Luyện tập ánh sáng nhìn mặt trời

Như một chân lý mặc nhiên, mặt trời tượng trưng cho sức mạnh vĩ đại của năng lượng thiên nhiên. Nó có thể tạo ra màu xanh bạt ngàn của sự sống qua quá trình quang hợp lá cây, nó cung cấp năng lượng thường hằng duy trì và phát triển sự sống, nó có thể xua tan đi những đám mây mù, màn đêm đen tối, nó có thể làm ấm lại không khí trong mùa đông giá lạnh ….Nhưng nó cũng có thể là năng lượng hủy diệt sự sống, làm khô cằn những cánh đồng bát ngát hay thiêu cháy cả một vùng sa mạc, đồi núi, thảo nguyên mênh mông …

Trong dải tần rộng lớn năng lượng sóng hạt của mặt trời có một thời khắc ngắn ngủi vô cùng quý báu mà con người có thể khế hợp, làm thăng hoa năng lượng của mình vào mục đích có lợi theo chỉ định. Đó là lúc bình minh, khi mặt trời mới mọc, thời điểm giao thoa giữa màn đêm đang lùi dần vào dĩ vãng và những tia nắng đầu tiên lóe sáng, hé mở tương lai một ngày mới tươi đẹp. Lúc đó mặt trời thường có màu đỏ sẫm, ánh sáng không chói  chang gay gắt. Những trường phái Võ thuật –Khí công –Yoga hoặc Mật tông thiền phái thường tận dụng thời khắc này để nạp và điều chỉnh năng lượng cơ thể, để rèn luyện công năng đặc biệt mà người xưa thường gọi là “Thái dương công”.

Nghe thì có vẻ huyền bí, xa xôi, nhưng  thực chất đây là bài luyện tập nạp năng lượng mặt trời tại thời điểm thích hợp để kích thích sự vận hành năng lượng sinh học tự nhiên trong cơ thể con người và sử dụng năng lượng này theo hướng chỉ định của ý thức. 

Như lá cây quang hợp ánh sáng mặt trời, cơ thể con người cũng có khả năng dung nạp, khế hợp với năng lượng mặt trời trong những tần số thích hợp.

Hãy chọn một nơi thoáng đãng, không khí trong lành, có tầm nhìn rộng mở đến tận trời như bãi biển, ven sông hoặc triền núi phía Đông …để có thể nhìn rõ lúc mặt trời mới mọc và có không gian thuận lợi cho tập luyện.

Hãy ngồi ở tư thế giống như thiền nhưng chỉ khác là hai mắt mở to nhìn thẳng vào vầng thái dương vừa xuất hiện phía chân trời, lòng bàn tay mở, ngửa lên để hai bên đầu gối hoặc xoay hai bàn tay về phía trước hướng hai huyệt lao cung về phía mặt trời. Các huyệt Bách Hội, Ấn Đường, Nhân Trung (thuộc mạch Đốc ) và các huyệt Thiên Đột, Đản Trung, Cửu Vĩ, Khí Hải, Quan Nguyên (thuộc mạch Nhâm ) như mở rộng cánh cửa sẵn sàng đón nhận năng lượng mặt trời. Một cảm giác âm ấm xâm nhập vào cơ thể cho đến khi toàn thân căng tràn năng lương ấm nóng. Lúc đó hãy nhắm mắt lại và dẫn dòng lượng này theo vòng Châu Thiên để cho năng lượng mặt trời thông suốt hai mặt Nhâm Đốc (đối với người đã luyện dẫn khí công theo vòng Châu Thiên trong khí công đạo dẫn), hoặc hít thở thật sâu, thổ nạp khí theo ba vùng đan điền Hạ -Trung –Thượng (tương ứng với ba bộ phận quan trọng nhất của cơ thể là Thận-Tim –Não). Trong quá trình dẫn khí điểm tiếp nối liên tục giữa năng lượng mặt trờivà năng lượng cơ thể là Ấn Đường, điểm giao nhau giữa hai hàng lông mày ở giữa trán mà người xưa gọi là con mắt thứ ba, Đông y gọi huyệt Thiên Mục. Lúc này nhắm mắt nhưng ta vẫn cảm thấy rõ ràng mặt trời đang tỏa sáng rực rỡ phía trước Thiên Mục. 

Những người dẫn năng lượng theo vòng châu thiên sẽ thấy dòng năng lượng ấm nóng chảy theo ý dẫn một cách rõ ràng khiến cho năng lượng đả thông Nhâm Đốc một cách dễ dàng, trong khi luyện tập đạo dẫn theo ý dẫn khí thông thường tập vài năm cũng chưa chắc thông suốt. 

Những người thổ nạp khí công theo Đan Điền sẽ thấy vùng Đan Điền tương ứng nóng rực lên. 

Ta bỗng thấy trào dâng trong lòng một sức mạnh vô hình khiến ta thở sâu hơn, thở mạnh mẽ hơn, năng lượng tươi mới trong lành tràn đầy trong huyết quản, năng lượng vận hành khắp châu thân khiến cơ thể ta rung lên như những đợt sáng dạt dào cuộn chảy. Lúc này ta hãy đặt ý niệm mãnh liệt vào mục đích mà ta mong muốn để sử dụng công năng dương khí của mặt trời đang hội nhập với năng lượng sinh học của cơ thể, để khai phá, vận hành năng lượng, điều chỉnh các rối loạn, kích phát tiềm năng tạo ra tần số sóng rung động của từng bộ phận, từng vùng cơ thể, hoặc điểm xung yếu đang có bệnh lý, hoặc toàn thân. 

Ta hãy tập trung năng lượng và thả lỏng để cho vùng cơ thể đó hoặc toàn thân chuyển động một cách tự phát tự nhiên theo chỉ định của ý thức về mục đích cụ thể. Thí dụ tôi đang điều chỉnh phần cổ gáy để chữa bệnh thiểu năng tuần hoàn não, thoái hóa đốt sống cổ, hay tôi đang tập trung điều chỉnh bệnh thần kinh tọa, hoặc tôi đang điều chỉnh bệnh khó thở, rối loạn nhịp thở …tùy tình trạng cụ thể của cơ thể mình mà đặt ý niệm tập trung và nương theo những chuyển động tự phát, tự nhiên mà cơ thể đã lựa chọn để vận hành năng lượng và chuyển động cơ thể cho thích hợp. 

Khi mặt trời đã lên cao, ánh sáng chói chang, gay gắt thì thu khí về Đan Điền Khí Hải với ý niệm mãnh liệt “Tôi ngừng lại đây “. Sau đó hít thở sâu điều hòa khí rồi xoa bóp phục hồi trước khi ngừng tập. Cũng có nhiều trường hợp cơ thể không vận động mạnh chỉ cảm nhận năng lượng mặt trời rồi rung lên nhè nhẹ, sau đó toàn thân tĩnh lặng cảm giác cơ thể ấm nóng và thậm chí phát ra các tia sáng (chỉ là cảm giác).

Luyện tập bài thái dương công giúp ta tiếp thêm sinh khí, da dẻ hồng hào, tăng cường sức khỏe, điều hòa tâm lý thiếu tự tin nhút nhát, tăng thêm lòng quả cảm và tính quyết tâm, quyết đoán. 

Đó là kinh nghiệm quý mà cha ông ta để lại. Tuy nhiên nên tập theo sự hướng dẫn của người thầy có kinh nghiệm lâu năm để tránh những phản ứng phụ có thể xảy ra. 

“THÁI THỤ KHÍ”

“Thái thụ khí” là một bí pháp của Phật môn nhằm giao hoà năng lượng khí cùng cây cỏ thiên nhiên, tiếp thêm nguồn sinh lực và khai tâm mở trí cho con người.

Cây cỏ sinh sống trong trời đất, hút nước và khoáng chất bổ dưỡng từ lòng đất, hít thở trao đổi khí trời, rồi lớn lên, trưởng thành, cằn cỗi, úa tàn và chết theo quy luật “sinh, trụ, hoại, diệt” cũng như quy luật của con người có “sinh, lão, bệnh, tử” theo lẽ tự nhiên vậy.

Đặc biệt những cây đại cổ thụ sống vài trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm tuổi, tích hợp trong cơ thể của cây nguồn năng lượng, tinh khí dồi dào của trời đất. Thường vị trí nơi những cây này sống là nơi tụ sinh khí, linh địa, khí thuận, gió hoà, có vậy cây mới có thể trường tồn, mạnh mẽ, thách thức cùng thời gian mưa to, gió lớn, bão tố phũ phàng….

Nguồn năng lượng này được cây tinh lọc, lắng đọng, tích tụ, có thể thăng hoa toả sáng bởi cây có tính kiên nhẫn, cần kiệm, thanh tâm, tĩnh trí, chứng kiến, giao hoà trước mọi biến dịch khắc nghiệt của thời tiết và mọi tác động khác sự sống. Cây chính là người thầy mà bạn có thể học được theo phương pháp thiền – định – tuệ, cảm nhận và trực chỉ tâm thức.

Không phải ngẫu nhiên Đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ đề cổ thụ, thực chứng tam minh, giác ngộ đại trí huệ tối thượng, trở thành người thầy vĩ đại của cõi thiên nhân Ta bà.

Cũng không phải ngẫu nhiên những bức tranh dân gian thường vẽ các vị tiên nhân thanh phong đạo cốt, râu tóc bạc phất phơ, sống sánh ngang cùng trời đất, ngồi đánh cờ dưới gốc cây tùng, cây bách xập xoè bóng hạc bay, ung dung tự tại trước mọi vần vũ cuộc đời và biến dịch của không gian, thời gian.

Rồi đến những bác nông dân giữa những đường cày nhát cuốc nặng nhọc, vất vả, họ chỉ cần ít phút giải lao thiu thiu ngủ dưới gốc đa cổ thụ đầu làng, hiu hiu gió mát, mọi mệt mỏi dường như tan biến, cảm giác dễ chịu thoải mái và sức lực phục hồi thật nhanh chóng.

Cây cối trong thiên nhiên gắn bó với con người thật mật thiết. Nguyên lý cơ bản của “Thái thụ khí” là “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.  Bạn hãy lắng tâm mình, gạt bỏ mọi tạp niệm và ý thức tư duy, tưởng tượng mình hóa thân thành cây, hòa nhập cùng cây, rung động cùng cây hoặc gắn bó tình cảm với cây. Bạn phải là cây thì mới hiểu được cây, giao hòa cùng cây, tiếp nhận năng lượng của cây. Chỉ khi cùng tần số rung động, sóng năng lượng tích tụ trong cây mới tràn sang cơ thể bạn được. 

Hãy tưởng tượng bạn đang đi trong một rừng cây lá xanh ngan ngát, cảm giác dễ chịu trong bầu không khí trong lành, bạn muốn hít căng lồng ngực để năng lượng tươi mới tràn ngập toàn cơ thể, thanh lọc trọc khí nặng nề bám víu, rũ bỏ phiền muộn, lo âu, khổ đau dằn vặt và những toan tính trong đầu. 

Bạn hãy dừng lại trước một cây cổ thụ, ngắm nhìn với tâm hồn rộng mở và sự cảm thông, rung động sâu sắc như ngắm nhìn người thân yêu nhất trong gia đình. Đôi bàn tay bạn hướng về cây, vòng tay bạn mở rộng như muốn ôm lấy người thân yêu của mình sau thời gian dài xa cách. Sau đó bạn nhắm mắt lại phát ý niệm mãnh liệt trong đầu muốn giao hòa năng lượng cùng cây. Từ trong sâu thẳm, năng lượng của cây sẽ tuôn tràn qua cánh tay của cơ thể bạn, bạn sẽ run rẩy trong sự an lành, phúc lạc, tâm hồn bạn trong veo, năng lượng của bạn sẽ hòa quyện cùng năng lượng của cây trong trạng thái đồng nhất thể. 

Lúc đó bạn có thể sẽ thấy một vầng ánh sáng chói lòa, những sắc màu lung linh, phong cảnh tuyệt đẹp hoặc một hình ảnh sống động cụ thể nào đó, bạn sẽ nghe thấy những âm thanh êm đềm hoặc những lời nói minh triết tự phát ra trong tâm trí bạn, bạn sẽ cảm thấy luồng khí ấm áp dễ chịu hay mát mẻ, dịu dàng vuốt ve cơ thể bạn, cơ thể bạn đung đưa, rung động theo những đợt sóng trào dâng …Đó là hiệu ứng giao hòa năng lượng, cộng thêm những phóng thể của tâm trí theo yếu tố nhân duyên. Ta cứ nương theo mà thụ hưởng cảm giác dễ chịu an lành đó bởi lẽ đó là sự hợp nhất tương thích giữa cơ thể ta và cây, giao hòa năng lượng. 

Tuy nhiên có thể chỉ định các biểu hiện đó vào mục đích có lợi cho cơ thể, hợp nhất giữa ý thức và vô thức trên nguyên tác ý thức chỉ đạo hướng và mục tiêu cụ thể, còn vô thức chỉ đạo sự vận hành theo phương thức tuân thủ qui luật tự nhiên và sự đòi hỏi đích thực của cơ thể thì sẽ đạt được hiệu quả cao và rõ ràng hơn. Qua bài tập “Thái thụ khí”  bạn sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về mối quan hệ tương tác gắn bó giữa con người và thiên nhiên cây cỏ, bạn sẽ ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường sống và mở rộng hơn lòng từ bi, cảm thông chia sẻ với vạn vật trong vũ trụ bao la. 

Thái thụ khí là một phương tiện hiệu quả nhưng khi tập luyện cần phải có thầy giỏi chỉ dẫn vì cần hiểu rõ phạm vi ứng dụng, phương pháp điều chỉnh, những vấn đề cần chú ý, chỉ định và chống chỉ định …Khi đã nắm chắc phương pháp, thực hành hiệu quả một vài lần với người thầy thì có thể tự tập được.

Tuy nhiên cần chú ý:

-Không phải cây cổ thụ nào cũng “thái thụ khí “được, có những loại cây tuy tích tụ nhiều năng lượng nhưng không phù hợp với con người có thể gây phản ứng phụ, khó chịu, bực bội, nóng giận, rối loạn tâm trí …thí dụ như cây gỗ lim, cây gạo, cây chuối …