Tại sao Bác Hồ chọn Võ Nguyên Giáp làm Đại tướng

KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP [25/8/1911 - 25/8/2021]

TS CHU ĐỨC TÍNH

Gặp gỡ ở Thúy Hồ

Võ Nguyên Giáp từng tham gia hoạt động cách mạng bí mật ở Huế từ những năm 1927 - 1928, từng cùng các bạn học say mê truyền tay nhau đọc cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tờ báo Người cùng khổ [Le Paria] do Nguyễn Ái Quốc viết từ Pháp gửi về. Anh cũng từng bị đuổi học sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa và bị bắt giam ở Nhà lao Thừa phủ [Huế], vì ủng hộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh…

Nhưng bước ngoặt cuộc đời Võ Nguyên Giáp, một cử nhân Luật, Giáo sư dạy Sử Trường Tư thục Thăng Long hồi ấy chỉ thật sự tới khi ngày 3/5/1940, ông cùng Phạm Văn Đồng lên Lào Cai rồi vượt biên sang Côn Minh, Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Sau mấy ngày chờ đợi, ông được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Thúy Hồ. 

Ông kể trong hồi ký: “Đến Thúy Hồ, tôi thấy anh Vũ Anh ngồi trong một chiếc thuyền với một người đứng tuổi gầy gò có đôi mắt rất sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn mầu xám, đội mũ phớt. Tôi nhận ra ngay chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so với bức ảnh ngày trước tôi đã được xem thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều… Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị. Tôi không nhận thấy ở Bác có gì là đặc biệt, là khác thường cả. Chỉ có một điều làm tôi chú ý lúc bấy giờ là trong câu chuyện, Bác thường nói chen nhiều tiếng địa phương miền trung. Không ngờ một người xa nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được tiếng nói quê hương… Cho mãi về sau này, được công tác trực tiếp với Bác, tôi vẫn giữ lại nguyên vẹn cái cảm giác như ngày gặp Bác lần đầu tiên trên bờ Thúy Hồ”. [1]

Sau cuộc gặp ấy, Bác viết giấy giới thiệu Cao Hồng Lĩnh, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng đi học Trường Quân chính ở Diên An. Bác dặn đi dặn lại các  anh: “Cố gắng học thêm quân sự”.

Nhưng khi nghe tin phát-xít Đức tiến công Pháp [15/6/1940], Chính phủ Pê-tanh chấp nhận mọi điều kiện đầu hàng [22/6/1940], tạo ra những điều kiện mới cho sự phát triển của phong trào cách mạng, Nguyễn Ái Quốc quyết định hoãn việc cử ba đồng chí đi học tại Diên An và nhấn mạnh: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. [2]

Trận đầu nhất định phải thắng

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 trở về Tổ quốc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sau đó ít ngày.

Sau một thời gian dài trực tiếp tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng, chỉ huy mở con đường Nam Tiến đánh thông về miền xuôi,… ông được gọi trở về Pắc Bó làm việc cùng Bác. Nhiều đêm Bác cháu ngồi bên bếp lửa, bàn bạc đến khuya. Điều lo lắng nhiều nhất của mọi người khi ấy, là bắt đầu như thế nào? Đại tướng Võ Nguyên Giáp không bao giờ quên lời dạy của Bác: “Chúng ta sẽ dựa vào sức mình là chính. Mọi việc đều do nhân dân mà nên. Người trước súng sau, có nhân dân là có tất cả”. 

Cuối năm 1944, Bác Hồ nói với mọi người: “Việc quân sự thì giao cho chú Văn” và tin tưởng giao cho Võ Nguyên Giáp chọn lựa 34 cán bộ, chiến sĩ thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”. Bác dự báo về sự lớn mạnh của quân đội ta sau này: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân,  nó có thể đi suốt từ nam chí bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Với hai chiến thắng liên tiếp là đánh chiếm đồn Phai Khắt và Nà Ngần, các chiến sĩ Giải phóng quân đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Bác giao: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”. [3]

Giữa năm 1945, cuộc chiến tranh Thái Bình Dương phát triển ngày càng thuận lợi cho phe Đồng minh, phát-xít Nhật ngày càng lụn bại. Cao trào kháng Nhật trong nước và không khí khởi nghĩa dâng cao. Từ tháng 7, Bác và T.Ư Đảng đã quyết định tổ chức cuộc họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu. Bác giục chuẩn bị cho kịp họp hai hội nghị quan trọng này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Giữa lúc công việc bề bộn như thế, Bác bỗng bị mệt. Đã mấy hôm liền Bác sốt nóng. Song Bác vẫn gượng làm việc. Đêm ấy, tôi nghỉ lại với Bác trên cái lán ở giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình...”. [4]

13 giờ chiều ngày 28/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị trong Hội đồng Chính phủ dự lễ thụ phong quân hàm cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trước bàn thờ Tổ quốc và trong không khí uy nghi, trầm lắng, Bác Hồ trực tiếp đọc Sắc lệnh và tự tay trao quyết định cho Đại tướng. Người nói: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”.

Sau này, khi sự kiện phong tướng được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên nước ngoài đã xin gặp, phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người phóng viên đã hỏi đại ý: Vì sao cùng một lúc phong nhiều tướng, tá như vậy và việc phong cấp dựa trên tiêu chuẩn nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời giản dị và hóm hỉnh theo phong cách riêng của Người: “Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng”. Quả thật, chúng ta không thể dựa vào tiêu chí về số lượng quân chính quy hay tổ chức các quân binh chủng theo “tiêu chuẩn” quân đội các nước tư bản. Cơ sở  phong tướng cao nhất chính là niềm tin của Bác vào những người chỉ huy xuất sắc của một đội quân quyết chiến và quyết thắng, trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân, những người mà Bác căn dặn sau đó ba tháng, tại Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ V: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”. [5]

“Trao cho chú toàn quyền”

Năm 1946, Võ Nguyên Giáp được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao chức vụ: Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân ủy. Đại tướng là Bộ trưởng Quốc phòng duy nhất được trao chức vụ này.

Cuối năm 1954, Ban Thường vụ T.Ư quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Giao nhiệm vụ cho Đại tướng trước khi ra mặt trận, Bác nói: “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền…”, “trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. [6] 

Chính sự tin tưởng tuyệt đối của Người đã củng cố quyết tâm thực hiện phương châm tác chiến phải “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng, mà cùng với sự thay đổi ấy hàng vạn quân ta phải áp dụng một hình thức tác chiến mới, dù khó khăn, gian khổ hơn nhiều, nhưng cũng đỡ xương máu hơn và chắc chắn sẽ chiến thắng ở Điện Biên Phủ. 

Trong một đêm khuya thanh vắng giữa núi rừng Pắc Bó, trong khi trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Bác đã căn dặn làm người chỉ huy nhất định phải: “Dĩ công vi thượng” [đặt việc công lên trên hết]. Lời dặn chân tình ấy đã đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt cả cuộc đời. Bản thân ông luôn tự mình nêu gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn thương yêu binh sĩ và cùng các cấp chỉ huy rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ dưới quyền thật sự trở thành đội quân cách mạng, được nhân dân tin yêu và trìu mến gọi là anh Bộ đội Cụ Hồ. 

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng [25/8/1911 - 25/8/2021], xin tưởng nhớ đến ông, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc và cộng sự thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị Tướng mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với Bác Hồ.

1.3.4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2018, tr. 25, tr. 143, tr. 224.

2. Vũ Anh: Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, 1986, tr. 14 - 150.

5. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2011, Tập 5, tr. 594. 

6. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, NXB Quân đội Nhân dân, H, 2000, tr. 66.


Dự báo về trận Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Con rắn thực dân đã bị ta đánh gãy lưng, song nó chưa bị đánh giập đầu. Còn đầu thì nó còn có thể cắn. Vì vậy, ta cần phải cẩn thận hơn, đề phòng hơn, chuẩn bị hơn nữa, để đánh cho giập đầu nó. Khi đó ta mới hoàn toàn thắng lợi!" Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tiên lượng: "Theo kế hoạch của giặc, thì trận ấy phải là một trận khủng khiếp nhất. Kết quả trận ấy khủng khiếp thật, nhưng khủng khiếp cho giặc chứ không phải khủng khiếp cho ta". [1]  

Chuẩn bị cho "trận khủng khiếp nhất", Người thấy phải chọn một danh tướng có mưu lược để người đó, cùng các vị tướng lĩnh khác lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng: giành độc lập cho dân tộc. Người đã sớm nhìn nhận và trao trọng trách cao cả đó cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. 

Tại buổi lễ phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, trước bàn thờ Tổ quốc và các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghẹn ngào lau nước mắt nói: "... việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí. Chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thỏa lòng những người đã mất..." [2]. 

Cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến nhớ lại trong buổi họp Hội đồng Chính phủ năm 1948, tin tưởng tài cầm quân và trí tuệ của Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra câu đối dự báo: "Giáp phải giải Pháp", khẳng định niềm tin tấm lòng yêu mến của Người khi giao trọng trách cho vị tướng trẻ tài danh.

Liên tiếp thất bại, Chính phủ Pháp quyết định điều viên tướng trẻ đầy tham vọng H.Navarre, sang làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại chiến trường Đông Dương. 

Sau khi thị sát và nghiên cứu tình hình, ngày 3-7-1953, tướng H. Navarre trình bày kế hoạch tổng thể giành chiến thắng quân sự trước Hội đồng Tham mưu trưởng và Hội đồng Quốc phòng tối cao Pháp. Trong bản kế hoạch đó, chiến trường Tây Bắc và đặc biệt tên gọi Điện Biên Phủ chưa được đặt ra. 

Về phía ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: "Một buổi sáng đầu tháng 10 năm 1953, tôi từ cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đi dự cuộc họp bàn về kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 do Bộ Chính trị triệu tập...Tôi bắt đầu trình bày tình hình địch... Bác ngồi họp, thái độ bình thản... Đôi mắt Người chợt lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: 

- Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... không sợ? Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn. 

Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng... Bác hỏi: 

- Dự kiến đưa quân lên Tây Bắc thì địch sẽ phản ứng ra sao 

- Chúng có thể tăng cường lực lượng giữ Tây Bắc... 

Bác nói khi kết thúc hội nghị: 

Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi..." 

"Trung tuần tháng 11 năm 1953, theo kế hoạch, Đại đoàn 316 từ địa điểm trú quân tại Thanh Hóa tiến lên Tây Bắc..." [3]. 

Chuyển quân lên Tây Bắc, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tạo thế trận có lợi, làm xoay chuyển tình hình trên chiến trường Đông Dương.  

Về phía quân đội Pháp, Thư ký của tướng H. Navarre cho biết: "cuộc họp ngày 16-11-1953, tướng H. Navarre nêu rõ ý kiến: Bây giờ thì các ngài đều đã được nghe báo cáo rõ về tình hình miền Tây Bắc Việt Nam. Để chống lại kế hoạch của Việt Minh, tôi nghĩ cần phải chiếm đóng thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ... Xin các ngài cho biết ý kiến... 

Suốt cuộc họp, tướng H. Navarre im lặng nghe mọi người phát biểu...". Trong cuộc họp, nhiều tướng lĩnh Pháp phân vân lo ngại và có ý kiến phản đối nhưng. "Cuối cùng ông kết luận: 

- Tôi quyết định, nếu thời tiết thuận lợi thì kế hoạch Ca-tơ sẽ tiến hành vào ngày 20-11. Tướng Gi-lét chỉ huy cuộc hành quân..."[4]. 

Hoàn toàn khác với chiến lược và từng bước đi tiến hành trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chính Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh - trong cuộc họp quan trọng cuối cùng của Bộ Chính trị đã gợi mở phương hướng và quyết định thế trận, dẫn dụ quân Pháp tiến đến trận huyết chiến lịch sử Điện Biên Phủ. Về vấn đề này, ngay từ năm 1946, khi buộc phải tiến hành chiến tranh, Hồ Chí Minh đã vạch rõ: "Phải dụ quân địch vào sâu để trừ diệt chúng". 

Nhà báo người Australia, W.Burchett trong cuộc đời làm báo, luôn tìm đến những điểm nóng trên thế giới, ghi nhận sự kiện, khi đến Việt Nam gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh [trước khi diễn ra trận đánh Điện Biên Phủ], đã có ấn tượng sâu sắc khi tiếp cận, phỏng vấn Người. Ông viết: "Từ trong cánh rừng bước ra, gậy cầm tay, áo vắt vai, không phải ai khác mà chính là cụ Hồ Chí Minh truyền thuyết... Bác nói: "Đây là rừng núi, nơi có các lực lượng của chúng ta. Dưới kia là thung lũng Điện Biên Phủ, ở đó là người Pháp với những đội quân tinh nhuệ nhất. Họ sẽ không bao giờ ra được. Tuy có thể mất một ít thời gian..." 

Một Stalingrad Đông Dương? 

Trên một phạm vi khiêm tốn, Vâng hơi giống như Stalingrad".[5] 

Đồng chí Phạm Văn Đồng, nguyên Thủ tướng Chính phủ, gần trọn cuộc đời sống và làm việc bên Hồ Chí Minh đã kể lại một sự kiện đặc biệt khó quên và lý giải: 

"... Trước khi bắt đầu trận Điện Biên Phủ, tôi phải đi Genève dự cuộc họp hội nghị quốc tế về Việt Nam. Lúc ra đi, Bác nói với tôi: "Mình có một món quà rất quý tặng chú". Đúng, món quà đó thật là vô giá ở chỗ chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra ngày 7 tháng 5 năm 1954, và hôm sau ngày 8 tháng 5 năm 1954, Hội nghị Genève khai mạc. Đây là ngẫu nhiên hay tất yếu? Trong lịch sử lắm khi ngẫu nhiên là tất yếu, và Bác Hồ là người cực kỳ nhạy cảm với cái ngẫu nhiên là tất yếu và cái tất yếu là ngẫu nhiên này" [6] 

Nhà báo U.Bớc-séc, sau khi rời Việt Nam, liền đến dự Hội nghị Genève, vui mừng viết về sự kiện đặc biệt này: "Người đồng chí thân thiết của ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Nguyên Giáp, đã đưa lại cho ông một vũ khí hiệu nghiệm nhất, mà không phải bất kỳ nhà thương lượng nào cũng có thể dám nghĩ đến để đánh dấu sự bắt đầu của một hội nghị như vậy: Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn một ngày trước khi hội nghị đó khai mạc. Nhờ thời điểm tuyệt diệu của ông Giáp..." [7] 

Là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh "chọn mặt gửi vàng", giao cho trọng trách ở thời điểm bắt đầu "trận khủng khiếp nhất", Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại : 

"Tôi lên Khuổi Tát chào Bác trước khi lên đường đi chiến dịch. Bác hỏi: 

- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không? 

... Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị. 

- Tổng tư lệnh ra mặt trận "tướng quân tại ngoại" trao cho chú toàn quyền... Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. 

Tôi cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng... Tôi cảm thấy như cả tháng trôi qua... 

Mỗi ngày, tôi càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và nghị quyết Trung ương hồi đầu năm lại văng vẳng bên tai: "Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn!". 

Đêm ngày 25 tháng 1 năm 1954, tôi không sao chợp mắt. Đầu đau nhức... và.... 

Văn phòng thông báo cuộc họp Đảng ủy mặt trận... Tôi trình bày những suy nghĩ đã có từ lâu... Đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi, Bác trao nhiệm vụ... " 

Mặc dù trong buổi họp nhiều ý kiến chưa thông suốt với cách chuyển hướng chiến lược trận đánh, nhưng trước lời dạy của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp quyết định:  

"Tôi kết luận: 

... "Đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công...  

Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình" [8] 

So sánh tương quan lực lượng, quân đội Pháp được trang bị vũ khí tối tân, luôn có máy bay, xe tăng và đặc biệt pháo binh Pháp là binh chủng hàng thế kỷ thiện chiến dạn dày kinh nghiệm. Họ khảo sát tính toán kỹ sơ đồ, địa hình từng khoảng đất vùng núi lòng chảo Điện Biên Phủ. Pháo binh Pháp luôn thách thức quân đội Việt Nam và thường trực tác chiến với tinh thần chiến đấu cao nhất. 

Về phía ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trăn trở tính toán kỹ nhiều phương án, mặc dù được các nước bạn giúp đỡ vũ khí đạn dược, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, không thể so sánh với xe tăng, máy bay, pháo binh... của quân đội Pháp thường xuyên tăng viện cho Điện Biên Phủ. Những thuận lợi và khó khăn dần dần hiển hiện, sự thành công và thất bại của chiến dịch, tính mạng từng người lính, chiến sĩ trên chiến trường, không thể mạo hiểm, dại dột dốc toàn lực lượng quân đội "đánh nhanh, thắng nhanh", phơi lưng, lao vào làn đạn, hỏa lực trong thế trận pháo đài chiến lũy kiên cố được tính toán đến từng chi tiết của kẻ thù.  

Giờ phút hệ trọng đi đến quyết định khai chiến, Võ Nguyên Giáp linh giác và tâm niệm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "tướng quân tại ngoại", "trao cho chú toàn quyền quyết định" và Đại tướng sáng suốt đưa ra "quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy". 

Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta luôn phải chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đông hơn gấp bội, ở vào địa thế đất không rộng, người không đông, các danh tướng lỗi lạc tài ba, các nhà tư tưởng, chính trị của chúng ta đều không hề có tư tưởng quân sự "đánh nhanh, thắng nhanh". 

Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của người tướng giỏi cầm quân trong trận đánh, quyết định xuất thần của Võ Nguyên Giáp không nằm ngoài tầm dự tính của Người.  

Đánh giá quyết định sáng suốt của danh tướng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, cố Đại tướng Lê Trọng Tấn ca ngợi: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ". Cố Tướng quân Vương Thừa Vũ nhận định: "... Nghe phổ biến pháo binh của ta sẽ bắn hai ngàn viên đạn pháo 105... với một tập đoàn cứ điểm rộng nhiều cây số vuông như Điện Biên Phủ có là bao!... Nếu lần đó cứ "đánh nhanh giải quyết nhanh" thì cuộc kháng chiến có thể lùi lại mười năm". 

Thủ tướng Pháp La-ni-en cay đắng thú nhận: "... Kẻ địch với việc điều quân cơ động tài tình, đã buộc chúng ta phải giao chiến ở Điện Biên Phủ, một cuộc giao tranh với tầm quan trọng như vậy... Chính đối phương đã lựa chọn địa thế đó..." [9] 

Nhận định về cách đánh chắc tiến chắc cùng hoạch định thế trận mạng lưới giao thông hào, hầm ngầm dày đặc, tiến dần, từng bước thắt chặt, bao vây các đồn, pháo đài chiến lũy, đột phá từng cụm cứ điểm đối phương của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, tướng Paul Elly viết: "... Đối phương áp dụng những phương pháp chiến đấu khá khôn ngoan: Họ ưa vận động tiến lên tiếp cận trong một mạng lưới hầm hào dày đặc chưa từng thấy bao giờ" [10]. 

Sau này, Tổng thống Pháp De Gaulle đã nhận ra sai lầm, gửi lá thư ngày 8-2-1966 đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời lẽ chân tình, hối hận: 

"Một sự hiểu biết nhau nhiều hơn giữa người Việt Nam và người Pháp khi chiến tranh thế giới kết thúc, có lẽ đã ngăn ngừa được những biến cố cay đắng đã tàn phá nước ngài". 

Tổng thống Mỹ, G.Kennedy, gián tiếp thừa nhận: "Qua nghiên cứu, chúng ta thấy rằng cách mạng giải phóng dân tộc là một sự kiện cơ bản của thời đại chúng ta. Sức mạnh to lớn nhất trên thế giới, đó là lòng khao khát vươn lên độc lập dân tộc... Eisenhauer đã phải chịu những hậu quả chính trị của Điện Biên Phủ và sự tống cổ những người phương Tây khỏi Việt Nam năm 1954". 

Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam là một cống hiến to lớn cổ vũ và thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa vùng lên đấu tranh đòi độc lập, làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo từ năm 1949, Người viết: "Bạo lực của thực dân đã tan nát". 

Bốn năm sau, chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết về phi thực dân hóa trên toàn thế giới, đây chính là phần đóng góp to lớn của Cách mạng Việt Nam vào sự nghiệp hòa bình thế giới. 

Thế kỷ XX được đánh giá là thời kỳ của phát minh khoa học - kỹ thuật phục vụ cuộc sống con người, nhưng cũng là thế kỷ đầy biến động, bởi các cuộc chiến tranh, xung đột mang tính toàn cầu. Chiến tranh Việt Nam được tính đến như một sự kiện có tác động ảnh hưởng qua lại giữa các quốc gia, nhà báo nổi tiếng người Mỹ Mai-cơn Mac-lia, viết: "Đây là cuộc chiến tranh dài hơn tất cả mọi cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ cộng lại, một cuộc chiến tranh đẫm máu nhất so với bất cứ cuộc chiến tranh nào khác" [11] 

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành thắng lợi "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và Người đã được các tổ chức quốc tế ca ngợi, suy tôn là "Danh nhân văn hóa" "Anh hùng giải phóng dân tộc". Đồng thời Danh tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào lịch sử bách chiến bách thắng của dân tộc Việt Nam. Ông là một trong số ít tướng trên hành tinh được nhân loại ca ngợi với đủ nhân cách, tài năng, đức độ ngay khi còn sống. 

Tháng 8-1992, ghi nhận và đánh giá công lao, Nhà nước Việt Nam tặng phần thưởng cao quý nhất cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Huân chương Sao vàng

Cách đây 20 năm, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trên tờ "Người quan sát" hai tác giả G.Bu-đa-ren và F.Ca-vi.Giô-li-ô-li hết lời ca ngợi và nhận thức: "Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã làm thay đổi số phận thế giới". Chiến thắng Điện Biên Phủ không tách rời sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là linh hồn của trận đánh mang tính quyết định này.  

..........................................................

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t 5, tr 618, 619

[2] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t 4, tr 203

[3] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, t 4, tr 26 - 27 - 29

[4] Báo Văn Nghệ: "Tướng H. Navarre với trận Điện Biên Phủ", số ngày 17-5-2003

[5] W.Burchett: Hồi ký, Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1987, tr 255

[6] Báo Quân đội Nhân dân, ngày 17-5-1990

[7] W. Burchett: Sđd, tr 262

[8] Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr 65 - 105 - 111 - 112

[9], [10] Chiến thắng Điện Biên Phủ sức mạnh dân tộc tầm vóc thời đại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr 69, 73

[11] Mai-cơn Mac-lia: Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, Hà Nội 1990, tr 6

LÊ CƯỜNG 

Video liên quan

Chủ Đề