đề khó nói.

Những HS trong hoàn cảnh cá biệt thường xuyên xuất hiện những đặc điểm tâm lý, tinh thần đặc biệt. Trong số HS được nghiên cứu, có đến 11,1% sống trong gia đình có cha mẹ ly thân, ly dị hoặc đã chết. 9,1% HS sống trong gia đình có cha mẹ nghiện rượu. 33,4% HS sống trong gia đình có cha mẹ hoặc người thân thường xuyên cãi lộn, đánh nhau. Những em này thường mất phương hướng và không hứng thú trong học tập, thích gia nhập những nhóm bạn để bù đắp sự thiếu vắng trong đời sống tình cảm.

Thầy cô ít quan tâm

Nếu ở gia đình có cha mẹ, còn ở trường thầy cô giáo là những người trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ tinh thần, lắng nghe, thấu hiểu, giúp trẻ giải tỏa tâm lý. Hiện nay, đội ngũ giáo viên còn yếu những kỹ năng này, khiến HS cảm thấy thiếu chỗ dựa tinh thần, thậm chí nảy sinh tâm lý coi thường thầy cô. Ở một số vấn đề, khi HS cần được giúp đỡ thì thầy cô lại tỏ ra thờ ơ, dẫn đến những bức xúc khó kiểm soát và hậu quả là các em bị những chấn thương tâm lý đè nặng.

Theo nghiên cứu của thạc sĩ Lê Thị Ngọc Dung, có đến 26,3% HS bị thầy cô dùng các hình phạt hù dọa, cốc đầu, nhéo tai, phơi nắng...

Bình An [HS lớp 11, Q.Phú Nhuận] chia sẻ: "Từ khi ba em mất, ở trường em rất cần có sự chia sẻ cảm thông của thầy chủ nhiệm. Nhưng dường như thầy không quan tâm lắm, em thực sự mất lòng tin vào thầy".

Chia sẻ cùng chuyên gia

Theo các giảng viên tâm lý, trong giai đoạn trung học phổ thông, HS chịu sức ép từ nhiều phía, chương trình học, chọn ngành nghề, lo thi đỗ tốt nghiệp, thi vào cao đẳng, đại học, đến áp lực từ gia đình... Các em thường xuyên xuất hiện những biểu hiện rối nhiễu tâm lý, ảnh hưởng nhiều đến đời sống. Vì vậy, cha mẹ cùng với đội ngũ thầy cô giáo nên thường xuyên tìm hiểu nhu cầu, hứng thú, khuynh hướng, nguyện vọng của các em, từ đó tìm biện pháp tháo gỡ những vướng mắc.

Trong mọi trường hợp, không nên áp đặt quá mức. Giúp các em giải tỏa kịp thời những khó khăn, đồng thời, kết hợp giữa chơi và học, tạo cảm giác, bầu không khí thoải mái vui tươi, để các em có thể tự tin trong học tập, trong cuộc sống.

Đối với những trường hợp có hoàn cảnh cá biệt [thiếu cha hoặc mẹ] thì nhà trường cần thường xuyên quan tâm, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, giúp các em có thể cân bằng được tâm sinh lý, vững vàng trong cuộc sống, hoà nhập cùng bạn bè, cộng đồng xung quanh, tránh được những mặc cảm, tự ti.

Chữa “bệnh chán” cho trẻ

Theo TS Lã Thị Bưởi - Trưởng phòng khám Sàng lọc, tư vấn dự phòng và điều trị rối nhiễu tâm trí của bà mẹ và trẻ em [Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng], những trường hợp cha mẹ hoặc trẻ tìm đến phòng khám vì nguyên nhân trẻ mất hứng thú học tập vì chán gia đình khá phổ biến. Khi được hỏi: “Nếu có một điều ước, con sẽ ước gì?”, nhiều trẻ trả lời không chút đắn đo: “Con ước không phải đi học”.


Trẻ gặp cú sốc tâm lý sẽ dẫn đến chán học

Một thống kê mới đây cho thấy, tỷ lệ trẻ bỏ học vì nguyên nhân gia đình chiếm đến 62% . TS Lã Thị Bưởi cho biết, những nguyên nhân từ phía gia đình thường khiến trẻ chán học nhiều nhất là: cha mẹ bất hòa, gia đình ly tán, ly hôn, cha mẹ thiếu sự quan tâm, chăm sóc đối với con cái hoặc nuông chiều con một cách thái quá.

Nhiều chuyên viên tâm lý nhận định: gia đình trong cuộc sống hiện đại rất dễ xảy ra những mâu thuẫn, bất hòa. Nếu không chuẩn bị cho trẻ về mặt tâm lý, trẻ sẽ rất dễ bị sốc và không còn hứng thú học hành. Đừng cho rằng trẻ còn nhỏ nên bỏ qua cảm xúc, tâm lý của trẻ. Người lớn cần kiên trì chuẩn bị tâm lý, giúp trẻ đón nhận những biến cố gia đình, tránh những cú sốc bất ngờ.

Từng phải đối mặt với việc cả hai con đều chán học khi bố mẹ ly hôn, chị Minh Hoàng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chia sẻ: “Xác định đổ vỡ hạnh phúc gia đình do lỗi của người lớn, con cái sẽ rất bất hạnh khi cha mẹ chia tay, vợ chồng tôi thỏa thuận sẽ giữ những điều tốt đẹp còn lại cho con. Chúng tôi cho các con biết, dù cha mẹ không còn sống chung với nhau, nhưng cha mẹ vẫn yêu thương các con. Chúng tôi cố gắng giữ hình ảnh cha mẹ đẹp trong mắt con. Dẫu rất giận chồng, tôi vẫn nén lòng, tạo điều kiện để cha con gặp nhau. Tôi theo dõi sát chuyện học hành của con, liên lạc thường xuyên với giáo viên để hỏi han chuyện trường lớp… Tôi cũng dành nhiều thời gian nói chuyện, đi chơi với con… Dần dần, các con tôi bình tâm trở lại và chuyện học hành cũng ổn định”.

Cùng quan điểm với chị Minh Hoàng, TS Lã Th�� Bưởi nhấn mạnh: “Nhu cầu lớn nhất của trẻ em là được lắng nghe, chia sẻ. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian để gần gũi, trò chuyện và kịp thời phát hiện những khó khăn trong tâm lý, học hành… để tìm cách gỡ cho con”.

Chuyện trẻ chán học không phải xảy ra ngày một ngày hai mà là một quá trình. Tại phòng khám của TS Bưởi, từng có trường hợp cha mẹ mải lo kiếm tiền để cho con vào học trường tốt, nhưng trẻ vẫn chán học vì thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Mãi đến khi con bỏ học rồi, cha mẹ mới biết, kiểm tra vở mới thấy chẳng có chữ nào.

Đa số các bậc cha mẹ khi phát hiện ra con bỏ học hoặc học hành sa sút là giận dữ và nhiếc móc con. Thực tế đã chứng minh, phản ứng này sẽ khiến trẻ hụt hẫng và càng quyết tâm bỏ học, thậm chí bỏ nhà đi bụi. Bỏ học có thể do những rối nhiễu tâm lý khi trẻ phải chứng kiến những biến cố lớn của gia đình hay bạn bè, thầy cô, xã hội... Do vậy, nếu con trẻ không hợp tác, cha mẹ cần bình tĩnh tìm sự hỗ trợ của chuyên viên tâm lý.

TS Trần Thu Mai, Phó trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM khuyên: “Nếu cha mẹ quá bận rộn, không thể dành thời gian cho con thì giải pháp tốt nhất là nhờ một người am hiểu về tâm lý cùng chơi với trẻ, cùng học và trò chuyện với trẻ. Những đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình chỉ có thể giấu trẻ dưới chín tuổi. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ cần khéo léo nói cho con biết sự thật. Nếu được xem như một người lớn, trẻ sẽ thêm tự tin để đồng hành với cha mẹ trong những biến cố. Với trẻ nhỏ hơn, phụ huynh phải chuẩn bị tâm lý dần để khi đủ lớn, trẻ không bị sốc khi biết cha mẹ đã che giấu sự thật”.

Cha mẹ cần lưu ý, nếu liên tục trong một thời gian, trẻ có vẻ uể oải, mệt mỏi mỗi sáng đến trường, chắc chắn trẻ đang có những khúc mắc, khó khăn cần được can thiệp.

Một số biện pháp:

Bạn hãy kìm chế, đừng vội đưa ra những lời trách cứ. Bạn đừng vội trừng phạt con vì bị điểm kém và càng không nên đem nó ra so sánh với các bạn bè trong lớp. Việc đó không đem lại kết quả gì tốt đẹp, mà có khi đi ngược lại ý muốn. Bạn hãy nói với con là bạn muốn giúp con học tốt. Khi con trai, hay con gái bạn cảm thấy có mẹ là đồng minh, cháu sẽ dễ dàng vượt qua được những khó khăn đang gặp phải ở trường.

Hãy cùng con lập kế hoạch hành động. Rất có thể, con bạn còn có nhiều lỗ hổng về kiến thức nên không có gì ngạc nhiên nếu vì lý do đó mà bé chán học. Bạn hãy giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách, mỗi ngày định ra một vài giờ học với con và tổ chức phụ đạo trong một khoảng thời gian nữa.

Nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm lớp để hai bên cùng suy nghĩ xem nên phải làm gì để trẻ tập trung hơn vào việc học hành. Đồng thời, bạn cũng nên tìm hiểu xem con bạn có vấn đề gì không [nhất là khi con bạn chỉ bị điểm kém ở một môn học]. Nếu đúng như vậy thì bạn hãy cố gắng làm sáng tỏ vấn đề này.

Bạn đừng chờ đợi ở con mình toàn những điểm 10. Khi trẻ cảm thấy đòi hỏi năng lực của cha mẹ vượt quá xa khả năng thực tế của mình, trẻ sẽ càng dành thời gian cho học tập ít hơn - bởi vì đằng nào trẻ cũng không đáp ứng được mong mỏi của cha mẹ rồi. Cho nên thay vì nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Hồi đi học mẹ toàn được điểm cao, sao bây giờ con không được như vậy", thì tốt nhất hãy nói: "Lần sau con nên cố gắng làm cho tốt hơn".

Hãy giúp con trở nên tự tin. Một đứa trẻ, dù bị điểm kém ở trường vẫn muốn mình được đánh giá đúng và nhận được sự quan tâm của mọi người. Vì thế, bạn hãy cố gắng chỉ ra mặt mạnh của con, có thể con vẽ đẹp, bơi giỏi hay có năng khiếu âm nhạc? Nếu trẻ cảm thấy tự tin trong một lĩnh vực nào đó, trẻ sẽ tin rằng việc học ở trường cũng có thể thành công.

Thuyết phục con rằng việc học bao giờ cũng có ý nghĩa. Giải thích cho con bạn hiểu rằng, học không chỉ nhằm mục đích thu thập điểm số mà trước tiên là để có kiến thức cần cho tương lai. Có kiến thức mới có được nghề nghiệp mà mình mong ước.

Tạo cho trẻ những điều kiện tốt nhất. Bạn nên cố gắng để trẻ có một  góc riêng phục vụ cho việc học tập ở trong nhà, như một chiếc bàn, một giá sách, một chiếc tủ con đựng đồ dùng học tập. Bởi vì trẻ làm bài tập nay chỗ này mai chỗ khác sẽ khiến chúng giảm hứng thú tập trung. Nhưng bạn cũng không nên bắt trẻ ngồi lâu với sách vở, ngồi lâu không có nghĩa là sẽ đạt được kết quả tốt.

Hãy nói cho con bạn biết là bạn mong muốn con trở thành học sinh giỏi. Bạn hãy tỏ ra vui mừng trước những thành công dù là nhỏ nhất ở trường của con bạn. Hãy khen ngợi con khi con được điểm tốt và thưởng cho con que kem, hay một buổi xem phim. Điều này động viên và khích lệ trẻ rất nhiều trong học tập.

Video liên quan

Chủ Đề