So sánh mô hình bảo hiến tập trung và phi tập trung

Hiến pháp là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng nhất, quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng như vậy, nên việc bảo vệ hiến pháp luôn là nhiệm vụ đặt ra cho mọi nhà nước. Tuy nhiên, mô hình bảo hiến ở các nước trên thế giới không giống nhau, mà tùy thuộc vào thể chế chính trị, điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội... của mỗi nước.

Trong mô hình bảo hiến phi tập trung, thẩm quyền thẩm tra tính hợp hiến không được trao cho một cơ quan nhà nước cụ thể, mà được trao cho tất cả các thẩm phán và tòa án [Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản...]. Cơ chế bảo vệ hiến pháp của Hoa Kỳ là điển hình của mô hình bảo vệ hiến pháp phi tập trung. Sự phân chia quyền lực trong Hiến pháp Hoa Kỳ được thiết lập trên cơ sở phân chia ba nhánh quyền lực nền tảng và chế độ đối trọng [check and balance] để thực hiện cơ chế kiểm soát giữa ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Học thuyết kiểm soát hiến pháp được hình thành ở Hoa Kỳ từ vụ án nổi tiếng Mabury Madison năm 1803 được xét xử bởi Chánh án John Marshall và theo ông thẩm quyền bảo vệ hiến pháp cần được thiết lập và trao cho các thẩm phán và tòa án.

Trong mô hình bảo hiến tập trung, thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến chỉ được trao cho một cơ quan nhà nước cụ thể. Đó có thể là tòa án hiến pháp, hội đồng hiến pháp hoặc một thiết chế chuyên trách khác được quy định trong Hiến pháp. Các nước Đức, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ... thành lập Tòa án Hiến pháp; các nước Pháp, An-giê-ri, Li-băng... thành lập Hội đồng Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ hiến pháp của Cộng hòa Pháp là điển hình của mô hình bảo vệ hiến pháp tập trung.                       

Hội đồng Hiến pháp [Conseil constitutionel] độc lập với nghị viện và đưa ra các quyết định có tính ràng buộc đối với các cơ quan và tòa án.

Ở các nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cuba... nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan đảm nhiệm, mà trách nhiệm cao nhất thuộc về Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án, Viện Kiểm sát... [Điều 62 Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: “Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thực hiện các chức năng, quyền hạn sau đây: [1] Sửa đổi Hiến pháp; [2] Giám sát thực thi Hiến pháp...”; Điều 67 Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: “Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: “[1] Giải thích Hiến pháp, giám sát thực thi Hiến pháp...”].

Sở dĩ các nước trên thế giới sử dụng các mô hình bảo hiến khác nhau, vì theo học thuyết Mác-Lênin về các hình thái kinh tế - xã hội: mỗi hình thái kinh tế - xã hội tương ứng với chế độ kinh tế của nó, có một kiểu nhà nước, hiến pháp, pháp luật nhất định.

Các nước theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa sử dụng mô hình bảo hiến tập trung hay phi tập trung đều là những nước có chế độ đa nguyên, đa đảng. Ở các nước này, hiến pháp và hệ thống chính trị được xây dựng theo các nguyên tắc đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, dẫn đến tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị rất căng thẳng và quyết liệt, như gian lận bầu cử hoặc tố cáo nhau gian lận trong bầu cử; không chấp nhận thất bại, dùng các biện pháp cực đoan để gây sức ép về chính trị, tiến hành đảo chính... Cho nên, các nước đó phải sử dụng “trọng tài” là tòa án hiến pháp hoặc hội đồng hiến pháp... để phân xử, giải quyết các mâu thuẫn giữa đảng cầm quyền với các đảng đối lập, tạo cơ chế “kìm hãm”, “đối trọng”.

Tôi cho rằng, chúng ta không thể máy móc lấy lý thuyết và thực tiễn bảo vệ hiến pháp của các nước nói trên để áp dụng cho Việt Nam, bởi vì các nước đó có hoàn cảnh lịch sử, điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khác xa với Việt Nam.

Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tạo ra những thay đổi vượt bậc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thẩm quyền bảo vệ hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan đảm nhiệm, song những năm qua,  nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp được thực hiện có hiệu quả, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Những thành tựu không thể phủ nhận của nền chính trị nhất nguyên đó đã khẳng định và ngày càng củng cố vững chắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta lại theo mô hình bảo vệ hiến pháp của các nước khác ta về thể chế chính trị, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, trong khi cơ chế bảo vệ Hiến pháp của chúng ta đang vận hành tốt và có hiệu quả, chỉ cần hoàn thiện để thực hiện tốt hơn...

Từ sự phân tích ở trên, tôi đồng tình với quan điểm tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp, không cần quy định Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Đ.C.N.

Bảo hiến với việc bảo vệ quyền con người theo mô hình bảo hiến phi tập trung – Nghiên cứu trường hợp Hoa Kỳ

Tác giả: Đặng Minh Tuấn

Tóm tắt:

Trên cơ sở luận giải bảo vệ quyền con người là cơ sở của mô hình bảo hiến phi tập trung của Hoa Kỳ, tác giả phân tích quy trình, thủ tục, phương thức bảo vệ các quyền con người bởi các tòa án Hoa Kỳ, từ đó làm rõ thực trạng vị trí, vai trò của các tòa án Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các quyền con người.

Xem thêm bài viết về “Chức năng bảo hiến”

Bảo hiến có vị trí, vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Việc ghi nhận các quyền con người trong Hiến pháp đặt ra trách nhiệm tôn trọng các quyền con người đó của tất cả các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Nếu xảy ra tình trạng vi phạm của bất cứ hành vi công quyền nào thì phải có cơ chế xử lý. Bảo hiến chính là cơ chế xử lý các hành vi công quyền vi phạm các quyền con người, quyền công dân cơ bản do Hiến pháp ghi nhận.*

1. Bảo vệ quyền con người – Cơ sở của mô hình bảo hiến phi tập trung của Hoa Kỳ

Mô hình bảo hiến phi tập trung ở Hoa Kỳ ra đời xuất phát từ một vụ việc nổi tiếng “Marbury chống Madison” năm 1803 do Tòa án tối cao của Hoa kỳ xử, theo đó các vấn đề về Hiến pháp do các tòa án có thẩm quyền chung [tòa án thường] xem xét theo thủ tục thông thường. Trong các vụ việc cụ thể, dựa vào các đơn kiện của đương sự và các sự kiện pháp lý cụ thể, các tòa án có thẩm quyền chung phán quyết tính hợp hiến của các đạo luật.

Mô hình bảo hiến Hoa kỳ có 4 đặc điểm cơ bản [1]:

1.1. Bảo hiến phi tập trung

Mô hình này trao quyền kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật cho tất cả các thẩm phán của các tòa án thường gồm Tòa án tối cao và tòa án địa phương [phi tập trung].

Tòa án tối cao là cơ quan xét xử cao nhất và cuối cùng các vụ việc về Hiến pháp. Các phán quyết của Tòa án tối cao trở thành án lệ cho các vụ việc tương tự.

Việc xét xử các vụ việc Hiến pháp cũng có quy trình giống như việc giải quyết các vụ việc hành chính, hình sự, dân sự.

1.2. Bảo hiến cụ thể

Tài phán Hiến pháp là cụ thể bởi vì vụ việc kiểm hiến chỉ được đưa ra trong một vụ việc cụ thể đang được giải quyết tại tòa án. Điều đó có nghĩa là, trong một vụ việc được giải quyết [hành chính, hình sự, dân sự…] tại tòa, các bên có quyền đề nghị kiểm tra tính hợp hiện của một đạo luật áp dụng để giải quyết vụ việc đó. Khi được đề nghị xem xét tính hợp hiến của đạo luật, thẩm phán tạm đình chỉ vụ việc đang giải quyết để chuyển sang vụ việc kiểm hiến.

1.3. Bảo hiến sau bằng việc từ chối không áp dụng đạo luật vi hiến

Các tòa án kiểm hiến các đạo luật áp dụng trong vụ việc cụ thể, tức các đạo luật đang có hiệu lực pháp luật. Do đó, người ta gọi đó là bảo hiến sau [sau khi đạo luật có hiệu lực]. Khi tòa án xác định đạo luật vi hiến, tòa án sẽ không áp dụng đạo luật đó để giải quyết vụ việc. Tòa án không có thẩm quyền tuyên bố hủy bỏ đạo luật vi hiến, vì lập pháp là chức năng của Nghị viện. Trong hệ thống án lệ [án lệ trở thành luật], việc không áp dụng một điều luật của Tòa án trở thành án lệ, nên mặc dù đạo luật vẫn còn giá trị về hình thức [không bị hủy bỏ], nhưng không còn giá trên thực tế [vì các tòa án không áp dụng đạo luật đó nữa].

1.4. Hiệu lực phán quyết của tòa án

Phán quyết kiểm hiến của tòa án chỉ có giá trị đối với các bên tham gia vụ việc, mà không có giá trị với các chủ thể khác. Điều đó có thể dẫn đến sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật. Song với truyền thống án lệ, phán quyết của tòa án vẫn được bảo đảm. Tuân theo án lệ là một nguyên tắc cơ bản của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, theo đó một bản án được ban hành tạo ra những quy tắc áp dụng tương tự mang tính bắt buộc cho các vụ án sau đó. Đặc điểm này cho phép vận hành cơ chế bảo hiến ở phi tập trung, bởi vì nó đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Thực vậy, các tòa án không tuyên bố hủy một đạo luật vi hiến, mà chỉ không áp dụng luật đó cho một vụ việc cụ thể. Về hình thức, luật bị cho là vi hiến vẫn có giá trị. Tuy nhiên, luật này coi như vô hiệu khi phán quyết về sự bất hợp hiến luật này trở thành án lệ cho các vụ án sau đó.

Từ khi ra đời đến nay, nhiều thảo luận học thuật tập trung bàn về tính chính đáng của cơ chế bảo hiến bởi các tòa án. Người ta cho rằng mô hình này thiếu tính dân chủ, bởi các thẩm phán không được bầu ra theo phương thức bỏ phiếu, có nhiệm kỳ suốt đời lại có quyền kiểm tra các đạo luật được ban hành bởi các đại diện do nhân dân trực tiếp bầu ra, và hơn nữa Hiến pháp không quy định rõ ràng thẩm quyền của các tòa án trong việc kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật [2]. Mặc dù vậy, nhiều người lại cho rằng phán quyết của Tòa án tối cao có cơ sở hiến định rõ ràng, và việc trao quyền bảo hiến cho các tòa án là yếu tố cơ bản của nhà nước pháp quyền nhằm bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người.

Theo cách tiếp cận dựa trên quyền, nhiều học giả đã khẳng định các tòa án Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các quyền con người thông qua cơ chế bảo hiến. Dworkin, một đại diện tiêu biểu cho cách tiếp cận này đã chỉ rõ vai trò tích cực và quyền lực của các tòa án Hoa Kỳ trong việc bảo vệ các quyền con người [3]. Michael S. Moore, một học giả khác của Hoa Kỳ đã phân tích so sánh đặc tính của tòa án và cơ quan lập pháp trong việc bảo vệ các quyền con người để chỉ ra vai trò nổi trội của các tòa án so với cơ quan lập pháp trong việc bảo vệ các quyền con người.

1.5. So sánh vị trí, vai trò của tòa án và cơ quan lập pháp trong việc bảo vệ quyền con người [4]

STTTiêu chíCác tòa ánCơ quan lập pháp
1Các quyền được bảo vệ [phân loại]Các tòa án chỉ quyết định các vụ việc và tranh chấp.Cơ quan lập pháp đại diện cho các công dân thông qua công việc làm luật.
2Chủ thể bảo vệ- Các tòa án không phải là đa số, đại diện. Tư pháp độc lập.
- Các tòa án thường lập luận dựa trên các quy phạm.
Cơ quan lập pháp thường có xu hướng vụ lợi bởi vì: a. theo đuổi những lợi ích chung. b. bản chất chủ nghĩa đa số.

c. bản chất đại diện.

3Lập luận dựa trên quyền con người là “đạo lý cơ bản”, bởi vì nó dựa trên: a. Sự phổ biến

b. Sự công bằng

- Tồn tại truyền thống của tính phổ biến trong các tòa án luật chung.
- Công lý là bản chất đầu tiên của các tòa án.
- Lập luận lập pháp thường là sự thỏa hiệp chính trị tạm thời.
4Các quyền là sản phẩm của sự tranh tụng có căn cứ.- Các tòa án là những người lập luận tranh tụng dựa trên việc sử dụng các quan điểm, ý kiến của họ.
- Bản chất tư pháp được định nghĩa là để nâng cao sự tranh tụng có căn cứ.
- Lập luận lập pháp là đại diện cho những lập luận của người khác.
5Các quyền chỉ có thể được bảo vệ nếu phần lớn công dân thuyết phục rằng họ phải được bảo vệ. - Các tòa án có thể thuyết phục về quyền bởi vì: a. Họ đối mặt với các sự vụ cá nhân nghiêm trọng về quyền.

b. Họ là những người gìn giữ “tôn giáo dân sự” của chúng ta.

- Các nhà lập pháp không có sự vụ.
6Không ai là thẩm phán trong vụ việc của chính họ, khi họ có các trách nhiệm
gắn với quyền lợi liên quan.
- Bản chất không đại diện của các thẩm phán là một lợi thế ở đây. Các nhà lập pháp và đa số dân chúng mà họ đại diện quyết định các trách nhiệm của chính họ đối với những người nắm giữ quyền thiểu số.

Kết quả nghiên cứu so sánh trên cho thấy tòa án có nhiều ưu thế so với cơ quan lập pháp trong việc bảo vệ các quyền con người, thể hiện ở các phương diện sau:

Thứ nhất, các tòa án bảo vệ các quyền hiến định trong những vụ tranh chấp cụ thể. Đây là một ưu thế lớn trong việc bảo vệ quyền con người, bởi việc bảo vệ quyền thường chỉ được đặt ra cấp thiết khi có vi phạm, tranh chấp cụ thể.

Thứ hai, các tòa án là những chủ thể rất có ưu thế trong việc bảo vệ các quyền hiến pháp, bởi các các tòa án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không chịu sự chi phối của bất cứ tổ chức chính trị, cá nhân nào. Khi giải quyết các vụ việc hiến pháp, hiến pháp là cơ sở của các phán quyết của tòa án. Trong khi đó, cơ quan lập pháp thì lại thường có xu hướng vụ lợi, chính trị do những lợi ích mà nó theo đuổi, quyết định theo ý chí đa số và đại diện cho cử tri. Trong điều kiện như vậy, các đạo luật có khả năng không được ban hành trong khuôn khổ của hiến pháp. Tòa án là chủ thể cần được trao quyền đảm bảo tính hợp hiến của các đạo luật.

Thứ ba, các tòa án bảo vệ quyền dựa trên nền tảng của công lý như sự phổ biến, sự công bằng. Các phán quyết của tòa án bình đẳng cho tất cả mọi người, không gì nằm ngoài công lý, dựa trên công lý và vì công lý. Trong khi đó, các quyết định lập pháp phản chiếu các thỏa hiệp chính trị tạm thời, dẫn đến nguy cơ đi ngược lại những chuẩn mức phổ quát và công bằng. Công lý cần đặt cao hơn so với chính trị, tòa án cần có vị thị ưu thế trong việc kiểm tra sự hợp hiến của các đạo luật do Nghị viện ban hành.

Thứ tư, các tòa án bảo vệ các quyền dựa trên những lập luận tranh tụng của họ về những vấn đề tranh chấp. Điều này cho phép các thẩm phán có thể bảo vệ một cách đúng đắn, công bằng các quyền con người. Đặc điểm ưu thế này của các tòa án là rất dễ nhận thấy so với cơ quan lập pháp, nơi mà việc ban hành các quyết định không dựa trên quan điểm của “chính họ”, mà của những người mà họ đại diện. Trên thực tế, quan điểm đại diện không phải lúc nào cũng đúng và cần có cơ chế để kiểm soát nó.

Thứ năm, các tòa án bảo vệ các quyền trên cơ sở các đề xuất của những chủ thể quyền đặt vấn đề về sự vi phạm các quyền của họ. Các nỗ lực bảo vệ của các bên liên quan trong vụ việc sẽ là cơ sở bảo đảm bảo vệ đích thực các quyền con người. Trong khi đó, các nhà lập pháp ban hành các điều luật chung, nên khó tránh khỏi những sai sót trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền con người.

Thứ sáu, các thẩm phán quyết định công bằng, bởi vì các thẩm phán độc lập với các bên có trách nhiệm và quyền lợi liên quan; các thẩm phán không đại diện cho họ. Trong khi đó, các nhà lập pháp lại có thể quyết định quyền cho các nhóm thiểu số, trong khi nguyên tắc đa số có thể xung đột với nguyên tắc thiếu số. Tòa án có khả năng bảo vệ quyền của những người, nhóm thiểu số trước sự cai trị, lộng hành của đa số.

2. Quy trình, thủ tục, phương thức bảo vệ các quyền và tự do hiến định bởi các tòa án Hoa Kỳ

Theo mô hình bảo hiến Hoa Kỳ, tất cả các tòa án đều có quyền thực hiện chức năng bảo hiến, bảo vệ các quyền và tự do hiến định. Để mô hình này vận hành, hệ thống tư pháp dựa trên một số quy trình, thủ tục cụ thể.

Một vụ việc bảo hiến được giải quyết tại Tòa án tối cao [cũng giống như ở các tòa án cấp dưới] được thực hiện theo những quy tắc thủ tục sau đây:

– Một “vụ việc” hoặc “tranh chấp” về pháp luật giữa các bên dựa trên Hiến pháp, liên quan đến sự bảo vệ hoặc thực thi các quyền lợi hợp pháp, hoặc sự ngăn chặn áp dụng hình phạt, hoặc sự đền bù cho các các hành vi sai trái trực tiếp liên quan đến một hoặc nhiều bên đưa vụ việc ra Tòa, phải xuất hiện trước khi Tòa án xem xét.

– Tòa án phải có thẩm quyền đối với vụ việc xét xử và/hoặc các bên liên quan trong vụ việc [vụ việc nằm trong phạm vi thẩm quyền tài phán của Tòa án].

– Một hoặc các bên đưa vụ việc ra tòa phải đại diện cho bản thân và bị xâm phạm thực chất bởi một đạo luật hoặc hành vi chính phủ hoặc trong tình trạng nguy hiểm của sự xâm phạm, và/hoặc là một thành viên của một tầng lớp hoặc nhóm bị đạo luật hoặc hành vi chính phủ xâm phạm.

– Các thẩm phán liên bang không ban hành các ý kiến tư vấn, mà phải ban hành phán quyết về vụ việc nảy sinh từ tranh chấp.

– Tòa án không ủng hộ các lập luận trừu tượng, tức là bên khiếu kiện không những phải nêu ra một điều khoản cụ thể của Hiến pháp, mà vấn đề khởi kiện phải chứa đựng một vấn đề hiến pháp trực tiếp cụ thể.

– Tòa án không quyết định về tính hợp hiến của một đạo luật hoặc một hành vi theo mệnh lệnh của bất kỳ ai đã lợi dụng những lợi ích từ đó, mà phán quyết để kiểm duyệt về tính hợp hiến.

– Trước khi làm đơn xem xét tính hợp hiến, tất cả các phương thức tìm kiếm giải pháp đã phải được sử dụng hết trong các quy trình tòa án cấp dưới.

– Vấn đề đặt ra tại Tòa án phải quan trọng, là điểm then chốt của vụ án, và phải là một phần của vụ việc của nguyên đơn thay vì là một phần trong lập luận bảo vệ của bị đơn.

– Tòa án tối cao thường xem xét các vấn đề về nội dung hơn là xem xét các vấn đề về pháp luật để phán quyết.

Không giống như các Tòa án Hiến pháp – cơ quan có thẩm quyền chấm dứt hiệu lực của các đạo luật vi phạm hiến pháp, các tòa án Hoa Kỳ chỉ có thẩm quyền xem xét, đánh giá về tính hợp hiến của các đạo luật để áp dụng hay không áp dụng đạo luật đó. Cho dù một đạo luật rõ ràng vi phạm hiến pháp, tòa án cũng chỉ thực hiện vai trò với tính cách là một cơ quan tư pháp thay vì một cơ quan làm luật: chỉ xem xét, đánh giá tính hợp hiến của luật. Hiểu theo cách này, tòa án chỉ xem xét mâu thuẫn giữa hai quy phạm [luật và hiến pháp] để áp dụng luật hợp hiến hoặc không áp dụng luật vi hiến. Cũng chính vì vậy, tòa án chỉ căn cứ vào các nền tảng hiến pháp để ban hành phán quyết.

Trong mô hình bảo hiến phi tập trung, các tòa án xem xét bảo vệ các quyền hiến định thông qua quyền khiếu kiện của các bên trong một vụ việc đang được xem xét tại tòa án về tính hợp pháp của đạo luật được áp dụng cho vụ việc đó. Cụ thể các tòa án bảo vệ các quyền hiến định theo phương thức sau đây:

– Các bên trong một vụ việc cụ thể đang được giải quyết tại một tòa án đề xuất tòa án xem xét sự bất hợp hiến của một đạo luật đang có hiệu lực vi phạm đến các quyền cơ bản được hiến pháp bảo vệ.

– Tòa án, nếu thấy khiếu kiện hiến pháp có đủ cơ sở, sẽ dừng vụ việc đang giải quyết lại để giải quyết vụ việc hiến pháp.

– Phán quyết của tòa án có giá trị áp dụng đối với các bên trong vụ việc đó.

Bảo vệ quyền con người thông các cách thức của mô hình bảo hiến phi tập trung có nhiều ưu thế trong việc bảo vệ các quyền cơ bản:

Thứ nhất, các khiếu kiện và giải quyết khiếu kiện hiến pháp xuất phát từ một vụ việc cụ thể tại tòa án nhằm bảo vệ các quyền hiến định của các bên liên quan. Nói cách khác, các bên trong vụ việc xét xử tại tòa án có quyền khởi kiện tòa án xem xét các đạo luật vi phạm các quyền của họ được hiến pháp ghi nhận và bảo vệ. Khi trao cho công dân có quyền khởi kiện tòa án xem xét vụ việc hiến pháp, các công dân khởi động và các thẩm phán giải quyết vụ án Hiến pháp.

Thứ hai, mô hình tài phán hiến pháp cụ thể thúc đẩy các vụ việc hiến pháp được xem xét, bởi các cá nhân, công dân có nhu cầu bảo vệ các quyền hiến định bị vi phạm. Vụ việc hiến pháp không phải đợi các đề xuất của các cơ quan nhà nước [thường ẩn sau nhiều lợi ích chính trị], mà xuất phát từ yêu cầu bảo vệ các quyền hiến định của chính các bên trong vụ việc.

Thứ ba, mô hình này cũng rất thích hợp trong việc phát hiện các vi phạm, bởi vì vụ việc hiến pháp được đặt ra trong một vụ việc áp dụng luật. Qua tranh luận tại phiên tòa, với sự hỗ trợ của các luật sư, các bên có khả năng phát hiện ra các vi phạm hiến pháp để đề nghị tòa án xem xét.

Tuy nhiên, mô hình bảo hiến ở Hoa Kỳ được vận hành dựa trên những điểu kiện bảo đảm rất chặt chẽ, bao gồm nguyên tắc phân quyền cứng rắn với tự độc lập rất lớn của ngành tư pháp; chất lượng, trình độ cao của các thẩm phán; áp dụng nguyên tắc án lệ. Khi không đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, các tòa án sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò bảo hiến và bảo vệ các quyền con người.

Xem thêm bài viết về “Pháp luật Hoa Kỳ”

3. Thực tiễn hoạt động bảo vệ quyền con người hiến định của các tòa án Hoa Kỳ

Trong thập niên đầu tiên sau khi Hiến pháp ra đời, các tòa án liên bang đóng vai trò hạn chế trong việc bảo vệ các quyền hiến định. Trong nhiều vụ việc được đưa lên, các tòa án đã từ chối xem xét tính hợp hiến của các đạo luật để bảo vệ các quyền con người. Trong vụ việc năm 1789, Tòa án Tối cao đã không xem xét tính hợp hiến của Luật Đàn áp chủng tộc và nổi loạn, mặc dù Luật này được cho là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do báo chí được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất. Sau đó, Tổng thống và Quốc hội đã có những hành động bảo vệ quyền lợi của những người bị xâm phạm bởi đạo luật trước đó gây ra.

Trong vụ án nổi tiếng Marbury kiến Madison [1803], Tòa án tối cao chính thức tuyên bố quyền tài phán hiến pháp đối với các đạo luật thuộc về tòa án. Quy định này mở đường cho Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới khẳng định vị trí, vai trò bảo vệ các quyền hiến định trước sự vi phạm của các đạo luật.

Các tòa án được cho rằng có ưu thế trong việc bảo vệ các quyền và tự do hiến định, bởi tính độc lập của tòa án được bảo đảm. Năm 1937, Tổng thống Frinklin D. Roosevelt đã đặt ra kế hoạch nâng cao tính độc lập của tòa án để thúc đẩy vai trò của các tòa án trong việc bảo vệ các quyền của thiểu số và cá nhân. Mặc dù cho rằng quyền bảo vệ các quyền cá nhân không chỉ là thẩm quyền duy nhất của tòa án, Ủy ban tư pháp của Thượng Nghị viện cho rằng các tòa án đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các quyền và tự do cá nhân, đặc biệt quyền của các nhóm tôn giáo, chủng tộc như quyền của người Trung Quốc, người da đen, báo chí và công đoàn. Nghiên cứu đánh giá tổng kết các vụ việc tòa án tối cao của Henry W. Edgerton năm 1937 cũng chỉ ra vai trò quan trọng của quyền tài phán hiến pháp trong việc bảo vệ các quyền con người trước sự xâm phạm của lập pháp [5].

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt vấn đề về quyền ưu thế/duy nhất của các tòa án trong việc bảo vệ các quyền con người, bởi vì Quốc hội và Tổng thống cũng là những chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các quyền đó. Ngoài ra, một số vụ việc cũng cho thấy các tòa án đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các quyền của thiểu số. Trong vụ việc Dred Scotte năm 1857, Tòa án tối cao đã phủ nhận người da đen có quyền công dân và cấm Quốc hội bãi bỏ nô lệ trên lãnh thổ Hợp chủng quốc. Abraham Lincoln cho rằng quyết định của Tòa án tối cao không có giá trị, và do đó ông tin rằng Quốc hội có thẩm quyền hiến định để xóa bỏ chế độ nô lệ trong lãnh thổ Hợp chủng quốc và nhấn mạnh rằng Tuyên ngôn độc lập quy định rõ mọi người sinh ra bình đẳng, tức bao gồm cả người da đen và da trắng. Tương tự, vào năm 1862, Tòa án tối cao từ chối bảo vệ quyền công dân của người da đen khi cho rằng Hiến pháp không có quy định về chủng tộc cũng như màu da. Năm 1883, Tòa án đã bác một đạo luật cho phép người da đen được quyền đến các nơi công cộng. Trong một vụ án năm 1943, Tòa án tối cao đã bác bỏ luật quy định chào cờ bắt buộc để bảo vệ quyền của thiểu số sau một phán quyết khác của chính Tòa án tối cao 3 năm trước đó công nhận tính hợp hiến của đạo luật về chào cờ bắt buộc ở bang Pennsylvania. Thực tế, trước sự phản đối mạnh mẽ của người dân và các hiệp hội về quyết định của Tòa án [1940] cùng những thay đổi về nhân sự trong thành phần thẩm phán, Tòa án tối cao đã ban hành một phán quyết sửa lại quyết định của chính mình. Trong các vụ án vào các năm 1943-1944, Tòa án đã ban hành phán quyết đầu tiên chống lại 100.000 người Mỹ gốc Nhật, nhưng 1 năm sau đó lại công nhận bảo vệ quyền của họ.

Mặc dù có một số vụ việc gây tranh cãi, Tòa án tối cao đã ban hành nhiều phán quyết đúng đắn bảo vệ các quyền và tự do. Khi đề cập đến các vụ việc quyền dân sự bị vi phạm, chỉ có một vài vụ việc bị chỉ trích nặng nề, còn phần lớn các vụ việc khác không chỉ đúng đắn, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các quyền hiến định, và do đó chống lại sự vi phạm của các cơ quan chính quyền liên bang. Dworkin khẳng định rằng trong hơn hai thế kỷ các thẩm phán Hoa Kỳ đã tuyên vô hiệu các luật bang cũng như liên bang bởi vì chúng vi phạm quyền tự do ngôn luận, tôn giáo, quyền được xét xử công bằng hoặc quyền bình đẳng trước pháp luật mà Hiến pháp Hoa Kỳ ghi nhận [6].

Dựa trên triết lý bảo vệ các quyền hiến định trong một vụ việc cụ thể tại tòa án, mô hình bảo hiến Hoa kỳ được du nhập ở nhiều quốc gia trên thế giới [là một trong hai mô hình bảo hiến phổ biến nhất trên thế giới, bên cạnh mô hình Tòa án Hiến pháp]. Về lý thuyết, các tòa án có vai trò ưu thế trong việc bảo vệ các quyền hiến định thông qua cơ chế bảo hiến. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình bảo hiến Hoa Kỳ được bảo đảm bởi các điều kiện ngặt nghèo kèm theo, như nguyên tắc tam quyền phân lập cứng rắn [trong đó ngành tư pháp rất độc lập]; chất lượng, trình độ cao của các thẩm phán; áp dụng nguyên tắc án lệ. Trên thực tế, việc thiếu vắng các điều kiện bảo đảm trên ở nhiều quốc gia trên thế giới trở thành những rào cản để các tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các quyền con người.

Xem thêm bài viết về “Quyền con người“

Tài liệu tham khảo

[1] Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, của, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2012.

[2] Wojciech Sadurski, Judicial Review and the Protection of Constitutional Rights, Oxford Journal of Legal Studies, 22, No. 2 [2002].

[3] Dworkin, R., Taking Rights Seriously, Duckworth, 2nd edition, London, 1978, Chas 4, 5; A Matter of Principle, Havard University Press, 1985, Chas 1, 2; Law’s Empire, Fontana, London, 1986, pp. 373-379; Freedom’s Law, Oxford University Press, 1996, tr.1-38; 352-372.

[4] Michael S. Moore, Justifying the National Law Theory of Constitutional Interpretation, Fordham L. Review, 69 [2001].

[5] Henry W. Edgerton, The Incidence of Judicial Control over Congress, Cornell Law Quarterly, 22 [1937].

[6] Dworkin, R., Freedom’s Law, Oxford University Press, 1996, tr.552.

Nguồn: Fanpage Luật sư Online

Video liên quan

Chủ Đề