Nuôi dạy con trai đúng cách

Con trai tuổi teen thường hướng nội, ít sẻ chia và điều này khiến nhiều cha mẹ đau đầu không biết cách dạy con trai ở tuổi dậy thì như thế nào là đúng.

Ở tuổi dậy thì, dù là bé trai hay bé gái cũng đều sẽ trải qua những sự thay đổi rất lớn về thể chất, tâm lý. Nếu là con trai, trẻ có thể trở nên ương bướng, gàn dở, hay ngại ngùng và ít chia sẻ với cha mẹ. Việc dạy con trai tuổi dậy thì không hề đơn giản. Nếu bạn cũng đang không biết làm sao với cậu con trai đang ở tuổi nổi loạn của mình, hãy dành vài phút tham khảo một số bí quyết sau mà Hello Bacsi giới thiệu.

Điều gì đang xảy ra trong cơ thể và não bộ của các bé trai tuổi teen?

Nếu bạn thắc mắc con trai dậy thì như thế nào, hành vi của trẻ tuổi teen đa phần sẽ bị chi phối bởi nội tiết tố và sự thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì. Tuổi dậy thì nam thường bắt đầu từ 10 đến 14 tuổi và kết thúc ở độ tuổi 16 đến 18:

  • Chiều cao tăng nhanh, có thể lên đến 10cm mỗi năm, xuất hiện cơ bắp và tình trạng vỡ giọng (giọng trầm và khàn hơn).
  • Thay đổi về cảm xúc và hành vi trong mối quan hệ với bạn khác giới và các vấn đề liên quan đến tình dục.
  • Não bộ vẫn đang tiếp tục phát triển, khu vực não chịu trách nhiệm phán đoán và ra quyết định vẫn đang xây dựng và sẽ hoàn thiện khi trẻ được 20 tuổi.

Ở độ tuổi này, tâm lý tuổi dậy thì ở con trai cũng trở nên thất thường hơn. Các bé trai rất dễ bị thay đổi xung động và cảm xúc. Điều này khiến cho cha mẹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy con.

Cách dạy con trai ở tuổi dậy thì hiệu quả

Nuôi dạy con trai đúng cách

Các cậu bé tuổi teen thường ít có ý thức trong việc chăm sóc bản thân. Trẻ thường xuyên thức khuya, ăn những món không tốt cho sức khỏe, chơi game hàng giờ và lười tập thể dục. Điều này cộng với những thay đổi tuổi dậy thì có thể khiến trẻ đối mặt với các vấn đề như tăng cân nhanh, có mùi cơ thể, mụn trứng cá.

Không những vậy, ở độ tuổi này, các bé trai hay có xu hướng sống khép kín, không muốn ba mẹ quan tâm, hỏi han, chăm sóc quá mức. Trẻ cũng bắt đầu tò mò về các bạn nữ, bắt đầu có tình yêu tuổi học trò và cảm giác chinh phục. Thậm chí, cùng với sự bùng nổ về thông tin như hiện nay thì cũng không có gì bất ngờ nếu một ngày bạn thấy trẻ đang xem các clip hay phim ảnh có nội dung người lớn.

Do đó, cha mẹ nên làm gì khi con trai đến tuổi dậy thì?

  • Đặt ra giới hạn và quy tắc dựa trên các giá trị chung về sự an toàn, sức khỏe, chẳng hạn các vấn đề về thời gian chơi game, xem tivi, những việc được phép làm và không được làm. Bạn cần giải thích cho trẻ hiểu tại sao lại có những quy định này và những điều này chỉ được áp dụng khi trẻ đã hiểu và đồng ý.
  • Đưa ra hậu quả mà trẻ phải đối mặt khi vi phạm các nguyên tắc đã đặt ra. Chẳng hạn trẻ sẽ phải về nhà sớm hoặc làm việc nhà, bị cắt tiền tiêu vặt
  • Để trẻ tự chịu trách nhiệm về những hành vi mình gây ra, ngoài ra, bạn cũng nên dạy trẻ về tinh thần trách nhiệm.
  • Cung cấp các thông tin cơ bản về việc chăm sóc bản thân cũng là cách dạy con trai ở tuổi dậy thì. Bạn có thể chia sẻ nhẹ nhàng hoặc nếu không có thể tìm sách để trẻ đọc.
  • Tránh trừng phạt quá nghiêm khắc khi trẻ làm sai hoặc có hành vi không tốt. Vì đây không phải là cách dạy con trai ở tuổi dậy thì hiệu quả. Bởi trẻ có thể cảm thấy bực bội, khó chịu và ngày càng xa lánh bố mẹ.
  • Khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ của bản thân và hãy đưa ra lời khuyên, định hướng (khi cần). Điều này sẽ giúp trẻ hiểu cha mẹ luôn lắng nghe và ủng hộ mình.
  • Nếu con tò mò về ảnh người lớn hay có cảm tình với bạn khác giới, hãy nói chuyện, chia sẻ và phổ cập cho con những kiến thức giới tính cần thiết. Song song với việc làm bạn cùng con, bạn cũng nên phối hợp với nhà trường để cung cấp cho trẻ những định hướng đúng đắn.
  • Hướng trẻ đến một lối sống lành mạnh, tập thể thao thường xuyên và chú ý nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để phát triển và tăng chiều cao tốt nhất.
  • Khi đến tuổi dậy thì, mối quan hệ giữa mẹ và con trai cũng cần có những ranh giới thích hợp để trẻ trở nên độc lập và không quá phụ thuộc. Ở tuổi dậy thì, nếu các ông bố có thể dễ dàng tâm sự, chia sẻ, chơi với con trai thì các bà mẹ lại gặp khó khăn nhiều hơn do có ít điểm chung. Vì vậy, khi con trai đến tuổi dậy thì, mẹ cần cố gắng dành thời gian nói chuyện, chia sẻ với con nhưng đồng thời cũng nên cho trẻ có không gian riêng.

Nghiên cứu cho thấy trẻ tuổi teen sẽ phát triển tốt nhất khi cha mẹ nuôi dạy con một cách cởi mở, ủng hộ nhưng vẫn đặt ra những ranh giới vững chắc. Áp dụng các gợi ý trên sẽ giúp cha mẹ gỡ bỏ cảm giác bối rối không biết làm gì khi con trai đến tuổi dậy thì.

Làm thế nào để trò chuyện với cậu con trai tuổi teen? Tâm lý tuổi dậy thì ở con trai.

Nuôi dạy con trai đúng cách

Đa phần, các bé trai tuổi dậy thì thường không muốn gần gũi cha mẹ, ít khi chịu chia sẻ và có xu hướng giấu kín tâm tư của bản thân. Bên cạnh đó, trẻ cũng rất khó để diễn đạt những cảm xúc. Tuy nhiên, thay vì bực bội vì bị con trai phớt lờ mỗi khi hỏi han, quan tâm, bạn hãy kiên nhẫn và áp dụng thử những cách dạy con trai ở tuổi dậy thì sau:

  • Đặt ra những câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng để trẻ trả lời từng câu
  • Đừng giao tiếp bằng mắt quá nhiều. Mặc dù giao tiếp bằng mắt thường được khuyến khích nhưng với con trai tuổi teen, đây có thể là dấu hiệu của sự đe dọa hay áp đảo.
  • Trò chuyện với trẻ khi đang cùng làm một điều gì đó chẳng hạn như chơi trò chơi, đi bộ, chuẩn bị bữa ăn Khi vừa làm vừa nói chuyện, trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ hơn.
  • Khi nói chuyện với trẻ, bạn phải thật bình tĩnh, đừng để cảm xúc chiếm ưu thế. Thể hiện sự tức giận hoặc thất vọng có thể khiến trẻ càng thu mình và không muốn tìm đến bạn khi gặp khó khăn.
  • Hãy cho trẻ thời gian. Đừng thất vọng nếu con không thay đổi hành vi hoặc thái độ ngay lập tức. Hãy để trẻ tiếp nhận thông tin và sau đó xử lý.

Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Do đó, việc tìm ra cách dạy con trai tuổi dậy thì phù hợp là điều cực kỳ quan trọng để trẻ dễ dàng vượt qua những khủng hoảng tuổi dậy thì và trở thành một chàng trai mạnh mẽ.

Tìm kiếm những câu chuyện nuôi dạy con cái?

Hãy tham gia ngay cộng đồng Nuôi dạy con - chia sẻ thông tin và kinh nghiệm cùng những bậc cha mẹ khác.