Hướng dẫn làm hồ thủy sinh

Để làm bể cá thủy sinh bạn chỉ cần nắm các bước cơ bản sau :

+ Chọn không gian, chủng loại và kích thước để đặt bể cá thủy sinh.

Với không gian nhỏ hẹp trên bàn làm việc thì các loại bình thủy tinh mini, bình tròn là phù hợp nhất. Điều quan trọng bạn cần nhớ rằng, kích thước của miệng bình phải đủ để bạn cho tay vào hoặc vợt bắt cá vào để tiện cho việc vệ sinh sau này.

+ Chuẩn bị bể kính : Có thể đặt mua bể cá cảnh thủy sinh hoặc tự làm bể, yêu cầu sao cho bể kiếng nuôi cá cảnh có bộ lọc và đèn phù hợp để đảm bảo an toàn, kỹ thuật và mỹ thuật.

+ Lọc cho bể thủy sinh thường làm lọc tràn, vì ngoài chức năng lọc nước bể thủy sinh

+ Làm nền bể thủy sinh : Có rất nhiều loại phân nền và cách làm nền, mỗi chỗ mua bể thủy sinh có những kỹ thuật làm nền riêng, vì vậy người mới chơi khi setup bể thủy sinh nên tìm hiểu căn bản kỹ thuật và nhờ người bán phân nền tư vấn thêm là phù hợp nhất, khi chưa có kinh nghiệm thì chỉ nên bắt đầu với các loại cây thủy sinh dễ sống mà thôi.

+ Tham khảo các mẫu bể thủy sinh đẹp rồi trang trí thêm cho bể bằng đá, sỏi, lũa cho sinh động.

+ Cho nước và cắm cây thủy sinh vào bể : thường thì cho nước vào khoảng 2/3 bể rồi cắm cây thủy sinh, dùng cái nhíp [dụng cụ y tế] để cắm cây theo bố cục mình thích, sau đó thêm đầy nước vào bể.

+ Cho lọc bể cá cảnh chạy [24/24]

+ Mở đèn cho bể kiếng thủy sinh bình quân khoảng 10 giờ mỗi ngày [tốt nhất mở 5 giờ buổi sáng + tắt 2 giờ nghỉ buổi trưa + mở thêm 5 giờ buổi chiều tối], hạn chế mở ban đêm vì có một số loại cây cần được “ngủ”.

Hướng dẫn cách làm phân nền cho hồ thủy sinh đẹp tại nhà:

Bước 1: Cho nền trộn vào đáy hồ, nền có dạng dẻo như đất sét nên rất dễ thao tác.

– Hồ nhỏ nuôi cá thì không cần phân nền, bạn chỉ cần sỏi suối là đủ. Tuy nhiên nhiều bạn rất thích trồng cây thủy sinh kết hợp chung với nuôi cá.

– Các loại phân nền công nghiệp thường bán một bịch luôn 2kg, giá bán rẻ nhất là 45k/bịch, nên thật sự là lãng phí nếu mua cả bịch.

– Có vài giải pháp cho bạn. Bạn có thể liên hệ người quen chơi thủy sinh, lấy một ít nền cỡ nắm tay là đủ dùng, nền đã qua sử dụng cũng được vì dinh dưỡng vẫn còn.

Ngoài ra bạn có thể mua một chai phân nước, giá bán chỉ khoảng 25k một chai 125ml. Mỗi tuần chỉ cần nhỏ 1-2 giọt là cây và cá đều sống khỏe. Chai phân nước rất vệ sinh nên hồ của bạn sẽ không lo bị váng như sử dụng phân nền. Một chai như vậy dùng cả năm cũng chưa hết.

Bước 2: Dùng tay hay dụng cụ ép nền xuống đáy hồ. Để thẩm mỹ ta nên bo viền chung quanh, cách thành kính khoản 10 ly – 20 ly vì khi ta rải sỏi, cát phía trên và xung quanh thì sẽ không nhìn thấy lớp nền trộn ở giữa.

Bước 3: Cho sỏi, cát phía trên nền trộn tối thiểu 5 – 6 cm, nhằm tránh tình trạng bị xì nền khi nhổ cây có rễ to. Nên rải sỏi + nền cao ở khu vực hậu cảnh gấp đôi phía trước để tạo chiều sâu cho bố cục.

– Với hồ có kích thước nhỏ, bạn chỉ cần mua một ít sỏi suối rải bên dưới đáy bình vừa giúp tạo chỗ cho vi sinh trú ngụ, vừa giúp cho cá không bị stress trong môi trường nhân tạo.

– Sỏi suối có nhiều loại, loại nhỏ như hạt cát và loại to hơn ngón tay. Nếu bạn muốn dễ vệ sinh và tái sử dụng được thì chọn loại sỏi to cỡ hạt đậu trở lên là được, không nên chọn quá to hoặc quá mịn.

Bước 4: Ta có thể xây dựng bố cục sơ bộ cho hồ thủy sinh.

Trồng một ít thủy sinh: Với hồ nhỏ chỉ cần một vài cây thủy sinh là được. Bạn có thể đến cửa hàng chuyên về thủy sinh và chọn các loại cây như rong đuôi chồn và tiểu bảo tháp.

Bước 5: Vào nước với dòng chảy nhẹ, nên lót dĩa tròn hay bao nylon dày phía dưới,  tránh dòng chảy trực tiếp vào lớp sỏi, cát làm xáo trộn nền.

Bước 6: Nếu không thích cây thủy sinh, bạn có thể chọn bèo tấm hoặc các loại rong thông dụng cũng được. Khi mua cá, bạn nói người bán kèm cho bạn một ít rong hoặc bèo để thả lên mặt hồ là đẹp. Loại rong ở tiệm cá thường là rong đuôi chó [nhiều] và rong xương cá [ít]. Các loại rong này bạn sẽ thả nổi trong bình giúp làm trong nước và làm thức ăn cho cá.

Bước 7: Ánh sáng

Bạn có thể tận dụng nguồn sáng mặt trời nếu bàn làm việc ở gần cửa sổ. Nếu không thì đèn bàn cũng đủ cho nhu cầu của cây rồi. Đó là lý do bạn chỉ nên chọn cây không yêu cầu cao về ánh sáng.

Bước 8: Thả cá

Thời điểm thả cá tùy thuộc vào nguồn nước và loại nền bạn chọn. Nếu là nước máy thì sau khoảng 2 ngày mới thả cá để clo bay đi. Nếu chọn nền công nghiệp thì cần ít nhất là 1-2 tuần, mỗi tuần phải thay 50% nước để giảm NO3, nếu không sẽ làm chết cá.

  • Các bước cơ bản để làm một bể cá thủy sinh

Trước đây tôi đã đọc khá nhiều bài cũng như trải qua rất nhiều lần làm hồ thủy sinh nhưng việc cụ thể hóa các bước và hướng dẫn làm hồ thủy sinh 1 cách cụ thể và rõ ràng cho các bạn mới dấn thân vào con đường này thì cũng tương đối ít. Đối với những người mới nhập môn thủy sinh, họ thường không biết thú chơi này cần những gì và phải thực hiện như thế nào, mong rằng qua phần giới thiệu của tôi các bạn sẽ phần nào hiểu rõ những vật dụng cần thiết và trình tự thực hiện các bước, qua đó sẽ giúp đơn giản hóa và giảm bớt chi phí cho người mới bắt đầu chơi.

Bước 1: Chọn hồ, chân hồ có kích thước phù hợp và vị trí đặt hồ:

Bạn nên đặt mua hay tự dán 1 hồ thủy sinh với kích thước phù hợp không gian và ý thích của bản thân, kích thước hồ cho người mới bắt đầu thường là 60x40x40cm hay 50x35x35cm tương ứng với dài rộng cao, hay bạn cũng có thể chọn hồ có kích thước vuông như 30x30x30cm hay 40x40x40cm. Vì hồ thủy sinh khi đã thực hiện thì việc di dời là rất khó và tốn công sức nên ta phải xác định vị trí đặt hồ cố định và chân hồ phải vững chắc để chịu được sức nặng lớn, do ko phải chỉ có hồ mà còn cả nước, phân nền, cây thủy sinh, đèn… nhiều thứ khác nữa.

Bước 2: Chọn nền thủy sinh và trải nền:

Nền là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho cây thủy sinh cũng như làm giá thể cho rễ cây nên phải chọn loại nền phù hợp và có thời gian sử dụng tương đối dài, ngoài ra nền còn là chỗ trú ngụ của vi sinh vật, thường thì hàng năm chúng ta có thể thay đổi nền một lần khi nền đã hết chất dinh dưỡng hay đổi bố cục mới.

Nền thủy sinh phân làm 2 loại:

– Nền công nghiệp: các thương hiệu lớn Gex, OK, ADA… thành phần bộ nền bao nhiêu lớp và phụ gia cần thêm gì  là tùy nhà sản xuất qui định. Ưu điểm của nền công nghiệp là đơn giản, dễ sử dụng và dễ sắp xếp bố cục nhưng giá thành cao và độ bền kém hơn nền tự trộn.

– Nền tự trộn: bao gồm lớp dinh dưỡng chính dưới đáy và lớp xỏi hay cát để dằn phía trên. Nền tự trộn có ưu điểm là độ bền cao hơn nền công nghiệp nhiều nhưng cần có kinh nghiệm trộn nền và trồng cây để tránh bị xì nền.

Bước 3: Sắp xếp bố cục theo ý tưởng định trước:

Đá hoặc lũa là sự lựa chọn hàng đầu khi tạo hình bố cục cho hồ thủy sinh, ta nên xác định bố cục và phác thảo ý tưởng trước để khâu sắp xếp được hoàn tất như ý.

Bước 4: Cho nước vào hồ:

Cho 1 lượng nước vào hồ cao hơn lớp phân nền khoản 10 phân, nên cho nước vào nhẹ nhàng chiếc dĩa hay tấm lót trên mặt nền để tránh làm xói nền, bụi bay mù mịt. Việc cho nước vào ít như vậy mục đích để việc trồng và cắm cây dễ dàng hơn.

Bước 5: Trồng cây:

Tuỳ vào từng đặc điểm của từng loại cây mà ta bố trí ở các vị trí khác nhau trong hồ, ví dụ cây phát triển cao thì phải trồng khu vực phía sau và ngược lại cây dạng thấp thân bò thì bố trí khu vực phía trước, rêu cũng được cột vào lũa hay đá theo ý tưởng định trước. Các hốc đá và chân lũa nên cắm cây hay đặt những cụm rêu để che đi khuyết điểm. Nên trồng cây bằng kẹp dài để thao tác dễ dàng.

Bước 6: Cho nước vào đầy bể:

Nên cho nước vào nhẹ nhàng và từ từ để tránh làm xáo trộn bố cục và cây mới cắm.

Bước 7: Lắp các thiết bị cần thiết khác:

Gồm đèn, lọc thủy sinh, bình khí co2, máy làm lạnh nước hay cây sưởi. Về đèn và lọc thì tôi đã có bài viết trình bày khá kỹ các bạn có thể tham khảo lại. Lọc phải được chạy 24/24 để phát triển hệ vi sinh và đèn nên mở 8-10 tiếng 1 ngày thôi. Bình co2 là một thiết bị rất cần thiết nhưng đôi khi vì sợ nguy hiểm và tốn kém nên một số bạn thường bỏ qua nhưng tôi nhấn mạnh nếu không có lượng co2 phù hợp trong nước thúc đẩy quá trình quang hợp thì cây cối sẽ rất èo uột và chậm lớn. Ngoài ra thì còn cần có cây sưởi nếu thời tiết ở khu vực bạn sinh sống quá lạnh, nên giữ nhiệt độ tầm 22 đến 29. Ngược lại nếu thời tiết quá nóng thì phải sử dụng chiller là máy làm lạnh nước. Muốn tiết kiệm điện thì có thể dùng quạt làm mát nước.

Bước 8: Kiểm tra các thông số trong hồ thủy sinh:

Đo các thông số như Ph,TDS… và kiểm tra nhiệt độ ở mức cho phép như đã nói. PH lý tưởng là tầm 6,2 đến 6,8. Các thông số khác như KH, TDS… cũng không quan trọng lắm trừ khi bạn nuôi tép cảnh.

Bước 9: Thả cá, tép:

Sau khi hoàn tất các bước trên ta nên chạy rà trơn vài ngày để môi trường trong hồ tương đối ổn định, sẽ mất vài ngày đến 1-2 tuần tùy điều kiện từng hồ. Sau đó ta thả ít cá thủy sinh để kích thích hệ vi sinh phát triển, không nên thả nhiều vì hiện giờ hồ chưa ổn định, nếu thả nhiều càng làm môi trường hồ mất cân bằng, cá sẽ chết.

Bước 10: Vệ sinh và chăm sóc hồ hàng tuần:

Thay nước và châm thêm các loại phân nước, phụ gia xử lý nếu cần thiết. Việc thay nước thường xuyên sẽ đảm bảo môi trường nước trong hồ thủy sinh luôn sạch sẽ. Nếu không bị rêu hại hay vấn đề khác thì nên thay khoản 1/3 hay 1/4 lượng nước. Điều này rất cần thiết cho sự phát triển của cây cối, cá tép trong hồ thủy sinh. Vào thời gian đầu hồ chưa ổn định nên sẽ có sự mất cân bằng về dinh dưỡng, thường là bị dư dinh dưỡng do nền mới quá bốc, trong hồ sẽ phát sinh rêu tảo hại cùng nhiều vấn đề khác ta cần chú ý chăm sóc hồ kỹ lưỡng, thả thêm cá tép ăn rêu hại nếu cần thiết.

Mong rằng những điều tôi trình bày sẽ giúp ích cho mọi người, đây là những trải nghiệm tôi đã góp nhặt được trong những năm chơi thủy sinh, có thể còn thiếu sót nhưng cũng tương đối đầy đủ, dễ hiểu và rõ ràng, các bạn có thể đóng góp thêm để bài viết hoàn thiện hơn.

Author: Denis Phương

Video liên quan

Chủ Đề