Tại sao evn độc quyền

“Ngành điện không thể giữ mãi độc quyền” là ý kiến chung của các chuyên gia trao đổi tại buổi tọa đàm “Gỡ nút thắt đầu tư của ngành điện Việt Nam”, do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam [VSEA] tổ chức ngày 30/3, tại Hà Nội.

Các diễn giả thảo luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: Green ID

>> Vốn cho Quy hoạch điện VIII liệu có khả thi?

Việt Nam chưa có thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh [GreenID] cho biết, theo bản dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong 10 năm tới, mỗi năm ngành điện cần 13 tỷ USD vốn đầu tư cho cả nguồn và lưới điện. Đây là một số tiền lớn, cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Một cơ chế chính sách cho thị trường điện cạnh tranh là cần thiết để thu hút vốn đầu tư xã hội hóa, FDI.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thị trường điện cạnh tranh đem lại lợi ích cho tất cả các bên, cụ thể: giải quyết được bài toán về giá điện minh bạch, hiệu quả; tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả; tạo cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch.

Theo bà Khanh, Việt Nam đang có thị trường bán buôn cạnh tranh, nhưng mới chỉ có một người mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam [EVN], nên vẫn chưa hình thành một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Nhìn vào các ngành khác như viễn thông, việc phá vỡ độc quyền đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân, đất nước, giúp Việt Nam có tên trong bản đồ viễn thông thế giới. Thành tựu từ ngành viễn thông cho thấy nhiều bài học cho các ngành khác như ngành điện.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược [VESS] cho rằng, thị trường viễn thông và thị trường điện giống nhau về mặt kỹ thuật khi đều có tính độc quyền tự nhiên, rất khó phá vỡ nếu không có chính sách đặc biệt. Thị trường điện hiện có 4 khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ. Các phân khúc thị trường này tạo ra thị trường điện nói chung và mỗi phân khúc lại có 1 thị trường riêng.

Hiện nay, thị trường sản xuất đang mở cửa cạnh tranh, dù EVN vẫn chiếm khoảng 2/3 thị trường, tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân vẫn có nhiều cơ hội tham gia thị trường này. Thị trường truyền tải với hệ thống trục truyền tải, đường cao thế 500kV có tính độc quyền cao, là độc quyền tự nhiên, khó phá vỡ. Thị trường phân phối, bán lẻ hoàn toàn có thể cạnh tranh, tuy nhiên EVN vẫn đang giữ thế độc quyền.

Cần chuyển đổi cơ chế từ dễ quản lý sang dễ làm giàu

Chia sẻ về kinh nghiệm xóa bỏ độc quyền trong ngành viễn thông, TS. Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, không có lĩnh vực nào không có cạnh tranh mà lại lành mạnh. Việt Nam cần phải có cơ chế thúc đẩy cạnh tranh, chấp nhận cạnh tranh trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành điện. Để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, cần chuyển đổi cơ chế từ dễ quản lý sang dễ làm giàu, thay đổi tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, quản lý theo nguyên tắc vì sự phát triển, bỏ các nguyên tắc quản lý truyền thống.

“Một lĩnh vực mà nhiều đầu tư quá là lãng phí và chỉ có một nhà đầu tư là độc quyền, cần có chính sách vừa chống độc quyền, vừa chống lãng phí. Để phá vỡ độc quyền, ngành điện cần rà soát xem có bao nhiêu đối tượng tham gia vào hoạt động, từ đó, tính toán tìm ra lợi ích chung, cơ chế chung để khuyến khích, kích hoạt sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tư nhân. Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để minh bạch các hoạt động của ngành điện” - TS. Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng [Ngân hàng Nhà nước] cũng nhấn mạnh, ngành điện không có gì là không cổ phần hóa được. Như với ngành Ngân hàng, hiện nay thị phần của ngân hàng thương mại cũng đã vượt các ngân hàng vốn nhà nước [52/48%]. Nghị quyết 55 năm 2020 của Bộ Chính trị đã nói rất rõ về việc thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, FDI để phát triển điện lực. Tuy nhiên, Luật Điện lực lại chưa thể hiện được rõ điều này.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Anvi, Luật Điện lực khái quát có 3 thị trường: phát, truyền, bán. Luật chỉ ra 3 thị trường này là tự do cạnh tranh nhưng thực tế triển khai lại không được như trong văn bản pháp luật quy định. Vì vậy, cần làm mới Luật Điện lực, tinh thần như Luật Bưu chính, viễn thông thì mới tạo ra sự cạnh tranh, phát triển trong ngành điện. Thêm vào đó, cạnh tranh cần phải giải quyết từ giá, giá mua điện phải bằng nhau và có sự điều tiết bằng thuế. Ví dụ đánh thuế môi trường với điện than.

Thêm ý kiến về vấn đề này, TS. Hoàng Xuân Lương - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, chỉ có tạo ra thị trường cạnh tranh, thu hút được nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế thì các lĩnh vực kinh tế mới thành công, trong đó có ngành điện. Để tạo thị trường điện cạnh tranh cần pháp luật hóa, có cơ sở pháp lý vững chắc.

Ngành điện không thể giữ mãi độc quyền, Bộ Công thương phải suy nghĩ thật cẩn thận, tính toán các giải pháp để mang lại lợi ích cho người dân. Đặc biệt, cần có cơ chế giá, cơ chế thuế phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo./.

Mai Lâm

Các diễn giả tại một cuộc tọa đàm về ngành điện diễn ra tại Hà Nội tuần trước cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh xã hội hóa, xóa bỏ độc quyền nhà nước trong tất cả các khâu của thị trường điện, kể cả trong truyền tải – một lĩnh vực được xem là gắn với an ninh quốc phòng của Việt Nam. Một số ý kiến của tọa đàm còn cho rằng nếu độc quyền trong ngành điện tiếp diễn càng lâu thì mất mát đối với đất nước cũng như nguy cơ phụ thuộc của ngành này vào nước ngoài sẽ càng nhiều.

Điện không phải là lĩnh vực bất khả xâm phạm

Thị trường điện lực Việt Nam được phân chia thành 4 khâu hay còn gọi là 4 thị trường thành phần, bao gồm: sản xuất, truyền tải, bán buôn và bán lẻ. Mặc dù Luật Điện lực của Việt Nam quy định Nhà nước chỉ nắm giữ độc quyền ở khâu truyền tải nhưng trên thực tế Tập đoàn Điện lực Việt Nam [EVN] đang là người chơi duy nhất ở tất cả các khâu, trừ sản xuất điện. Và mặc dù đã có sự tham gia của các nhà sản xuất điện tư nhân trong và ngoài nước, đặc biệt có bùng nổ các nhà đầu tư năng lượng tái tạo [NLTT] trong 2 năm trở lại đây, nhưng EVN vẫn chiếm tới 2/3 tổng sản lượng điện Việt Nam sản xuất. Vì vừa là một nhà sản xuất, bán điện, có lợi ích tiềm ẩn ở tất cả các khâu, đặc biệt là đơn vị duy nhất được Nhà nước giao các trọng trách như: mua điện từ các nhà sản xuất, đấu nối điện của nhà sản xuất vào hệ thống truyền tải quốc gia, vận hành và quản lý hệ thống truyền tải quốc gia trong bối cảnh hệ thống này còn nhiều hạn chế về công suất, người ta không khỏi nghi ngại về sự công tâm của Tập đoàn này trong thời gian vừa qua cũng như lo ngại về những hệ lụy của việc tiếp tục kéo dài độc quyền của tập đoàn này.

Tại buổi tọa đàm “Gỡ nút thắt đầu tư của ngành điện Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội trong tuần vừa qua, mặc dù thừa nhận ngành điện có gắn với an ninh quốc phòng [ANQP] nhưng các diễn giả là các chuyên gia kinh tế luật pháp dày dặn kinh nghiệm của Việt Nam đều cho rằng đã đến lúc cần phải đẩy mạnh xã hội hóa ngành điện. Ông Phạm Xuân Hòe- nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước cho rằng không thể lấy lý do ANQP để chậm cổ phần hóa ngành điện vì thực thế cho thấy rất nhiều ngành cũng vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia như viễn thông, hàng không hay ngân hàng đều đã phát triển được thị trường cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, lợi nhuận cho nhà nước đồng thời xây dựng được nhiều doanh nghiệp [DN] mạnh. Ông đơn cử trong lĩnh vực ngân hàng, hiện các ngân hàng cổ phần tư nhân đã có sự tăng trưởng vượt bậc và đã có thị phần vượt lên trên thị phần của bốn Ngân hàng thương mại Nhà nước với tỷ lệ 52%/48% tổng số tiền gửi - điều mà không ai có thể hình dung trước khi xã hội hóa ngành ngân hàng. 

“Theo tôi ngành điện không có gì là không cổ phần hóa được” – ông Hòe nói.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng thực tế đổi mới của Việt Nam cho thấy ở lĩnh vực nào có cạnh tranh thì có sự phát triển lành mạnh, ứng dụng nhiều đổi mới sáng tạo và mang đến nhiều sự lựa chọn với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng và ngược lại. PGS.TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược [VESS] cho rằng, rất nhiều lĩnh vực được gắn với vấn đề an ninh, từ năng lượng cho đến viễn thông hay an ninh lương thực nhưng không nên nhầm lẫn chính sách với hoạt động thực tiễn kinh doanh, gây khó khăn cho công tác quản lý và tạo cơ hội cho cán bộ nhà nước thao túng quyền lực và tham nhũng.

Hình minh hoạ. Công nhân điện đang lắp đặt một cột điện cao thế tại Hà Tĩnh hôm 3/12/2015. AFP

Bàn cụ thể về  ngành điện lực, ông Thành cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể mở cửa cạnh tranh ở cả 3 khâu sản xuất, bán buôn và bán lẻ và cần cân nhắc kỹ hơn vai trò của EVN trong lĩnh vực truyền tải. Trong khâu sản xuất phát điện, mặc dù thị trường này đã mở cửa cho cạnh tranh nhưng việc EVN vẫn chiếm khoảng 2/3 sản lượng phát điện thể hiện tính độc quyền rất cao.

“Về mặt nguyên tắc, EVN có thể biến mất khỏi thị trường này vì nó không liên quan đến ai là chủ thể mà chỉ là ai là người sản xuất thôi” – ông Thành nói.

Trong lĩnh vực truyền tải, Việt Nam hiện có trục truyền tải điện duy nhất là hệ thống truyền tải điện 500kV từ Bắc tới Nam làm nhiệm vụ truyền tải trao đổi điện năng giữa các miền Bắc, Trung và Nam được đưa vào vận hành từ giữa những năm 1990. Trong giai đoạn từ cuối năm 2020 đến nay, hệ thống này thường bị quá tải do sự gia tăng mạnh của nguồn cung điện năng lượng tái tạo ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ trong khi nhu cầu sử dụng điện của nên kinh tế còn thấp do ảnh hưởng của dịch bênh COVID. Theo ông Thành, về mặt lý thuyết, nếu có nguồn lực, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng thêm một hệ thống truyền tải thứ 2. Tuy nhiên, vì hiện vẫn chỉ có một hệ thống truyền tải, vốn đầu tư xây dựng lớn, lại gắn liên với vấn đề ANQP nên Việt Nam vẫn đi theo hướng giữ độc quyền nhà nước trong lĩnh vực truyền tải.  Ông cho rằng đây lĩnh vực độc quyền tự nhiên, khó phá vỡ, nếu Việt Nam  chọn tiếp tục  duy trì độc quyền Nhà nước thì phải quy định rạch ròi vai trò của EVN đồng thời cần phải có sự giám sát rất chặt chẽ.

“Do có tính chính sách rất cao nên EVN có thể có vai trò ở đây nhưng vai trò như thế nào thì luật pháp phải điểu tiết rất rõ ràng vì [ở đây] EVNlàm chính sách chứ không làm kinh doanh vì nếu làm kinh doanh và có tính độc quyền cao thì tất cả các thị trường khác sẽ phụ thuộc vào họ” - ông Thành nói và giải thích rằng cần có sự giám sát chặt chẽ vì trong thị trường này vì ngoài việc EVN được một mình một chợ, còn có rủi ro là vì chỉ có 1 đường truyền, các nhà phân phối thường có xu hướng cạnh tranh nhau để chiếm dụng đường truyền nhiều hơn, dễ làm nảy sinh tiêu cực và ảnh hưởng đến sự an toàn của đường truyền.

“Câu chuyện tôi thấy rất kỳ lạ ở Việt nam là EVN chỉ là một tập đoàn và là doanh nghiệp mà lại có quyền ra chính sách không cho đấu nối [không cho nhà sản xuất điện khác được đấu nối vào hệ thống truyền tải quốc gia] và không ký hợp đồng mua điện” - Phạm Xuân Hòe- nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng.

Ở thị trường phân phối và bán lẻ, Ông Thành cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể xóa bỏ thế độc quyền của EVN hiện nay và mở cửa cho cạnh tranh tại thị trường phân phối và bán lẻ điện.

“Thị trường phân phối là hạ thế điện xuống 220kV và đưa về các địa phương hay khu công nghiệp lớn, khu dân cư lớn. Ở đây hoàn toàn có thể cạnh tranh theo nhóm, có thể có một số nhà phân phối lớn” – ông nói và cho rằng những nhà phân phối lớn này chỉ cần là các công ty có pháp nhân. Ở thị trường bán lẻ, ông cho rằng sẽ cũng giống như thị trường bán lẻ gas, các nhà bán lẻ sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả, chất lượng và dịch vụ để có được khách hàng. Ông Thành nhận định:

“Họ [các nhà bán lẻ] sẽ áp dụng rất nhiều sáng tạo, ví dụ có chính sách giá thông minh và linh hoạt sẽ tốt cho cả tiêu thụ điện năng và người tiêu dùng” 

Người dân hy vọng sẽ được phục vụ tốt hơn khi thị trường phân phối, bán lẻ điện được xã hội hóa. Ảnh bên: hệ thống đường dây điện Hà Nội năm 2006. Ảnh: AFP

Đồng ý với quan điểm của 2 diễn giả trước nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần phải phá vỡ độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước triệt để hơn nữa vì những bài học rút ra từ những bê bối đình đám gần đây của ngành dầu khí – ngành duy nhất vẫn còn duy trì độc quyền hoàn toàn của Nhà nước, cho thấy việc duy trì độc quyền quá lâu đã để lại hậu quả nặng nề.

“Nhà nước chỉ giữ lại 1 đơn vị duy nhất thôi. Tưởng để mình quản lý thì tốt nhất vì nó thuộc về mình, mình đầu tư tất cả cho nó, cán bộ mình bổ nhiệm, tất cả mọi hoạt động của nó mình kiểm soát 100%, bao nhiêu bộ ngành xúm vào quản lý, thế mà đó lại là nơi phát sinh ra nhiều vấn đề nhất, gây tổn thất nhiều nhất cho đất nước. Hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn các vụ việc xử lý với dầu khí. Điều đó chứng tỏ là những cái độc quyền nhà nước mang tính tự nhiên như vậy hoàn toàn không hợp lý, không còn cơ sở để duy trì nữa” – bà Lan nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực truyền tải điện, chuyên gia kinh tế này cho rằng nếu Nhà nước vẫn coi đây là độc quyền tự nhiên và vẫn phải tiếp tục làm thì phải phân biệt rạch ròi giữa đầu tư truyền tải và vận hành truyền tải và nên cho phép xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư truyền tải vì đây chỉ là vấn đề phát triển hạ tầng. Bà cho biết trên thực tế đã có DN làm NLTT xin xây dựng đường truyền tải theo dạng BOT, xây dựng xong họ sẽ chuyển lại cho Nhà nước vận hành, qua đó giúp họ bán được điện đồng thời giảm bớt thiếu hụt về hạ tầng truyền tải mà Việt Nam đang phải đối mặt và cũng là điểm ách tắc khiến NLTT không được thu mua triệt để. 

“Để bán được điện thì họ [doanh nghiệp] chủ động xây dựng đường truyền tải để kết nối vào mạng lưới truyền tải chung. Việc đó hoàn toàn làm được. Vì sao cứ phải EVN độc quyền từ việc thiết kế ra bộ phận truyền tải, xây dựng bộ phận truyền tải lẫn việc quản lý?” – bà Lan nói và khẳng định rằng độc quyền nhà nước cần phải dỡ bỏ và càng làm được sớm càng đỡ đi những mất mát cho nhà nước, bất lợi cho người tiêu dùng cũng như bất lợi cho sự cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với thế giới.

“Vietnam Airlines trong toàn bộ lịch sử tồn tại của họ trước khi có Vietjet, chưa bao giờ báo cáo có lợi nhuận. Họ bảo ngành này phức tạp lắm, an ninh lắm, chi phí lớn hơn doanh số, phục vụ là chính. Tôi nhớ thế nhưng sau khi Vietjet Air ra nhập thị trường thì lần đầu tiên trong lịch sử Vietnam Airlines cũng phải báo có lợi nhuận” - PGS.TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược [VESS]

Một dự án phát triển năng lượng gió hiện đại tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Reuters

Cần sự công tâm của cơ quan quản lý

Có rất nhiều bằng chứng về những lợi ích rõ ràng của việc xóa bỏ độc quyền Nhà nước trong các ngành kinh tế của Việt Nam cũng như sự cần thiết phải sớm thu hẹp độc quyền của EVN nhưng dường như tiến trình cạnh tranh hóa ngành điện chỉ có thể được đẩy nhanh nếu có sự công tâm của cơ quan quản lý ngành, mà cụ thể là Bộ Công thương.

“Tôi vẫn thấy từ trước những gì thuộc về độc quyền, thuộc thời bao cấp cũ thì nó sinh ra là giá cao, thiếu hụt ngược lại cái gì là cạnh tranh, là kinh tế thị trường thì đương nhiên là giảm giá” - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế

Tuy không đưa vấn đề này như một chủ đề để thảo luận nhưng không ít ý kiến tại tọa đàm đã chỉ ra rằng Bộ Công thương đang có những kế hoạch hoặc chính sách mang tính chất thiên vị, giúp duy trì sự độc quyền của EVN – đứa con cưng của bộ này. Một ví dụ được diễn giả Phạm Xuân Hòe đưa ra, đó là việc Bộ Công thương "gài" vào trong bản dự thảo Quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam giai đoạn 2021-2045 [hay còn gọi là Quy hoạch điện 8 - QHĐ 8] việc yêu cầu Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại [NHTM] cho phép DN điện vay vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng đối với 1 khách hàng và 25% đối với một nhóm khách hàng. Theo ông, với đề xuất này, Bộ Công thương đang tham mưu cho Chính phủ vi phạm Luật các tổ chức tín dụng vì luật này có điều khoản nêu rõ là không ai được can thiệp trực tiếp vào việc cho vay của các NHTM và cũng không cho phép NHTM được cho vay quá mức trần 15% và 25%. Ông cũng cho rằng sở dĩ Bộ Công thương làm điều này “thực chất chỉ để bảo vệ cho EVN làm các dự án nhiệt điện”.

Theo dự thảo Quy hoạch phát triển ngành điện 2021-2045 vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ, Việt Nam sẽ phát triển thêm gần 17 GW điện than trong giai đoạn 2021-2030, tăng gần 83% so với công suất hiện tại và nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng tới 41% tổng sản lượng điện sản xuất trong năm 2030.

Theo chuyên gia ngân hàng này, kế hoạch ưu tiên phát triển nhiệt điện than và sự ưu ái EVN của Bộ Công thương mang đến những rủi ro rất lớn cho nền kinh tế và sự phát triển của ngành điện.  Ngoài việc ngành điện “ưu tiên mua điện của con ông ấy [EVN] trước”, gây bất lợi cho các nhà sản xuất điện khác, thì việc tăng cường phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn 2021-2030 còn mang đến rủi ro cho hệ thống tài chính cũng như làm gia tăng phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ Trung Quốc.

Ông giải thích, hiện vốn tự có của ngân hàng lớn nhất của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD trong khi đó, cần ít nhất 1 tỷ USD để đầu tư cho một nhà máy nhiệt điện than 600MW, nghĩa là vượt quá 15% vốn tự có. Như vậy nếu các ngân hàng tập trung cho vay EVN và tập đoàn này  “có vấn đề” thì cả hệ thống tài chính sẽ bị khủng hoảng. Nếu các ngân hàng không cân đối đủ tài chính thì sẽ đẩy Việt Nam đến chỗ “phải đi vay ODA hoặc vay ưu đãi của Trung Quốc” vì hiện nay tất cả các định chế tài chính lớn, các tổ chức phi ngân hàng đều thoái vốn khỏi các dự án nhiệt điện than để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường.

Theo thống kê, hiện nay có 37 tổ chức [ngân hàng, bảo hiểm, quỹ quản lý tài sản]; 1.237 tổ chức phi Chính phủ, gồm quỹ từ thiện, hưu trí, tín ngưỡng, tương đương 14,14 nghìn tỉ USD; 58.000 cá nhân, tương đương 5,2 tỉ USD thoái vốn khỏi nhiệt điện than. Thậm chí làn sóng này lan sang cả những người gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, họ từ chối gửi tiền của mình vào các ngân hàng thương mại cho vay đối với nhiệt điện than - Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành đã đề cập tới sự cần thiết phải có sự công tâm của các cơ quan quản lý ngành điện. Ông cho rằng các cơ quan này cần có sự công tâm đối với các thành phần trong thị trường điện để quyền lợi của các bên được bảo đảm. Sự công tâm được thể hiện trong việc xác định cụ thể đâu là lĩnh vực thực sự cần duy trì độc quyền nhà nước [vì có liên quan đến an ninh quốc phòng] và trong việc giám sát chặt chẽ lĩnh vực chưa được cạnh tranh hóa này. Sự công tâm cũng thể hiện ở việc quyết tâm và kịp thời cải cách ngành điện.

Nếu anh thực sự công tâm, nếu anh thực sự muốn ngành điện phát triển, thì phải như vậy thôi, nếu không ngành điện sẽ yếu dần, bao nhiêu nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài họ sẽ thoái chí sau một vài lần họ cam kết mà Nhà nước không bảo vệ được họ. Nếu chúng ta không cải cách kịp ngành điện thì ngành điện cứ èo uột dần, ít tự do dần, bớt tính cạnh tranh hoặc bớt tính năng động. Cuối cùng là nước ngoài lấn lướt, chúng ta sẽ phải mua điện từ các nguồn xung quanh và các nhà đầu tư nước ngoài vào thôn tính” – ông Thành nhận định.

Video liên quan

Chủ Đề