Khỉ mốc là gì

Vẫn biết là cụ Tú ngậm ngùi và chua xót cho cái cảnh thi cử hỗn loạn thời mạt vận, nhưng vấn đề là con khỉ thì có tội tình gì để bị réo gọi mỗi khi người đời lâm vào cảnh chán chường vậy.

Về mặt sinh học mà xét, khỉ là một loài linh trưởng thông minh, có mối quan hệ gần gũi với loài người. Có lẽ, một trong những hình ảnh đọng lại nhiều nhất đối với thời niên thiếu của nhiều người chính là hình ảnh chú khỉ Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, xả thân hàng yêu diệt quái vì đại nghĩa. Gần đây hơn, một phiên bản khác của Tôn Ngộ Không là chú khỉ dễ thương Songoku trong truyện tranh Bảy viên Ngọc rồng cũng làm bao bạn nhỏ mê mệt để muốn một lần được hoá thân… thành khỉ.

Tuy nhiên, với tiếng Việt thì loài khỉ lại chẳng mấy khi được sắm vai người hùng. Ngược lại, khỉ xuất hiện trong nhiều kết hợp từ ngữ mang tính tiêu cực, đặc biệt là trong khẩu ngữ tiếng Việt.

Dùng khỉ để phủ định, bác bỏ

Khi ta muốn phủ định hay bác bỏ một điều gì đó, một trong những lối nói ưa dùng của người Việt là thêm các loài động vật vào. Trong số đó, khỉ được người Việt lựa chọn trong nhiều kết hợp phủ định khác nhau.

Trong khẩu ngữ tiếng Việt, loài khỉ thường gắn với những từ ngữ mang tính tiêu cực.

Tranh vẽ: Lời chúc ý nghĩa 'mùng 3 Tết thầy'

“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” gợi nhắc đến truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt.

08:00 10/2/2016

Chẳng hạn, khi bạn một mực khăng khăng rằng bạn đúng, tôi có thể đặt con khỉ vào trong câu nói của mình mà bảo rằng: “Đúng, đúng cái con khỉ”. Dĩ nhiên, một người Việt bình thường nhất cũng hiểu được rằng “con khỉ” này không phải là… “con khỉ”, mà đó chỉ là cách nói để nhấn mạnh rằng người nói không chấp nhận cái điều mà người nói trước đó đưa ra.

Kể ra thì cũng tội cho loài khỉ. Trong số vô vàn các loài vật, người ta lại không chọn con gà, con vịt hay con trâu để phủ định, bác bỏ. Có ai nói “Đúng cái con gà” hay “Giỏi cái con vịt” cả. Ngay cả một lô xích xông lũ “đồng loại” với khỉ như vượn, tinh tinh, hầu, bú dù, đười ươi, giã nhân, bạc má, lọ nồi… cũng không được dùng. Chỉ trừ ra mỗi khỉ.

Để phủ định, bác bỏ, người Việt có thể cho bất cứ từ ngữ gì trước “Cái con khỉ”. Ta có thể nói “Tết cái con khỉ”, với “Tết” là một danh từ để phủ định một cách suồng sã một thông tin nào đó về Tết. “Cái con khỉ” cũng có thể theo sau một động từ, chẳng hạn “Chạy cái con khỉ”, “Học cái con khỉ”; hay một tính từ như kiểu “Đẹp cái con khỉ!”.

Mà cũng lạ. Không chỉ có dạng phủ định theo kiểu “A + cái con khỉ”, người Việt còn lôi khỉ vào trong vô khối các kết hợp khác mang nghĩa phủ định. Chẳng hạn, “Cái khỉ mốc”, “Cái khỉ khô”, “Cái khỉ”, “Cái của khỉ”, đều có thể dùng để phủ định. Khi ai đó bảo rằng “Có cái khỉ mốc” thì không có nghĩa là có… con khỉ mốc, mà ai cũng hiểu nghĩa rằng không có cái gì cả.

Dùng khỉ để… ca thán và chửi

Nói đến chuyện ca thán hay chửi bới cũng thật tội nghiệp các hậu duệ của lão Tôn. Về khoản nhạy cảm này, người ta có thói quen kéo đàn khỉ vào cho bằng được. Câu thơ trên của Tú Xương là một ví dụ. Hơn một thế kỉ trôi qua kể từ cái thời thi cử “ới khỉ ơi là khỉ” đó, cho đến ngày nay, loài khỉ vẫn tiếp tục hiện diện trong những câu nói cửa miệng của người Việt khi vướng phải những chuyện bực mình, không vừa ý.

Đâu đó, ta vẫn bắt gặp người ta nói “Bố khỉ!”. Tất nhiên, đây chẳng liên quan gì đến… bố của con khỉ rồi. Đơn giản, đó chỉ là một quán ngữ dùng để chửi rửa. Người ta dường như dùng “Mẹ khỉ” ít hơn nhưng “Đồ khỉ”, “Đồ con khỉ”, “Đồ con tườu” cũng là một câu ca thán phổ biến. Cũng diễn tả sự bực bội, không vừa lòng, có khi người Việt cũng dùng cả các kết hợp “Khỉ thật”, “Rõ khỉ”.

Bú dù cũng là một từ khác chỉ loài khỉ. Vào thời Pháp thuộc, dân ta có câu nói vần vè cửa miệng dùng để chửi: “Mẹc xà lù bú dù con khỉ!”. Mẹc là từ chữ “merde” có nghĩa là phân trong tiếng Pháp. Còn xà lù [salaud] nghĩa là đồ khốn.  

Trong lối giao tiếp thông thường, bầu đoàn thê tử nhà khỉ thường bị gán ghép cho những ý nghĩa tiêu cực. “Trò khỉ” là những trò tinh ranh vặt vãnh, vô nghĩa, không đứng đắn. “Tán hươu tán vượn” là hành động mà giới trẻ thời @ vẫn đùa nhau là “chém gió”. “Ngợm” là một từ khác chỉ loài vật tưởng tượng, nửa người nửa vượn, dùng để chê bai những người xấu xí cả về hình thức và/hoặc tâm tính. Đười ươi cũng được dùng với hàm nghĩa tương tự. Chả thế mà, cụ Cao Bá Quát trong tâm trạng phẫn uất khi phải về nơi khỉ ho cò gáy làm giáo thụ đã ứng khẩu thành một câu đối rằng:

 Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái,

Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Tuy bị người ta gán cho nhiều ý nghĩa xấu như vậy nhưng khi gặp phải loài khỉ trong các câu chửi rủa, ca thán, ta cũng chớ nên thất vọng vội. Giả dụ, thường người nào đó mà bị chê trách là “đồ khỉ gió” chắc là phải xem lại những việc mình làm vì “đồ khỉ gió” mang một ý nghĩa tiêu cực.

Thế nhưng, giả sử một cô gái nói với người yêu của mình rằng “Đồ khỉ gió” “Khỉ gió cái nhà anh ấy” thì hẳn là anh chàng kia chẳng hơi đâu giận dỗi hay nổi cơn tam bành vì chuyện bị người yêu mắng. Đúng là bị mắng thật, nhưng bị mắng yêu, trách yêu như thế, ai nỡ đi đôi co làm gì. Còn thú vị là đằng khác nữa.

Cũng vậy, với hàm ý đùa cợt, tếu táo, một thành viên khác trong họ hàng nhà khỉ là “nỡm” cũng được người Việt dùng trong lời giao tiếp thường nhật. Hẳn là nhiều người trong chúng ta đã quen với hoặc ít ra cũng một lần nghe thấy các kết hợp theo kiểu: “Nỡm”, “Nỡm ạ”, “Đồ nỡm”, “Rõ nỡm”. Ấy là một lời trách móc hoặc không đồng tình một cách vui vẻ, nhẹ nhàng và thân mật. Cái ý trách móc, phủ định, chê bai hay không đồng tình bị nhoà mờ so với hàm ý vui vẻ, tếu táo. Tuy vào từng cảnh huống nói năng mà ý nghĩa của chú khỉ thay đổi một cách vô cùng linh hoạt và diệu kì.

Nhân xuân Bính Thân, nói hươu nói vượn về mấy cái chuyện khỉ gió nhà trời cho vui. Nếu các bạn đọc bài này mà than rằng nó chán thì người viết nó có thể nhoẻn miệng cười vui mà đáp rằng: “Chán… cái con khỉ”.

Chủ Đề