Nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa

Thời gian qua, người dân nhiều lần kiến nghị tỉnh Long An kiên quyết và có những biện pháp xử lý cứng rắn đối với nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (Ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) thường xuyên tái diễn gây ô nhiễm môi trường.

Nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa
Tỉnh yêu cầu công ty khắc phục ngay những tồn tại, không để xảy ra gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc

Kiểm tra vẫn phát hiện nhiều tồn tại

Gần đây, tỉnh Long An đã có thông tin trả lời ý kiến cử tri tại kỳ họp trước của HĐND về việc nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, đóng tại huyện Thạnh Hóa gây ô nhiễm môi trường. Theo UBND tỉnh, tiếp nhận ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh, UBND huyện Thạnh Hóa và UBND xã Tân Đông tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Nhà máy xử lý rác đóng trên địa bàn xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa.

Qua kiểm tra , Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành phát hiện Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa còn một số tồn tại về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tập kết 2 bãi rác ngoài trời có tổng thể tích khoảng 70.400 m3, tổng khối lượng ước tính khoảng 35.200 tấn (trong đó, 1 bãi rác có thể tích 38.400 m3 tập kết ngoài trời, được che phủ bạt khoảng từ 60 - 70% và 1 bãi rác có thể tích 32.000 m3 tập kết ngoài trời, chưa được che chắn bạt); có một lượng nước rỉ rác từ khu vực tập kết rác ngoài trời chảy vào khu vực đã san lấp khoảng 3ha (sau đó chảy ra khu đất trống có diện tích khoảng 2ha) và một lượng nước rỉ rác rò rỉ chảy vào ao chứa nước cập kênh Kháng Chiến; nước rỉ rác từ bãi đất đã san lấp sủi bọt trên bề mặt, một vài vị trí có nước rỉ rác chảy ra khu đất trống có diện tích 2ha.

Kết quả phân tích 1 mẫu nước thải sau xử lý tại hố chứa nước thải không được Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tái sử dụng hết, một phần chảy ra ngoài môi trường với lưu lượng khoảng 04 - 05 m3/ngày đêm, có các thông số: BOD5 (200C) vượt 3,9 lần, COD vượt 4,6 lần, tổng Nitơ vượt 7,73 lần và Amoni (tính theo N) vượt 2,86 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn QCVN 25:2009/BTNMT, cột A.

Đối với các tồn tại nêu trên của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa thực hiện khắc phục các nội dung còn tồn tại về bảo vệ môi trường tại Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa.

Khẩn trương khắc phục không để ô nhiễm gây bức xúc

Theo đó, tỉnh yêu cầu công ty khẩn trương thực hiện thu gom toàn bộ lượng rác được tập kết ngoài trời vào khu vực kho chứa; đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm lượng rác còn tồn đọng ngoài trời trong khuôn viên nhà máy. Thường xuyên kiểm tra đảm bảo che chắn hoàn toàn phần rác còn để ngoài trời hạn chế phát sinh mùi hôi ra môi trường. Chỉ tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Long An, không được tiếp nhận các loại rác thải công nghiệp khác như nhãn chai nước ngọt và tấm nhựa phế liệu EVA.

Đồng thời, yêu cầu công ty phải thường xuyên phun xịt hóa chất để khử mùi và ruồi nhặng tại các vị trí tồn đọng rác, khu vực tiếp nhận rác để hạn chế tối đa mùi hôi, ruồi phát sinh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và người dân trong khu vực. Đảm bảo thu gom toàn bộ lượng nước rỉ rác phát sinh đưa về hệ thống xử lý nước thải để xử lý đạt quy chuẩn quy định. Thu gom triệt để khí thải phát sinh, đảm bảo xử lý khí thải phát sinh đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường.

Tỉnh cũng yêu cầu công ty khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thiện dự án chuyển đổi công nghệ và nâng công suất lên 500 tấn/ngày nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 207/QĐ-STNMT ngày 07/02/2020. 

Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - Công an tỉnh, UBND huyện Thạnh Hóa và UBND xã Tân Đông thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường./.

Đức

Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar mỗi ngày tồn lưu, không thể xử lý hết hàng trăm tấn rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp. Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu khắc phục tình trạng trên nhưng bà Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường vẫn "cho" rác về.

Mỗi ngày tới có hàng trăm tấn rác của hai “ông trùm” xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar tồn lưu, không thể xử lý hết, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm liền tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp thuộc xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. HCM. Vậy mà, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều phối khối lượng lớn chất thải rắn cho các công ty này xử lý.

Tổng cục Môi trường từng chỉ rõ nhiều sai phạm

Hai “ông trùm” rác chúng tôi muốn đề cập tới là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Công ty Tâm Sinh Nghĩa) và Công ty cổ phần Vietstar (Công ty Vietstar) với hệ thống xử lý rác đặt tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Phước Hiệp), xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. HCM gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến mạch nước ngầm, không khí và nguồn nước mặt.

Từ năm 2018, Tổng cục Môi trường (TCMT - thuộc Bộ Tài Nguyên và Mội Trường) đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Vietstar, có 02 kết luận (số 163 và 176/KL-TCMT ngày 17/05/2019) đối với hai công ty này.

Nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa
Một phần Quyết định xử phạt Công ty cổ phần Vietstar của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: KT.

Đối với Công ty Vietstar, năm 2018, TCMT đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công ty theo kế hoạch và đã ban hành Kết luận số 163/KL-TCMT ngày 17/05/2019. Theo đó, công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải sinh hoạt thành phân vi sinh và sản xuất hạt nhựa tái chế từ chất thải rắn sinh hoạt thu gom trên địa bàn TP. HCM với công suất thiết kế là 1.400 tấn/ngày, tuy nhiên, thực tế công ty tiếp nhận 1.800 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế khoảng 28,5%).

Căn cứ kết quả thanh tra, TCMT đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-XPVPHC ngày 28/12/2018 xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, gồm: Tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước rỉ rác; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải đang lưu giữ tại 2 khu vực ngoài trời, thực hiện đúng các nội dung phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngày 29/07/2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 163/KL-TCMT ngày 17/5/2019 đối với công ty. Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty vẫn chưa thực hiện triệt để các yêu cầu tại kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, TCMT đã ban hành Quyết định số 46/QĐ-XPVPHC ngày 03/11/2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty.

Nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa
Công ty Vietstar chứa hàng triệu tấn rác đầy kho phía sau không xử lý. Ảnh: VĐP.

Ngày 16/12/2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra hiện trường khu vực xử lý chất thải của công ty theo nội dung đơn phản ánh. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt công ty đang tiếp nhận của TP. HCM khoảng 2.000 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế của nhà máy là 1.400 tấn/ngày, lượng chất thải này được công ty đưa về phân loại làm phân bón và một phần đưa vào tái chế, phần chất thải trơ chuyển giao cho Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TP.HCM để chôn lấp.

Tại khu vực ngoài trời, công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ ở 02 bãi lưu chứa có diện tích khoảng 32.000 m² với khối lượng khoảng 160.000 tấn, được che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, có nhiều khu vực không được phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời; nước rỉ rác từ 02 bãi được thu gom qua rãnh bao xung quanh khu vực bằng bạt HDPE nhưng có nhiều vị trí không được phủ kín nên nước rỉ rác không được thu gom triệt để và thấm trực tiếp vào môi trường đất.

Đối với Công ty Tâm Sinh Nghĩa, năm 2018, TCMT đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với công ty theo kế hoạch và đã ban hành kết luận số 176/KL-TCMT ngày 17/05/2019.

Theo Kết luận này, công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn TPHCM với công suất thiết kế là 1.000 tấn/ngày, tuy nhiên, thực tế công ty tiếp nhận là 1.200 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế 20%). Căn cứ vào kết quả thanh tra, TCMT đã yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, gồm: Tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước rỉ rác; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; thu gom và xử lý toàn bộ lượng nước rỉ rác chảy vào hệ thống thu gom và thoát nước mưa; thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt để trên đường nội bộ, lưu giữ ngoài trời, được chất thành đống/bãi cạnh khu vực lò đốt; thực hiện đúng các nội dung phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngày 30/07/2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 176/KL-TCMT ngày 17/05/2019 đối với công ty. Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty vẫn chưa thực hiện triệt để các yêu cầu tại kết luận thanh tra. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, TCMT đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-XPVPHC ngày 03/11/2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty.

Nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa
Công ty Tâm Sinh Nghĩa chứa gần 2 triệu tấn rác không xử lý, đầy ngập các kho bãi phía sau nhà máy. Ảnh: VĐP.

Ngày 16/12/2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra hiện trường khu vực xử lý chất thải của công ty theo nội dung đơn phản ánh. Kết quả kiểm tra cho thấy, hiện nay, khối lượng chất thải sinh hoạt công ty đang tiếp nhận xử lý của TP. HCM khoảng 1.300 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế của nhà máy là 1.000 tấn/ngày, lượng rác này được công ty đưa về phân loại sau đó đưa vào lò đốt của công ty.

Tại khu vực ngoài trời, Công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ trên diện tích khoảng 63.750 m² với khối lượng khoảng 240.000 tấn, được che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, có nhiều khu vực không được che phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời, nước rỉ rác từ bãi được thu gom qua rãnh bao xung quanh khu vực bằng bạt HDPE, một số vị trí không được phủ kín nên nước rỉ rác không được thu gom triệt để và chảy trực tiếp vào môi trường đất và chảy ra hồ trong khuôn viên công ty, hồ này không lót đáy và không có trong hồ sơ công trình bảo vệ môi trường của công ty đã được phê duyệt; nước rỉ rác tại khu vực 03 lưu giữ chất thải trước khi đưa vào lò đốt được thu gom vào rãnh thu gom nước rỉ rác phía sau lò đốt và dẫn về trạm xử lý nước thải để xử lý, tuy nhiên rãnh này không được lót đáy chống thấm.

Nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa
Rác bên trong nhà máy của Công ty Tâm Sinh Nghĩa. Ảnh: VĐP.

Như vậy, qua kết quả thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và kết quả kiểm tra trên hiện trường vào thời điểm hiện tại đối với 02 công ty nêu trên cho thấy, các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của 02 công ty kéo dài từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để; lượng chất thải rắn sinh hoạt 02 công ty tiếp nhận xử lý hàng ngày vẫn vượt công suất xử lý và qua thời gian dài dẫn đến việc tồn đọng với khối lượng lớn như hiện nay.

Bà Phó Giám đốc Sở bất tuân chỉ đạo của Phó Chủ tịch thành phố

Trước đó, ngày 13/01/2021 Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã ký văn bản (số 166/BTNMT-TCMT) gửi UBND TP. HCM khẳng định: Các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của hai công ty này kéo dài từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Lượng chất thải rắn sinh hoạt hai công ty tiếp nhận xử lý hàng ngày vẫn vượt công suất xử lý và qua thời gian dài dẫn đến việc tồn đọng với khối lượng lớn như hiện nay.

Nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa
Nhà máy Vietstar chứa trên 1 triệu tấn rác phía sau nhà máy không xử lý. Ảnh: VĐP.

Hơn một tháng sau, ngày 03/02/2021, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hòa Bình ký văn bản (số 370/UBND-ĐT) gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo các hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt của thành phố đúng với công suất thiết kế và năng lực xử lý hiện tại; có biện pháp để xử lý và chuyển giao hết khối lượng chất thải tồn đọng (bao gồm chất thải trơ sau phân loại) cho đơn vị chức năng xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, mới đây, ngày 17/11/2021, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã bất chấp chỉ đạo của UBND TP. HCM, ký văn bản 7668/STNMT-CTR điều phối khối lượng chất thải rắn giai đoạn từ nay đến 31/12/2021 cho Công ty cổ phần Vietstar 1.800 tấn/ngày và Công ty Tâm Sinh Nghĩa 1.400 tấn/ngày, vượt rất nhiều so với công suất thiết kế và năng lực xử lý rác hiện tại của hai “ông trùm” rác.

Câu hỏi đặt ra là: Điều gì khiến lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM bất chấp chỉ đạo của UBND TP. HCM để tiếp tục dồn rác về cho Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa khi mà lượng rác tồn lưu lớn, và các đơn vị này không thể xử lý hết, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến dư luận nhân dân thành phố bức xúc như vậy?

Hoàng Dương