Tại sao việt nam không có phim cổ trang

Chúng tôi trao đổi với nhiều bạn trẻ và nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Xem để giải trí, tại sao không?

Lê Thành Nam, 25 tuổi, sinh viên ngành đạo diễn, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, người không bỏ sót tập nào của Diên Hi công lược đến thời điểm này cho rằng: “Thực ra, tôi hiểu rằng cũng khá đáng lo khi mà người trẻ Việt Nam xem nhiều phim ảnh dã sử, cổ trang Trung Quốc nhiều hơn tìm hiểu lịch sử Việt Nam nhưng xét trên góc độ điện ảnh hay nghệ thuật thì không thể phủ nhận tài năng của các nhà làm phim Trung Quốc”.

“Nếu nhìn theo hướng tích cực, thì các nhà làm phim Việt Nam cũng nên học hỏi Trung Quốc ở lĩnh vực này, thay vì ngồi lo lắng giới trẻ mê sử Trung hơn sử Việt rồi cấm cản họ xem phim”, anh Nam ý kiến.

Tôn Nữ Anh Thư, 24 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, freelancer mảng truyền thông, quảng cáo, người đã xem 57 tập Diên Hi công lược và trước đó là nhiều phim cổ trang của Trung Quốc bày tỏ: “Tôi thấy Việt Nam không có phim nào về chuyện hậu cung mà thể hiện được mánh khóe người xưa như Diên Hi công lược nên chuyện giới trẻ hứng thú và xem là điều bình thường, bây giờ trách các bạn trẻ như tôi thì hãy đưa ra một lựa chọn nào đó cho chúng tôi? Chưa kể, nhiều bạn coi xong họ còn trích đối thoại trong phim, "chế" ảnh, share rộng rãi trên mạng xã hội, đó chính là thể hiện sự tâm đắc, rất nhiều người đang thực sự yêu thích những bộ phim đó”.

Theo Thư: “Diên Hi công lược phản ánh đơn giản là cuộc chiến hậu cung và lịch sử trong phim chỉ là một nét, không phải sự kiện lớn nên tôi cho rằng nếu xem phim và hiểu về lịch sử Trung Quốc hơn thì là phỏng đoán và tuỳ người. Có thể hỏi các bạn trẻ, xem họ xem phim Trung Quốc để giải trí hay học lịch sử là biết ngay. Với cá nhân tôi, tôi chỉ quan tâm chuyện hậu cung, chứ không quan tâm đó là đời vua thứ bao nhiêu, năm bao nhiêu ở lịch sử Trung Quốc”.

“Chúng ta cũng cần nói thêm rằng, tại sao người trẻ Việt không thích xem phim tài liệu của Việt Nam để học lịch sử, vì nó khô khan quá, còn đây là phim nghệ thuật, người trẻ tất nhiên sẽ thích hơn”, Thư nói.

Người trẻ không quay lưng với lịch sử Việt Nam

Chị Nguyễn Thu Hà, thạc sĩ sư phạm lịch sử, Trường ĐH Giáo dục, ĐH quốc gia Hà Nội, cho hay bản thân chị không xem các phim cổ trang Trung Quốc nhưng chị thừa nhận, rất nhiều bạn trẻ đang “mê mệt” các phim này và sốt sắng tìm các địa chỉ có link phim trên mạng internet.

“Không thể trách người xem phim. Vì phim lịch sử, dã sử của phía Trung Quốc hấp dẫn, nó có nhiều chi tiết ảo, có thể không phải 100% lịch sử nhưng lôi cuốn người xem. Có thể người xem phim vì muốn giải trí, thấy phim hay, diễn xuất nhân vật quá đạt, tình tiết lôi cuốn, chứ không thể đánh đồng người ta xem là mê lịch sử Trung Quốc, bỏ bê lịch sử Việt Nam”, chị Hà nói.

Theo chị Hà, “nếu phim dã sử, cổ trang của Việt Nam làm cũng gay cấn và thành công, chắc chắn người trẻ sẽ không quay lưng”.

Một buổi nói chuyện về lịch sử Việt Nam được thực hiện bởi nhóm Sử Talk 

Trần Tuấn

Anh Trần Minh Tuấn, trưởng nhóm Việt sử kiêu hùng - những người trẻ thực hiện dự án phim dã sử theo lối diễn họa [animation], đã công chiếu hồi 1 mang tên Giấy của Tử chiến thành Đa Bang và được công chúng đón nhận chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: “Nói về Diên Hy công lược, phim đầu tư tới hơn 700 tỉ đồng cho phần trang phục, thì thấy độ “khủng” của phim như thế nào”.

“Tôi có xem một số tập, đầu tư cực kỳ công phu về mặt biên kịch. Trong đó bao hàm rất nhiều yếu tố từ văn hóa, ẩm thực, trang phục, y học, lịch sử,.... lồng ghép khéo léo để quảng bá văn hóa, để làm được như vậy thì đoàn làm phim đã phải đầu tư thật sự rất lớn. Phim Việt gần đây có Song Lang, tôi mới đi coi tối qua, tôi thấy về trang phục, bối cảnh, vật dụng... đều làm hết sức chỉn chu, đây là một phim hiếm hoi hiện tại có thể dựng được như vậy, nhưng cũng chỉ làm tới thập niên 70, tức là cách đây mới 30 - 40 năm, còn phim lịch sử thì thật sự rất rất khó”.

Nhìn nhận vấn đề xa hơn, trưởng nhóm Việt sử kiêu hùng, nói: “Với tôi điều đáng lo là sự thiếu đầu tư để có những sản phẩm về văn hóa lịch sử của Việt Nam. Chính vì thiếu những sản phẩm như vậy nên phần nào đó, chúng ta chưa đối kháng lại được với cuộc "xâm lược văn hóa" này. Với mọi người thì sản phẩm hay, được đầu tư công phu thì họ đón nhận, không thể trách họ. Nhưng tôi tin rằng trong mỗi người Việt đều có sự ưu ái nào đó dành cho văn hóa lịch sử nước nhà nhiều hơn, chỉ là chưa có sản phẩm để họ xem mà thôi”.

Diễn viên Nguyễn Minh Tiệp cho rằng khâu kiểm duyệt phim cần phải được thực hiện nghiêm ngặt, bởi nếu bộ phim Trung Quốc nào đó xuyên tạc lịch sử, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam mà vẫn được các khán giả trong nước đón nhận là điều hết sức nguy hiểm. Theo diễn viên Nguyễn Minh Tiệp, nếu đơn thuần chỉ là phim dã sử, cổ trang của Trung Quốc, không làm sai lệch lịch sử, chủ quyền của Việt Nam mà cấm người trẻ xem thì không thể, bởi đây là quyền tự do lựa chọn của mỗi người, đến những sản phẩm văn hóa.

“Tuy nhiên, theo tôi khán giả Việt Nam, đặc biệt khán giả trẻ hiện tại rất thông minh, nhạy bén, có lòng tự tôn dân tộc sâu sắc. Họ sẽ biết lựa chọn sản phẩm để xem và điều chỉnh hành vi của chính mình”, diễn viên Minh Tiệp nói.

Nam diễn viên tham gia Quỳnh búp bê cũng dẫn ra câu chuyện của nghệ sĩ Thành Lộc: “Tôi rất trân quý nghệ sĩ Thành Lộc. Anh Thành Lộc từng viết trên trang cá nhân facebook, anh từng yêu quý nghệ sĩ này, kia của Trung Quốc nhưng vì nghệ sĩ đó nói sai về lịch sử, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, anh không còn yêu mến họ nữa. Tôi nghĩ, đó là lòng tự tôn dân tộc luôn thường trực trong tim của mỗi người dân Việt Nam”.

Tin liên quan

Khả năng hạn chế của các nhà làm phim, sự thiếu nghiên cứu lịch sử lẫn áp lực doanh thu khiến phim cổ trang Việt chưa thể cất cánh.

Tại Hàn Quốc, phim điện ảnh đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại là Đại thủy chiến [The Admiral: Roaring Currents] do Kim Han-min đạo diễn. Tác phẩm kể về trận chiến chống quân Nhật lừng lẫy của đô đốc Yi Sun-sin vào thế kỷ XVI.

Ra mắt từ năm 2014, phim thu hút số đông khán giả nhờ ca ngợi tinh thần dân tộc. Kỷ lục doanh thu của Đại thủy chiến đã đứng vững suốt bảy năm qua, bất chấp điện ảnh Hàn có nhiều tác phẩm xuất sắc.

Tại Trung Quốc, một số phim lịch sử đang nằm trong top 10 ăn khách mọi thời. Hồi 2008, phim Red Cliff [Đại chiến Xích Bích] ghi dấu ấn khi có doanh thu vượt qua Titanic [1997]. Còn điện ảnh Ấn Độ và Nhật Bản cũng có rất nhiều phim cổ trang nổi bật.

Tại Việt Nam, trong 30 phim doanh thu cao nhất mọi thời, chỉ hai thuộc dòng cổ trang. Trạng Quỳnh bị chê về chất lượng, hút khách chủ yếu nhờ chiếu Tết và có Trấn Thành. Còn Tấm Cám: Chuyện chưa kể mang yếu tố kỳ ảo, cổ tích và cũng chưa thuyết phục về chất lượng.

Không nhiều phim cổ trang Việt ghi dấu ấn

Phim cổ trang có thể tạm chia thành các kiểu là lịch sử [bám sát chính sử], dã sử [mượn nhân vật, thời đại lịch sử để khai triển góc nhìn của tác giả, có thể thêm thắt nhân vật mới] và hư cấu hoàn toàn. Ở cả ba dạng này, từ năm 2010, Việt Nam chỉ có số ít phim đạt chất lượng ổn.

Thiên mệnh anh hùng là phim cổ trang hiếm hoi thành công trong 10 năm qua, nhưng vẫn không thể hòa vốn. Ảnh: CGV.

Nổi bật nhất là Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ, mang yếu tố võ hiệp, lấy bối cảnh thời Lê. Tác phẩm thu hơn 16 tỷ đồng và giành nhiều giải thưởng điện ảnh. Hai phim Khát vọng Thăng Long và Long thành cầm giả ca được khen, nhưng không có khán giả. Mỹ nhân kế, Trạng Quỳnh, Tấm Cám: Chuyện chưa kể thì đạt thành tích phòng vé, nhưng bị chê về chất lượng.

Nhiều tác phẩm khác thất bại cả về chất lượng lẫn hiệu ứng phòng vé, như Tây Sơn hào kiệt [2010] với lối làm phim quá cũ, Lửa Phật [2013] xa lạ văn hóa Việt, “thảm họa” 3D Cung tâm kế [2019].

Gần nhất, phim Cậu vàng [đạo diễn Vũ Thủy] và Kiều [đạo diễn Mai Thu Huyền] hứng chịu vô số chỉ trích bởi sự sống sượng, bóp méo nguyên tác và nhiều điểm yếu kỹ thuật. Thất bại nặng nề của hai tác phẩm này làm xấu thêm bức tranh vốn đã ảm đạm của phim cổ trang Việt.

Không phải cuộc chơi dành cho những “tay mơ”

Khi làm phim cổ trang, thách thức về tay nghề với đạo diễn và ê-kíp có lẽ phải gấp đôi bình thường. Ngoài dàn cảnh, quay phim như thông thường, thể loại còn đòi hỏi trang phục, đạo cụ, bối cảnh đặc thù, chưa kể việc điều chỉnh lời thoại, lối diễn cho hợp niên đại. Biên kịch, thiết kế cũng phải khảo cứu kỹ lịch sử hoặc nguyên tác để tránh sai sót về nội dung.

Nhiều dự án đã “chết” do sạn về đạo cụ, nội dung, lời thoại, trước khi kịp bàn đến thông điệp hay diễn xuất. Trong Tây Sơn hào kiệt, nhiều nhân vật triều Lê lại nói giọng Sài Gòn. Trailer phim Mỹ nhân [2015] từng gây sửng sốt với hình ảnh Lion King [Vua sư tử] trên bổ tử của các quan.

Kiều mắc quá nhiều điểm yếu, dễ trở thành thành bom xịt phòng vé sau khi được đầu tư 25 tỷ đồng.. Ảnh: Galaxy.

Mới đây, phim Kiều bị chỉ trích khi để kỹ nữ mặc áo màu vàng vốn dành cho vua chúa. Một poster của dự án bị soi lỗi phục trang khi Thúc Sinh mặc áo cài ngược vạt - kiểu cài vốn chỉ dành cho khâm liệm người chết. Còn Cậu Vàng bị tẩy chay từ lúc công bố chú chó Shiba đóng vai chính.

Chính vì độ khó của phim cổ trang, thất bại của nhiều dự án có thể đoán trước nếu nhìn vào tên tuổi ê-kíp. Mai Thu Huyền từng lúng túng với Giấc mơ Mỹ thì khó lòng đủ sức chuyển thể Truyện Kiều. Hay đạo diễn Trần Vũ Thủy chưa nhiều kinh nghiệm điện ảnh nên chắc chắn khó lòng đưa trang sách của Nam Cao lên màn bạc.

Năm 2020, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng bộc lộ nhiều hạn chế khi thực hiện series Phượng khấu về Từ Dụ Thái hậu. Dù có điểm sáng về trang phục, phim vẫn bị chỉ trích về khâu chỉ đạo diễn xuất, lỗi kỹ xảo và chỉ để lại tiếng thở dài.

Số nhà làm phim có khả năng và tâm huyết làm phim cổ trang ở Việt Nam thì quá ít. Charlie Nguyễn từng rất thành công với Dòng máu anh hùng, nhưng giờ tập trung vào dòng hài - lãng mạn. Sau khi bị Người bất tử [một phần câu chuyện diễn ra thời Pháp thuộc] vắt kiệt sức lực, Victor Vũ chưa quay lại với các phim lấy bối cảnh xưa.

Ngô Thanh Vân thuộc số ít nhà làm phim có tầm nhìn và quyết tâm làm phim cổ trang. Vài năm qua, đả nữ khá thành công với chiến lược làm phim đậm chất văn hóa Việt. Tuy nhiên, cô và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đang gặp khó với dự án Trạng Tí phiêu lưu ký bởi sự tẩy chay của cộng đồng mạng.

Thách thức về phòng vé và văn hóa

Bài toán doanh thu cũng là thứ đè nặng lên các nhà đầu tư phim cổ trang. Dòng máu anh hùng được khen, nhưng gây lỗ nặng. Thiên mệnh anh hùng và Người bất tử thuộc số ít phim bị lỗ của Victor Vũ. Dù nhận đánh giá tốt, các phim này không đủ hút khách để bù lại chi phí sản xuất lớn. Nếu doanh thu Trạng Tí không như ý, nhiều khả năng khó có các phần tiếp theo như nhà sản xuất mong muốn.

Trạng Tí sẽ là phim mang yếu tố cổ trang tiếp theo ra rạp. Ảnh: CJ.

Ở các hội thảo hay cuộc phỏng vấn, không ít nhà làm phim chia sẻ nhận định e ngại phim cổ trang vì kinh phí lớn. Trước hành trình quá chông gai để làm phim hay, mà phim dẫu hay cũng khó hòa vốn, dễ hiểu khi nhiều hãng chọn con đường khác.

Một số yếu tố đặc thù về văn hóa góp phần thách thức nhà làm phim. Ở phim Trạng Quỳnh, ê-kíp lúng túng khi đưa các câu đối, chơi chữ lên màn bạc. Những câu này hóm hỉnh và hấp dẫn trên giấy, nhưng không dễ nghe, dễ hiểu với khán giả đại chúng ở rạp.

Năm 2019, đạo diễn Nguyễn Phương Anh trình làng bộ phim Vợ ba có yếu tố cổ trang. Dù đạt nhiều giải thưởng quốc tế, phim gây tranh cãi trong nước do để diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm. Bên cạnh đó, cách đạo diễn trình hiện văn hóa Việt còn xa lạ khán giả nội. Từ trường hợp này, có thể thấy không dễ để cân bằng yếu tố nghệ thuật và bám sát văn hóa trong phim.

Tây Sơn hào kiệt [2010] là phim gần nhất phản ánh trực diện một cuộc chiến chống Trung Quốc thời phong kiến. Ảnh: CGV.

So với phim dã sử và hư cấu khá linh hoạt về nội dung, phim lịch sử còn phải đối mặt thế khó về đề tài. Với chiều dài văn hóa 4.000 năm, sử Việt có vô vàn câu chuyện hấp dẫn để đưa lên màn ảnh, đặc biệt là chuyện chống ngoại xâm. Nhưng những cuộc chiến chống Trung Quốc thời phong kiến sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn để kể đúng, kể hay, mà vẫn khéo léo trong cách thể hiện vấn đề nhạy cảm.

Tuy nhiên, bức tranh phim cổ trang không phải xám xịt mà vẫn có gam màu hy vọng. Từ thành công của Bố già [doanh thu hơn 400 tỷ đồng], có thể thấy tiềm năng tại phòng vé Việt vẫn là rất lớn. Anh Nguyễn Hoàng Phương - điều hành Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD - nhận định: “Khán giả Việt chưa bao giờ quay lưng lại với phim Việt, nếu tác phẩm đủ chất lượng và thu hút. Khi kinh phí đầu tư đi kèm với chất lượng nội dung, con người, đánh trúng vào tâm lý số đông, thành phẩm sẽ đạt thành quả xứng đáng”.

Đồng thời, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán - Nôm, cho rằng trong khoảng 5 năm trở lại đây giới trẻ đang quan tâm rất nhiều tới lịch sử. “10 năm trước, người trẻ tìm hiểu lịch sử còn lác đác. Còn trong 5 năm trở lại đây, nghiên cứu, tìm hiểu, viết về lịch sử đang trở thành xu hướng trong giới trẻ. Người trẻ tự tạo ra phương thức mới để tìm hiểu mà giới sử học hàn lâm chưa làm. Đó là một dấu hiệu rất đáng mừng”, ông nói.

“Chẳng hạn, trong văn hóa cổ phong, bắt nguồn từ chuyên luận Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức, giới trẻ được truyền cảm hứng mạnh mẽ. Từ đọc, tìm hiểu, nghiên cứu, người trẻ đã thực hành văn hóa cổ phong, lập ra những nhóm quảng bá văn hóa. Trong xu hướng tìm hiểu lịch sử, các hoạt động như làm phim cổ trang, làm sản phẩm văn hóa trên nền lịch sử đang được hưởng lợi. Họ vừa có thêm thông tin về lịch sử văn hóa, đồng thời có thêm nhiều công chúng là những người trẻ đang say mê tìm hiểu lịch sử”, phó giáo sư nói thêm.

Video liên quan

Chủ Đề